LỜI CHÚA THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH 2018 (10/4/2018) – (Ga 3 ...
Có thể bạn quan tâm
“KHÔNG AI LÊN TRỜI ĐƯỢC, NGOÀI NGƯỜI ĐÃ TỪ TRỜI XUỐNG, TỨC LÀ CON NGƯỜI VỐN Ở TRÊN TRỜI”.
BÀI ĐỌC I: Cv 4, 32-37 “Họ một lòng một ý với nhau”. Trích sách Tông đồ Công vụ.
Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê (nghĩa là con sự an ủi), một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5 Đáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai. Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Đáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Đáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 18 Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 3, 7-15 “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.
Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.
Đó là lời Chúa. ___________________________
I/. GIỚI THIỆU CÁC BÀI ĐỌC:
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa xin Chúa Cha gởi đến cho các môn đệ của Ngài, sau khi Ngài sống lại.
TRONG BÀI ĐỌC I Trích sách Tông đồ Công vụ, nhờ sự hoạt động và hướng dẫn của Thánh Thần, các tông đồ đã can đảm làm chứng cho Đức Kitô, cộng đoàn các tín hữu sơ khởi đã biết dẹp bỏ toan tính cá nhân để bỏ mọi sự làm của chung theo sự hướng dẫn và sự phân phát của các tông đồ.
TRONG BÀI TIN MỪNG theo thánh Gioan, Chúa Giêsu tuyên bố với ông Nicodemus: Chúa Thánh Thần hoạt động giống như gió, không ai có thể biết trước sức mạnh, đường hướng, và các hoạt động của Ngài.
(Theo Lm Antony Đinh Minh Tiên OP.) ______________________________________
II/. BÀI CHIA SẺ (Ga 3, 7-15).
THÁNH SỬ GIOAN – CUỐN PHÚC ÂM THỨ TƯ:
Bắt đầu từ ngày hôm nay, Phụng vụ sẽ cho ta nghe các bài Tin mừng của Thánh sử Gioan.
Như ta biết: Có 4 Thánh sử viết Tin mừng, nhưng Phụng vụ lại có chu kỳ 3 năm: năm A, năm B, năm C và được phân chia như sau:
Xét theo Bài Tin mừng ngày Chúa nhật
– Năm A: là năm của thánh sử Matthêu: – Năm B: năm của sử Marcô. – Năm C: năm của thánh sử Luca. Như vậy thánh sử Gioan không thuộc về năm nào.
Phụng vụ sẽ dành trọn mùa Phục sinh mỗi năm sẽ cho ta nghe trọn bộ Phúc âm Gioan. Vì thế thánh sử Gioan được gọi là: THÁNH SỬ CỦA MÙA PHỤC SINH.
Đọc Phúc âm thứ tư của Gioan, ta mới cảm nghiệm sâu xa những đau khổ của Chúa Giêsu, hiểu rõ ý nghĩa hy lễ sát tế của Con Chiên Thiên Chúa, mà các thánh sử còn lại đã không diễn tả hết được, và ta cũng hiểu rõ vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội.
Thực vậy, ngay từ chương mở đầu Phúc âm thứ tư cho đến khi kết thúc là những cuộc chống đối dữ dội của người Do Thái nhắm vào Chúa Giêsu. Họ không bao giờ chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đến. Cùng lắm họ chỉ công nhận Chúa Giêsu là một vĩ nhân có quyền năng làm phép lạ.
Như vậy trong Phúc âm của Gioan ta mới thấy hết nỗi đau khổ tột cùng của Con Thiên Chúa.
Bài Tin mừng hôm nay, Phụng vụ muốn cho ta thấy một bước chuẩn bị đón nhận CHÚA THÁNH THẦN, Đấng ban ơn TÁI SINH.
“KHI ẤY, CHÚA GIÊSU NÓI VỚI NICÔĐÊMÔ RẰNG”
ÔNG NICÔĐÊMÔ
Thánh sử Gioan dành hẳn phần đầu của Chương 3 để tường thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Ngay câu đầu tiên, Gioan đã giới thiệu ông Nicôđêmô như sau: “Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm” (Ga 3, 1-2). Như vậy, ông Nicôđêmô là:
+ Một người Pharisiêu.
+ Ông là một thủ lãnh của người Do Thái, tức một thành viên trong Thượng hội đồng Do Thái (gồm các Thượng tế và Pharisiêu).
Chính Thượng hội đồng này ra lệnh bắt Chúa Giêsu (Ga 11, 45-54), nhưng ông Nicôđêmô đã phản đối lệnh bắt này, Gioan viết: “Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? ” (Ga 7, 50 – 51). Như vậy ta có thể nói, ông Nicôđêmô là một con người khẳng khái và cương nghị không sợ bất kỳ áp lực nào.
“THẬT, TÔI BẢO CHO ÔNG BIẾT: ÔNG ĐỪNG NGẠC NHIÊN VÌ NGHE TÔI NÓI RẰNG: CÁC NGƯƠI PHẢI TÁI SINH BỞI TRỜI”
Như vậy, trong cuộc đối thoại này, trước đó Chúa Giêsu đã mạc khải cho ông Nicôđêmô một điều vĩ đại mà bài Tin mừng hôm nay không đề cập. Gioan viết: “Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? ” (Ga 3, 3-4).
“CÁC NGƯƠI PHẢI TÁI SINH BỞI TRỜI”.
Đó là điều kiện Chúa Giêsu nói: “không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Như vậy, muốn thấy Nước Thiên Chúa, để sau đó vào được Nước Thiên Chúa mỗi người chúng ta phải được tái sinh một lần nữa.
Lần tái sinh, sinh ra lần thứ hai này, Chúa Giêsu nói rất rõ, đó là: “sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”, chứ không phải trở vào lòng mẹ để được sinh ra lần nữa như Nicôđêmô đã nghĩ.
Nếu sinh ra lần nữa theo như cách ông Nicôđêmô nghĩ thì chắc chắn sẽ không có ai vào được Nước Trời vì đó là điều trái tự nhiên, không ai có thể chui vào lòng mẹ để được sinh ra lần thứ hai.
Chúa Giêsu muốn nói đến cuộc tái sinh này là bởi ơn trên, tức là bởi Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Rửa tội mà mỗi Kitô hữu được nhận lãnh.
“GIÓ MUỐN THỔI ĐÂU THÌ THỔI, ÔNG NGHE TIẾNG GIÓ, NHƯNG CHẲNG BIẾT GIÓ TỪ ĐÂU ĐẾN VÀ ĐI ĐÂU: MỌI KẺ SINH BỞI THẦN LINH CŨNG VẬY”
“GIÓ,……. THẦN LINH (THÁNH THẦN)…..”
Nhận thức về Thánh Thần thời bấy giờ còn rất mới mẻ, nên để cho Nicôđêmô có thể lãnh hội lời Ngài nói, Chúa Giêsu đã làm cuộc so sánh Thánh Thần với gió. Sự so sánh này rất phù hợp với thực tế, vì trong tiếng Do Thái người ta chỉ có 01 từ để chỉ chung: gió và Thần khí, đó là Ruah. Trong tiếng Hy Lạp cũng vậy, cũng chỉ có 01 từ duy nhất, đó là: pneuma.
Gió có thể đem lại sự thoải mái cho con người, tạo năng lựợng thay cho điện; nhưng gió cũng có thể tàn phá nặng nề nhà cửa và gây thiệt hại tính mạng cho con người.
Không ai có thể đoán chắc gió từ đâu tới và sẽ đi đâu, vì gió có thể chuyển hướng và tăng tốc bất ngờ. Tương tự như thế trong cách hoạt động của Thánh Thần nơi con người: Ngài có thể thay đổi và dẫn một cá nhân hay một cộng đoàn tới một nơi hay một công việc mà họ không bao giờ dám nghĩ tới.
“MỌI KẺ SINH BỞI THẦN LINH CŨNG VẬY”
Ở phần trên Chúa Giêsu nói: “Sinh bởi ơn trên”, lần này Ngài nói cụ thể hơn, đó là sinh bởi Thần linh hay sinh bởi Thánh Thần. Chính Chúa Thần mới sinh chúng ta lần thứ hai để được thấy và vào Nước Thiên Chúa. Còn nếu vào trong bụng mẹ sinh ra lần thứ hai, cho dù có được đi nữa, thì chúng ta vẫn sinh ra trong tội nên không thể thấy Nước Thiên Chúa.
Như vậy, mỗi người chúng ta đều có 2 cuộc sinh ra:
+ Cuộc sinh ra đầu tiên từ trong bụng mẹ để chúng ta làm người. + Lần thứ hai, sinh ra bởi Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội để chúng ta được làm con cái Chúa.
Mọi kẻ sinh ra bởi Thánh Thần sẽ được Thánh Thần hướng dẫn, họ cũng trở thành gió trong môi trường họ sống để người khác không hiểu được họ từ đâu đến và đi đâu, họ sống và hành xử như con cái Thiên Chúa, họ không sống theo những tiêu chuẩn thế gian nên người thế gian không hiểu họ từ đâu đến và họ có mục đích của đời mình là đi về với Thiên Chúa nên người thế gian cũng không biết họ đi đâu.
“NICÔĐÊMÔ HỎI LẠI RẰNG: “VIỆC ẤY XẢY RA THẾ NÀO ĐƯỢC?” CHÚA GIÊSU ĐÁP: “ÔNG LÀ BẬC THẦY TRONG DÂN ISRAEL MÀ ÔNG KHÔNG BIẾT ĐIỀU ẤY SAO?
Chúa Giêsu càng nói, ông Nicôđêmô càng tù mù không hiểu, vì thế ông vẫn hỏi đi hỏi lại: “Việc ấy xảy ra thế nào được”. Gioan vẫn có lối giải thích về sự không hiểu của người Do Thái trước những mạc khải cao siêu của Chúa Giêsu, đó là, vì họ là người thuộc hạ giới, người thuộc hạ giới thì chỉ hiểu theo những gì thuộc về hạ giới, một sự hiểu biết rất hạn hẹp.
Ngay như ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu nói: Ông là bậc thầy trong dân Israen và ông đến với Chúa Giêsu với đầy thành ý chứ không thiên kiến như các Pharisiêu khác, có nghĩa ông dễ chấp nhận lời Ngài hơn, thế mà ông cũng không hiểu. Thì huống chi người Do Thái không hiểu Chúa Giêsu cũng đúng. Là bậc thầy mà còn không hiểu thì đừng nói chi đến hạng bình dân.
Vâng đúng vậy, tất cả các mạc khải của Chúa Giêsu luôn là điều vượt quá trí khôn của con người. Sự khôn ngoan, thông thái của con người có giỏi đến đâu đi nữa cũng chỉ chạm đến ngưỡng cửa của Màu nhiệm thôi. Để có thể hiểu được màu nhiệm, con người cần có ơn Chúa ban và soi sáng, dắt ta đi vào Màu nhiệm đó. Chúng ta cần tái sinh bởi ơn trên một lần nữa mới có thể thấy Nước Thiên Chúa.
“THẬT, TÔI BẢO THẬT CHO ÔNG BIẾT: ĐIỀU CHÚNG TÔI BIẾT THÌ CHÚNG TÔI NÓI; ĐIỀU CHÚNG TÔI THẤY THÌ CHÚNG TÔI MINH CHỨNG. NHƯNG CÁC ÔNG LẠI KHÔNG NHẬN LỜI CHỨNG CỦA CHÚNG TÔI”
“CHÚNG TÔI”, … “CÁC ÔNG”.
Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao đây là cuộc đàm đạo riêng giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô, nghĩa là chỉ có 02 người, tại sao Gioan lại dùng các cụm từ “Chúng tôi” và “các ông”. Chúa Giêsu đã từng nói “Ta và Cha Ta là Một”, như vậy những lời Đức Giêsu đang nói đây không phải chỉ mình Ngài nói mà còn có Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, như vậy, Chúa Giêsu sử dụng cụm từ” Chúng tôi”, còn “ các ông”, Chúa Giêsu muốn nói Ông Nicôđêmô là người đại diện cho toàn nhóm Pharisiêu và người Do Thái, có khi có cả chúng ta nữa.
“NẾU KHI TÔI NÓI VỀ NHỮNG SỰ DƯỚI ĐẤT MÀ CÁC ÔNG KHÔNG TIN, KHI TÔI NÓI NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI, CÁC ÔNG TIN THẾ NÀO ĐƯỢC?
“CHUYỆN DƯỚI ĐẤT,….. CHUYỆN TRÊN TRỜI….”
“Chuyện dưới đất”, đó là chuyện của những con người đang sống trên mặt đất. Con người đang sống đây nếu muốn vào được Nước Thiên Chúa thì phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, có nghĩa phải qua Bí tích Rửa tội để trở thành con cái Thiên Chúa.
Một nhân vật thông thái của hội đường Do Thái là Nicôđêmô đang đứng trước ngưỡng cửa dẫn vào sự sống đời đời, thế mà ông vẫn chưa tìm được lối vào chỉ vì ông thiếu một điều kiện căn bản: “niềm tin”.
“KHÔNG AI LÊN TRỜI ĐƯỢC, NGOÀI NGƯỜI ĐÃ TỪ TRỜI XUỐNG, TỨC LÀ CON NGƯỜI VỐN Ở TRÊN TRỜI. CŨNG NHƯ MÔSÊ TREO CON RẮN NƠI HOANG ĐỊA THẾ NÀO, THÌ CON NGƯỜI CŨNG PHẢI BỊ TREO LÊN NHƯ VẬY, ĐỂ NHỮNG AI TIN VÀO NGƯỜI, THÌ KHÔNG BỊ TIÊU DIỆT MUÔN ĐỜI”.
“CHUYỆN TRÊN TRỜI”
Chuyện trên trời là chuyện gì?
Chúa Giêsu sẽ tiếp tục mặc khải cho ông ở phần sau. Đó là Kế hoạch từ ngàn đời của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài để thực hiện Chương trình Cứu độ. Chính vì người Pharisêu không hiểu nên đã không chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và đã đóng đinh Ngài vào thập giá.
Chúa Giêsu đã mặc khải cho Nicôđêmô 02 Màu nhiệm Nước Trời
(1) MÀU NHIỆM NHẬP THỂ:
“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” Để tin Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người cần có sự soi sáng của Thánh Thần.
(2) MÀU NHIỆM CỨU CHUỘC qua Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu:
“Như ông Mosê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người! Thánh Thần có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra được những thiếu sót trong vốn hiểu biết mà bấy lâu nay như Nicôđêmô, con vẫn hằng tự mãn bằng lòng. Xin cho con biết rằng chỉ có niềm tin mới ban cho con một sự hiểu biết trọn vẹn ý nghĩa của con. Một cuộc sống không hạn hẹp trong cõi đất nhưng được bắt nguồn từ cõi trời.
Amen. __________________________ Giuse Nguyễn Viết Tâm.
Từ khóa » Suy Niệm Ga 3 7b-15
-
Thứ Ba Tuần 2 Phục Sinh - Đối Thoại (Ga 3,7b-15) - TGP SÀI GÒN
-
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH: Ga 3,7b-15 - Tin Mừng. TV
-
Ga 3: 7-15 - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
-
Ga 3: 7-15 - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
-
Lời Chúa (Ga 3, 7b-15): Thứ Ba Tuần II Sau Lễ Phục Sinh
-
Thứ Ba: Ga 3,7b-15. - Truyền Thông Công Giáo Tin Vui
-
Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba - Tuần 2 - Phục Sinh (Ga 3, 7b-15)
-
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Phục Sinh: " “Con Người Cũng ...
-
Hạt Giống Nảy Mầm - Thứ 3 Tuần II Phục Sinh - Ga 3, 7b -15
-
Ngộ… (26.04.2022 – Thứ Ba Tuần II Phục Sinh)
-
"Cảnh Vực Thần Linh" (Ga 3,7b-15) - Tin Vui
-
Thứ Hai: Ga 3, 7 - 15: Phải được Tái Sinh Vào đời Sống Mới Nếu ...
-
Suy Niệm Lời Chúa Tuần II Phục Sinh - Giáo Phận Cần Thơ
-
Thứ Ba Sau Chúa Nhật II Phục Sinh | Tổng Giáo Phận Hà Nội
-
[Mến Yêu Hằng Ngày]: Thứ 3, 30-04-2019 (Ga 3, 7b-15) - Dòng Tên
-
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH: Ga 3,7b-15 - YouTube
-
Thứ Ba Tuần 2 Phục Sinh. – Ðược Sống Muôn Ðời.
-
Thứ Ba Tuần 2 Phục Sinh. - GIÁO PHẬN PHAN THIẾT