Loạn Thần: Liệu Bạn Có Thật Sự Tách Biệt Khỏi Xã Hội?

Nội dung bài viết

  • Loạn thần là gì?
  • Khái niệm về hoang tưởng 
  • Khái niệm về ảo giác
  • Nguyên nhân gây loạn thần
  • Loạn thần có thể xảy ra trong tình huống nào?
  • Hậu quả của loạn thần
  • Cách chẩn đoán loạn thần 
  • Cách điều trị loạn thần 
  • Loạn thần và những kì thị

Loạn thần là gì mà có thể khiến người bệnh suy giảm hoặc mất khả năng kết nối với thế giới thực tại? Trong giai đoạn này, những suy nghĩ và nhận thức của người bệnh bị xáo trộn. Họ gặp khó khăn trong việc nhận biết đâu là thế giới thực, đâu là không. Bạn hãy cùng Bác sĩ Đào Thị Thu Hương tìm hiểu về tình trạng này nhé!

Loạn thần là gì?

Loạn thần là một hội chứng gồm nhiều triệu chứng, bao gồm hoang tưởng (niềm tin sai lệch) và ảo giác (nhìn hoặc nghe những thứ mà người khác không nhìn thấy hoặc nghe thấy). Dẫu vậy, đối với người bệnh, đây lại là những trải nghiệm có thật đối với họ.

Các triệu chứng khác có thể kể đến như lời nói không mạch lạc hoặc vô nghĩa và hành vi không phù hợp với tình huống. Trong giai đoạn loạn thần, người bệnh có thể gặp rắc rối về giấc ngủ, bất thường cảm xúc, thu rút bản thân…

Khái niệm về hoang tưởng 

Đây là một niềm tin sai lầm được giữ vững cho dù mâu thuẫn với thực tế hay những gì thường được coi là đúng. Hoang tưởng có thể có nhiều chủ đề, thường gặp nhất bao gồm:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

1. Hoang tưởng liên hệ

Những người có hoang tưởng liên hệ thường cho rằng mọi thứ đều liên quan đến họ. Khi đi ngoài đường họ có thể nghĩ rằng ai đó đang đi theo họ, dù rằng chẳng có ai đi sau. Ở nơi đông người, có nhiều nhóm người, người bệnh cho rằng đám người đó đang nói về họ. Hay một tin nhắn được gửi đến cũng khiến họ nghĩ ai đó đang gửi một thông điệp bí mật cho họ.

2. Hoang tưởng tự cao

Một người có hoang tưởng tự cao khiến họ có niềm tin mãnh liệt vào bản thân có năng lực đặc biệt. Tài năng của họ rất vượt trội, không ai có thể sánh bằng.

3. Hoang tưởng cơ thể

Người bệnh luôn luôn cho rằng mình mắc bệnh nan y. Cho dù mọi xét nghiệm, chẩn đoán của bác sĩ, không chỉ một mà nhiều bác sĩ đều cho rằng họ khỏe mạnh (trừ bác sĩ tâm thần ra).

Khái niệm về ảo giác

Ảo giác là sự nhận biết một sự vật hiện tượng khi không có các kích thích bên ngoài, thông qua các giác quan. Tương ứng với năm giác quan là năm loại ảo giác. Ảo thanh, ảo thị, ảo khứu, áo xúc và ảo vị, thường gặp nhất là ảo thanh, ảo thị và ảo xúc.

1. Ảo thanh

Người bệnh có thể nghe thấy tiếng từ đơn giản đến phức tạp. Như tiếng còi tàu hỏa dù xung quanh chẳng có đường ray hay ga tàu nào. Hoặc tiếng nói của cô bé hàng xóm đã chuyển nhà đi từ đời nào. Hoặc thậm chí một tiếng nói lạ hoắc của một ai đó bạn không quen.

2. Ảo thị

Người bệnh nói rằng họ đang nhìn thấy Phật Quan Âm, hay Đức Chúa trời. Hoặc gần gũi hơn là người ông đã mất của mình từ mấy năm trước.

3. Ảo xúc

Thường gặp ở những người nghiện rượu mà phải ngưng rượu. Họ luôn có cảm giác có con kiến bò trên da, hoặc bị kim châm chích nhiều lần.

Với ảo giác, điều quan trọng là người bệnh cảm nhận những điều này là rất thật nhưng thật ra là không có thực.

Nguyên nhân gây loạn thần

Các nhà nghiên cứu cho rằng dopamine đóng vai trò quan trọng gây ra loạn thần. Bằng chứng về vai trò của dopamine được chứng minh qua hình ảnh học não. Và sự sử dụng các thuốc liên quan đến sự giảm hoạt động của dopamin làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh.

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh. Là một trong nhiều chất được não sử dụng để truyền tin từ tế bào này sang tế bào khác. Ở người bình thường, khi dopamin được phóng thích, nó khiến bạn cảm thấy hưng phấn, vui vẻ.

Ngoài ra, di truyền cũng có một vai trò nhất định trong loạn thần. Khi có một thành viên trong gia đình như cha mẹ hoặc anh chị em. Bản thân họ sẽ tăng nguy cơ xuất hiện bệnh. Trẻ được sinh ra có đột biến gen mất đoạn nhiễm sắc thể 22 có nguy cơ mắc bệnh.

Loạn thần có thể xảy ra trong tình huống nào?

Loạn thần

Mỗi trường hợp loạn thần là khác nhau, và nguyên nhân chính xác không phải lúc nào cũng rõ ràng. Có thể chia ra làm hai nhóm nguyên nhân chính gây bệnh:

  • Rối loạn tâm thần.
  • Tình trạng y khoa khác.

Tuy nhiên, trước khi chẩn đoán bệnh là do rối loạn tâm thần, cần loại trừ tất cả các nguyên nhân do rối loạn y khoa khác gây nên.

Phân loại rối loạn tâm thần

Loạn thần cấp: Xảy ra trong thời gian ngắn, không quá một tháng.

Tâm thần phân liệt: Bệnh lý mãn tính, nếu được điều trị sớm, bệnh có thể lui. Nhưng sau đó có thể tái phát.

Rối loạn hoang tưởng: Trong rối loạn này người bệnh chỉ có một triệu chứng là hoang tưởng. Không có các triệu chứng nào khác

Rối loạn lưỡng cực: Lưỡng là hai, hai đầu cực. Tức là tâm trạng của họ dao động. Có giai đoạn thì rất vui, hưng phấn nhưng cũng có giai đoạn rất trầm buồn. Bất kể trong giai đoạn nào họ cũng đều có thể có loạn thần. Nhưng nổi bật nhất vẫn là các triệu chứng thuộc khí sắc, cảm xúc.

Rối loạn trầm cảm chủ yếu: Khác với lưỡng cực, người bệnh chỉ có đơn cực là trầm buồn. Trong giai đoạn bệnh các triệu chứng có thể xuất hiện. Nhưng chủ yếu hiện diện nhiều là bất thường các triệu chứng liên quan đến trầm cảm.

Rối loạn loạn liên quan đến chất: Bệnh có thể được kích hoạt bằng cách sử dụng rượu hoặc các chất cấm. Bao gồm:

  • Cocain.
  • Ma túy đá.
  • Thuốc lắc.
  • Cần sa.
  • Thuốc gây ảo giác LSD.
  • Nấm ma thuật.
  • Ketamine (gọi tắt là “ke”).
  • Rượu – khi uống say hay khi ngưng rượu đều có thể gây ra các triệu chứng loạn thần (với người nghiện rượu).

Ngoài ra, một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh như corticoid cũng có thể gây bệnh. Hay các bệnh lý y khoa khác như:

  • Sảng.
  • Chấn thương đầu.
  • Một số loại động kinh.
  • Khối u não hoặc u nang.
  • Viêm não do vi trùng (giang mai…), virus (HIV, Herpes…).
  • Sa sút trí tuệ như: bệnh Alzheimer, sa sút do nguyên nhân mạch máu, bệnh Parkinson, bệnh Huntington,…

Hậu quả của loạn thần

  • Nghiện ngập: Những người bị loạn thần có nhiều khả năng lạm dụng ma túy, rượu hơn những người khác. Họ dùng các chất này như một cách để kiểm soát các triệu chứng. Việc lạm dụng chất có thể khiến bệnh nặng hơn hoặc gây ra các vấn đề khác.
  • Tự làm đau bản thân và tự sát: Những người bị loạn thần có nguy cơ tự làm hại và tự tử cao hơn người bình thường. Họ thường có những vết cắt, bầm tím hoặc bỏng thuốc lá, trên cổ tay, cánh tay, đùi và ngực. Những người này luôn cố gắng che đậy các tổn thương đó.
  • Làm hại những người xung quanh: Khi những hoang tưởng hay ảo giác tác động tiêu cực đến người bệnh. Họ sẽ phản ứng lại. Đó có thể là chửi mắng, cáu giận, đánh người thậm chí là giết người.

Cách chẩn đoán loạn thần 

Loạn thần thường được chẩn đoán đánh giá bởi bác sĩ thuộc chuyên khoa tâm thần. Bác sĩ cần quan sát các hành vi, đặt các câu hỏi liên quan đến trải nghiệm của bệnh nhân. Đôi khi người bệnh không hợp tác, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của người thân. 

Sau khi xác định bệnh, bác sĩ cần có các xét nghiệm hỗ trợ và đôi khi cần có bác sĩ thuộc chuyên khoa khác để phối hợp loại trừ các bệnh lý y khoa khác. Các rối loạn tâm thần luôn đi sau các bệnh lý y khoa.

Cách điều trị loạn thần 

Việc điều trị loạn thần cần có sự kết hợp của thuốc và các liệu pháp khác. Hầu hết mọi người sẽ cải thiện triệu chứng sau một thời gian điều trị.

An thần nhanh chóng

Đôi khi những người bị loạn thần có thể trở nên kích động và có nguy cơ làm tổn thương chính mình hoặc người khác. Trong những trường hợp này, cần phải khiến họ bình tĩnh nhanh chóng. Phương pháp này được gọi là an thần nhanh chóng. Thường đầu tiên sẽ là sử dụng lời nói để trấn an người bệnh. Nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ cần phải sử dụng thuốc tiêm để bệnh nhân dịu lại.

Sử dụng thuốc

Để kiểm soát các triệu chứng, người ta dùng các thuốc chống loạn thần giúp làm giảm ảo giác và hoang tưởng, bớt những hành vi và lời nói kì lạ. Có nhiều loại thuốc khác nhau. Tùy cơ địa mỗi người mà bác sĩ sẽ có những lựa chọn khác nhau, phù hợp với người bệnh. Tác dụng của thuốc có thể mất vài tuần mới đạt được hiệu quả tối ưu.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc trong thời gian ngắn để kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên những người bị tâm thần phân liệt có thể phải dùng thuốc suốt đời.

Trị liệu nhận thức hành vi

Thay đổi nhận thức để thay đôi hành vi. Để đương đầu với những căng thẳng hoặc để quản lý sự tuân thủ điều trị tốt hơn. Cách tiếp cận này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc quản lý bệnh. Nó thường hữu ích nhất khi mà các triệu chứng loạn thần không thể giải quyết hoàn toàn bằng thuốc.

Loạn thần và những kì thị

Có rất nhiều hiểu lầm loạn thần. Rất nhiều người nghĩ sai rằng từ ‘loạn thần’ có nghĩa là ‘nguy hiểm’. Trên báo đài, phim ảnh thường phô bày những hình ảnh của người bệnh có các hành vi đáng sợ. Họ là những người ăn mặc dơ dáy, tóc tai luộm thuộm, với những hành vi kì quặc. Họ làm hại người khác dù rằng tỉ lệ này rất thấp. Những người thân của người bệnh cũng cảm thấy xấu hổ, e dè khi mình có bạn/ anh/chị/em bị như vậy.

kì thị

Loạn thần cũng là một triệu chứng của bệnh và có thể chữa được. Chỉ khi cộng đồng không kì thị loạn thần nói riêng và các rối loạn tâm thần nói chung. Người mắc bệnh tâm thần mới được chẩn đoán và điều trị sớm. Điều trị càng sớm khả năng hồi phục càng cao, gánh nặng xã hội sẽ được bớt lại. 

Từ khóa » Chẩn đoán Hội Chứng Loạn Thần