Loa Phường: Bỏ Hay Giữ? - Tuổi Trẻ Online

Loa phường: bỏ hay giữ? - Ảnh 1.

Loa phường được gắn tại TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Trang báo hôm nay, Tuổi Trẻ trích ý kiến của ba bạn đọc về chuyện này. Ý kiến của bạn thì sao?

Chẳng khác gì làm khổ nhau!

Hà Nội đang dự kiến phấn đấu đến năm 2025 sẽ "phủ sóng" toàn bộ hệ thống truyền thanh (dân gọi là loa phường). Đai diện của Sở Thông tin - truyền thông nêu rõ việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được chủ trương của địa phương cũng như "việc nội bộ" ở địa bàn.

Ý định là tốt, nhưng hồi sinh hệ thống mạng lưới loa phường là hoàn toàn không ổn, chẳng khác nào lại làm khổ nhau.

Phải thẳng thắn khẳng định, loa phường từng có vị trí lịch sử của nó, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, những chiếc loa treo khắp xóm thôn, khắp đường phố luôn là bạn đồng hành với tất cả mọi người.

Nó có nhiệm vụ phổ biến chính sách, động viên nhân dân, nâng cao nhận thức thông qua những chương trình giải trí... Ai từng sống qua những năm tháng ấy đều nhớ những đóng góp đáng kể cho đời sống và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đó là phương tiện thông tin đại chúng được coi là phù hợp với hoàn cảnh khi ấy với kỹ thuật đơn giản, giá thành rẻ, loa phường lan tỏa nhiều nội dung.

Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các đô thị đã lần lượt loại bỏ loa phường, chỉ giữ lại ở khu vực nông thôn.

Việc này rất được ủng hộ, bởi người dân không còn muốn nghe thêm những âm thanh ồn ào từ loa. Những bước tiến khổng lồ của phát thanh, truyền hình, báo chí, Internet, điện thoại thông minh... lại càng khiến cho loa phường phải lùi sâu vào dĩ vãng.

Những điều loa phường đảm đương trước đây, giờ được thể hiện qua các kỹ thuật mới vừa tiện lợi, vừa hiện đại. Kể cả những việc như truyền đạt thông tin nội bộ của từng cụm dân cư, cái mà loa phường thường tự hào chiếm thế độc tôn thì vẫn có thể cập nhật dễ dàng.

Thực tế cho thấy, từ lịch cắt điện, cúp nước đến thông báo sinh hoạt khu phố, chích ngừa, hội họp, học hành... đều đang được thông qua tính năng của điện thoại di động, vật bất ly thân, hầu như người nào cũng có.

Có cần duy trì loa phường? Người thành thị đang phải sống với nạn ô nhiễm tiếng ồn nên không muốn ồn thêm, nhất là vào ngày nghỉ.

Có nhiều cách để phát huy công tác tuyên truyền, cần dựa vào khoa học - kỹ thuật để đưa thông tin đến mỗi người dân một cách thân thiện, nhẹ nhàng, nhanh chóng nhất. Sao vẫn mãi tồn tại thứ loa phường ồn ào, nhằng nhịt dây nhợ?

Nếu ai đó còn luyến tiếc loa phường, cho rằng đây là loại hình "không thể thay thế" thì nên tổ chức lấy ý kiến dân. Qua đó mới có cơ sở tin cậy để cân nhắc nên hay không nên cho loa phường "hoàn thành sứ mệnh".

Có những lúc tiếng loa thật hữu ích

Có những chương trình truyền thanh ngắn gọn thôi cũng khiến người ta không thể nào quên. Khi tôi xếp hàng mua thức ăn siêu thị ngày giãn cách năm ngoái, tôi được nghe trên loa thông tin những con số về ca nhiễm, ca đang điều trị, ca tử vong ở phường mình.

Xung quanh tôi lúc đó, ai cũng lắng nghe loa. Khi ở nhà, tôi không được nghe những thông tin này do loa gần nhà bà con phản đối quá đã phải "tắt tiếng" từ lâu. Lúc đó tôi nghĩ, tại sao mình đọc báo chuyện nơi xa mà tình hình nơi mình đang sống mình không biết?

Đầu tháng 5-2014, gia đình tôi từ TP.HCM ra Đà Nẵng. Tiếng loa sáng ở bãi biển Phạm Văn Đồng đưa tin về giàn khoan Hải Dương 981.

Tôi nhớ như in gương mặt nhiều người cùng nghe loa như tôi hôm ấy, những lời mọi người nói với nhau về biển Việt Nam mình với một cảm xúc không thể nào quên.

Về miền Tây Nam Bộ, 5h30 đã không thể ngủ nướng vì tiếng loa truyền thanh của huyện truyền về từng xã, đưa tin tức huyện và tỉnh, có cả những câu chuyện truyền thanh rất dân dã gần gũi, sau đó là tiếp âm chương trình thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ở nơi bà con không dễ mua được tờ báo, cũng không có thói quen tìm kiếm tin tức trên điện thoại, tiếng loa truyền thanh ở nông thôn, tỉnh lẻ như một món điểm tâm bổ ích, nhiều người vẫn thích bàn về những chuyện loa. Và tôi không nghe thấy ai phàn nàn gì về cái loa quen thuộc.

* Bà Nguyễn Thị Mai Hương (phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội):

Loa phường Hà Nội sẽ "thân thiện với người dân"

Loa phường là hình thức truyền phát thông tin không thể thay thế được. Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội đang nỗ lực để thay đổi cách thức hoạt động "để thân thiện với người dân hơn".

Các cộng đồng dân cư có nhu cầu khác nhau, không thể bắt bác tổ trưởng tổ dân phố đến từng hộ dân để thông báo thông tin.

Nhắn tin qua Zalo thì có người đọc, có người không. Nhưng khi phát qua hệ thống loa, người dân nắm được, truyền tải lại cho nhau, nên các chủ trương của thành phố, hoạt động nội bộ của cụm dân cư rất hiệu quả. Trong đợt dịch, vai trò phát huy rất là đặc biệt, loa truyền thanh hoạt động rất hiệu quả.

Về lo ngại tiếng ồn, sở đã nhiều lần tham mưu cho thành phố dần thay đổi để loa phường thân thiện hơn với người dân.

"Trước đây, tại các phường thường để các cụm loa lớn, có nơi để gần chục loa. Sau đó các phường đã đặt ít loa đi. Mỗi lần phát thanh kéo dài 15 phút sẽ không gây tiếng ồn đến mức lo ngại. Thông tin đưa lên loa phường phải là rất thiết yếu cho cộng đồng thì mới được phát. Trong 1 tuần, các phường sẽ phát 5 ngày, trừ thứ bảy và chủ nhật.

Thành phố sẽ nỗ lực để loa phường trở nên gần gũi, sát dân nhất và đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng nhỏ.

PHẠM TUẤN

Cần bảo tồn và phát huy

47b81af2eb3a2964702b 1(Read-Only)

Một kiểu quảng cáo bán tôm cá xen lẫn giữa những thông tin trong nhóm Zalo của một tổ dân phố thuộc khu phố 6, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM khiến nhiều cư dân khó chịu - Ảnh: T.V.

Ở vùng nông thôn quê tôi, đều đặn cứ 4h30 (mùa hè) và 5h (mùa đông), nhạc hiệu từ bài hát Giải phóng Điện Biên cất lên hùng tráng. Tiếng loa là âm thanh cuộc sống quen thuộc bấy lâu, không phiền mấy.

Ở khu vực thành thị, giờ "lên sóng" muộn hơn khoảng nửa tiếng. Đó là lúc công nhân chuẩn bị bữa sáng, người buôn bán sớm mở cửa đón khách, cán bộ công chức cũng "khởi động" cho một ngày làm việc mới. Học sinh cũng dậy sớm, chuẩn bị đến trường.

Loa phường báo hiệu âm thanh ngày mới, một nét văn hóa khá thú vị trong cuộc sống.

Trong khi Hà Nội bàn tính chuyện "khôi phục" loa phường, nhiều tỉnh thành khác từ thành thị về nông thôn bấy lâu nay vẫn đều đặn tiếng loa truyền thanh mỗi sáng (trừ ngày cuối tuần). Tiếng loa vẫn được bảo tồn lâu nay và nội dung trên loa ở nhiều nơi ngày càng phong phú.

Cá nhân tôi rất ủng hộ chủ trương làm "sống lại loa phường" của UBND TP Hà Nội. Nên nâng cấp, đổi mới hệ thống loa và nội dung chương trình. Không nhất thiết phải ngày hai lần sáng tối cũng không cần liên tục hằng ngày, thời lượng 30 phút/lần là vừa.

Khoan cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh". Không thể vừa đi chợ, nấu ăn sáng vừa xem tivi, hoặc vừa tập thể dục ngoài đường vừa đọc báo. Cũng cần tính đến những người không còn khả năng xem, đọc, chỉ biết nghe tin tức qua giọng nói của người khác.

Mạng xã hội giờ đây tạo điều kiện cho cán bộ cấp cơ sở lập những nhóm (group) Zalo, tương tác với các hộ gia đình, nhằm thuận lợi hơn trong chia sẻ tin tức.

Thực tế một cán bộ thật sự quá tải khi phải tham gia và làm nhóm trưởng của khá nhiều nhóm khác nhau với hàng trăm thành viên.

Trên đó, mạnh ai nấy tranh thủ quảng cáo bán hàng, nói chuyện riêng..., gây phiền cho nhau còn hơn nghe loa phường.

Cách thông tin này rất tốt trong những ngày giãn cách xã hội vì COVID-19, nay không hiệu quả mấy, rất nhiều người đã bỏ theo dõi thông tin Zalo của phường và của tổ dân phố.

Để giảm tiếng ồn từ loa, có thể hạn chế loa cỡ lớn bằng cách "chia" thành nhiều loa nhỏ, mật độ dày hơn.

Gần dây, trong dịp về một xã ở tỉnh Ninh Bình, tôi thấy bất ngờ với tiếng loa của xã. Không còn những cụm loa chung, mỗi nhà dân có một loa có công suất vừa đủ, "ngoại hình" gần giống chiếc radio ngày trước.

Nên tính lại nơi đặt loa tùy đặc điểm từng khu dân cư. Sẽ thuyết phục được đông đảo người dân nếu loa phường tái xuất hiện với diện mạo mới mẻ và khoa học hơn trước.

Trong mỗi chương trình trên loa phường ngày nay còn chứa đựng cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ làm công tác tổng hợp, biên soạn và "phát thanh viên".

Cạnh tranh thông tin trong lĩnh vực nghe nhìn không hề đơn giản. Họ luôn phải đầu tư, chọn và phát những tin bài hữu ích, thiết thực với đời sống của cư dân địa phương mình để lời trên loa hữu ích nhất, "ít đụng hàng" với thông tin nơi khác.

TRẦN VINH

Trang bị Trang bị 'loa phường' ở Hà Nội: Cần hỏi ý kiến người dân

TTO - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng Hà Nội cần có đánh giá tác động, lấy ý kiến của người dân về việc 'khôi phục loa phường', chứ không thể dựa vào ý chí chủ quan hay vì những thời điểm nhất định cần loa phường mà nghĩ lúc nào cũng có ích.

Từ khóa » Diễn Viên Loa Phường 2