#LocalZine: Tổ Nghiệp Sân Khấu Và Chuyện Kiêng Kỵ Của Giới Nghệ ...

#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt

“Coi chừng Tổ trác.” là một câu nói ý để nhắc nhở phải cẩn trọng khi làm việc gì. Tổ trác tức là bị Tổ “ghẹo”, khiến mình phải hỏng việc. Ngoài ra, Tổ trác còn được hiểu theo nghĩa bị trừng phạt vì đã bất kính, làm điều thất thố với Tổ nghiệp.

Phàm làm nghề gì thì cũng có Tổ. Đặc biệt đối với những người làm nghệ thuật, họ lại càng kính sợ Tổ hơn. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Bất kỳ ai đã “ăn cơm Tổ” thì tuyệt nhiên không dám phụ lòng Tổ. Giới nghệ sĩ tin rằng, nếu Tổ không thương, không cho, thì dù có tài năng đến đâu cũng đừng mong đứng được trên sân khấu.

Tổ là ai?

Hằng năm, cứ đến 12/8 Âm lịch, sân khấu các nơi lại rộn ràng cúng Tổ. Trong ngày này, nghệ sĩ thường gác lại mọi công việc, chia thành từng đoàn, đi hết sân khấu này đến sân khấu khác, rạp này đến rạp khác để thắp hương, dâng lễ.

Hoài Linh dọn dẹp nhà thờ Tổ trăm tỷ, chuẩn bị cho lễ giỗ Tổ nghề sân khấu
NSƯT Hoài Linh kính lễ tại nhà thờ Tổ.

Đây vốn là ngày mất của bà Phạm Thị Trân – một nữ nghệ sĩ thời nhà Đinh. Bà được tôn là bà tổ nghệ thuật hát chèo, đồng thời là vị tổ nghề đầu tiên của ngành sân khấu Việt Nam. Để tưởng nhớ bà, những người hoạt động trong ngành sân khấu chèo, các chiếu chèo, làng chèo đều tổ chức lễ giỗ cho bà vào 12/8 Âm lịch. Từ năm 2011, ngày này chính thức được Nhà nước công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam.

Để thuận tiện cho nghệ sĩ tham gia cúng Tổ ở nhiều sân khấu thì ngày giỗ thường được tổ chức từ 11 đến 13/8 Âm lịch, tuy nhiên lễ chính vẫn là ngày 12. Ban đầu, đây chỉ là ngày cúng Tổ nghề của tuồng (hát bội), cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Dần dần, cùng với sự phát triển của ngành sân khấu, ngày này trở thành một “ngày Tết của nghệ sĩ”, là ngày lễ chung, không phân biệt loại hình nghệ thuật nào.

Nghệ sĩ cúng giỗ tổ sân khấu tại nhà - VnExpress Giải trí
Đạo diễn Diệp Tiên (trái) và nghệ sĩ cải lương Diệp Lang trong buổi cúng Tổ tại nhà.

Tuy nhiên, khi được hỏi “Cúng Tổ là cúng ai?” thì mỗi người lại có một cách lý giải khác nhau. Giai thoại thường được nghe nhất là về hai vị Hoàng tử mê coi hát đến mức kiệt sức, ôm nhau chết. Linh hồn của họ thường xuyên hiện lên coi hát nên người trong nghề bèn lập bàn thờ, phụng kính là Tổ. Ngày hai vị qua đời cũng trở thành ngày cúng Tổ hằng năm của ngành sân khấu.

Lại có nhiều người tin rằng, Tổ nghiệp của giới nghệ sĩ cũng là Tổ chung của giới trộm đạo, ăn cướp, cái bang (ăn mày), và mại dâm. Bởi thế, nghệ sĩ rất kiêng cho tiền ăn xin vì cho rằng như thế là xúc phạm Tổ nghiệp.

Theo NSND Đinh Bằng Phi, những giai thoại này được đặt ra thực chất là để tạo sự tin tưởng. Tất cả những người làm sân khấu đều coi mình là con cháu của ông Tổ. “Ông cha ta đặt ra những giai thoại này vừa dựa trên thực tế, vừa mang tính hoang đường, rồi truyền miệng từ đời này truyền sang đời khác. Ví dụ, giai thoại hai vị hoàng tử là hai vị hoàng tử nào đó, đâu rõ đời nào đâu.

Đinh Bằng Phi - cánh chim đầu đàn của nghệ thuật hát bội - VnExpress Giải  trí
NSND Đinh Bằng Phi – người được mệnh danh là “cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật hát bội

Còn nếu nói ông tổ là ăn mày thì là do người hát luôn tôn kính tất cả các nghề, vì nghề nào cũng có đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cả. Tại sao ăn mày được cho là ông tổ? Vì khi diễn nhân vật ăn mày, nghệ sĩ cũng phải học nghề ăn mày. Để nhớ ơn, sau này, họ liệt những người có đóng góp cho sân khấu đều là tổ. Ăn mày là một cái nghề mà người hát học được để diễn trên sân khấu, cũng giống như thợ may, thợ rèn, thầy thuốc… thậm chí là ăn cướp.”

Các vai diễn nổi bật của nghệ sĩ Lê Bình - 4

Mỗi vai diễn, nghệ sĩ đều phải học từ “người thật việc thật” trong cuộc sống rồi mới đưa lên sân khấu, màn ảnh.

Cố nghệ sĩ Lê Bình vai sư phụ Bành (phim 798Mười – 2018)

NSƯT Kim Tử Long cho biết: “… Mặc dù đến giờ, vẫn chưa biết chính xác Tổ nghiệp của ngành sân khấu là ai, chỉ biết rằng đó là đấng linh thiêng, luôn theo “độ” cho sân khấu. Nghệ sĩ cảm thấy tin tưởng và thờ cúng. Lớp nghệ sĩ trẻ thì chưa đi sâu vào vấn đề này nhưng thế hệ trước, những người lớn tuổi thì rất tin tưởng và coi trọng, trước khi lên sân khấu luôn phải thắp nhang, khấn tổ.”

NSƯT Kim Tử Long lấy nước mắt khán giả với vai Nguyễn Trãi - Ảnh 1.

NSƯT Kim Tử Long thể hiện vai diễn Nguyễn Trãi trong vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn

NSND Đinh Bằng Phi cũng cho rằng dù là giai thoại nào thì cũng thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn của nghệ sĩ dành cho những người đã có đóng góp cho ngành sân khấu.

Ông Tổ, với họ, tức là người đã truyền lại cuộc sống, công việc… cho họ. Cúng Tổ nghĩa là thể hiện lòng biết ơn đến những người có công đóng góp cho sân khấu. Những câu chuyện không có gì là thực tế nhưng chứng tỏ người nghệ sĩ là người nhớ ơn tất cả, kể cả những người đi theo gánh hát, hậu đài đều được tôn trọng, thờ cúng…

NSND Đinh Bằng Phi

Nghệ sĩ và những điều kiêng kỵ

Một trong những việc đầu tiên mà tất cả nghệ sĩ thường làm trước khi lên sân khấu là thắp nhang cầu Tổ nghiệp phù hộ. Ngoài ra, họ còn vô cùng giữ gìn, hết sức tránh phạm phải một số điều kiêng kỵ. Người ngoài không biết, cho rằng như thế là mê tín, sùng kính quá đà. Nhưng là người trong nghề, ai cũng hiểu rằng, việc làm theo những quy tắc được đề ra là để nghề diễn có nền nếp, từ trên xuống dưới nhất nhất tuân thủ một bề.

Kiêng cho tiền người ăn xin

Điều kiêng này xuất phát từ niềm tin nghệ sĩ và hành khất có chung Tổ. Vì thế, cho tiền người ăn xin là xúc phạm Tổ. Thay vào đó, nghệ sĩ có thể “nhờ tay” người khác gửi tiền hoặc giúp đỡ bằng cách mua thức ăn.

Nguy cơ lây lan Covid-19 từ những người ăn xin tại các ngã tư đường

Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ cũng tin vào việc làm từ thiện. Họ tin rằng những thứ mình có được là do Tổ đãi, Trời cho. Vì thế, họ có trách nhiệm chia sẻ lộc Trời với những hoàn cảnh bất hạnh.

Không mang mía hay quả thị vào sân khấu

Theo một niềm tin khác thì trong 3 vị Tổ nghiệp, có một người là trẻ con. Vị này cũng là biểu tượng cho sự hồn nhiên và trong trẻo của nghệ thuật. Mà trẻ con thì thích ăn mía. Cho nên, nếu mang mía vào, vị này sẽ lao vào ăn mà “bỏ quên” show diễn.

Uống nước mía có tốt không? 7 công dụng của nước mía với sức khỏe

Kiêng mang mía hoặc uống nước mía để tránh “bể sô”.

Ngoài ra, vô rạp rồi thì không mang theo quả thị, trái chuối, bắp,… trừ khi đó là đạo cụ diễn. Về trái thị, có lý giải cho rằng thị có mùi thơm, dễ làm nghệ sĩ mất tập trung. Lời giải thích khác thì nói vị Tổ trẻ con cũng thích mùi quả thị. Nếu cầm thị đi ngang bàn thờ, vị này ngửi được mùi và đi theo trái thị thì sân khấu hôm đó cũng không được Tổ chứng giám, tiết mục không diễn được.

8 tác dụng của quả chuối và các món ăn hấp dẫn từ chuối

Không ăn / mang theo chuối để tránh “chúi nhũi”, không ăn bắp để đừng bị lắp bắp, quên lời trên sân khấu.

Không mang guốc vông

Người làm guốc mộc cuối cùng

Cốt tượng cũng như ngai thờ Tổ được làm từ cây vông nem (do giai thoại hai vị Hoàng tử mê hát mà chết trên cây vông nem). Thế nên, nghệ sĩ rất kỵ việc mang guốc vông, xem đây là hành động bất kính với Tổ nghiệp.

Không để trẻ con đá vào rương đồ diễn

Ngày xưa, các đoàn hát khi đi diễn mang theo rất nhiều rương đồ diễn và phụ kiện. Đoàn dừng ở đâu thì sẽ sắp rương ra thành hàng. Đó sẽ là nơi nghệ sĩ ngồi trang điểm. Nếu để trẻ con ngồi lên rương và đá chân vào đó, trong đoàn thế nào cũng xảy ra đánh nhau hoặc cãi vã.

Nỗ lực vực dậy cải lương - Báo Người lao động
Nghệ sĩ Chí Bảo, Kim Ngân, Công Minh trong vở Nhiếp chính Thần Phi

Ngoài ra, theo diễn viên hài Gia Bảo (cháu nội NSƯT Bảo Quốc), nghệ sĩ và những người thuộc ê-kíp trong đoàn cũng không được lấy chân gõ vào thành (bục) sân khấu, vì như thế là điềm rủi, mang đến gây gổ, xáo trộn trong đoàn.

Không khen đồng nghiệp trang điểm đẹp

Một trong những điều kiêng kỵ có phần khó hiểu của giới nghệ sĩ, là không khen đồng nghiệp trang điểm, hóa trang đẹp. Người nào “bị” khen sẽ bôi mặt đi và làm lại từ đầu.

Lưu giữ nghệ thuật hát bội
Nghệ sĩ hát bội hóa trang trước khi ra diễn.

Ngoài ra, trong phòng hóa trang cũng cần tập trung, giữ yên lặng, tránh đùa giỡn, nói tục chửi bậy, để không bị Tổ phạt.

Không động đến trống khi không biểu diễn

Dân ca dân nhạc VN – Hát Bội/Tuồng Miền Bắc | Đọt Chuối Non

Tương truyền, trống là bộ phận trong cơ thể ông Tổ. Sau khi “kiếm cơm”, nghệ sĩ phải trả lại cho ông. Các nghệ sĩ tin vào điều này nên khi kết thúc màn biểu diễn, họ không động vào trống nữa.

Ăn vận lịch sự khi cúng Tổ

Khi lạy Tổ, nghệ sĩ phải lạy đủ 12 lạy. Cúng Tổ thì cần ăn mặc lịch sự. Tuy nhiên, cũng có người quan niệm rằng nên mặc đồ như khi mình biểu diễn trên sân khấu để được Tổ chứng giám.

Nghệ sĩ miền Bắc dâng hương tại nhà thờ tổ nghiệp của Vượng Râu - VnExpress  Giải trí
NSND Trần Nhượng thắp hương lên bàn thờ Tổ.

Kết

Cũng như những giai thoại xoay quanh ông Tổ của ngành sân khấu, những điều kiêng kỵ trên cũng có nhiều dị bản. Không phải nghệ sĩ nào cũng giữ hết tất cả những điều kiêng kỵ. Theo nghệ sĩ Bạch Long, chúng ta tin vào tâm linh, nhưng cái nào không khoa học thì nên giảm bớt đi.

Chưa ai có thể chứng minh được có hay không việc tác động của Tổ nghiệp vào sự nghiệp của nghệ sĩ. Những sự vụ do “Tổ trác” ít nhiều đều không có lý giải rõ ràng. Tuy nhiên, hầu hết giới nghệ sĩ vẫn rất xem trọng những điều kiêng kỵ, trước là để tránh xui rủi, sau là để không mắc tội thất kính với Tổ nghiệp.

Xem thêm:#LocalZine: Tất cả chỉ còn là kỉ niệm: Saigon Water Park – Công viên nước đầu tiên ở Việt Nam#LocalZine: Không chỉ là truyện tranh, mà còn là ký ức#LocalZine: Nhìn về thời bao cấp với lăng kính màu hồng#LocalZine: Việt Nam có Internet không? – Câu hỏi ngớ ngẩn nhưng hot không tưởng trên Quora

Tags: LocalZine

Từ khóa » Hình Tổ Nghiệp Sân Khấu