Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

22/10/2021 THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng NGÀY TOÀN QUỐC GIỮ CHAY (như Thứ Sáu Tuần Thánh), mỗi người làm một việc thiện để giúp nạn nhân đại dịch.

t6 t29 tnB

Lc 12, 54-59

NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12, 56)

Suy niệm: Chúng ta lắm khi bỏ quên hiện tại chỉ vì mải tiếc nuối, mơ mộng về một quá khứ vàng son. Điều vẫn thường xảy ra nhiều hơn đó là chúng ta vẫn nhìn vào hiện tại nhưng lại không đọc ra dấu chỉ của nó để thấy được những bài học, chỉ dẫn cho tương lai. Lời Chúa hôm nay cũng nói lên tình trạng đó nhưng trong lĩnh vực tinh thần và siêu nhiên. Người ta biết quan sát trời trăng, nắng gió để đoán định thời tiết, biết khảo sát thị trường để hoạch định việc sản xuất làm ăn. Thế nhưng trước những “dấu chỉ của thời đại” thì người ta lại không đọc ra ý nghĩa của chúng; và nhất là không nhận ra được thánh ý Chúa nơi những dấu chỉ đó.

Mời Bạn: Dấu chỉ của thời đại ngày nay có nhiều. Có thể kể ra một số: a/ dấu chỉ tích cực: khao khát sự thật, hoạt động cho công bằng xã hội của lớp người trẻ…; b/ dấu chỉ tiêu cực: chiến tranh sắc tộc, thiên tai, giá trị đạo đức suy đồi, khuynh hướng tục hoá, hưởng thụ… Những dấu chỉ đó có thể khích lệ ta mà cũng là lời cảnh báo ta. Chúng ta không quá lạc quan trước những dấu chỉ tích cực và cũng không quá bi quan vì những tín hiệu tiêu cực. Quan trọng là “biết nhận xét” đúng-sai, lợi-hại. Cần soi rọi chúng dưới ánh sáng Tin Mừng; việc đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày sẽ giúp chúng ta đạt được điều đó.

Sống Lời Chúa: Trong giờ suy niệm Lời Chúa, bạn nhìn lại một biến cố vừa xảy đến cho bạn và suy xét Chúa muốn nói gì với bạn qua biến cố này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng

Theo lễ chung các Thánh mục tử: Thánh giáo hoàng

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa đã đặt Thánh Gioan Phaolô làm giáo hoàng lãnh đạo toàn thể Hội Thánh, xin cho chúng con được thấm nhuần giáo huấn của thánh nhân, luôn tin tưởng mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng cứu độ của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Bài đọc: Is 52, 7-10

Khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Bài trích sách tiên tri Isaia

7 Đẹp thay trên núi, chân của sứ giả loan báo hòa bình, của sứ giả loan báo tin vui cứu độ, của người nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi hiển trị!

8 Tiếng những người canh gác của ngươi. Họ lên tiếng, cùng nhau reo vui hoan hỉ. Họ sẽ thấy tận mắt khi Chúa trở về với Sion.

9 Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa đã an ủi dân Ngài, đã cứu chuộc Giêrusalem.

10 Chúa đã bày tỏ cánh tay thánh thiện của Ngài trước mặt muôn dân, và khắp bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Đó là Lời Chúa.

Đáp ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 10 (Đ. 3)

Đáp:Giữa muôn dân, hãy loan báo những kỳ công của Chúa.

Xướng: Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi khắp địa cầu. Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh. Đ.

Xướng: Ngày qua ngày, loan báo ơn Ngài cứu độ. Giữa muôn dân, hãy loan báo vinh quang Chúa, nơi muôn nước, hãy kể lại kỳ công của Ngài. Đ.

Xướng: Hãy dâng Chúa, nào muôn dân trăm họ, hãy dâng Chúa uy quyền với vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang danh Ngài. Đ.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia. Tôi là mục tử tốt lành, Tôi biết các chiên của Tôi, và các chiên của Tôi biết Tôi, Alleluia.

Tin Mừng: Ga 21, 15-17

Hãy chăn dắt các chiên con của Thầy, hãy chăn dắt các chiên của Thầy.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan

Khi ấy, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ và dùng bữa với các ông xong, Chúa Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi lần thứ hai: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không? Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi đến lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”.

Đó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng hy lễ này để tôn vinh Chúa trong ngày kính nhớ Thánh Gioan Phaolô, xin Chúa đoái thương chấp nhận và ban cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Ca hiệp lễ x. Ga 10, 11

Vị mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì đàn chiên. (MPS. alleluia)

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận khơi lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu đã bừng cháy mạnh mẽ nơi Thánh Gioan Phaolô, thúc đẩy ngài luôn dấn thân phục vụ Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

——————————

Nguồn: Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20110402_colletta_lt.html

ỦY BAN PHỤNG TỰ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM chuyển ngữ TRÌU MẾN NHỚ VỀ ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II ĐGM.GB. Bùi Tuần - Long Xuyên, ngày 24.6.2014

1. Đời tôi được gặp nhiều người tốt. Những người tốt ấy đã góp phần đào tạo con người tôi. Trong số những người đáng kể nhất, có một người hiện nay đã được phong thánh. Đó là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Gioan Phaolô II đã ảnh hưởng nhiều đến tôi, không những do những thông điệp, huấn từ, quyết định của Ngài, mà nhất là do những liên hệ trực tiếp mà Ngài đã dành cho tôi.

2.Tôi được trực tiếp nói chuyện với Ngài nhiều lần ở bàn giấy của Ngài, ở bàn ăn của Ngài, ở những hành lang cạnh nhiều hội nghị. Nhưng chính khi được đứng bên Ngài để cùng Ngài dâng thánh lễ, tôi đã thực sự được Ngài kéo tôi lên với Chúa.

Khi đứng bên Ngài để đồng tế, tôi được nghe giọng Ngài nói, thấy khuôn mặt của Ngài, đôi khi được cảm thấy hơi thở của Ngài. Qua những gì được cảm thấy, được xem thấy, được nghe thấy, tôi rất xúc động chứng kiến Đức Thánh Cha gặp gỡ Chúa một cách thân mật.

3.Giờ phút Đức Thánh Cha gặp gỡ Chúa trong thánh lễ bỗng trở thành linh thiêng khác thường, do sự thánh thiện của Đức Thánh Cha toát ra.

Những giây phút ấy, tôi như quên hết mọi sự, chỉ còn đắm mình vào tình yêu Chúa mà thôi.

Sau này, nhất là hiện giờ, khi một mình nhìn lại, tôi mới ghi nhận được khá rõ những ơn đặc biệt, Chúa đã ban cho tôi, nhờ sự thánh thiện của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ. Xin được phép kể ra sau đây.

4.Ơn thứ nhất là ơn quan tâm nhiều hơn đến đời sống chiêm niệm.

Trong thánh lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II toả ra qua thân xác, nhất là qua khuôn mặt của Ngài, một sự sống chiêm niệm sâu thẳm lạ lùng.

Tôi thấy chiêm niệm nơi Ngài là cung kính ngắm nhìn Chúa, là tập trung lắng nghe Chúa, là khiêm tốn vâng phục ý Chúa. Nhìn Ngài chiêm niệm, tôi như được lôi cuốn theo, để tìm gặp Chúa là Đấng thiêng liêng sống động, vô cùng yêu thương, vô cùng quyền năng. Tôi khao khát thuộc về Chúa. Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Chiêm niệm nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mà tôi đã được chứng kiến, giúp tôi xác tín về sự quan trọng của chiêm niệm trong đời tông đồ của tôi.

5.Ơn thứ hai là ơn quan tâm nhiều hơn đến việc sám hối.

Ngay từ đầu thánh lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng đã tự giới thiệu mình là kẻ có tội. Ngài đọc kinh “Sám hối” một cách rất khiêm nhường và xác tín. Đứng bên cạnh Ngài lúc đó, tôi có cảm tưởng là Ngài không thực hiện một lễ nghi, mà là thực hiện một sự hoán cải trở về với Chúa một cách hồn nhiên do động lực của tình yêu chân thành tha thiết. Tôi nhớ lại lời thánh Gioan tông đồ: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, Người sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 18-9).

Sám hối của Đức Thánh Gioán Hoàng là cậy tin vào Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Gioan tông đồ dạy: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính. Chính Đức Giêsu Kitô đã là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1).

Sám hối của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là không những xin Chúa tha tội, mà còn là xin lỗi người khác. Trong cuốn sách “Khi Đức Giáo Hoàng xin lỗi”, tác giả Luigi Accattoli, đã kể ra 21 vụ việc trong lịch sử, mà Đức Thánh Giáo Hoàng xét thấy là Hội Thánh Công giáo đã phạm sai lầm, và Ngài đã công khai lên tiếng xin lỗi.

6. Ơn thứ ba là sự quan tâm nhiều hơn đến việc hy sinh cho đoàn chiên.

Được đứng bên Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ, tôi rất xúc động, khi thấy chính bản thân Ngài là một của lễ hy sinh cho đoàn chiên.

Xưa, Chúa Giêsu phán: “Tôi là mục tử tốt lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14). Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, đó là điều tôi đã thấy nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài hy sinh suốt đời, hy sinh từng ngày, từng giờ, từng phút. Điều đó đã dạy tôi rất nhiều, nhất là trong những khi tôi gặp phải những đớn đau, trắc trở, và cả trong việc dùng thời giờ và các phương tiện, sao cho cớ sự hãm mình, vì phần rỗi của đoàn chiên.

7. Đứng bên cạnh Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi thấy khá rõ những dấu tích nơi Ngài, như những thương tích của một của lễ Ngài dâng cho Chúa, để thông phần vào của lễ Chúa Giêsu dâng, trong chương trình đền tội cho nhân loại. Thánh lễ bàn thờ của Ngài là một của lễ hy sinh. Thánh lễ cuộc đời của Ngài cũng là một của lễ hy sinh. Tôi được gương sáng đó của Ngài khích lệ rất nhiều.

Gương sáng của Ngài dạy tôi phải phấn đấu không ngừng. Một đời sống an phận, vô cảm sẽ có lúc xảy đến cho tôi, nếu tôi không tỉnh thức, càu nguyện và phấn đấu.

8.Với ba ơn trên đây mà tôi nhận được từ Chúa, qua gương sáng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi xác tín vai trò gương sáng của các mục tử là rất quan trọng.

Hiện nay, gương sáng về đời sống chiêm niệm, đời sống sám hối, đời sống hy sinh cho đoàn chiên đang là một đòi hỏi khẩn thiết mà Chúa đặt ra cho các mục tử. Nhân loại đang rất cần những mục tử như vậy. Việt Nam đang rất chờ những mục tử như thế.

Lạy Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, con tin Ngài đang ở bên Chúa trên thiên đàng, xin Ngài thương tiếp tục dẫn đưa con trên đường ơn gọi làm người mục tử tại Việt Nam hôm nay. Con yếu đuối lắm, xin Ngài đỡ nâng con.

Xin Ngài cũng nhìn đến hoàn cảnh đạo đức đang xuống dốc tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam, để cầu xin Chúa thương cứu. Con tin chỉ có Chúa mới cứu được. Con xin tạ ơn Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 7, 18-25a

“Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi cái xác chết này?”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 66. 68. 76. 77. 93. 94

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài

Xướng: Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài.

Xướng: Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.

Xướng: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.

Xướng: Ðời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống.

Xướng: Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 1-6

“Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa”.

Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái: hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 54-59

“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: “Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NHẬN RA DẤU CHỈ… VÀ SÁM HỐI, CANH TÂN (Lc 12, 54-59) Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

“Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,

Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi”.

Hay:

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khen ngợi những người Dothái về khả năng tiên đoán điềm trời của họ. Tuy nhiên, Ngài lại khiển trách họ chỉ biết dự báo về điềm trời, còn không biết dùng khả năng vốn có của mình để sử dụng vào lãnh vực cao hơn là những dấu chỉ ơn cứu độ. Ngài trách: “Hỡi những kẻ giả hình, các người biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi lại không tìm hiểu?”.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn xác định rằng: sự xuất hiện của Ngài ngang qua các hành động và những lời giáo huấn cho thấy: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, đến để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi chết phần hồn và đem lại cho nhân loại hạnh phúc thật. Đây chính là một điềm lạ vĩ đại, cả thể, nhằm loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến và đang hiện diện giữa nhân loại thì họ lại không tin, không nhận ra.

Tại sao vậy? Thưa! Họ mong đợi nơi Đấng Cứu Thế phải là một người hùng, đánh đông dẹp bắc bằng vũ lực; phải là Đấng giải phóng dân tộc Dothái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Phải là người giỏi giang về binh đao và xuất xứ của Đấng ấy phải là quyền quý, cao sang.

Tuy nhiên, điều họ mong chờ ấy đã không phù hợp với bản chất của Đấng Thiên Sai, nên họ đã bị tối mắt và lu mờ lương tâm khi Đức Giêsu xuất hiện trong một gia đình nghèo, tầm thường. Hơn nữa, Ngài đến trong thân phận là người tôi tớ của Giavê, để phục vụ và đứng về phía người nghèo, tội lỗi, người không có tiếng nói… Đường lối cứu độ của Ngài lại là con đường khổ giá, khiêm nhường và hiền hậu. Sự nghiệp giải phóng của Ngài không chỉ dành riêng cho một quốc gia, dân tộc nào, mà là cho hết mọi người. Tất cả những điều đó họ đã không nhận ra, nên họ đâu màng chi đến những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Giêsu! Vì thế, họ không sám hối cũng chẳng cần thay đổi đời sống…!!!

Nơi xã hội hay trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa khi phỏng chiếu một vị Thiên Chúa phải đứng về phe mình, mặc cho điều mình làm có đúng hay sai? Cũng vẫn còn đó những người luôn có khái niệm: “Tự nhiên có”, mà không hề nhận ra rằng: Chúa đang yêu thương, bao bọc ta và những thứ ta có là do lòng nhân từ của Chúa ban. Đôi khi có những bất chắc trong cuộc sống như tai nạn, bệnh tật, ốm đau… chúng ta đã được Chúa thương cứu sống cách nhiệm mầu. Ấy vậy mà khi chúng ta được chữa lành, thay vì tạ ơn Chúa, cải hóa đời sống và trung thành với Chúa, thì lại vui vẻ cho rằng mình gặp may… Rồi cũng không thiếu những lúc ta ích kỷ đến độ không hài lòng với người anh chị em của mình khi họ gặp điều thuận lợi hơn ta…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy nhạy bén với ơn Chúa để nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi chính Lời của Ngài trong Tin Mừng. Đồng thời, luôn nhận ra tình thương của Chúa qua sự quan phòng kỳ diệu trong cuộc sống nơi các biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại của chúng ta. Mặt khác, hãy lo sám hối, cải thiện đời sống và quay trở về với Thiên Chúa một khi đã nhận ra tình thương của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa và biết sám hối, ăn năn, cải thiện đời sống để xứng đáng trở thành con Chúa và anh chị em của nhau. Amen.

Từ khóa » Thứ Sáu Tuần 29 Thường Niên