Lọc ảo Tuyển Sinh: Có Ngăn được Tình Trạng 'xếp Gạch' Giữ Chỗ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự điều chỉnh này nhằm hạn chế tình trạng một thí sinh cùng lúc trúng tuyển vào nhiều trường và làm mất cơ hội của những thí sinh khác. Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn, liệu quy định mới có giảm quyền tự chủ của các trường, gây thủ tục phiền phức hay làm mất quyền lợi của thí sinh.

“Theo em lọc ảo như thế này cũng tốt, bởi mấy bạn học giỏi sẽ không cùng một lúc giữ chỗ được ở mấy trường. Như thế sẽ tạo cơ hội vào đại học nhiều hơn cho những người khác”.

“Em thấy các anh chị năm ngoái đăng ký xét tuyển bằng học bạ xong có thể biết kết quả ngay, nhưng năm nay có khi phải đợi lọc ảo xong mới biết. Em nghĩ nếu biết sớm thì sẽ yên tâm hơn”.

“Em nghĩ nếu quy định này được thông báo từ đầu năm học thì bọn em sẽ chủ động hơn”.

Trên đây là chia sẻ của một số học sinh sau khi biết tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có những ‘thay đổi quan trọng’ trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022.

 Một điểm mới hiện đang được dư luận rất quan tâm ở mùa tuyển sinh Đại học năm nay, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ ‘lọc ảo’ chung cho tất cả phương thức xét tuyển của các trường đại học sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT - Ảnh minh họa

 Một điểm mới hiện đang được dư luận rất quan tâm ở mùa tuyển sinh Đại học năm nay, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ ‘lọc ảo’ chung cho tất cả phương thức xét tuyển của các trường đại học sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT - Ảnh minh họa

Theo đó, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng một phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học, chứ không chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như mọi năm.

Sự điều điều chỉnh này xuất phát từ việc, phân tích số liệu vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo, nhưng tỷ lệ nhập học ngày càng giảm. Hay một số cơ sở đào tạo không căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT mà xét tuyển bằng phương thức khác, nên yêu cầu xác nhận nhập học ngay, khiến thí sinh mất cơ hội ở những trường có mức ưu tiên cao hơn.

Trong khi đó, không ít trường hợp 1 thí sinh đỗ cùng lúc nhiều trường đại học, ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nên có tâm lý ‘giữ chỗ’ và làm mất cơ hội của những thí sinh khác.

Dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay được cho là có thể khắc phục các bất cập trên, tuy nhiên, việc đưa ra những quy định mới ngay trước mùa thi vẫn khiến không ít người băn khoăn.

Chị Minh Phương, quận Cầu Giấy, Hà Nội, có con năm nay thi đại học chia sẻ: “Tôi thấy quy chế tuyển sinh đại học hầu như năm nào cũng có điểm mới, không ít thì nhiều. Sao không lường trước những bất cập để đưa ra một quy chế ổn định mà cứ loay hoay hết sửa với thay đổi từ năm này sang năm khác”.

Chia sẻ quan điểm trên, chị Nguyễn Thanh Hằng, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: “Theo tôi quy chế mới năm nay cũng có nhiều điểm tích cực, công bằng hơn, nhưng cứ điều chỉnh trước mỗi mùa thi thế này sẽ làm rối cho cả học sinh lẫn phụ huynh”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không chỉ thí sinh, phụ huynh băn khoăn, lãnh đạo nhiều trường đại học cũng nêu khó khăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển. Bởi khi được giao tự chủ, các trường đều phải xây dựng đề án tuyển sinh với nhiều phương thức xét tuyển.

Ở những phương thức không liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường có thể nhận hồ sơ, xét tuyển sớm và chỉ dành một phần chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, công tác tuyển sinh có thể kết thúc sớm, không kéo dài. Nhưng với quy định năm nay, kế hoạch có thể sẽ phải thay đổi.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai lọc ảo chung có thể thuận lợi cho những trường ở top trên nhưng lại khó cho các trường top giữa và top dưới.

Ông Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: "Sau khi xét rồi thì vẫn phải chờ lọc ảo của phía Bộ. Do đó nên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như gây khó khăn cho công tác dự kiến kế hoạch, cũng như phương án xây dựng điểm chuẩn của các trường, ví dụ như trường ở top 2 và các trường ở top thấp hơn thì tôi nghĩ còn khó khăn hơn nữa".

Trước những băn khoăn về quy trình lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, lịch xét tuyển đợt 1 cơ bản không thay đổi so với các năm trước. Tuy nhiên, thời gian các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học có thể chậm hơn 2 - 3 tuần so với các năm trước.

Ngoài ra, việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển.

Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định: “Chúng ta được quyền ưu tiên nhất những gì mà chúng ta mong muốn nhất dù bằng phương thức xét tuyển nào. Như vậy hệ thống lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm thay các trường bằng việc là xét tuyển từng hồ sơ hay điều kiện trúng tuyển, mà ở đây là sắp xếp nguyện vọng và lọc ảo để đảm bảo là các em trúng vào nguyện vọng mà các em ưu tiên nhất và các trường cũng giảm thiểu rất nhiều số lượng thí sinh ảo và giúp các em đỗ vào nguyện vọng cao nhất”.

Một ‘điểm mới’ nữa ở kỳ tuyển sinh năm nay, là không ít trường đại học gần đây công bố phương thức tuyển sinh dự kiến đã giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp và bổ sung những phương thức khác. Thay đổi này khiến nhiều học sinh cảm thấy bất lợi vì đã dành phần lớn thời gian ôn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.

Về lo lắng này của thí sinh, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, ở hầu hết các trường việc tăng, giảm chỉ tiêu chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức chính là xét tuyển học bạ và xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp. Do đó, vấn đề quan trong nhất đối với thí sinh lúc này là học tập và ôn luyện thật vững.

“Các trường vẫn sử dụng phương thức tuyển sinh đó, trừ các trường chuyên thi năng khiếu. Số lượng chỉ tiêu nếu có tăng, giảm thì hầu như chỉ di chuyển giữa 2 phương thức chính đó là thi tốt nghiệp và kết quả học bạ. Dần dần các phương thức về đánh giá năng lực cũng như các phương thức kết hợp khác có tăng lên, nhưng theo thống kê của chúng tôi ngay năm 2021 vừa rồi, chưa đến 10% là các phương thức khác, như vậy đến 90% vẫn là học bạ và thi tốt nghiệp. Do đó, các em cứ yên tâm thi kỳ thi tốt nghiệp này thật tốt”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có thể nói, thay đổi trong thi cử hay quy chế tuyển sinh luôn là vấn đề thời sự nóng, được dư luận hết sức quan tâm, bởi liên quan đến tương lai của hàng triệu thí sinh. Dù những thay đổi này được cho có thể khắc phục bất cập ở các kỳ tuyển sinh trước, song cũng gây xáo trộn tâm lý không nhỏ cho cả thí sinh lẫn các bậc phụ huynh trước mỗi mùa thi.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Chủ động từ sớm để hướng tới phương án tuyển sinh ổn định”

Theo kế hoạch, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 sẽ được ban hành trong tháng 6 tới đây.

Dù còn quan điểm trái chiều, nhưng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm đăng ký nguyện vọng xét tuyển để có thể lọc ảo chung nhận được sự đồng thuận của đa số các trường đại học.

Giải pháp này được đánh giá có thể khắc phục, giảm thiểu tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề đau đầu của các trường ở mỗi mùa tuyển sinh, bởi nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng thừa nhận, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót, đặc biệt là khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các Sở Giáo dục đào tạo và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống.

Thực tế, xử lý, điều chỉnh khi phát hiện bất cập là điều cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, lường trước các tình huống có thể xảy ra sẽ hạn chế được những thay đổi không mong muốn, gây xáo trộn tâm lý thí sinh.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hiện tại có tới 20 phương thức xét tuyển sẽ được các trường đại học áp dụng trong mùa tuyển sinh 2022 sắp tới.

Ngoài dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng chỉ tiếng Anh IELTS, xét học bạ, xét tuyển thẳng, nhiều trường đại học trên cả nước cũng sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển.

Với cơ chế tự chủ tuyển sinh, việc đưa ra phương thức mới nào là quyền của các trường. Nhưng không ít ý kiến cho rằng, quá nhiều phương thức xét tuyển như vậy có đánh giá được chất lượng đầu vào, có tăng cơ hội đậu đại học hay chỉ khiến học sinh cảm thấy lúng túng trước ‘ma trận’ phương thức xét tuyển.

Ngoài ra, việc không ít trường giảm mạnh chỉ tiêu ở một số phương thức truyền thống cũng bị xem là sẽ gây sốc cho thí sinh vì các em đã ôn tập theo những phương thức này từ lâu. Trước đó, ở kỳ tuyển sinh năm ngoái, đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm chỉ tiêu ở một số phương thức truyền thống cũng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi.

Những năm qua, việc thường xuyên đưa ra những ‘điểm mới’ hay thay đổi phương thức tuyển sinh trước mỗi mùa thi luôn khiến dư luận băn khoăn.

Vậy nên chăng, cần hướng tới xây dựng một phương án tuyển sinh ổn định để học sinh có thể tập trung vào ôn luyện kiến thức chứ không phải bận tâm suy nghĩ, liệu quy chế năm sau sẽ giống hay khác với năm nay. 

Từ khóa » Hệ Thống Lọc ảo Là Gì