Loạt Sút Luân Lưu (bóng đá) – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Loạt sút luân lưu (tên chính thức là loạt sút từ chấm phạt đền, tiếng Anh: kicks from the penalty mark)[1] hay luân lưu 11 mét (tiếng Anh: penalty shoot-out) là một phương thức quyết định đội thắng trong một trận thi đấu bóng đá không thể có kết quả hòa, được thực hiện khi hai đội hòa nhau sau thời gian thi đấu chính thức và cả hiệp phụ (nếu có). Trong loạt sút này, mỗi đội lần lượt thực hiện sút để ghi bàn từ chấm phạt đền và đối thủ chỉ được sử dụng thủ môn để cản phá. Mỗi đội có năm lượt sút, mỗi lượt phải được thực hiện bởi một cầu thủ khác nhau; đội có nhiều cú sút thành công hơn sẽ là đội thắng. Loạt sút luân lưu sẽ kết thúc ngay khi một đội đã dẫn trước với khoảng cách quá lớn để đối thủ có thể vượt qua. Nếu tỉ số luân lưu sau năm lượt sút đầu vẫn cân bằng, loạt sút luân lưu sẽ bước vào giai đoạn "cái chết đột ngột".[1] Những cú sút thành công trong loạt sút luân lưu không được tính là bàn thắng cho cầu thủ thực hiện hay cho cả đội và không được tính chung với số bàn thắng trong thời gian thi đấu chính thức (và cả hiệp phụ nếu có). Mặc dù cách thực hiện từng cú sút trong loạt sút luân lưu tương tự như quả đá phạt đền nhưng hai quả đá này có một số điểm khác nhau. Đáng lưu ý nhất là trong loạt sút luân lưu, khi quả bóng đã được đá thì ngoài thủ môn ra, người thực hiện cú sút không được phép lao vào đá bồi.
Loạt sút luân lưu là một trong ba phương thức quyết định thắng thua đang được Luật bóng đá quy định; hai phương pháp còn lại là hiệp phụ và luật bàn thắng sân khách đối với các trận đấu áp dụng thể thức hai lượt.[1] Loạt sút luân lưu thường chỉ sử dụng khi một hoặc cả hai phương pháp còn lại không thể giải quyết được trận đấu. Phương thức quyết định đội thắng của một trận đấu cụ thể được quy định trước bởi ban tổ chức trận đấu. Tại hầu hết các giải đấu chuyên nghiệp, trận đấu sẽ bước vào hai hiệp phụ, mỗi hiệp kéo dài 15 phút, nếu tỉ số cân bằng sau thời gian thi đấu chính thức; loạt sút luân lưu chỉ diễn ra nếu tỉ số vẫn cân bằng sau hai hiệp phụ.
Mặc dù được áp dụng rộng rãi trong bóng đá từ những năm 1970, loạt sút luân lưu đã bị nhiều người yêu bóng đá chỉ trích: họ cho rằng loạt sút này phụ thuộc nhiều vào may rủi hơn là kỹ năng của cầu thủ và chỉ dựa vào sự đối đầu giữa hai cầu thủ cá nhân, khiến cho bóng đá mất đi tính chất của một bộ môn thể thao đồng đội.[2] Trái ngược lại, một số người cho rằng áp lực tâm lý và sự khó đoán khiến cho loạt luân lưu 11 mét trở thành một trong những màn kết kịch tính nhất ở bất cứ môn thể thao nào.[3][4]
Tổng quát
[sửa | sửa mã nguồn]Trong loạt sút luân lưu, ban huấn luyện, các cầu thủ không thực hiện cú sút và các thủ môn phải đứng trong vòng tròn trung tâm.[1] Thủ môn của đội sút đứng tại giao điểm giữa đường cầu môn và đường đánh dấu vùng cấm địa (16,5 m/18 thước Anh) gần một trong số các trợ lý trọng tài. Bàn thắng ghi trong loạt sút thường không được cộng vào thành tích ghi bàn của cầu thủ thực hiện.[cần dẫn nguồn]
Hòa là kết quả thường gặp trong bóng đá. Loạt luân lưu thường chỉ dùng trong các giải đấu bắt buộc phải có đội thắng đội thua khi trận đấu kết thúc[1] – điều này chủ yếu diễn ra tại các "cúp" có thể thức đấu knockout, trái ngược với các giải thi đấu vòng tròn; loạt luân lưu thường quyết định đội đi tiếp vào vòng tiếp theo của giải đấu hoặc đội vô địch giải. Thường thì hai hiệp phụ phải được thi đấu trước, nhưng không cần thiết;[1] các trường hợp ngoại lệ có thể kể tới các giải đấu như Copa Libertadores, Cúp bóng đá Nam Mỹ (chỉ ở vòng tứ kết và bán kết), Siêu cúp Anh và Cúp EFL, tất cả đều sử dụng loạt sút luân lưu ngay sau thời gian thi đấu chính thức.
Một số giải đấu quy định loạt sút luân lưu có thể được dùng để quyết định thứ hạng của các đội trong một bảng thi đấu vòng tròn, khi hai đội đối đầu nhau ở lượt trận cuối cùng kết thúc bảng đấu với các chỉ số giống nhau, và không có đội nào khác có cùng kết quả như vậy. Điều bất thường này đã từng xảy ra tại Bảng A của Giải vô địch bóng đá nữ U-19 châu Âu 2003, khi đó hai đội Ý và Thụy Điển ngay lập tức bước vào loạt luân lưu sau khi hòa nhau.[5] Đây là quy định chỉ mới được đưa ra gần đây, bằng chứng là việc nó đã không được áp dụng tại Bảng F giải vô địch bóng đá thế giới 1990, khi hai đội Cộng hòa Ireland và Hà Lan phải phân định thứ hạng bằng cách bốc thăm ngay sau khi hòa nhau ở lượt trận cuối của vòng bảng.[6]
Một vài giải đấu như J.League,[7] từng thử nghiệm việc áp dụng loạt luân lưu ngay sau một trận đấu có kết quả hòa, và đội thắng được cộng thêm một điểm. Tại Hoa Kỳ và Canada, giải Major League Soccer từng áp dụng loạt luân lưu ngay sau khi kết thúc thời gian thi đấu chính thức, kể cả trong các trận đấu thường, mặc dù loạt luân lưu này khác so với loạt sút luân lưu tiêu chuẩn (xem bên dưới).
Đội thua trong loạt sút luân lưu bị loại khỏi giải nhưng sẽ không được tính là một trận thua, trong khi đội thắng trong loạt luân lưu được đi tiếp hoặc lên ngôi vô địch nhưng không được tính là đội thắng trận. Ví dụ, đội tuyển Hà Lan được coi là bất bại tại giải vô địch bóng đá thế giới 2014, mặc dù bị loại tại vòng bán kết.[8]
Quy trình
[sửa | sửa mã nguồn]Sau đây là tóm tắt quy trình thực hiện loạt sút từ chấm phạt đền. Quy trình này được chỉ định trong Luật 10 ("Quyết định kết quả một trận đấu") tài liệu Luật bóng đá của IFAB (tr. 71).[1]
- Trọng tài tung đồng xu để quyết định bên khung thành thực hiện loạt sút. Quyết định này chỉ được trọng tài thay đổi vì lý do an toàn nếu khung thành hoặc sân thi đấu không thể sử dụng được.[1]
- Trọng tài tung đồng xu lần thứ hai để quyết định đội thực hiện quả đá đầu tiên.
- Tất cả cầu thủ ngoài người thực hiện cú sút và thủ môn phải đứng trong vòng tròn trung tâm của sân (xem ở trên).
- Mỗi quả đá được thực hiện theo kiểu như đá phạt đền. Mỗi cú sút được thực hiện trên chấm phạt đền, cách đường cầu môn 11 m (12 thước Anh) và cách đều hai đường biên dọc, và chỉ được cản phá bởi thủ môn đối phương. Thủ môn phải đứng giữa hai cột dọc của khung thành và đứng trên đường cầu môn cho đến khi quả bóng được đá; trong lúc đó thủ môn được phép nhảy tại chỗ, vung tay, di chuyển sang hai bên dọc đường cầu môn hoặc đánh lạc hướng người sút.
- Mỗi đội có trách nhiệm phân thứ tự thực hiện sút cho các cầu thủ đủ điều kiện.
- Mỗi người sút chỉ được đá bóng một lần. Một khi đã đá, người sút không được chạm lại vào bóng. Chỉ trọng tài mới có quyền quyết định đá lại.
- Các cầu thủ còn lại của cả hai đội, ngoài người được chỉ định sút và thủ môn, không được chạm vào bóng.[1]
- Một quả đá được tính là thành công nếu quả bóng, sau khi được đá một lần duy nhất bởi người sút, đi qua đường cầu môn giữa hai cột dọc và xà ngang, mà không chạm bất cứ cầu thủ, trọng tài hoặc người nào khác ngoài thủ môn đối phương. Bóng có thể chạm thủ môn, cột dọc hoặc xà ngang bất cứ bao nhiêu lần trước khi vào lưới miễn là trọng tài nhận định chuyển động của bóng là kết quả của cú đá ban đầu. Điều này đã được định rõ sau sự việc trong loạt sút luân lưu tại giải vô địch bóng đá thế giới 1986 giữa Brazil và Pháp. Cú sút của Bruno Bellone bật ra khỏi cột dọc, đập vào lưng thủ môn Carlos và quay trở lại vào lưới. Trọng tài Ioan Igna công nhận bàn thắng cho Pháp, và đội trưởng Edinho của Brazil phải nhận thẻ vàng do phản ứng với trọng tài vì cho rằng quả đá phải được tính là không thành công ngay khi bóng bật ra khỏi cột dọc. Năm 1987, Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (IFAB) quy định lại rõ Luật 14, trong đó có nội dung về các quả đá phạt đền, nhằm bảo vệ quyết định của trọng tài Igna.[9]
- Các đội lần lượt thực hiện sút từ chấm phạt đền cho đến khi đủ năm quả đá. Tuy nhiên, một đội đã ghi được số bàn thắng nhiều hơn số bàn thắng đội kia có thể ghi được ở những quả đá còn lại, loạt luân lưu sẽ kết thúc ngay lập tức mà không kể số lượt sút còn lại. Một ví dụ cho quy định này là tại chung kết giải vô địch bóng đá thế giới 2006, loạt luân lưu kết thúc sau khi Fabio Grosso thực hiện thành công quả đá thứ năm cho đội tuyển Ý, mặc dù đội tuyển Pháp (thực hiện thành công 3 quả) vẫn còn một lượt sút nữa.
- Nếu sau năm lượt sút hai đội thực hiện thành công số quả đá như nhau, loạt sút luân lưu tiếp tục thực hiện lần lượt mỗi đội một quả cho đến khi một đội thực hiện thành công và đội còn lại đá trượt. Đây được gọi là cái chết đột ngột.
- Đội thực hiện thành công nhiều lượt sút hơn ở cuối loạt luân lưu là đội thắng trận.
- Chỉ có các cầu thủ đang chơi trên sân khi kết thúc trận đấu hoặc đang tạm vắng mặt (do bị thương, điều chỉnh dụng cụ, v.v.) mới được tham gia vào loạt đá luân lưu.[1] Nếu ở cuối trận đấu và trước hoặc trong loạt sút một đội có nhiều cầu thủ hơn, cho dù là do chấn thương hoặc thẻ đỏ, thì đội đó phải giảm bớt số cầu thủ trên sân để hai đội có số cầu thủ như nhau. Ví dụ, nếu Đội A có 11 cầu thủ nhưng Đội B chỉ có 10 người, Đội B phải chọn một cầu thủ không tham gia sút luân lưu. Các cầu thủ này thường không có nhiệm vụ gì thêm nữa ngoại trừ việc có thể thay thế cho thủ môn bị chấn thương. Quy tắc này được IFAB giới thiệu vào tháng 2 năm 2000 vì trước khi có quy định này, lượt đá thứ 11 nếu diễn ra sẽ được thực hiện bởi cầu thủ thứ 11 (hay cầu thủ yếu nhất) của đội có nhiều cầu thủ hơn và cầu thủ thứ nhất (hay cầu thủ mạnh nhất) của đội ít cầu thủ hơn.[10] IFAB chính thức thay đổi luật vào năm 2016 nhằm loại bỏ khả năng một đội có thể có lợi thế như vậy nếu một cầu thủ bị chấn thương hoặc bị truất quyền thi đấu trong loạt luân lưu.[11]
- Một đội có thể thay thủ môn bị chấn thương trong loạt sút luân lưu bằng một cầu thủ dự bị (trong trường hợp đội này chưa dùng hết tối đa quyền thay người được ban tổ chức quy định trước) hoặc bằng cầu thủ trước đó được chọn không tham gia loạt sút luân lưu trong trường hợp phải cân bằng số lượng cầu thủ.[1]
- Nếu thủ môn bị truất quyền thi đấu trong loạt sút luân lưu, một cầu thủ khác đã kết thúc trận đấu phải thay thế làm thủ môn.[1]
- Nếu một cầu thủ ngoài thủ môn bị chấn thương hoặc truất quyền thi đấu trong loạt sút luân lưu, loạt luân lưu sẽ tiếp tục mà không cho phép thay thế cầu thủ. Đội bạn phải giảm số cầu thủ của mình tương ứng với số cầu thủ rời sân của đội kia.[1]
- Bất cứ cầu thủ nào còn trên sân có thể đóng vai trò thủ môn, và người này không cần thiết phải là cầu thủ chơi ở vị trí thủ môn trước đó trong trận đấu.
- Không có cầu thủ nào được quyền thực hiện sút lần thứ hai cho đến khi tất cả các cầu thủ còn lại trong đội đã thực hiện lần sút đầu của mình, kể cả thủ môn.
- Nếu các cầu thủ phải thực hiện thêm lần sút nữa (khi tỉ số luân lưu vẫn cân bằng sau khi tất cả các cầu thủ đã thực hiện lần sút đầu tiên), không bắt buộc họ phải đá theo thứ tự giống hệt trước.[1]
- Loạt sút từ chấm phạt đền không được trì hoãn khi một cầu thủ rời khỏi sân đấu. Lượt sút của cầu thủ sẽ bị hủy bỏ (coi như là không thành công) nếu cầu thủ này không trở lại sân đúng lúc để thực hiện.
- Trọng tài không được cho hủy bỏ trận đấu nếu trong loạt sút luân lưu có một đội bị giảm còn dưới bảy cầu thủ.[1]
Chiến thuật
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Phạt đền (bóng đá) § Chiến thuật cản phá phạt đềnCản phá phạt đền là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của thủ môn. Một số thủ môn phải đoán hướng sút trước để có thời gian đổ người về phía cầu môn. Một nghiên cứu vào năm 2011 được xuất bản trên tạp chí Psychological Science cho thấy tỷ lệ các thủ môn đổ người sang phải là 71% khi đội nhà đang thua, nhưng chỉ còn 48% khi bị dẫn trước và 49% khi đang hòa nhau; hiện tượng này được cho là liên quan tới xu hướng ưa thích bên phải trong một số hành vi của các loài thú xã hội.[12] Một số khác cố gắng đọc cách di chuyển của người sút. Cầu thủ đá phạt có thể làm động tác giả hoặc trì hoãn cú sút để xem trước được hướng thủ môn đổ người. Có cầu thủ chọn cách đá cao và vào chính giữa khung thành, khu vực mà thủ môn bỏ lại sau khi đổ người, nhưng cách này cũng đem lại rủi ro cao nhất là sút vọt xà ngang.[13] Nếu thủ môn cản phá được quả phạt đền trong trận đấu, người sút hoặc đồng đội có thể lao vào đá bồi và ghi bàn; tuy nhiên điều này không được phép xảy ra trong loạt sút luân lưu.
Do toàn bộ loạt sút luân lưu diễn ra ở cùng một bên khung thành, khán giả sau khung gỗ có thể thiên vị một đội và tìm cách đánh lạc hướng đội kia khi họ thực hiện cú sút. Để loại bỏ bất cứ lợi thế nào có thể xảy ra, năm 2016 Luật bóng đá được điều chỉnh để thêm màn tung đồng xu giữa hai đội trước loạt sút luân lưu để quyết định bên khung thành sử dụng cho loạt luân lưu (trước đó quyết định này thuộc về trọng tài). Trọng tài chỉ được thay đổi khung thành vì lý do an toàn hoặc bên khung thành được chọn không thể sử dụng được.[1]
Thủ môn không được dùng các cách đánh lạc hướng như lau giày hay đề nghị trọng tài xem bóng đã được đặt đúng vị trí hay chưa; trọng tài hoàn toàn có thể rút thẻ để cảnh cáo thủ môn về lỗi hành vi phi thể thao. Động tác "chân mì sợi" của thủ môn Bruce Grobbelaar đã làm đánh lạc hướng Francesco Graziani trong loạt sút luân lưu của trận Chung kết Cúp C1 châu Âu 1984.[14] Thủ môn không được di chuyển khỏi đường cầu môn trước để thu hẹp góc sút của cầu thủ đối phương; tranh cãi đã từng xảy ra tại Chung kết UEFA Champions League 2003 khi trong loạt sút luân lưu cả hai thủ môn của hai đội đều phạm lỗi này mà không bị trọng tài phát hiện, hay như trường hợp của thủ môn Jerzy Dudek tại Chung kết UEFA Champions League 2005.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Trước khi loạt sút luân lưu được giới thiệu, nếu như không đấu lại thì các trận đấu theo thể thức knock-out sau hai hiệp phụ sẽ được giải quyết bằng cách tung đồng xu hoặc bốc thăm. Tuy nhiên một số biến thể của loạt sút luân lưu hiện đại đã được sử dụng từ trước tại một vài giải thi đấu quốc nội và các giải đấu nhỏ. Các giải đấu quốc nội áp dụng hình thức này có thể kể đến Cúp Nam Tư từ năm 1952,[15] Coppa Italia từ 1958–59,[16] và Cúp bóng đá trẻ liên khu vực của Thụy Sỹ từ 1959–60.[17] Một số giải đấu quốc tế áp dụng cách làm này bao gồm giải Uhrencup 1962[18] (theo đề xuất của người sáng lập giải Kurt Weissbrodt)[19], trận chung kết Cúp Ramón de Carranza 1962[20] (theo đề xuất của nhà báo Rafael Ballester)[21], và trận playoff tranh huy chương đồng giữa hai đội tuyển nghiệp dư của Venezuela và Bolivia tại Đại hội thể thao Bolivar 1965.[22]
Trong các giải đấu lớn, nếu không thể đấu lại, kết quả của các trận hòa được quyết định bằng cách bốc thăm. Ví dụ cho hình thức này là chiến thắng của đội tuyển Ý trước Liên Xô tại bán kết giải vô địch bóng đá châu Âu 1968 (trận chung kết của giải cũng kết thúc với kết quả hòa và hai đội Ý và Nam Tư phải đá lại).[23]
Nhà báo Yosef Dagan người Israel được cho là đã có công sáng tạo ra loạt sút luân lưu hiện đại,[24] sau khi chứng kiến đội tuyển Israel để thua trận tứ kết Thế vận hội 1968 trước Bulgaria sau khi bốc thăm ở Mexico. Michael Almog, sau này là chủ tịch Hiệp hội bóng đá Israel, nhắc tới đề xuất của Dagan trong một bức thư được xuất bản trên FIFA News vào tháng 8 năm 1969.[25] Koe Ewe Teik, thành viên của hội đồng trọng tài Hiệp hội bóng đá Malaysia, đi đầu trong việc vận động FIFA áp dụng sáng kiến này.[25] Đề xuất của FIFA được thảo luận vào ngày 20 tháng 2 năm 1970 bởi một ủy ban của Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (IFAB). IFAB đồng ý áp dụng sáng kiến này, mặc dù họ cũng "không hoàn toàn hài lòng" với nó.[26] Đề xuất được chấp thuận tại cuộc họp toàn thể thường niên của IFAB vào ngày 27 tháng 6 năm 1970.[27] Vào năm 2006, hãng thông tấn Deutsche Presse-Agentur đăng tải một bài viết về phát biểu của cựu trọng tài Karl Wald (sinh năm 1916), từ Frankfurt am Main, rằng ông mới là người đầu tiên đề xuất về loạt luân lưu vào năm 1970 lên Hiệp hội bóng đá Bayern.[28]
Phát triển
[sửa | sửa mã nguồn]Tại Anh, loạt sút luân lưu đầu tiên trong một trận đấu chuyên nghiệp diễn ra vào năm 1970 tại sân vận động Boothferry Park, Hull, giữa Hull City và Manchester United trong khuôn khổ vòng bán kết Cúp Watney, và đội chiến thắng là Manchester United. Cầu thủ đầu tiên thực hiện sút luân lưu là George Best, và cầu thủ đầu tiên thực hiện không thành công là Denis Law. Ian McKechnie, thủ môn cản phá cú sút của Law, cũng là thủ môn đầu tiên thực hiện quả đá luân lưu; cú sút của anh đi trúng xà ngang và bay ngược trở ra, khiến Hull City bị loại khỏi giải.
Loạt sút luân lưu cũng được áp dụng tại các trận đấu của Cúp C1 và Cúp C2 (UEFA Cup Winners' Cup) châu Âu mùa giải 1970–71. Ngày 30 tháng 9 năm 1970, sau khi hòa nhau với tổng tỷ số 4–4 tại vòng một của Cúp C2, Honvéd giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu đầu tiên với tỷ số 5–4 trước Aberdeen[29] khi cú sút của Jim Forrest đập vào xà ngang. Năm tuần sau, ngày 4 tháng 11 năm 1970,[30] loạt sút luân lưu đầu tiên của Cúp C1 diễn ra giữa hai câu lạc bộ Everton F.C. và Borussia Mönchengladbach; đại diện đến từ nước Anh đã giành phần thắng với tỷ số luân lưu là 4–3.[31]
Tại vòng một Cúp C1 mùa giải 1972–73, trọng tài đã cho kết thúc sớm loạt sút luân lưu giữa CSKA Sofia và Panathinaikos sau khi CSKA dẫn 3–2 nhưng Panathinaikos mới chỉ thực hiện bốn lượt sút. Panathinaikos khiếu nại lên UEFA và kết quả trận đấu bị hủy bỏ, hai đội phải đá lại một tháng sau đó,[32][33] và CSKA chiến thắng mà không cần bước vào loạt luân lưu.
Trận chung kết giải Campeonato Paulista 1973 kết thúc với tình huống tương tự. Santos đang dẫn trước Portuguesa 2–0, mỗi đội đã thực hiện ba lượt sút, thì trọng tài Armando Marques đã nhầm lẫn (do mỗi đội vẫn còn hai lượt sút, Portuguesa vẫn có cơ hội cân bằng tỷ số) và trao phần thắng cho Santos. Huấn luyện viên Otto Glória của Portuguesa nhanh chóng dẫn đội ra khỏi sân vận động; việc làm này được cho là để loạt sút luân lưu không thể được tiếp tục trở lại nếu trọng tài phát hiện ra sai sót, và trận đấu sẽ phải được đấu lại, giúp cho Portuguesa có cơ hội chiến thắng cao hơn. Khi Santos phản đối việc đấu lại, Liên đoàn bóng đá São Paulo đã hủy bỏ kết quả trận đấu và trao chức vô địch chung cho cả hai đội.[34][35]
Giải đấu quốc tế lớn đầu tiên được quyết định bằng loạt sút luân lưu là chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu 1976 giữa hai đội Tiệp Khắc và Tây Đức. UEFA đã chuẩn bị cho một trận đấu lại hai ngày sau đó,[36] nhưng hai đội quyết định phân định thắng thua bằng loạt sút luân lưu.[37] Tiệp Khắc thắng với tỷ số luân lưu 5–3, và cú đá quyết định được thực hiện thành công bởi cầu thủ Antonín Panenka bằng một cú "bấm bóng" sau khi Uli Hoeneß của đội Tây Đức thực hiện cú sút dội xà ngang.
Loạt sút luân lưu đầu tiên tại giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra vào ngày 9 tháng 1 năm 1977, tại vòng 1 của vòng loại khu vực châu Phi, khi đội tuyển Tunisia đánh bại đội tuyển Maroc.[38] Loạt luân lưu đầu tiên tại vòng chung kết là vào năm 1982 khi Tây Đức chiến thắng trước Pháp tại trận bán kết. Nếu trận chung kết năm 1982 kết thúc với tỷ số hòa, loạt luân lưu sẽ không được áp dụng trừ khi trận đấu lại cũng kết thúc với kết quả hòa;[39][40] từ năm 1986, loạt sút luân lưu chính thức được áp dụng vào các trận chung kết như đã làm với các vòng đấu loại trực tiếp.[40]
Thống kê thành tích
[sửa | sửa mã nguồn]Khi thống kê, thành tích trong những loạt sút luân lưu thường không được tính chung với trận đấu diễn ra trước đó.[41][42][43] Trong trường hợp thi đấu lượt đi-lượt về, cả hai trận đấu vẫn sẽ được coi là hai trận hòa hoặc một trận thắng và một trận thua; trong trường hợp chỉ có một lượt trận thì vẫn được coi là kết quả hòa. Điều này khác so với các trận đấu có thắng thua sau hai hiệp phụ, khi những bàn thắng được ghi ở hiệp phụ vẫn được tính vào kết quả chung cuộc. Những quả luân lưu thực hiện thành công không được coi là bàn thắng do cầu thủ ghi khi tính vào thành tích cá nhân của họ hay để chọn danh hiệu "chiếc giày vàng".
Quy định của NCAA, hiệp hội quản lý hầu hết các hoạt động bóng đá đại học tại Hoa Kỳ, cũng áp dụng cách làm tương tự. Ngoài các trận đấu vô địch quốc gia, nếu tỷ số vẫn cân bằng sau hai hiệp phụ kiểu "cái chết đột ngột" (hay bàn thắng vàng), trận đấu vẫn được tính là trận hòa mà không cần xem xét tới kết quả của loạt sút luân lưu. Ở các trận thi đấu vô địch quốc gia, kết quả của loạt sút luân lưu cũng quyết định kết quả của trận đấu khi được thống kê.[44] Cho tới năm 2001, tất cả các trận đấu của NCAA có loạt sút luân lưu để quyết định đội đi tiếp hoặc đội vô địch đều được tính là trận hòa.[45] Năm 2002, quy định được thay đổi: tất cả các trận đấu có loạt sút luân lưu sẽ có đội thắng thua theo kết quả của loạt luân lưu khi thống kê thành tích.[46][47] Quy định này một lần nữa được thay đổi vào năm 2003 để quay trở lại thời điểm trước năm 2002 cộng thêm một ngoại lệ: loạt sút luân lưu sẽ mang tính quyết định trận đấu về mọi mặt tại các giải đấu vô địch quốc gia.[48]
Khi tính toán hệ số UEFA, loạt sút luân lưu không được sử dụng đối với các câu lạc bộ,[42] nhưng lại được xem xét tới với các đội tuyển quốc gia: đội thắng trong loạt sút luân lưu được 20.000 điểm, nhiều hơn đội thua trong loạt luân lưu (được 10.000 điểm, giống như trường hợp hòa) nhưng ít hơn số điểm 30.000 nếu thắng mà không cần loạt luân lưu.[49] Trong bảng xếp hạng bóng đá nam FIFA hiện nay, một trận thắng được tính 3 điểm; một trận thắng trên chấm luân lưu được tính hai điểm; một trận hòa hoặc thua trên chấm luân lưu được tính 1 điểm; một trận thua không được tính điểm nào.[43] Hệ thống xếp hạng phức tạp hơn được FIFA sử dụng từ 1999 đến 2006 tính điểm cho đội thắng luân lưu như một trận thắng bình thường và đội thua luân lưu được số điểm như một trận hòa; số bàn thắng ghi trong trận đấu, ngoại trừ loạt sút luân lưu, cũng được dùng để tính điểm xếp hạng.[50]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g h i j k l m n o p IFAB. “Laws of the Game 2016/2017” (PDF). Zurich: IFAB. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2017.
- ^ Wilson, M; Wood, G; Jordet, G. “The BASES Expert Statement on the Psychological Preparation for Football Penalty Shootouts” (PDF). British Association of Sports and Exercise Sciences. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2015.
- ^ “World Cup shootouts are great and here is how other sports can adopt the thrilling finale”. USA Today. ngày 1 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2018. But all those things combine to make it dramatic and compulsive viewing, the ultimate element of instant unpredictability, a quick fix for both the “short attention span” generation and all the ones before it, too. Shootouts provide all the things we like about sports. Heroes stepping into the spotlight with a single moment of brilliant or fortune. Sympathetic figures who your heart bleeds for.
- ^ “Goalmouth Scramble: 10 'important' thoughts on the World Cup”. New Zealand Herald. ngày 2 tháng 7 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2020. Nothing beats penalty shootouts for drama. And how great was the camera pivot to capture Manchester United legend Peter Schmeichel's reactions every time his son Kasper saved a penalty for Denmark? Truly gripping theatre.
- ^ Duret, Sébastien; David Matishen; Hervé Morard; Lars Aarhus; Erik Garin; Sturmius Burkert (ngày 14 tháng 2 năm 2004). “European Women U-19 Championship 2002–03”. RSSSF. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2009.
- ^ FIFA Technical Study Group (1990). FIFA World Cup Italia'90: Official Report (PDF). FIFA. tr. 59. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2015. So the last two matches in Group F would decide whether teams could proceed forward by their own efforts, or make FIFA resort to drawing lots in Rome. [..] Ireland and Holland fought yet another 1–1 result and the draw in Rome placed Ireland in second place and Holland third.
- ^ Hirata, T.; Szymanski, S. “The J. League and the World Cup”. Trong Lee, YH; Fort, R (biên tập). The Sports Business in The Pacific Rim. Sports Economics, Management and Policy.
- ^ FIFA.com (ngày 11 tháng 7 năm 2014). “Van Gaal: We can still make history”. fifa.com. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2018.
- ^ Carosi, Julian (tháng 7 năm 2006). “The Corsham Referee Newsletter”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2008. và IFAB (ngày 13 tháng 6 năm 1987). “III.8(a) Proposal by the Scottish Football Association: Law XIV—Penalty Kick” (PDF). Minutes of the AGM. Llandudno: Soccer South Bay Referee Association. tr. 18–22. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2009.
- ^ “The Laws change and the game gets better”. FIFA. ngày 1 tháng 8 năm 2000. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2008.
- ^ Hinch, Will. “Football Law Changes 2016/17”. Pitchero. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2016.
- ^ Under Pressure, Soccer Goalies Tend To Dive Right, ngày 2 tháng 8 năm 2011, lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2011, truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2011 Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl= và |archive-url= (trợ giúp)
- ^ How to actually, seriously play soccer 2007/2008, tr.130: "Don't shoot right down the pipe"
- ^ “Euro 2012: Joe Hart will do a Bruce Grobbelaar”. Daily Star. London. ngày 22 tháng 6 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2012.
- ^ Abbink, Dinant (ngày 6 tháng 6 năm 2008). “Cup of Yugoslavia 1952”. RSSSF. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
- ^ Garin, Erik (ngày 28 tháng 3 năm 2007). “Coppa Italia 1958/59”. RSSSF. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
- ^ Abbink, Dinant (ngày 8 tháng 6 năm 2000). “Switzerland – Youth Cup 1959/60”. RSSSF. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2008.
- ^ Garin, Erik (ngày 6 tháng 11 năm 2009). “Coupe Horlogère – Uhren Cup (Switzerland) 1962–2009: 1962”. RSSSF. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2011.
- ^ Sansoni, Marco (ngày 13 tháng 7 năm 2011). “Der Beweis für die deutsche Frechheit” (bằng tiếng Đức). Grenchner Tagblatt. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2011.
- ^ Torre, Raúl (ngày 16 tháng 5 năm 2008). “Trofeo Ramón de Carranza (Cádiz-Spain) 1955–2007: 1962”. RSSSF. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2008.
- ^ Relaño, Alfredo (ngày 18 tháng 8 năm 2006). “A don Rafael Ballester, innovador” (bằng tiếng Tây Ban Nha). AS.com. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2008.
- ^ Pierrend, José Luis; Alfonzo Cornejo (ngày 3 tháng 9 năm 2005). “Bolivarian Games: Soccer Tournaments”. RSSSF. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2008.
- ^ Stokkermans, Karel; Martín Tabeira (ngày 7 tháng 2 năm 2007). “European Championship 1968”. RSSSF. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2008.
- ^ “Israeli Behind the Goal” (Adobe Flash) (bằng tiếng Do Thái và Anh). infolive.tv. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2008.
- ^ a b Miller, Clark (1996). He Always Puts It To The Right: A History Of The Penalty Kick. Orion. ISBN 978-0-7528-2728-5.
- ^ IFAB (ngày 20 tháng 2 năm 1970). “Minutes of the Working Party” (PDF). London: Soccer South Bay Referee Association. tr. 4, §12. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2009.
- ^ IFAB (ngày 27 tháng 6 năm 1970). “Minutes of the AGM” (PDF). Inverness: Soccer South Bay Referee Association. §5(g). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2009.
- ^ Hollmann, Christian (ngày 30 tháng 6 năm 2006). “Karl Wald: Der Vater des Elfmeterschießens”. Stern (bằng tiếng Đức). Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2010. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl= và |archive-url= (trợ giúp)
- ^ “Cup Winners' Cup 1970–71” (bằng tiếng Anh). linguasport.com. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2016.
- ^ Antonio Zea, Marcel Haisma (ngày 9 tháng 1 năm 2008). “European Champions' Cup and Fairs' Cup 1970–71 – Details”. RSSSF (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2016.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ “European Cup 1970–71” (bằng tiếng Anh). linguasport.com. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2016.
- ^ Reuters (9 tháng 10 năm 1972). “UEFA annul Cup result”. The Times. ProQuest. tr. 7.
- ^ Barham, Albert (25 tháng 10 năm 1972). “Derby could silence their critics”. The Guardian. ProQuest. tr. 27.
- ^ Reportagem CV (ngày 26 tháng 8 năm 2003). “Decisão do Campeonato Paulista de 1973” (bằng tiếng Bồ Đào Nha). cartaovermelho.com.br. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2009.
- ^ Pelé; Orlando Duarte; Alex Bellos; Daniel Hahn (2006). Pelé: the autobiography. Simon & Schuster. ISBN 978-0-7432-7583-5.
- ^ Road, Alan (ngày 20 tháng 6 năm 1976). “Side Lines: Thomas the send-off”. The Observer. ProQuest. tr. 20. Clive Thomas... has been asked by the European Football Federation to stay in the country to referee a possible replay of tonight's European championship between the West Germany and the Czechs in Belgrade.
- ^ Lacey, David (ngày 21 tháng 6 năm 1976). “Czechs owe championship to Viktor”. The Guardian. ProQuest. tr. 17. Extra time brought no more goals and so, the countries having decided against a replay on Tuesday, the tournament had to be decided on penalties.
- ^ Communications Division (ngày 27 tháng 7 năm 2007). “History of the FIFA World Cup Preliminary Competition (by year)” (PDF). Good to Know. FIFA. tr. 22. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2009.
- ^ “World Cup facts and figures”. Chicago Tribune. ngày 6 tháng 6 năm 1982. tr. C2.
- ^ a b Chad, Norman (ngày 25 tháng 6 năm 1986). “Soccer purists blast penalty shoootouts”. The Palm Beach Post. tr. 5C. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ Laws of the Game 2007/2008, tr.130: "The kicks from the penalty mark are not part of the match"
- ^ a b “FAQ: Coefficients (associations, clubs, access list)”. UEFA. ngày 1 tháng 7 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2008. Kicks from the penalty mark to determine which club qualifies or to determine the winners of a tie do not affect the actual result of the match.
- ^ a b “The FIFA/Coca-Cola World Ranking” (PDF). FIFA. ngày 27 tháng 5 năm 2007. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2014. Win 3 points Draw 1 point Defeat 0 points. To ensure that the formula is not only fair but also simple, matches that are decided by a penalty shoot-out (which are considered draws under normal rules) result in the winning team receiving two points and the losing team one point.
- ^ Andres, Ken (tháng 6 năm 2016). 2016 and 2017 NCAA Men's and Women's Soccer Rules (PDF). Indianapolis, Indiana: The National Collegiate Athletic Association. tr. 38. ISSN 0735-0368. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2020.
- ^ McCrath, C. Cliff (tháng 6 năm 2001). 2001 NCAA Men's and Women's Soccer Rules (PDF). Indianapolis, Indiana: The National Collegiate Athletic Association. tr. 40, 42. ISSN 0735-0368. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2020.
- ^ “Section 7: Overtime, Tiebreaker procedure” (PDF). Official Soccer Statistics Rules; Approved Rulings and Interpretations. NCAA. 2009. tr. 3. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2010. The only year that games decided on penalty kicks resulted in a win or loss, rather than a tie for both teams, was 2002.
- ^ McCrath, C. Cliff (tháng 7 năm 2002). 2002 NCAA Men's and Women's Soccer Rules (PDF). Indianapolis, Indiana: The National Collegiate Athletic Association. tr. 40, 42. ISSN 0735-0368. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2020.
- ^ McCrath, C. Cliff (tháng 8 năm 2003). 2003 NCAA Men's and Women's Soccer Rules (PDF). Indianapolis, Indiana: The National Collegiate Athletic Association. tr. 40–42. ISSN 0735-0368. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2020.
- ^ “New UEFA National Team Coefficient Ranking System” (PDF). UEFA. ngày 20 tháng 5 năm 2008. tr. §3.1.3. Match points. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2008. A win is worth 30,000 points and a draw 10,000 points. [...] If a match ends with a penalty shoot-out, both teams are awarded 10,000 points (as for a draw). In addition, the winning team is awarded an extra 10,000 points. The goals scored in the penalty shoot-out do not count.
- ^ “FIFA/Coca-Cola World Rankings: Overview of basic principles and method of calculation”. FIFA. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2008. A special exception is made for matches that are decided on penalties; the winning team earns the full number of points for a win, while the losing team gets the number of points that would have been awarded for a draw. [...] In matches decided on penalties, only goals scored during regular playing time or extra time are considered in the calculation.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Loạt sút luân lưu (bóng đá).- Penalty Shoot-out Trivia — RSSSF
- Penalty Shoot-outs[liên kết hỏng] — by four researchers associated with the Fit Project at the Open University
| |
---|---|
Thuật ngữ |
|
So sánh |
|
IFAB |
|
Liên quan |
|
| |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Chronology |
| ||||||
Rules |
| ||||||
Equipment |
| ||||||
Variants of the game |
| ||||||
Positions |
| ||||||
Strategy |
| ||||||
Skills |
| ||||||
Terminology |
| ||||||
Memorabilia |
| ||||||
Organised supporters |
| ||||||
Comparisons |
| ||||||
Main associations |
| ||||||
Olympic |
| ||||||
Lists |
| ||||||
Related topics |
| ||||||
|
Từ khóa » đá Phạt đền Penalty
-
Phạt đền (bóng đá) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phạt đền Penalty Trong Bóng đá Là Như Thế Nào? - KIẾN THỨC 24H
-
Penalty Là Gì? Luật đá Penalty Như Thế Nào?
-
Lý Giải Phạt đền Trong Bóng đá Là Gì? - Elipsport
-
Luật Đá Phạt Đền Trong Bóng Đá Năm 2020 - Elipsport
-
Sút Phạt Penalty Là Gì? Khi Nào Thì Sút Phạt đền Penalty?
-
Đá Phạt đền Penalty Có được Chuyền Không? - VnNews360.Net
-
Penalty Là Gì? Khi Nào Thì đá Penalty
-
Penalty Là Gì? - Tìm Hiểu Về đá Phạt Penalty 11 Mét
-
Đá Penalty Là Gì? Khi Nào Các đội được Thực Hiện đá Penalty
-
LUẬT ĐÁ PHẠT ĐỀN (PENALTY) VÀ NHỮNG CÂU HỎI VÌ SAO?
-
30+ Pha đá Phạt đền Chấn động Lịch Sử Bóng đá - YouTube
-
Bí Quyết Sút Phạt đền Hoàn Hảo
-
Penalty Là Gì? Luật Penalty Mới Nhất Theo Quy định Của FIFA