Loài Bò Biển Tại Việt Nam “lâm Nguy”

 

 

 

Số lượng suy giảm trầm trọng

 

Bò biển có thân hình con thoi, đuôi dạng vây nằm ngang, chi trư­ớc có hình mái chèo và dùng để bao con cho bú. Đây là loài thú biển duy nhất ăn cỏ, con đực dài 2,5 – 3,15m, con cái nhỏ hơn: 2,4 – 3 m. Chúng thường sống ở vùng ven bờ biển, nơi có nhiều thức ăn là rong biển, cỏ biển, trung bình một con bò biển ăn hết 25 kg cỏ biển.

Những ngư dân lớn tuổi ở Côn Đảo cho biết, quần thể bò biển ở Côn Đảo đã tồn tại từ lâu đời, đến sau năm 1975 vẫn còn khá nhiều (ước chừng vài chục con) nhưng chúng thường vô tình dính lưới đánh cá hoặc bị đánh bắt để ăn thịt và làm thuốc nên nay chỉ còn rất ít. Nhiều ngư dân xác nhận gần đây có nhìn thấy sự xuất hiện bò biển ở ven biển, đặc biệt là vùng biển vịnh Côn Sơn, bãi Đất Dốc, vịnh Bến Đầm.

Theo nhiều chuyên gia, bò biển đã bị đánh bắt và giết thịt từ trước khi Vườn Quốc gia Côn Đảo được thành lập năm 1993. Những điều tra tiến hành năm 2004 và 2005 cho thấy, từ năm 2000 – 2002 có bốn con bò biển bị chết không rõ nguyên nhân. Đe doạ lớn nhất đối với bò biển là bị đánh bắt ngẫu nhiên và mắc kẹt trong lưới vét và lưới rê (chiếm tới 72% trong tổng số ngư cụ của nghề cá nước ta). Sự bùng nổ của du lịch và nhất là việc khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt (dùng thuốc nổ, chất độc), nạo vét kênh rạch, xây dựng các bến cá cầu cảng và nhất là việc xả thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp làm môi trường biển bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân suy giảm loài bò biển... Thêm vào đó, diện tích cỏ biển thu hẹp dần, lá cỏ biển luôn bị lớp trầm tích, tảo và động vật phủ bám khiến cỏ biển quang hợp kém và suy thoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể bò biển.

 

 

 

Nhiều kế hoạch bảo tồn

 

Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam nên việc khai thác bò biển bị cấm triệt để tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Dự án phát triển Vườn Quốc gia Côn Đảo, tầm nhìn đến năm 2020 nhấn mạnh việc quản vệ các loài động vật biển quý ở vùng nước nông trong đó có bò biển. Trong kế hoạch bảo tồn loài sinh vật biển này, việc phân vùng bảo tồn nghiêm ngặt thảm cỏ biển và nơi cư trú, kiếm ăn của bò biển là điều cấp thiết. Hàng năm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức cho các cán bộ khoa học thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học cơ sở, phục vụ cho quản lý, bảo tồn. Một số chuyên đề nghiên cứu trong đó có công tác nghiên cứu đa dạng sinh học biển, giám sát các rạn san hô, đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu bảo tồn rùa biển, bò biển, trai tai tượng... được quan tâm. Vườn Quốc gia cũng phối hợp với các cá nhân, tổ chức khoa học bảo tồn trong và ngoài nước nâng cao chương trình nghiên cứu khoa học, nhờ đó, giá trị đa dạng sinh học tại Côn Đảo được phát hiện.

Trước sự cấp thiết của việc bảo vệ loài bò biển, cuối tháng 3 vừa qua, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã phát động cuộc thi thiết kế logo cho chiến dịch "Hãy bảo vệ loài bò biển".

K.Linh

Từ khóa » Bò Biển ở đâu Việt Nam