Loại Thuốc Hạ Sốt Nào Không được Dùng Khi Sốt Xuất Huyết

Các biểu hiện chính của SXH là có sốt và xuất huyết. Bệnh nhân sau khi bị nhiễm virut sẽ có thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần. Các triệu chứng ban đầu là hội chứng nhiễm virut không đặc hiệu với sốt cao liên tục 39-40oC. Trong 3 ngày đầu tiên mắc bệnh, người bệnh thường có biểu hiện sốt giống như triệu chứng khi bị loại sốt virut khác như đau đầu, sốt cao liên tục, mỏi người, đau nhức khắp các cơ bắp, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng... nên rất khó phân định. Xuất huyết (XH) thường xảy ra ở ngày thứ 6 trở đi, khi sốt đã bắt đầu giảm. XH có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau như XH dưới da, chảy máu chân răng, XH tiêu hóa, XH não, thậm chí với phụ nữ có thể sẽ bị rong kinh bất thường... Nặng nhất là khi SXH có sốc với các biểu hiện như mạch nhanh, vã mồ hôi, vật vã kích thích, chân tay lạnh, huyết áp tụt. Tổn thương gan cũng là triệu chứng hay gặp như gan to và tăng men gan (SGPT, SGOT). Về cơ chế bệnh sinh của SXH cho thấy, sau khi virut xâm nhập cơ thể sẽ hoạt hóa hệ thống miễn dịch, phát động một quá trình đáp ứng kháng nguyên kháng thể rất mạnh (điều này lý giải tại sao những người bị SXH lần sau thường nặng hơn lần trước).

Loại thuốc đầu tiên mà người bệnh SXH cần phải dùng đó là thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt trên thị trường rất nhiều loại với các tên biệt dược khác nhau. Câu hỏi đặt ra là sẽ lựa chọn loại nào cho bệnh nhân SXH dùng để hạ sốt. Dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng các thuốc hạ sốt được chia thành 2 loại chính đó là paracetamol (còn gọi là acetaminophen) và aspirin cùng nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm không steroid (diclofenac, ibuprofen, piroxicam...).

loai-thuoc-ha-sot-nao-khong-duoc-dung-khi-sot-xuat-huyet-1Khi bị SXH, không dùng aspirin vì dễ gây xuất huyết dạ dày.

Thuốc hạ sốt không được dùng khi mắc SXH

Aspirin: Là viên thuốc được bào chế cách đây hàng thế kỷ và là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau rất thông dụng. Tuy nhiên đây lại là lọai thuốc hàng đầu chống chỉ định với bệnh SXH. Điều này được lý giải là do, trong SXH có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được (nhất là XH đường tiêu hóa), kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm. Do vậy, đối với bệnh SXH, không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em. Riêng với trẻ em càng tuyệt đối cấm dùng vì aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn là gây XH đường tiêu hóa, không cầm được chảy máu, dẫn đến tụt huyết áp, trụy tim mạch, tử vong. Hơn nữa, aspirin có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của trẻ, khiến trẻ giảm hoặc suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản, làm nặng thêm bệnh hen.

Nhóm thuốc kháng viêm không steroid: Đa số các thuốc trong nhóm như diclofenac, ibuprofen, piroxicam... cũng có tác dụng hạ nhiệt và giảm đau, giảm viêm, nên cũng được sử dụng cho người bệnh bị sốt. Tuy không làm ngưng kết tập tiểu cầu mạnh như aspirin nhưng các thuốc kháng viêm không steroid đều có các đặc tính này (với các mức độ khác nhau) nên cũng làm cho việc chảy máu trong SXH khó cầm. Do vậy không dùng nhóm thuốc này khi mắc SXH.

Thuốc hạ sốt thường dùng và những lưu ý khi sử dụng

Cho dù mới chớm bị sốt hay là đã có chẩn đoán SXH thì người bệnh nên chọn paracetamol (acetaminophen) để hạ sốt. Trong các thuốc gia đình cần dự trữ sẵn loại thuốc hạ sốt này để dùng khi cần. Có hai lý do: Sốt là một phản ứng cấp tính dễ dàng gây ra biến chứng với trẻ em và người già. Vì thế chúng ta cần khẩn trương hạ sốt ngay khi có nguy cơ sẽ sốt cao. Lý do nữa đó là thuốc hạ sốt acetaminophen là thuốc thông dụng, tương đối an toàn và dễ dùng, có thể tự dùng tại nhà. Cách dùng rất đơn giản nhưng phải tuân theo các quy tắc chặt chẽ như: Khi trong gia đình có người sốt từ 39oC thì phải dùng thuốc hạ sốt. Với trẻ em khi sốt trên 38,5oC, nên dùng ngay vì tốc độ sốt của trẻ đến 39oC, 40oC là rất nhanh. Đây là hai ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm. Về liều lượng dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và không dùng quá liều quy định, không dùng phối hợp vài loại thuốc khác tên thương mại nhưng cùng chứa hoạt chất paracetamol (hoặc dưới tên acetaminophen), vì như vậy rất dễ dẫn đến quá liều. Với trẻ em, do có cả thuốc viên, siro, thuốc bột và viên đạn đặt hậu môn thì không dùng phối hợp cả thuốc uống và thuốc đặt vì dễ dẫn đến ngộ độc thuốc, có thể gây tổn thương gan, làm nặng thêm rối loạn đông máu do suy giảm chức năng gan. Vì vậy, trước khi dùng thuốc hạ sốt nên kết hợp các biện pháp khác như chườm mát, nằm nơi thoáng đãng, bù đủ lượng dịch cho bệnh nhân để tăng hiệu quả hạ sốt của thuốc. Trong quá trình dùng thuốc vẫn cần theo dõi thân nhiệt thường xuyên và các biểu hiện nặng hơn của bệnh SXH. Không được dùng liên tiếp các liều trong vòng dưới 4 tiếng đồng hồ.

Nguồn suckhoedoisong

Từ khóa » Thuốc Hạ Sốt Ip07