Lộ Trình Nào Cho Bằng Lái A0? - VOV Giao Thông

Lộ trình nào cho việc cấp giấy phép lái xe hạng A0 để vừa đảm bảo tiêu chuẩn cấp giấy phép lái xe, vừa tạo thuận lợi cho các em học sinh và những người sử dụng phương tiện này? Các chuyên gia đề xuất giải pháp gì?

Việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện dưới 50cm3 cần phải có lộ trình và tính toán các phương án thực hiện cho phù hợp, bởi đối tượng chịu tác động chủ yếu của quy định này là học sinh độ tuổi từ 16 - 18

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Có mặt tại cổng trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) vào lúc 7h sáng, phóng viên VOVGT ghi nhận phần lớn học sinh tại đây đến trường bằng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện và moto dưới 50cm3.

Bên cạnh những học sinh chấp hành tốt luật giao thông thì vẫn có nhiều em không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... trên đường đến trường. Do vậy, rất nhiều phụ huynh và chính các em học sinh đều cho rằng: cần cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện này:

"Rất cần, nhiều khi các cháu không nắm vững được luật đâu! Cứ đi bừa bãi, phóng nhanh vượt ẩu là một, đi không xin đường là hai... Giao cho con em mình mà đi thế này nguy hiểm lắm!"

"Em nghĩ việc này là tốt! Trong lớp em chỉ có một số bạn nhà gần đi bộ, còn chủ yếu là sử dụng xe đạp điện, xe máy điện để đến trường. Tình trạng bây giờ học sinh đi xe nhiều lúc ý thức rất là kém và có thể khả năng xử lý tình huống chưa có".

Đánh giá về nguy cơ mất an toàn đối với học sinh khi lưu thông bằng xe dưới 50cm, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, năm 2020, toàn quốc có 556 vụ TNGT liên quan đến xe máy dưới 50cm3, trong đó có 117 vụ có nguyên nhân trực tiếp là do phương tiện này gây ra.

Theo ông Bình, xe máy dù dưới 50cm3, xe máy điện dưới 4kW nhưng tốc độ rất khác, tốc độ rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông:

"Nội dung này đã được bàn thảo trong hồ sơ Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có tính đến vấn đề này và Cục chúng tôi đã nghiên cứu và đưa vào nội dung là các cháu đến đủ 15 tuổi thì nhà trường, các trường phải dạy cho các cháu đủ kiến thức về Luật Giao thông".

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, qua thăm dò dư luận xã hội cho thấy, người dân rất đồng tình với chủ trương cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện dưới 50cm3. Hiện Tổng cục Đường bộ VN đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các chuyên gia để nghiên cứu phương án để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp:

"Nguyên tắc là làm sao các kiến thức đưa vào học đơn giản, dễ hiểu, cung cấp đầy đủ các kiến thức về giao thông đường bộ, để hầu hết học sinh các em nắm được và thực hiện đảm bảo an toàn giao thông và phương án là phải thuận tiện, chi phí tiết kiệm, tức là không tốn kém nhiều cho các em".

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng UBATGTQG cho rằng, việc cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện dưới 50cm3 là quy định hết sức bình thường vì nhiều nước trên thế giới đều đã áp dụng từ lâu.

Tuy vậy, để thực hiện được điều này, cần tính toán cụ thể về lộ trình và biện pháp thực hiện. điều quan trọng nhất là làm sao để học sinh phải trải qua các khóa đào tạo, sát hạch về kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như quy định của Luật Giao thông đường bộ trước khi cho phép lái xe ra đường:

"Trong hệ thống nhà trường chúng ta đang giáo dục về an toàn giao thông trong hệ thống phổ thông và bản thân các cháu trong các trường cấp 3 thì các cháu vẫn đang chạy xe gắn máy, quy tắc giao thông các cháu cũng nắm được rồi. Vấn đề còn lại là chúng ta tuyên truyền và hoàn thiện lại các vấn đề liên quan đến kỹ năng, quy tắc giao thông và một số hướng dẫn cụ thể để đảm bảo các cháu có thể đi lại được an toàn".

Dẫn kinh nghiệm một số nước có tỷ lệ TNGT thấp, chuyên gia Doãn Minh Tâm cho rằng, sau khi tốt nghiệp ở trường, họ chỉ cấp 1 bằng lái tạm thời, sau đó mất 1 năm để từ bằng tạm thời trở thành bằng chính thức. Trong 1 năm đó, nếu chỉ 1 lần vi phạm Luật giao thông, học viên phải thi lại từ đầu:

"Chính trong thời gian ít nhất 1 năm như vậy, thì vô hình trung tất cả những hoạt động ấy nó trở thành ý thức, nó trở thành kỹ năng, khi đó nó làm cho văn hóa giao thông được nâng cao và ý thức tham gia giao thông được tang lên".

Các ý kiến cũng cho rằng, việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện dưới 50cm3 cần phải có lộ trình và tính toán các phương án thực hiện cho phù hợp, bởi đối tượng chịu tác động chủ yếu của quy định này là học sinh độ tuổi từ 16 - 18. Về điều này, một số ý kiến bày tỏ:

"Em nghĩ là chỉ nên giới hạn trong khoảng thời gian ngắn thôi vì bọn em còn bận đi học".

"Em nghĩ nên linh hoạt về thời gian, và sau này nếu bọn em muốn nâng lên hạng bằng cao hơn để điều khiển xe phân khối lớn hơn thì sẽ không phải học lại lý thuyết nữa, mà chỉ cần thi lại thực hành thôi".

Chỉ khi ý thức chấp hành pháp luật về tham gia giao thông được định hình trong trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thì mới mong có những công dân chấp hành pháp luật nói chung, Luật giao thông đường bộ nói riêng khi trẻ trưởng thành

Việc bắt buộc người điều khiển xe gắn máy dưới 50 cm3, xe máy điện là cần thiết. Dưới góc nhìn của VOVGT, với việc thêm hàng vạn trường hợp từ 16 đến 18 tuổi cần được cấp bằng lái, cần có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến việc học tập của lứa tuổi này. Đặc biệt, nếu ngay từ đầu việc sát hạch không nghiêm túc, khó có thể hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông ngoài đường:

Mời các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: Phải xem Luật Giao thông là môn học bắt buộc

Theo một kết quả khảo sát về tai nạn giao thông của Bệnh viện Việt Đức năm 2017 cho thấy có tới 80% số vụ cấp cứu do TNGT xảy ra ở nhóm trẻ từ lớp 8 đến lớp 12 và trên 80% thương vong cũng nằm trong nhóm này.

Hiện có 52% học sinh bậc trung học phổ thông đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thống kê TNGT hàng năm cũng cho thấy, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong vì TNGT, trong đó phần lớn rơi vào lứa tuổi 16-18 tuổi.

Việc tổ chức sát hạch và cấp bằng lái đối với người từ 16-18 tuổi khi điều khiển phương tiện dưới 50cm3 và xe máy điện dưới 4kW là rất cần thiết. Tuy nhiên việc triển khai cần có lộ trình, đồng bộ. Đây tuyệt đối không phải là thủ tục để “hợp thức hóa” cho chuyện trẻ em lái xe ra đường.

Tuy vậy, với gần 3 triệu học sinh cấp trung học phổ thông, nhu cầu đào tạo, sát hạch để được cấp bằng là rất lớn. Nếu đồng loạt yêu cầu các em đến các trung tâm đào tạo lái xe để học, để thi sát hạch sẽ gây xáo trộn không nhỏ và là điều khó khả thi khi các em phải sắp xếp giữa việc học ở trường và học thi bằng lái.

Để khắc phục vấn đề này, trước hết, việc giáo dục về Luật Giao thông đường bộ cần được thực hiện một cách bài bản ngay trong trường học. Hiện nay, việc giáo dục về ATGT đã được lồng ghép trong tiết học, các buổi học ngoại khóa ở các cấp tiểu học, giáo dục phổ thông.

Vấn đề là phải hoàn thiện lại các kỹ năng tham gia giao thông, một số quy tắc tham gia giao thông và hệ thống hóa lại trong hệ thống nhà trường. Việc thi sát hạch cũng có thể thực hiện ngay tại trường học, xem như thi những môn thi bắt buộc.

Học sinh thi đạt sẽ được cấp bằng lái, hoc sinh nào trượt sẽ được thi lại. Thực hiện được điều này không những không gây xáo trộn cho các em học sinh, mà vẫn đủ để trang bị kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, để các em tham gia tham thông an toàn.

Như vậy, ngành giáo dục cần xem Luật giao thông đường bộ như một môn học bắt buộc. Các em sẽ được đào tạo xuyên suốt từ cấp I, cấp II, đến khi đủ 16 tuổi, các em có thể được cấp giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện dưới 50 cm3 và đủ 18 tuổi có thể được thi bằng lái để điều khiển mô tô, xe máy thông thường.

Làm được điều này, từ 16 tuổi trở lên, trẻ hoàn toàn nắm được các quy tắc tham gia giao thông, nhận diện biển báo, khả năng đoán trước và phòng tránh những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Về phía phụ huynh, trên cơ sở thấu hiểu tâm lý và khả năng nhận thức của trẻ em theo từng độ tuổi, từ đó, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tìm hiểu luật, đi đúng luật, chọn xe cho con đúng quy định, đúng độ tuổi.

Chỉ khi ý thức chấp hành pháp luật về tham gia giao thông được định hình trong trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thì mới mong có những công dân chấp hành pháp luật nói chung, Luật giao thông đường bộ nói riêng khi trẻ trưởng thành./.

Từ khóa » Cách Thi Bằng Lái A0