Logo Và Font Chữ - Những Lưu ý Cơ Bản để Hình ảnh Hóa Con Chữ
Có thể bạn quan tâm
Nếu bạn biết ý nghĩa của logo trong việc đại diện cho cả một thương hiệu như thế nào thì bạn chắc cũng đã hiểu vai trò không thể thay thế của font chữ trong việc truyền tải thông điệp logo. Do đó, việc lựa chọn font chữ phù hợp với logo luôn khiến các nhà thiết kế phải cân đo đong đếm rất nhiều.
Những font chữ cơ bản và ý nghĩa của chúng
Các font chữ khác nhau sẽ kết nối với những thuộc tính khác nhau và đại diện cho những tính cách riêng biệt. Khách hàng trong tương lai của bạn khi nhìn vào chiếc logo và nét chữ trên đó sẽ đưa ra các giả định về tính chất của doanh nghiệp hoặc mặt hàng bạn kinh doanh. Điều đó đồng nghĩa logo sẽ là nơi truyền tải thông điệp thương hiệu đến khách hàng đầu tiên và cách font chữ được sử dụng cực kì quan trọng, chúng cần được lựa chọn kĩ càng và mang tính lâu dài.
Hiện nay có hàng trăm ngàn font chữ đang được sử dụng trên thế giới, tuy nhiên, tựu trung lại, chúng ta có những font chữ cơ bản và phổ biến sau đây:
- Serif: thể hiện sự cổ điển, sang trọng, truyền thống.
- Sans-Serif: sự hiện đại, sạch sẽ, hơi hướng hình học, đơn giản
- Slab Serifs: sự cổ điển, mộc mạc, nam tính
- Script: sự tinh tế, nữ tính, có tính trang trí ứng dụng, thanh lịch
- Handwritten: sự dấu ấn cá nhân, giản dị, gần gũi
- Display: sự vui mắt, mới lạ
Độ dày nét chữ và khả năng ứng dụng
Để đánh giá một font chữ có phù hợp với thương hiệu hay không, ngoài yếu tố thẩm mỹ và sự kết nối với các tính cách như đã nêu trên, người thiết kế còn cần nghiêm túc xem xét đến độ dày của nét chữ và khả năng linh hoạt của logo khi ứng dụng trên nhiều ấn phẩm khác nhau.
Hầu hết các font chữ đều có các biến thể, nét chữ dày hoặc mỏng, bề mặt nét chữ có màu hoặc trong suốt, khoảng cách giữa các con chữ gần hoặc xa… Thông thường, những font chữ có nét dày sẽ phù hợp với những tên thương hiệu ngắn gọn, ít kí tự hơn là những tên thương hiệu dài vì sẽ làm cả logo trở nên nặng nề, cồng kềnh. Còn các font chữ nét mỏng sẽ rất tuyệt vời cho tên thương hiệu dài khi thể hiện trên các bảng hiệu quảng cáo nhưng cũng có thể “biến mất” trên khi in trên danh thiếp vì kích thước nét chữ quá nhỏ. Hơn nữa, nếu xét ở góc độ kết nối với tính cách, trong khi nét dày đại diện cho sự quyết đoán, mạnh mẽ thì nét mỏng lại biểu hiện sự tinh tế, nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, người thiết kế cũng có thể tạo điểm nhấn cho chiếc logo bằng việc phá cách một chút với các font chữ vốn đã quen thuộc. Thậm chí có thể kết hợp nhiều hơn một font trên cùng một chiếc logo như thiết kế của nhà hàng The Fields dưới đây. Sự kết hợp giữa nét chữ cổ điển, mềm mại phía trên với nét chữ dứt khoát, hiện đại phía dưới đã tạo nên cảm quan vô cùng hài hòa và thú vị.
Nói thêm một chút về khả năng ứng dụng, những nhà thiết kế logo chuyên nghiệp thường dành rất nhiêu thời gian xem xét mọi trường hợp trong việc sử dụng logo khi in ấn, kết hợp và đặc biệt là viết tắt. Nếu thương hiệu mang tên Sally’s Salon, bạn cần phải tìm ra font chữ mà ngay cả trong phiên bản rút gọn “S’sS” vẫn phải thật đẹp mắt trước khi mang đi đăng kí bản quyền.
Sự tương hợp giữa font chữ và ngành hàng
Một cân nhắc quan trọng khác khi chọn font chữ cho logo không chỉ là cách bạn muốn nó trông như thế nào mà còn là cách bạn muốn toàn bộ logo được cảm nhận như thế nào. Điều này có ý nghĩa mật thiết tới ngành nghề hoặc sản phẩm kinh doanh của thương hiệu. Một kiểu chữ tạo sự rung cảm thô mộc có thể phù hợp với cửa hàng cơ khí nhưng sẽ trở nên lạc lõng trên logo của công ty phần mềm. Vì vậy trước khi đặt bút phác thảo một logo bất kì, người thiết kế cần nghiên cứu những mong đợi, sở thích, tính cách chung của người tiêu dùng trong ngành hàng đó để tìm kiểu chữ phù hợp.
Minh họa bởi olimpio Minh họa bởi petiteplume
Đồng thời, hãy cảnh giác với các phông chữ đã được sử dụng quá nhiều dù đó là sự lựa chọn an toàn cho bạn. Một ví dụ có thể kể đến đó là font Slab Serif cổ điển đã và đang phổ biến trong các thương hiệu bia đến nỗi chúng làm cho các logo không còn chút gì nổi bật và dần trở nên lu mờ giữa hàng trăm thương hiệu bia tương tự. Font Sans-serif cũng vậy, chúng dường như xuất hiện trong hầu hết logo của các công ty công nghệ trên thế giới hiện nay và đôi khi gây ra các hiệu ứng ngược. Dù biết rằng mỗi ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ đều có một hoặc một vài kiểu chữ đặc trưng riêng và được sử dụng khắp mọi nơi, tuy nhiên, để mang sự mới lạ và gây ấn tượng với khách hàng, người thiết kế cần luyện tập để đạt đến trình độ vừa giữ được cái chung của lĩnh vực kinh doanh, vừa tạo điểm khác biệt với tất cả “đối thủ” của mình.
Kết hợp nhiều font chữ trong một logo
Trước hết, không bao giờ sử dụng nhiều hơn hai hoặc ba font chữ trong một logo. Một thiết kế tốt phải duy trì được hệ thống phân cấp thị giác để mắt người đọc hiểu rõ thứ tự quan trọng của những gì được trình bày trên một bản thiết kế.
Thông thường, logo là sự kết hợp giữa văn bản và biểu tượng, đôi khi sẽ bao gồm cả năm thành lập, khẩu hiệu hoặc địa điểm kinh doanh. Vì thế, tên thương hiệu sẽ là phần thiết kế cần được nổi bật nhất bằng một font chữ riêng biệt, chiếm diện tích thiết kế lớn nhất, nằm ở bậc cao nhất của hệ thống phân cấp thị giác. Những phần còn lại như năm thành lập, khẩu hiệu, địa điểm kinh doanh cần được thiết kế trong một font chữ khác, kiểu dáng gọn gàng và kích thước nhỏ hơn, ví dụ như sans-serifs và serifs chẳng hạn. Hai kiểu chữ này rất dễ đọc, đảm bảo khách hàng tiềm năng vẫn bị thu hút bởi tên thương hiệu chính nhưng không bỏ qua các thông tin phụ xung quanh.
Tuy nhiên, không nhất thiết lúc nào một logo cũng cần sự kết hợp hoàn hảo giữa font chữ, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ hoặc những doanh nghiệp ưu tiên việc khách hàng nhớ tên thương hiệu hơn là viêc một chiếc logo trông đẹp như thế nào. Vì thế, trong những trường hợp này, người thiết kế có thể tạo kiểu logo theo wordmark_sử dụng các font chữ cơ bản và thiết kế tối giản để khách hàng không bị phân tâm vào hình ảnh mà chỉ tập trung ghi nhớ tên sản phẩm/thương hiệu. Buff, Google, Visa là những công ty theo đuổi kiểu logo wordmark như thế.
Một yếu tố khác trong thiết kế logo cần được lưu ý nữa đó chính là sự tương hợp giữa logomark (hình ảnh trong logo) với các kiểu chữ được sử dụng. Nếu logomark thể hiện sự nữ tính bằng các nét vẽ mềm mại, nét chữ cần phải có độ mỏng tương đương. Hoặc nếu logomark là hình ảnh nhiều chi tiết thì bạn cần một font chữ thật đơn giản để cân bằng lại. Nhìn vào logo của Torchlight Studios và Lightpath bên dưới đây, bạn sẽ thấy độ dày của nét chữ và độ dày của nét vẽ là hoàn toàn tương xứng với nhau, cũng giống như tên thương hiệu được thể hiện trực quan, rõ ràng, đối trọng lại với logomark ngọn đèn đang sáng và hình người đang ngồi thiền trong vòng tròn lá vốn đã tương đối phức tạp.
Minh họa bởi aerith Minh họa bởi winnertime
Những kĩ thuật thiết kế khác cần lưu ý
Đầu tiên, để một logo có thể đọc được từ khoảng cách xa, người thiết kế cần xem xét sử dụng một font chữ duy nhất và phóng lớn kích thước nhất có thể. Đồng thời, hãy tạo khoảng trắng giữa các chữ cái để quá trình đọc chữ từ xa của khách hàng được dễ dàng hơn. Sans serifs được đánh giá là một trong những font thực hiện rất tốt nhiệm vụ này.
Tiếp theo, nếu thị trường tiếp thị chủ đạo của công ty là các phương tiện kĩ thuật số, mạng xã hội online thì người thiết kế logo cần chọn những kiểu chữ được tối ưu hóa cho website và các kích thước logo từ nhỏ đến siêu nhỏ. Điều này sẽ giúp chiếc logo đó trông luôn tuyệt vời dù hiển thị trên màn hình máy tính lớn hay trên điện thoại cầm tay.
Bên cạnh đó, các công ty cũng thường xuyên yêu cầu người thiết kế logo phải tạo ra những phiên bản màu khác nhau trên cùng một kiểu logo để tăng khả năng ứng dụng. Vì thế, để cho ra đời một chiếc logo hoàn chỉnh, người thiết kế nên thử nghiệm logo bằng các màu khác nhau, trên nhiều phông nền khác nhau, đặc biệt là phông nền màu trắng.
Nếu bạn dự định sử dụng một font chữ nào đó thì hãy luôn đảm bảo rằng bạn có giấy phép sử dụng nó trên logo. Một số kiểu chữ chỉ được cấp phép cho sử dụng cho mục đích cá nhân và phi thương mại nên hãy kiểm tra để chắc chắn rằng bạn không vi phạm bất cứ bản quyền nào. Ví dụ nếu bạn điều hành một trang web bán sách, bạn có thể gặp rắc rối lớn nếu font chữ bạn chọn cho logo trông quá giống font chữ Amazon đang sử dụng.
Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng bạn là một designer và bạn hoàn toàn có khả năng biến hóa một font chữ bình thường thành một kiểu chữ độc nhất vô nhị. Bằng cách điều chỉnh một vài nét thẳng hoặc thêm bớt chi tiết cho các chữ cái là bạn có thể có một kiểu chữ cho riêng mình.
Một chiếc logo hơn vạn lời quảng cáo
Như bạn thấy đó, thực tế mỗi font chữ đem lại những hiệu ứng riêng cho từng đối tượng cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể. Khi người dùng nhìn thấy logo và thương hiệu của bạn, họ sẽ có thể liên tưởng ngay mục tiêu, sản phẩm/dịch vụ, tính cách doanh nghiệp mà chưa cần đọc một lời giới thiệu nào. Vì vậy, một chiếc logo thành công là một chiếc logo có thể thay hàng vạn lời quảng cáo và font chữ là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp một cách trực tiếp và hấp dẫn nhất.
Biên tập và dịch: Thùy VânNguồn: 99designs
Từ khóa » Font Chữ Biểu Tượng
-
69+ Font Chữ Thiết Kế Logo ẤN TƯỢNG || Kèm Link DOWNLOAD
-
25 Loại Font Chữ Thiết Kế Logo Kinh điển Các Designer Cần Biết
-
43 Font Chữ Thiết Kế Logo Tốt Nhất Cho Kinh Doanh - Zyro
-
Top 20 Font Chữ Logo Cho Nhà Thiết Kế Chuyên Nghiệp
-
Font Chữ Làm Logo Ấn Tượng Nhất Định Phải Xem - Dienthoaigiakho
-
[Share] Font Chữ Các Logo, Thương Hiệu Nổi Tiếng Thế Giới - Tinhte
-
10 Font Chữ Thiết Kế Logo Phổ Biến Nhất - FPT Arena Multimedia
-
Màu Sắc, Font Chữ, Biểu Tượng Trong Thiết Kế Logo Ngành Vận Tải | Pisee
-
Cách Chọn Font Chữ Thiết Kế Logo Phù Hợp Với Doanh Nghiệp - Vietkey
-
15 Cách Kết Hợp Font Chữ Hoàn Hảo Mà Bạn Nên Thử Khi Thiết Kế ...
-
NHỮNG FONT CHỮ TỐT NHẤT DÀNH CHO THIẾT KẾ LOGO
-
Chọn Font Chữ Như Thế Nào Mới Phù Hợp Với Logo Thương Hiệu?
-
50 Font Chữ Thiết Kế Logo đẹp