Loài Cá Khổng Lồ Có Thể Bị Gạch Khỏi Sách đỏ VN

Từng bắt được con dài đến 3 mét và nặng 300kg, cá Hô được National Geographic mệnh danh là "Vua cá nước ngọt".

Báo Thanh Niên đưa tin ngày 4/12/2017 cho hay, vào ngày 3/12, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đã phối hợp với chi cục thủy sản các tỉnh vùng Đông bằng sông Cửu Long có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn LOẠI cá Hô ra khỏi Danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển (mà Bộ đã ban hành năm 2015).

Lý do mà Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang và chi cục thủy sản các tỉnh vùng ĐB SCL đưa ra là, gần đây Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (huyện Cái Bè, Tiền Giang) đã cho cá Hô sinh sản nhân tạo thành công.

Thậm chí, Trung tâm này còn chuyển giao cá hô giống nhờ sinh sản nhân tạo cho các hộ dân nuôi thử nghiệm. Hiện nay, nhiều hộ đã mua cá Hô giống để nuôi bán thịt.

Vậy, trước đó, cá Hô quý hiếm như thế nào mà lại nằm trong phân loại Các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN) trong Sách Đỏ của Việt Nam?

Cá Hô là loại cá gì?

Loài cá khổng lồ có thể bị gạch khỏi sách đỏ VN: Vì sao nhà hàng sẵn sàng chi nghìn USD? - Ảnh 1.

Cá Hô tên latin là Catlocarpio siamensis, thuộc bộ cá Chép. Ảnh minh họa

Theo Sách Đỏ Việt Nam, cá Hô tên latin là Catlocarpio siamensis, thuộc bộ cá Chép, có vùng phân bố tự nhiên ở khu vực thượng và trung lưu sông Cửu Long. Mùa lũ đi vào các vùng ngập của đồng bằng sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ Tây.

Trên thế giới, cá Hô phân bố chủ yếu tại các con sông lớn và các vùng ngập lũ ở các lưu vực sông Maeklong, Mekong và Chao Phraya ở Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Tại Campuchia, cá Hô (tên tiếng Anh Giant Mekong Barb) được phong là Cá quốc gia (National Fish) vì loài cá này là loại cá nước ngọt lớn nhất của Campuchia.

Loài cá khổng lồ có thể bị gạch khỏi sách đỏ VN: Vì sao nhà hàng sẵn sàng chi nghìn USD? - Ảnh 2.

Một ngư dân bắt được con cá Hô khổng lồ. Ảnh: National Geographic

Dữ liệu của Sách Đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) (gọi tắt là IUCNRedlist) cho biết:

Cá Hô là không chỉ là loài cá có kích thước lớn nhất trong họ Cá chép (Cyprinidae), mà còn là loài cá lớn nhất trong số các loài cá sông Mêkông.

National Geographic cho biết, chỉ sổ cơ thể của con cá Hô lớn nhất mà các nhà khoa học thu thập được là dài 3 mét và nặng 300 kg.

Tuy nhiên, do bị đánh bắt liên tục nên kích thước tự nhiên của loài cá được mệnh danh là "Vua cá nước ngọt" (King of fish - Khái niệm do National Geographic gọi) này đã giảm hẳn một nửa (tức là chỉ dài khoảng 1 đến 1,5 mét và nặng khoangg 150kg đến 200kg).

"Vua Cá nước ngọt" đang bên bờ tuyệt chủng?

Các nhà khoa học thế giới lo ngại, cá Hô hoàn toàn có thể biến mất do bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng tại các vùng phân bố tự nhiên do ô nhiễm nước, giao thông đường sông dần xâm chiếm chỗ ở của chúng, đặc biệt là do bị đánh bắt quá nhiều để làm thực phẩm.

Các nhà khoa học cho biết, thịt cá Hô từ lâu đã được coi là món ăn tinh khiết, giàu chất dinh dưỡng của người dân lưu vực sông Mê Kông. Không những thế, cá Hô còn là thực phẩm phổ biến hàng chục triệu người sống phụ thuộc vào hệ thực vật thủy sinh của sông Mê Kông.

Vì cá Hô đang dần trở nên hiếm, lại có khối lượng hàng trăm kg cộng với việc thịt cá Hô có giá trị dinh dưỡng rất cao nên nhiều nhà hàng sẵn sàng chi trả hàng nghìn USD cho một con cá Hô khổng lồ để phục vụ thực khách.

Loài cá khổng lồ có thể bị gạch khỏi sách đỏ VN: Vì sao nhà hàng sẵn sàng chi nghìn USD? - Ảnh 3.

Một con cá Hô khổng lồ từng được đánh bắt tại Việt Nam. Ảnh: Thanhniennews

Việc đánh bắt cá Hô quá nhiều dẫn đến việc kích thước của chúng không còn khổng lồ như trước, thậm chí, loài này có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.

Theo dữ liệu của IUCNRedlist, số lượng của cá Hô ngoài tự nhiên vùng Đông Nam Á đã giảm xuống 80–95% sau hơn 30 năm qua. Vì thế Sách Đỏ của IUCN xếp cá Hô vào Loài cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered).

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng hy vọng với đặc điểm dễ nuôi, nhanh lớn, cá Hô có thể được sinh sôi nếu được tạo điều kiện sinh sống thuận lợi.

Bài viết tham khảo nguồn: Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ IUCN, Thanh Niên

Từ khóa » Cá Hô Sách đỏ