LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C (07/4/2019) – (Ga 8 ...
Có thể bạn quan tâm
“AI TRONG CÁC NGƯƠI SẠCH TỘI, HÃY NÉM ĐÁ CHỊ NÀY TRƯỚC ĐI”.
BÀI ĐỌC I: Is 43, 16-21 “Đây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”. Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa là Đấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Đấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6 Đáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Đáp. 2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Đáp. 3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. – Đáp. 4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Pl 3, 8-14 “Vì Đức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”. Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Đức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.
Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Đức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô.
Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
PHÚC ÂM: Ga 8, 1-11 “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người.
Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Đó là lời Chúa. __________________________________
I/. BÀI SUY NIỆM (Ga 8, 1-11).
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – Chủ đề: ĐỔI MỚI.
“AI TRONG CÁC NGƯƠI SẠCH TỘI, HÃY NÉM ĐÁ CHỊ NÀY TRƯỚC ĐI”.
Đó là lời cảnh báo của Chúa Giêsu dành cho những Luật sĩ và Biệt phái đang hăm hở đòi ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang PHẠM TỘI NGOẠI TÌNH.
Tội của người phụ nữ này đã rành rành, chứ không phải là sự đặt điều, vu khống.
Gioan nói: ném đá người phụ nữ này chỉ là cái cớ thôi, nó muốn che đậy một âm mưu muốn hãm hại, gài bẫy Chúa.
Gioan viết: “Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8, 4- 5).
Họ đã trưng ra luật Môsê để hỏi thử xem Chúa sẽ xử trí thế nào. Luật dạy “hạng phụ nữ này phải bị ném đá”, còn Chúa, Chúa dạy sao ?
Đâu cần trưng luật Môsê, mà ngay thời đại văn minh hôm nay cũng có luật “NÉM ĐÁ” đáng sợ như vậy.
Trong những tuần lễ vừa qua, ai cũng kinh hãi, khi nước Brunei (Bru-nây), một quốc gia nhỏ, Hồi giáo ở Đông Nam Á đã đưa ra một đạo luật:
Đạo luật mới của Brunei (Bru-nây), dự kiến có hiệu lực vào tuần tới, sẽ trừng phạt những NGƯỜI ĐỒNG TÍNH và MẮC TỘI THÔNG DÂM bằng biện pháp ném đá tới chết.
Bắt đầu từ ngày 03/4/2019, luật mới của Brunei sẽ có hiệu lực. Bất cứ cá nhân nào bị kết những tội danh trên đều sẽ bị ném đá tới chết. Hình phạt sẽ được thi hành dưới “sự chứng kiến của một nhóm Hồi giáo”, CNN đưa tin.
Luật này được Brunei công bố năm 2014 và đang được triển khai dần dần. Ở giai đoạn mới nhất của việc hiện thực hóa luật, các điều khoản trừng phạt đáng sợ được lặng lẽ công bố trên trang web của Tổng chưởng lý Brunei vào ngày 29/12/2018.
Cùng với hình phạt nghiêm khắc dành cho đồng tính và thông dâm, những kẻ trộm cắp sẽ bị chặt tay.
Các nhóm nhân quyền đã nhanh chóng thể hiện sự kinh hãi trước đạo luật mới của quốc gia nhỏ bé này. “Brunei phải ngay lập tức dừng kế hoạch thực thi đạo luật hình sự tàn khốc và sửa đổi nó để tuân thủ các quyền con người.
Như vậy cái tội NGOẠI TÌNH, THÔNG DÂM đều bị lên án mạnh mẽ không những ngày xưa mà còn trong thời đại văn minh.
Nhưng người Biệt phái và luật sĩ trong bài Tin mừng hôm nay, không có một chút thương hại đối với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà họ còn dùng sự kiện đó để gài bẫy Chúa:
“Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8, 4 – 5).
CÒN THẦY, THẦY DẠY SAO? Sẽ có 2 phương án đưa ra:
+ Phương án 1: NẾU KHÔNG ĐỒNG Ý NÉM ĐÁ, thì Chúa đang chống lại Luật Môsê, một luật quá hà khắc và tàn nhẫn.
+ Phương án 2: NẾU ĐỒNG Ý NÉM ĐÁ, thì Chúa đang tự mâu thuẫn với chính Ngài, vì Ngài từng rao giảng về Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi biết ăn năn sám hối trở về.
Trong suốt Mùa Chay Thánh, không ai quên được câu Lời Chúa: “TA KHÔNG MUỐN KẺ GIAN ÁC PHẢI CHẾT, NHƯNG MUỐN NÓ ĂN NĂN VÀ ĐƯỢC SỐNG” (Ed. 33, 11).
Câu đó tỏ rõ lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhưng con người lại muốn kết án tử hình nhau.
Trong thế lưỡng nan này, Chúa chỉ trả lời cho Biệt phái và Luật sĩ:
“”AI TRONG CÁC NGƯƠI SẠCH TỘI, HÃY NÉM ĐÁ CHỊ NÀY TRƯỚC ĐI”.
Chúa không ủng hộ hay cấm ném đá.
Nhưng Chúa chỉ đòi hỏi: trước khi cầm cục đá để ném người phụ nữ kia, thì mỗi người hãy NHÌN LẠI MÌNH, XEM MÌNH CÓ SẠCH TỘI KHÔNG?
Nếu con người của ta cũng đầy tội lỗi, thì sao ta có thể cầm cục đá để ném?. Nếu có ném thì hãy ném vào mình trước, sau đó mới ném người..
Trước câu trả lời của Chúa, Gioan viết:
“Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó” (Ga 8, 9).
“BẮT ĐẦU LÀ NHỮNG NGƯỜI NHIỀU TUỔI NHẤT”
Chúa đòi hỏi mỗi người phải nhìn lại mình chứ đừng nhìn người phụ nữ. Và khi nhìn lại mình, nhìn lại tâm hồn mình, ta mới nhận ra mình cũng là con người tội lỗi, còn tội lỗi hơn cả người khác, vì thế phải bỏ cục đá xuống mà rút lui.
Người lớn tuổi nhất rút lui trước tiên, vì càng sống nhiều tuổi, ta càng chất lên mình nhiều tội, ta tội lỗi nhiều hơn ta tưởng.
Như vậy, cùng một sự kiện mà bài Tin mừng hôm nay đưa cho chúng ta nhiều cái nhìn khác nhau trước người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình:
+ Đối với Luật sĩ và Biết phái: Muốn áp dụng Luật Môsê ném đá cho tới chết. Đó là cái nhìn cay nghiệt, chì chiết, và đưa đến cái chết.
+ Đối với Chúa Giêsu: Ngài mở ra một lối thoát, một con đường sống cho người phụ nữ:
“TA KHÔNG KẾT TỘI CHỊ. VẬY CHỊ HÃY ĐI, VÀ TỪ NAY ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA”.
Đó là cái nhìn đầy yêu thương và tha thứ, đúng như câu Lời Chúa:
TA KHÔNG MUỐN KẺ GIAN ÁC PHẢI CHẾT, NHƯNG MUỐN NÓ ĂN NĂN VÀ ĐƯỢC SỐNG” (Ed. 33, 11).
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY:
Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, Chúa nhật thứ V Mùa Chay được gọi là Chúa nhật thứ I MÙA THƯƠNG KHÓ, Mùa Thương Khó kéo dài 2 tuần lễ cho đến đại lễ Phục sinh (Trước thời Cải tổ, có đến 2 tuần Thương khó)..
Sau Công đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ chỉ còn một tuần Thương khó thôi, trùng với Tuần thánh, và Chúa nhật thứ V Mùa Chay là Tuần lễ chuẩn bị để bước vào Tuần thánh.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy dứt khoát giở qua trang lịch sử đời mình, quên đi những ngày đã qua của tội lỗi, của âu sầu, của đau khổ, của bất hạnh. Bắt đầu lại cuộc sống mới trong ân sủng, trong tình yêu của Chúa, thể hiện qua đời sống vui tươi và an bình.
CHỦ ĐỀ: ĐỔI MỚI.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay muốn làm nổi bật chủ đề đổi mới này: Hãy quên đi cái quá khứ đau buồn để có nghị lực đứng lên làm lại cuộc đời.
TRONG BÀI ĐỌC I, trích sách Tiên tri Isaia, đem lại niềm hy vọng trong Mùa Chay: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa” Thiên Chúa hứa sẽ đổi mới mọi sự, khai mở đường đi và cho dân Chúa có nước uống…”
TRONG BÀI ĐỌC II, Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê. Thánh Phaolô cũng nói Ngài quên hẳn những gì ở đàng sau và chỉ hướng về phía trước “để chạy đến đích cuối cùng là phần thưởng Nước Trời, trong sự hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu và sự Phục Sinh của Người.”
TRONG BÀI TIN MỪNG theo thánh Gioan, ghi lại một câu chuyện rất cảm động về người phụ nữ bị kết án phạm tội ngoại tình đáng phải ném đá cho đến chết theo luật Môise (Thứ Luật 22:23-24); nhưng chẳng ai dám ném đá chị, vì Chúa bảo “ai hoàn toàn sạch tội hãy ném đá chị đó đi!” Mọi người đều sợ hãi bỏ đi, vì nhận thấy chính mình cũng đầy tội lỗi.
Đây là một trong những áng văn đẹp nhất trong Phúc âm Gioan.
Câu chủ lực Lời Chúa hôm nay:
“AI TRONG CÁC NGƯƠI SẠCH TỘI, HÃY NÉM ĐÁ CHỊ NÀY TRƯỚC ĐI”.
Cũng sẽ là lời cật vấn cho mỗi Kitô hữu chúng ta trong tuần cuối cùng Mùa Chay Thánh.
Trước khi ta công kích, kết án, chì chiết người anh em, ta hãy xét lại mình, xem ta có tử tế, tốt lành hơn họ không? Cho dù việc kết án của ta có đúng đi nữa như trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình hôm nay, tội đã rõ rành rành chứ không còn là sự vu khống, đặt điều,….
Trong cả trường hợp rõ ràng này, Chúa cũng muốn ta tự tra vấn lương tâm. Ta có tử tế tốt lành hơn họ không?
Nếu không, và chắc chắn như vậy, Kitô hữu chúng ta hãy bỏ cục đá xuống và rút lui, đừng kết án ai hết.
CỤC ĐÁ:
Đó là một hình ảnh, một biểu tượng cho tất cả sự cay nghiệt đối với người khác.
Có thể chưa bao giờ ta cầm cục đá để ném ai, nhưng ta không thiếu lời cay nghiệt, công kích, bôi nhọ, gay gắt, nói xấu, chụp mũ anh em, khi ta tỏ ra khó chịu về những việc tốt đẹp, những thành công mà người khác đã đạt được, và cả những lỗi lầm của người khác.
Ta đã ném rất nhiều cục đá về phía người khác mà ta không biết, không ý thức.
Có khi ta ném công khai, ném trước mặt, nhưng cũng có khi ta ném lén lút trong bóng tối, ném sau lưng người khác,…. Chúa thấy hết.
Lời Chúa hôm nay sẽ giúp mỗi Kitô hữu chúng ta phải luôn ý thức mình là con người tội lỗi, và luôn biết dừng lại trước khi cầm cục đá ném vào người khác, trước khi bôi nhọ, công kích và kết án bất kỳ ai.
Với một và suy niệm ngắn ngủi trên, chúng ta cùng nhau bước vào Bài Tin mừng: ____________________________________
II/. BÀI CHIA SẺ (Ga 8, 1-11).
“KHI ẤY, CHÚA GIÊSU LÊN NÚI CÂY DẦU. VÀ TỪ SÁNG SỚM, NGƯỜI LẠI VÀO TRONG ĐỀN THỜ. TOÀN DÂN ĐẾN CÙNG NGƯỜI, NÊN NGƯỜI NGỒI XUỐNG VÀ BẮT ĐẦU GIẢNG DẠY”
Nếu ai đọc Phúc Âm Gioan, ta sẽ thấy có sự giao thoa kỳ lạ giữa Chương 7 và Chương 8.
Ngay câu đầu tiên của Chương 8, Gioan viết: “Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu (Núi Cây dầu)” (Ga 8, 1).
Trong khi câu kết thúc của Chương 7, Gioan viết “Sau đó, ai nấy trở về nhà mình” (Ga 7, 53).
Phần cuối của chương 7 (Ga 7, 40-53), nói về sự chia rẽ giữa người Do Thái với nhau vì Đức Giêsu. Người thì nói Ngài là Đấng Kitô vì tất cả những gì Ngài nói và việc Ngài làm; người khác lại cho Ngài không phải Đấng Kitô vì Ngài xuất thân ở Nadaret (Galilê), mà không ở Bêlem (Giuđêa) quê hương của vua Đavit.
Ta có thể liệt kê câu cuối cùng của chương 7, và câu đầu của chương 8 như sau:
+ “Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.” (Ga 7, 53) + “Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.” (Ga 8,1)
Dụng ý của Gioan thật rõ ràng và sâu sắc
Gioan muốn nói đến 02 cảnh trái ngược nhau: những người có ý đồ xấu sẽ trở về nhà mình, là vùng đất thấp, nơi dung túng và nảy sinh những toan tính thấp hèn, họ kết bè với nhau và lên kế hoạch hại người công chính.
Còn Đức Giêsu lên núi, là vùng đất cao, tâm hồn Ngài sẽ được đưa lên và ở đó Ngài gặp gỡ Thiên Chúa. Hai cảnh này trái ngược nhau hoàn toàn nên không thể đặt trong cùng một chương.
“KHI ẤY, CHÚA GIÊSU LÊN NÚI CÂY DẦU. VÀ TỪ SÁNG SỚM, NGƯỜI LẠI VÀO TRONG ĐỀN THỜ”
Chúng ta đang ở trong thời gian diễn ra Lễ Lều của người Do Thái, Lễ này diễn ra trong 7 ngày. Trong suốt thời gian một tuần lễ đó, Thầy trò Chúa Giêsu phải có nơi để nghỉ ngơi qua đêm.
Chúa Giêsu và các môn đệ đã đến nghỉ tại vườn Giệtsimani để tìm sự yên tĩnh và cầu nguyện, vì khu vườn này thích hợp nhất. Sáng hôm sau, Chúa lại vào Đền thờ để tiếp tục giảng dạy và chắc chắn tại đó cũng có rất nhiều người.
“LÚC ĐÓ, LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI DẪN ĐẾN NGƯỜI MỘT THIẾU PHỤ BỊ BẮT QUẢ TANG PHẠM TỘI NGOẠI TÌNH, VÀ HỌ ĐẶT NÀNG ĐỨNG TRƯỚC MẶT MỌI NGƯỜI”
“MỘT THIẾU PHỤ BỊ BẮT QUẢ TANG PHẠM TỘI NGOẠI TÌNH”
Gioan nói rõ: Đây là một thiếu phụ bị bắt quả tang, có nghĩa cô ta đã phạm một tội nặng, phạm một cách công khai và có nhiều người chứng kiến.
Thứ nhưng qua câu đầu tiên này, độc giả sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề:
VẤN ĐỀ THỨ NHẤT:
Nếu đó là tội ngoại tình bị bắt quả tang, tức không phải lén lút thì chắc chắn phải có ít nhất 2 người, vì tội ngoại tình phải có 2 người mới cấu thành tội, một người đàn ông và một người đàn bà. Và đây là bắt quả tang, có nghĩa Luật sĩ và Biệt phái cũng đã thấy người đàn ông kia.
Vậy người đàn ông kia đâu, sao không thấy họ dẫn đến?
Thưa: Có sự bất công trong xã hội Do Thái: Trọng nam, khinh nữ. Đây là một sai lầm chết người của Kinh sư và Biệt phái. Người ta có thể trọng nam khinh nữ trong quyền lợi, trong nghĩa vụ, chứ không trọng nam khinh nữ trong vấn đề tội.
Ngoại tình là một tội trọng, cho dù ở xã hội nào, chế độ nào, từ man di đến văn minh đều ngăn cấm, vì nó phá hỏng xã hội, làm sụp đổ nền tảng đạo đức của gia đình và cả xã hội, làm đổ vỡ tất cả và người gánh chịu hậu quả, không ai khác hơn đó là những đứa trẻ.
Như vậy dù nam hay nữ cũng phải bị xử lý như nhau.
Nhưng ở đây chỉ có người nữ bị kết án, còn người nam thì không thấy đề cập đến.
Vậy đây có phải là thái độ bao che và bất công không?
VẤN ĐỀ THỨ HAI:
Tại sao Kinh sư và Biệt Phái không dẫn người thiếu phụ này đến toà án Do Thái, nơi có thẩm quyền để xử các vụ án dân sự mà họ lại dẫn đến cho Chúa Giêsu, trong khi Ngài không có trách nhiệm gì trong vấn đề này.
Như vậy, đủ cho thấy cái ác tâm của nhóm Luật sĩ và Biệt Phái, đó là họ dùng người thiếu phụ này như một mồi nhử để đưa Chúa Giêsu vào bẫy. Đúng là một cơ hội bằng vàng của những kẻ có ý đồ xấu.
VẤN ĐỀ THỨ BA:
HỌ ĐẶT NÀNG ĐỨNG TRƯỚC MẶT MỌI NGƯỜI.
Giống như khung cảnh của một cuộc “đấu tố”.
Người phụ nữ đang bị bao con mắt mọi phía nhìn vào như muốn ăn tươi nuốt sống. Người ta cố tình biến Đền thờ là nơi cầu nguyện thành một nơi xử án, đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng.
Nếu khôn ngoan hơn, họ có thể để người thiếu phụ này ngoài Đền thờ và mời Chúa Giêsu ra xử để tránh cái tội xúc phạm Đền thờ.
Trước những vấn đề như vậy, ta thấy Thánh sử Gioan có một dụng ý rõ rệt. Những người chống đối Chúa, sau khi nắm lấy cơ hội bằng vàng, họ muốn triệt hạ Chúa ngay mà bất chấp tất cả, ngay cả khi đó là Đền thờ, họ thật nôn nóng và muốn đạt mục đích.
“HỌ HỎI CHÚA GIÊSU: “THƯA THẦY, THIẾU PHỤ NÀY BỊ BẮT QUẢ TANG PHẠM TỘI NGOẠI TÌNH, MÀ THEO LUẬT MÔSÊ, HẠNG PHỤ NỮ NÀY PHẢI BỊ NÉM ĐÁ. CÒN THẦY, THẦY DẠY SAO?” HỌ NÓI THẾ CÓ Ý GÀI BẪY NGƯỜI ĐỂ CÓ THỂ TỐ CÁO NGƯỜI”
“THEO LUẬT MÔSÊ, HẠNG PHỤ NỮ NÀY PHẢI BỊ NÉM ĐÁ”
Họ đã trưng ra luật Môsê, người đàn bà này phải bị ném đá.
Vâng đúng vậy, Lề Luật tuyên bố minh nhiên, sách Lêvi viết: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10; x. thêm Đnl 13,7-10; 17,2tt).
Chúng ta thấy rõ Luật Môsê rất nghiêm khắc về tội ngoại tình này để giữ vững kỷ cương xã hội.
Nhưng qua đó, chúng ta có thể thấy Luật Môsê còn rất nhiều sơ hở. Người thiếu phụ này phải bị ném đá theo Luật chỉ vì đã bị bắt quả tang.
Vậy thử hỏi: Nếu không bị bắt quả tang thì sao, chắc chắn sẽ không bị xử vì Luật pháp chỉ xử những ai phạm tội khi có chứng cớ rõ ràng.
Trong khi đó Luật của Chúa Giêsu: Matthêu viết: “Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5, 28).
Như vậy, Luật của Chúa vượt xa và trổi vượt hơn Luật Môsê, chỉ cần ao ước trong lòng cũng đủ phạm tội ngoại tình rồi, vì trong lòng người ta mới phát xuất ra các sự xấu xa và tội lỗi, Chúa đòi hỏi người ta phải công chính từ ngay trong tư tưởng chứ không chỉ hành động bên ngoài.
Cách xử lý của Luật Môsê là tử hình hay ném đá, tức loại bỏ người phạm tội ra khỏi cộng đồng, không cho họ có cơ hội sửa đổi. Như vậy, người thiếu phụ này sẽ không còn đường lùi mà chỉ còn cái chết thôi.
“CÒN THẦY, THẦY DẠY SAO?”
Họ muốn hỏi Chúa trả lời về vấn đề này, theo Luật là phải ném đá. Như vậy, họ đã đi xa hơn một bước nữa.
Kinh sư và Biệt Phái muốn Chúa phải tỏ thái độ đối với Luật Môsê, Luật đó có đúng không, có tàn nhẫn quá không, chứ không phải thái độ đối với người thiếu phụ này.
Đây mới là mục đích họ muốn nhắm đến.
“HỌ NÓI THẾ CÓ Ý GÀI BẪY NGƯỜI ĐỂ CÓ THỂ TỐ CÁO NGƯỜI”
Đúng là cái bẫy được giăng ra. Lề luật dạy như vậy quá rõ, còn Đức Giêsu nghĩ thế nào? Gioan viết: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.”
NÉM ĐÁ HAY KHÔNG NÉM ĐÁ ?
Như vậy, bài toán sẽ không có lời giải: Ném đá không được – không ném đá cũng không xong. Đúng ý đồ của kinh sư và Pharisêu, chắc chắn lần này Chúa Giêsu sẽ lâm vào ngõ cụt.
“NHƯNG CHÚA GIÊSU CÚI XUỐNG, BẮT ĐẦU LẤY NGÓN TAY VIẾT TRÊN ĐẤT. VÌ HỌ CỨ HỎI MÃI, NÊN NGƯỜI ĐỨNG LÊN VÀ BẢO HỌ: “AI TRONG CÁC NGƯƠI SẠCH TỘI, HÃY NÉM ĐÁ CHỊ NÀY TRƯỚC ĐI”
VÀ NGƯỜI NGỒI XUỒNG VÀ LẠI VIẾT TRÊN ĐẤT. NGHE NÓI THẾ, HỌ RÚT LUI TỪNG NGƯỜI MỘT, BẮT ĐẦU LÀ NHỮNG NGƯỜI NHIỀU TUỔI NHẤT, VÀ CÒN LẠI MỘT MÌNH CHÚA GIÊSU VỚI NGƯỜI THIẾU PHỤ VẪN ĐỨNG ĐÓ..
Có một chi tiết mà ít ai để ý: “LẤY NGÓN TAY VIẾT TRÊN ĐẤT”.
CHÚA GIÊSU VIẾT GÌ TRÊN ĐẤT?
Gioan không mô tả chi tiết này. Các nhà chú giải Kinh thánh đã giải thích chi tiết Chúa Giêsu viết trên đất như sau:
1) Có người cho rằng Chúa chỉ viết nguệch ngoặc trên đất không có chủ ý, cố ý làm giảm sự kích động của nhóm Luật sĩ và Biệt Phái.
2) Thánh Giêrônimô cho rằng Đức Giêsu đã viết tội của những người tố cáo người phụ nữ. Thánh nhân nghĩ như thế vì dựa trên Gr 17,13; …………………………………………………..
Cách giải thích hợp lý nhất, đó là Đức Giêsu chỉ vạch các đường nét trên mặt đất trong khi Người suy nghĩ, hoặc muốn tỏ ra không nao núng hay Người đang kềm hãm các cảm giác chán ngán về sự hăng hái đầy gian ác của những người tố cáo.
E. Power ghi lại nhiều trường hợp từ nền văn chương Ả-rập cho thấy thói quen Sê-mít vẽ trên đất khi không muốn can thiệp vào vụ việc nào đó.
“AI TRONG CÁC NGƯƠI SẠCH TỘI, HÃY NÉM ĐÁ CHỊ NÀY TRƯỚC ĐI”.
Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Chúa Giêsu đã giải quyết vấn đề một cách rất khôn ngoan.
Ngài không trả lời trực tiếp câu hỏi của luật sĩ và biệt phái, thay vào đó Ngài đặt một câu hỏi khác cho họ trả lời: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Khi nghe Chúa Giêsu hỏi như thế thì họ âm thầm bỏ đi, vì họ biết rằng họ cũng là những người tội lỗi.
“VÀ NGƯỜI NGỒI XUỒNG VÀ LẠI VIẾT TRÊN ĐẤT NGHE NÓI THẾ, HỌ RÚT LUI TỪNG NGƯỜI MỘT, BẮT ĐẦU LÀ NHỮNG NGƯỜI NHIỀU TUỔI NHẤT”
Tính háu thắng của người Pharisêu không còn kiên trì được nữa, buộc họ hỏi dồn để tìm câu trả lời.
Ngài cũng chiều theo ý họ, nhưng không trả lời CÓ hay KHÔNG, mà là câu trả lời vô thưởng vô phạt. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”
Có nghĩa NGÀI ĐỒNG Ý NÉM ĐÁ, NHƯNG CHỈ CÓ AI SẠCH TỘI MỚI ĐƯỢC NÉM THÔI.
Lần thứ hai này, Chúa đã giữ im lặng bao lâu? Gioan không nói rõ
Sự kiện này, Chúa còn chứng tỏ lòng thương xót với cả người Pharisêu nữa. Chúa cũng không nỡ ném đá họ. Sau này, trên thập giá Chúa sẽ cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Ôi! Sâu thẳm thay lòng Chúa. Thay vì lột mặt nạ họ ở chỗ công khai, Ngài đã cho phép họ “lần lượt” âm thầm rút lui từng người một, từ người lớn tuổi nhất nhờ thái độ im lặng của Chúa.
Ai cũng có tội, tội của ta nhiều vô kể, càng sống lâu ta càng chất thêm tội vào mình. Như vậy, người lớn tuổi nhất cũng sẽ là người nhiều tội nhất và phải là người rút lui sớm nhất.
Ta nhiều tội như vậy, thế mà ta cứ soi mói anh em. Tại sao Thiên Chúa không phạt ta nhãn tiền xứng với tội ta đã làm? Đó chỉ vì Ngài yêu thương ta, Ngài đủ kiên nhẫn chờ ta sám hối ăn năn. Thế mà ta không có chút kiên nhẫn với anh em!
“VÀ CÒN LẠI MỘT MÌNH CHÚA GIÊSU VỚI NGƯỜI THIẾU PHỤ VẪN ĐỨNG ĐÓ
Trong một lúc lâu im lặng, người đàn bà cũng có thời giờ suy nghĩ vì tội lỗi của mình. Nhiều điều đang diễn ra trong đầu óc của Chị. Có thể chị đã không thực sự nhận ra tính nặng nề của tội chị phạm?
Nhưng tình yêu xót thương của Chúa, “không lên án” chị, sẽ phút chốc mạc khải cho chị biết thế nào là tình yêu thực sự. Giờ chị đang nhìn Đức Giêsu. Ngài là một con người nhân hậu. Có lẽ chị đang khóc… Chị đã thoát chết… Chị không còn là người “ngoại tình” nữa. Chị ta đã được thanh tẩy.
“BẤY GIỜ CHÚA GIÊSU ĐỨNG THẲNG DẬY VÀ BẢO NÀNG: “HỠI THIẾU PHỤ, NHỮNG NGƯỜI CÁO CHỊ ĐI ĐÂU CẢ RỒI? KHÔNG AI KẾT ÁN CHỊ Ư?” NÀNG ĐÁP: “THƯA THẦY, KHÔNG CÓ AI”. CHÚA GIÊSU BẢO: “TA CŨNG THẾ, TA KHÔNG KẾT TỘI CHỊ. VẬY CHỊ HÃY ĐI, VÀ TỪ NAY ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA”.
Qua những lời đối thọai này, Chúa Giêsu muốn chị nhận ra những điều sau:
a) Chúa cho chị cơ hội thứ hai để trở nên tốt đẹp hơn: Tôi biết chị đã phạm tội, nhưng cuộc đời chị vẫn còn thời gian để sửa đổi. Tôi cho chị cơ hội thứ hai để chị làm lại cuộc đời.
b) Chúa tha thứ lỗi lầm của chị: Không giống như những người biệt-phái và kinh-sư chỉ lo tìm dịp để luận tội và kết án chị, Chúa lợi dụng cơ hội để tha thứ và để chữa lành chị.
c) Chúa khuyến khích chị trở thành người tốt hơn: Tội lỗi hủy diệt con người. Chị hãy tránh xa tội lỗi để cuộc đời chị tốt đẹp hơn.
d) Chúa tin tưởng mọi người đều có thể trở nên tốt nếu được cho cơ hội: Tôi tin chị sẽ trở nên tốt nếu tôi cho chị cơ hội để sửa đổi.
e) Chúa cũng cảnh cáo chị hậu quả sẽ xấu hơn nếu chị không chịu thay đổi: Nếu chị không nắm lấy cơ hội để sửa đổi, chị sẽ phải lãnh nhận hậu quả nghiêm trọng hơn.
Đọc bài tin mừng hôm nay Kitô hữu chúng ta có thể trách những người biệt phái luật sĩ, vì thái độ độc ác của họ đối với người đàn bà ngoại tình. Nhưng biết đâu ta cũng đã từng có thái độ như họ khi gay gắt lên án người khác.
Nhiều lần ta cũng kết án một cách khắt khe đối với lỗi lầm của người khác, mà ta quên rằng mình cũng là những tội nhân cần được tha thứ. Thiên Chúa rất nhân từ sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của ta, ngược lại ta lại luôn cố chấp, không tha thứ lỗi lầm cho người anh em mình.
Hãy học cùng thầy Giêsu vì Ngài là đấng nhân từ và giàu lòng thương xót.
Lạy Chúa xin cho chúng con luôn ý thức thân phận tội lỗi của mình, để chúng con biết thông cảm với những thiếu sót của anh em.
Amen. __________________________ Giuse Nguyễn Viết Tâm.
Từ khóa » Suy Niệm Ga 8 1-11
-
Ga 8: 1-11 - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
-
Ga 8: 1-11 - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
-
CHÚA NHÂN TỪ KHÔNG KẾT ÁN SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA ...
-
Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C (Ga 8,1-11)
-
Suy Niệm Tin Mừng THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY: Ga 8,1-11
-
Thứ Hai Tuần 5 Mùa Chay (Ga 8,1-11) - TGP SÀI GÒN
-
Lời Chúa (Ga 8,1-11): Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay
-
Ga 8,1-11: Đức Giêsu Và Người Phụ Nữ Ngoại Tình
-
ĐAN VIỆN AN PHƯỚC - CHÚA NHẬT V MÙA CHAY (Ga 8,1-11)
-
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Mùa Chay_Lm. Micae Vũ An Lộc
-
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C. Nhiều Tác Giả
-
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 5 - Mùa Chay Năm C (Ga 8, 1-11)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay C ( Ga 8, 1-11 ) - Suy Niệm - Giáo Xứ Núi Sập
-
Chúa Nhật V Mùa Chay C ( Ga 8,1-11 ) - Suy Niệm - Giáo Xứ Núi Sập
-
Lectio Divina: Gioan 8:1-11 - Dòng Cát Minh Việt Nam
-
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C (Ga 8,1-11)
-
Suy Niệm Tin Mừng CN 5 Mùa Chay ( Ga 8, 1 - 11) - Năm C - YouTube
-
Bài Học Từ Lời Chúa_Chúa Nhật V Mùa Chay_Năm C_ Ga 8, 1-11
-
Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Ngày : Thứ Hai Tuần V Mùa Chay: 30.03.2020 ...