Loại Bỏ Linh Vật Ngoại Lai Bằng Cách Nào?

Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định tình trạng linh vật ngoại lai tại các đền, chùa và công sở ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để loại bỏ hoàn toàn biểu tượng, linh vật ngoại lai ra khỏi các không gian văn hóa.

Cách đây 3 năm, dư luận và các chuyên gia lo lắng, bức xúc trước hiện tượng sản phẩm, linh vật ngoại lai xuất hiện ở hầu hết di tích, không gian văn hóa tâm linh cũng như các công sở ở nước ta. Trước thực trạng đáng báo động này, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trên cả nước không trưng bày, sử dụng biểu tượng, linh vật với tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngay sau khi Công văn 2662 được phát đi, người dân và các ban ngành, tổ chức... đã nhập cuộc mạnh mẽ và trải qua thời gian, cuộc “đánh đuổi” linh vật ngoại lai đã thu về nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần đưa các không gian văn hóa tìm lại nét thuần Việt vốn có.Thời gian qua, nhiều triển lãm linh vật thuần Việt góp phần nâng cao kiến thức cho người dân trong việc nhận diện linh vật của người Việt.

Thời gian qua, nhiều triển lãm linh vật thuần Việt góp phần nâng cao kiến thức cho người dân trong việc nhận diện linh vật của người Việt.

Tại đợt tổng kết 3 năm thực hiện Công văn 2662 diễn ra tại Ninh Bình gần đây, đại diện Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Công văn 2662, nhiều công sở, nhà dân đã tự động di dời các biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với văn hóa người Việt. Các làng nghề mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, hiện tượng cung tiến sản phẩm, linh vật ngoại lai tràn lan từng diễn ra ở các di tích đã không còn, đặc biệt là sư tử đá ngoại lai ở các di tích đã được loại bỏ và thay thế bằng tượng nghê truyền thống. Cùng với đó, nhiều cuộc triển lãm về linh vật, sản phẩm, biểu tượng mang đậm bản sắc Việt đã diễn ra thu hút sự quan tâm của người dân, qua đó góp phần nâng cao kiến thức của công chúng trong việc nhận diện linh vật, sản phẩm của người Việt với nước ngoài. “Đây là một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam” - bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ.

Tuy đã có những kết quả, chuyển biến tích cực kể trên nhưng theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân không biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai với các sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Chưa kể, một số di tích, công sở gần đây người dân phát hiện linh vật, sản phẩm ngoại lai còn sót lại. Tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), gần đây người dân phản ánh trước cửa một công sở của thành phố có hai sư tử đá là linh vật thường được người Trung Quốc dùng để canh mộ, hoàn toàn không phải linh vật thuần Việt. Trong khi đó, tại chùa Sổ (Hà Nội) - Di tích lịch sử cấp quốc gia, người dân thấy một bức tượng Phật bằng đá và đôi sư tử đá trong di tích này. Sau khi xem đôi sư tử đá ở chùa Sổ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế khẳng định, đôi sư tử đá đặt tại chùa Sổ là sư tử Trung Quốc, thời nhà Minh, đặt ở Tử Cấm Thành.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc đưa linh vật, biểu tượng ngoại lai vào các di tích, không gian văn hóa là điều không thể chấp nhận, chẳng khác nào một sự xúc phạm, phủ nhận truyền thống. Vì vậy, để tiếp tục “đuổi” linh vật, biểu tượng ngoại lai ra khỏi di tích, công sở..., trong thời gian tới chúng ta còn nhiều việc phải làm. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nêu quan điểm, muốn đẩy lùi linh vật ngoại lai hiệu quả, cần chuẩn bị tốt nguồn linh vật thay thế phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, định hướng để quảng bá hơn nữa công tác phục dựng, chế tác linh vật truyền thống; tiếp tục sáng tạo ra những linh vật văn hóa Việt mang sắc thái hiện đại để ăn nhập với kiến trúc hôm nay.

Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn hóa - GS. Trần Lâm Biền mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường phối hợp tổ chức các hình thức triển lãm, trưng bày, hội thảo nhằm quảng bá mỹ thuật truyền thống, biểu tượng, linh vật của Việt Nam. Ngoài ra, GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh thêm, những người làm quản lý cũng cần tự trang bị thêm kiến thức để phân định rõ các loại linh vật phù hợp, vì khi có kiến thức nền tốt mới có thể tuyên truyền hiệu quả cái hay, cái đẹp, những giá trị, linh thiêng của các linh vật Việt Nam cho người dân, từ đó khơi dậy ý thức cộng đồng trong bảo tồn, gìn giữ di sản của cha ông. Trong khi đó, theo Bộ VH-TT&DL, sắp tới cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng loạt ra quân rà soát, kiên quyết di dời những hiện vật lạ, linh vật ngoại lai còn sót lại ra khỏi các di tích. Mục tiêu là đến Tết Nguyên đán, các nơi thờ tự sẽ thể hiện đầy đủ giá trị của văn hóa Việt và không còn bóng dáng của sản phẩm, linh vật ngoại lai.

Từ khóa » Bỏ Linh Vật