Lời Chú Thích Thật Sự? - Báo Công An Nhân Dân điện Tử - CAND

  • Hà Nội khởi công tu bổ chùa Hòe Nhai và đền Quán Thánh

Họ Vũ đại tông khẳng định, pho tượng đá ở bên tả nội điện Đền Quán Thánh chính là tượng cụ tổ Vũ Công Chấn (1618 – 1699), chức Hữu đô đốc, tước Luân quận công, triều Lê, vì có nhiều công lao với đất nước nên được tạc tượng đá bên tả nội điện.

Tuy nhiên, pho tượng này đang bị chú thích một cách sai lệch, gây không ít hiểu nhầm cho du khách khi tham quan tại đây.

Chủ nhân của pho tượng đá này là ai, đến nay vẫn còn là một câu hỏi.

Đền Quán Thánh là một trong những Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. Trong đền có nhiều di vật quý hiếm, đặc biệt pho tượng Huyền Thiên bằng đồng, được đánh giá là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII.

Theo nội dung đơn thư mà Vũ tộc đại tông gửi đến, người đốc công chủ trì việc xây dựng bức tượng bằng đồng hun đen này cùng Quán Trấn Vũ và chuông tại đền Tam Quan cũng như nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo thời đó chính là Luân quận công Vũ Công Chấn, chút ngoại Tiến sỹ Vũ Vĩnh Trinh, chắt ngoại Hoàng giáp tiến sỹ Vũ Duy Thiện - một gia đình khoa bảng nổi tiếng của thời Lê - Trịnh thế kỷ XVII.

Để ghi nhận công lao của ông, Chúa Trịnh Tạc đã cho người tạc một pho tượng đá ở phía tả nội điện Đền Quán Thánh và ban cho thụy hiệu là “Linh Quang Cảm Ứng Đại Vương Thần Tượng”.

Cùng với đơn thư, gia đình có gửi kèm theo một số hình ảnh từ đường, hệ thống hoành phi câu đối, đồ thờ tự, văn bia mộ chí, gia phả cùng một số văn bản của Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nam Ninh trước đây.

Thế nhưng, phía tả nội điện, pho tượng đá lại được chú thích trước đây là “Đức Ông Trùm Trọng”. Sau khi nhận được ý kiến của gia đình, pho tượng được chú thích lại một cách chung chung là “Đức ông”.

Gia đình họ Vũ đã nhiều lần gửi đơn thư tới các cấp có thẩm quyền cũng như các nhà khoa học để nhờ làm rõ chuyện này.

Những hé lộ lịch sử cần được làm rõ

Theo Công văn số 101 – VH/BT, ngày 10/1/1985 của Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nam Ninh (tên gọi chung của 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình trước đây) gửi UBND xã Đại An, huyện Vụ Bản; đồng kính gửi ông đại diện họ Vũ trông nom từ đường thờ Luân quận công Vũ Công Chấn, có ghi rõ: “Theo báo cáo của Bảo tàng Hà Nam Ninh thì ở thôn An Cự có ngôi từ đường họ Vũ thờ Luân quận công và một số quận công khác thời Hậu Lê.

Tại ngôi từ đường này đến nay còn lưu giữ một số di vật có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật gồm có: Một bức tranh cổ về Luân quận công Vũ Công Chấn (đây là một bức tranh vẽ màu, thuộc loại tranh cổ khá hiếm); một bức chế của thời Hậu Lê; một số sắc phong của Luân quận công và một số quận công khác của dòng họ Vũ; một quyển gia phả trong đó có đoạn nói về cuộc đời của Luân quận công Vũ Công Chấn có những chi tiết có thể giúp ích cho công tác nghiên cứu lịch sử chung.

Ngoài những di vật được lưu trữ trong ngôi từ đường này, ngôi mộ Luân quận công Vũ Công Chấn cũng là một ngôi mộ cổ thuộc loại “mộ hợp chất” (còn thường gọi là mộ xác ướp).

Đây là loại mộ cổ được cấu trúc theo kiểu thức có khối hợp chất vôi cát mật bọc ngoài cỗ quách và cỗ quan tài. Sở Văn hóa - Thông tin yêu cầu cơ quan Bảo tàng Hà Nam Ninh tiến hành thủ tục đăng ký các di sản văn hóa của dân tộc nói trên”. Công văn do ông Trần Quang, làm Giám đốc Sở này thời đó ký.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, công trình kiến trúc cung đình quan trọng nhất mà Vũ Công Chấn được giao làm là Đàn Nam Giao. Đây là nơi tế trời đất của các triều đại ở kinh đô khởi xây từ thời Lý (mà bây giờ là tòa nhà Vincom nằm trên phố Bà Triệu, đã tổ chức khai quật được cấu trúc của Đàn Nam Giao này).

Tộc phả ghi Vũ Công Chấn sinh ngày mồng 4 tháng Giêng năm Mậu Ngọ tức năm 1618. Vũ Công Chấn xây dựng đàn Nam Giao thời Hậu Lê vào năm 46 tuổi. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” – được xem là “bộ bách khoa toàn thư đầu tiên” của Việt Nam của nhà nghiên cứu Phan Huy Chú cũng nói khớp: Đó là năm 1663, và mô tả: “Giữa là điện Chiêu Sự, bốn góc có cột bằng đá, nền và sân đều lát đá. Dui mè đều sơn son thiếp vàng, có hai dãy hành lang.

Pho tượng Huyền Thiên, một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII.

Tấm bia “Nam Giao điện bi ký” dựng năm 1679 cũng mô tả hoành tráng và vẻ đẹp uy nghi của công trình này. Đáng lưu ý là dòng lạc khoản bia ghi rõ: “Luân quận công Vũ tướng công vâng sắc mệnh đốc công làm điện”.

(Lạc khoản: phần văn tự ngoài chính văn, bao gồm đối tượng được viết tặng và cách xưng hô với đối tượng đó, xuất xứ phần chính văn, thời gian, địa điểm và nguyên do viết, danh hiệu của tác giả… - PV)

Cũng theo nhà sử học Lê Văn Lan, tấm bia “Trấn Vũ quán bi ký” dựng năm 1677 ở ngay tại quán cho biết rõ: Tây Vương Trịnh Tạc đã ủy cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất của kho làm việc dinh tạo ngôi quán vào năm này.

Đặc biệt, dòng lạc khoản của bia có câu cực kỳ quan trọng: “Vâng mệnh Đốc công Luân quận công Vũ tướng công có chỉ cho được cùng thờ tại đền”. Câu này hoàn toàn giống với sự ghi chép của Vũ tộc đại tông, gia phả họ Vũ ở thôn An Cự để lại.

Đau đáu… tới 6 năm

Ông Bùi Hồng Sơn, vừa là người quản lí trực tiếp vừa là thủ nhang đền Quán Thánh cho biết, vào mỗi buổi sáng, ông đều phải đi một vòng để lên hương cho khu Đền một lần.

Đến pho tượng đá có nhiều điều chưa tỏ này, khi đọc lời khấn, ông cũng không biết nên đọc ra sao cho phải nhẽ. “Cúng thì phải cúng cho đúng tên, có nhiều khách thập phương về đây thỉnh thoảng cũng thắc mắc về pho tượng này hỏi tôi, tôi cũng không biết nói ra sao cho đúng”.

Người thủ nhang này cho biết, nhà ông có 4 đời trông nom hương khói ở đây. Từ ngày Đền Quán Thánh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên (vào năm 1962) đến nay, pho tượng đá bên trái bên trong đền đều được chú thích đó là “Đức Ông Trùm Trọng”.

Thông thường, người ta hay thờ người có công xây nên bức tượng này. “Chúng tôi thế hệ hậu sinh, cũng chỉ được truyền miệng lại rằng đó là một ông thợ cả làng Ngũ Xá gần đó, người đã có công đúc pho tượng Huyền Thiên trong đền.

Cho tới năm 2009, ông Vũ Công Nhân này trong một lần lên thăm Hà Nội mới đến Đền Quán Thánh và cho biết, đây là ông tổ của nhà chúng tôi. Lúc đó chúng tôi mới biết có một chuyện như vậy.

Vì gia đình nhà người ta kiến nghị đổi tên, mà lại chưa có ai công nhận tên bức tượng kia có phải là Luân quận công Vũ Công Chấn hay không nên chúng tôi tạm thời đổi cái tên Đức Ông Trùm Trọng” thành “Đức ông” – một cái tên khá chung chung, chờ kết luận của các nhà khoa học thì mới gắn lại chú thích”, ông Sơn nói.

Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND quận Ba Đình cho biết, năm 2010, Phòng có nhận được đơn thư của ông Vũ Công Nhân, hậu duệ đời thứ 15 của Luân quận công Vũ Công Chấn từ Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch chuyển xuống theo các cấp có thẩm quyền.

Năm 2010, Phòng Văn hóa phối hợp với Ban Quản lí di tích Đền Quán Thánh, UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) về Nam Định để trao đổi, tìm hiểu làm rõ. Trên tinh thần thực tế là căn cứ - cũng gọi là có, nhưng để ra kết luận cuối cùng thì còn trên nhiều cơ sở nữa.

Sau đó, đoàn có về Hà Nội làm một số thủ tục để xin ý kiến của một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử xác minh chính xác lại về pho tượng đá trong Đền Quán Thành rồi tổ chức hội thảo khoa học công bố kết luận cuối cùng.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phòng Văn hóa và Thông tin không chỉ quản lí một mảng là di tích mà rất nhiều lĩnh vực văn hóa khác nữa. Phòng này khẳng định: “Phòng đã và vẫn đang tiến hành xác minh những nội dung này.

Lăng mộ Luân quận công Vũ Công Chấn ở tỉnh Nam Định.

Nội dung đơn mà gia tộc ông Vũ Công Nhân rất là chính đáng. Hợp lý. Song những nội dung đó đúng hay không đúng thì ngay bản thân quận cũng không thể quyết định được. Cũng không thể làm xong trong ngày một ngày hai được”.

Theo ông Vũ Công Nhân cho biết, đầu năm 2015, gia đình có nhận được giấy mời tham dự hội thảo từ phía UBND quận Ba Đình. Tuy nhiên, sau đó hội thảo này bị hoãn và từ đó đến nay, gia đình ông không được nhận thêm bất cứ phản hồi nào. Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình xác nhận sự việc này là có.

Tuy nhiên hội thảo này bị trì hoãn vì những lý do “bất khả kháng”, trong đó lí do quan trọng nhất là chưa thống nhất được buổi gặp gỡ chung của 3 nhà sử học được mời bao gồm nhà sử học Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Trần Lâm Biền vì mỗi người đều bận việc riêng.

Phòng cũng cho biết lúc đó, gần như đã đầy đủ những yếu tố để hội thảo diễn ra. Giấy mời cũng đã được gửi đi – để thấy rằng Phòng cũng đã có ý thức và không hề bỏ quên chuyện này. Từ khi nhận được đơn thư của gia đình ông Nhân, UBND quận cũng đang đau đáu giải quyết cho xong chuyện này và hy vọng sẽ cố gắng giải quyết gọn trong năm nay.

Và không biết, câu chuyện có được để tâm hay không nhưng từ ngày cán bộ phòng này về Nam Định tìm hiểu, làm rõ sự việc thì đến nay 6 năm đã trôi qua.

Chương trình “Danh nhân đất Việt: Vị tổng công trình sư thế kỷ XVII” do Nhà sử học Lê Văn Lan làm cố vấn khoa học, phát trên kênh VTV1 ngày 21/7/2013 có nói rằng:

“Công trình tín ngưỡng và văn hóa này (ý chỉ đền Quán Thánh) ngày xưa chính là nơi trấn giữ mạn Bắc Kinh thành Thăng Long nước Đại Việt với tên gọi là Trấn Vũ Quán. Ở trong đền, phía khán thờ bên trái pho tượng thánh Trấn Vũ khổng lồ, bức tượng đá nhỏ nhắn và huyền bí này từng chịu không ít ngộ nhận và mờ tỏ tung tích qua nhiều thế kỷ.

Nhưng hình tượng thiên quý này khi được đem sánh với chân dung người trong bức tranh cổ vẽ từ thế kỷ XVII đang được thành kính, phụng thờ ở ngôi từ đường Vũ tộc đại tông tại ngôi làng cổ An Cự của xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định thì rõ ràng là đồng nhất.

Và cả hai đều chỉ thuộc về một nhân vật lịch sử, đó là đại quan chức triều Lê – Trịnh, đồng thời là tổng công trình sư, tác giả và là người đã có công xây dựng một loạt các công trình kiến trúc cung đình, cầu đường và văn hóa tín ngưỡng lớn, trong đó có Trấn Vũ quán Thăng Long, tạo tác năm 1677. Ông là Hữu đô đốc Luân quận công Vũ Công Chấn sinh và thác đều ở trong khúc thời gian của thế kỷ thứ XVII”.

Từ khóa » Cách Vẽ đền Trấn Vũ