Loại Hình Kinh Doanh Hàng Nông Sản Là Gì? Đặc điểm - VietnamBiz

61166

Hình minh hoạ (Nguồn: sunstar)

Loại hình kinh doanh hàng nông sản

Khái niệm

Loại hình kinh doanh hàng nông sản là kinh doanh sản phẩm của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản và ngành công nghiệp gia công chế biến như: lương thực, bông, dầu ăn, tơ, chè, đường, rau quả, thuốc lá, thuốc chữa bệnh...

Hàng nông sản gắn liền với cuộc sống hàng ngày của nhân dân, giá chênh lệch giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ khá lớn, nếu nắm thông tin kịp thời và biết cách kinh doanh sẽ có lãi không kém phần kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng.

Đặc điểm

Kinh doanh hàng nông sản có những đặc điểm sau:

- Tính thời vụ: Sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ rõ ràng, cần phải biết qui luật sản xuất các mặt hàng nông nghiệp làm tốt công tác chuẩn bị trước mùa thu hoạch, đến kì gặt hái tập trung lao động nhanh chóng triển khai công tác thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Tính phân tán: Hàng nông sản phân tán ở vùng nông thôn và trong tay hàng triệu nông dân, sức tiêu thụ thì tập trung ở thành phố và khu công nghiệp tập trung. Phương thức lưu thông hàng nông sản là phân tán – tập trung, nông thôn – thành thị.

Vì vậy, việc bố trí địa điểm thu mua, phương thức thu mua, chế biến và vận chuyển đều phải phù hợp với đặc điểm nói trên.

- Tính khu vực: Tuỳ theo địa hình, nơi thì thích ứng với việc trồng lúa, nơi thì trồng bông, nơi thì chăn nuôi, đánh bắt cá, hình thành những khu vực sản xuất khác nhau và giống cây trồng vật nuôi khác nhau, chính vì thế có những cơ sở sản xuất sản phẩm hàng hoá nông nghiệp rất khác nhau với tỉ lệ hàng hoá khá cao.

- Tính tươi sống: Hàng nông sản phần lớn là động vật, thực vật tươi sống, dễ bị hỏng ôi, kém phẩm chất vì chết chóc. Hơn nữa, chủng loại, số lượng, chất lượng cũng rất khác biệt nhau.

Khi thu mua cấn đặc biệt lưu ý phân loại, chế biến, bảo quản, vận chuyển nhằm làm cho phương thức kinh doanh phù hợp với đặc điểm hàng hoá từng loại. Việc thu mua, vận chuyển, bầy bán đều phải khẩn trương, kịp thời, tránh hao tổn.

- Tính không ổn định: Sản xuất nông nghiệp không ổn định, sản lượng lên xuống thất thường, vùng này được mùa, vùng kia mất mùa.

Qui luật luân chuyển

Hàng hoá nông sản rất phong phú, rất chú trọng chất lượng, nơi sản xuất và tiêu thụ rải rác ở khắp mọi nơi, quan hệ cung cầu rất phức tạp, vì vậy, muốn kinh doanh hàng nông sản cần phải nắm vững qui luật luân chuyển của chúng.

- Một là nắm chắc khu vực sản xuất, phân tán và tập trung chủ yếu cũng như khu vực trung chuyển để vạch hướng kinh doanh cho người buôn bán và người tiêu dùng.

- Hai là nắm được hướng và khu vực tiêu thụ hàng nông sản truyền thống, ví dụ: chuối từ phía Nam chuyển ra phía Bắc, còn táo và hoa quả từ phía Bắc chuyển về phía Nam. Nắm được hướng này đề tìm người mua cho người bán.

- Ba là nắm chắc đặc điểm, chất lượng và thời vụ hàng hoá nông sản cùng loại được đưa ra thị trường của các khu vực khác nhau. Ví dụ: tình hình dưa hấu của các miền khác nhau đưa ra thị trường như thế nào, từ đó tìm ra nguồn hàng kinh doanh chắc chắn và kịp thời.

(Tài liệu tham khảo: Tổ chức kinh doanh hàng hoá theo cơ chế thị trường, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Từ khóa » Hàng Nông Sản La Gi