Lợi ích Của Doanh Nghiệp Khi Lên Sàn - VnExpress

Có ý kiến cho rằng sẽ có làn sóng hủy niêm yết trong thời gian sắp tới do sự sàng lọc của cơ quan quản lý để nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán và quyết định rời sàn của tự bản thân một số doanh nghiệp. TS Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán MB, Trưởng khoa tài chính ngân hàng (Đại học kinh tế, đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng chưa thể gọi đây là làn sóng dù thực tế đã có một số doanh nghiệp hủy niêm yết thời gian qua.

- Dưới góc độ của một bên tư vấn niêm yết, ông có cho rằng việc rời sàn thời điểm này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp?

- Nên hay không là do chính doanh nghiệp. Những người đang ở trên sàn thì nghĩ rằng mình có nên tiếp tục ở trên sàn không hay nên xuống. Còn những người chưa lên sàn thì nghĩ rằng mình có nên lên sàn hay không. Câu chuyện nằm ở chỗ doanh nghiệp đánh giá lợi ích của việc lên sàn như thế nào mà thôi. Riêng tôi lại cho rằng lợi ích của việc lên sàn là nhiều hơn.

Nếu lập luận rằng việc lên sàn sẽ làm cho giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị công ty thì xét về bản chất lập luận này là không hợp lý. Vì nếu anh không lên sàn thì giá trị doanh nghiệp vẫn vậy. Nhưng vì cổ phiếu của doanh nghiệp này không được giao dịch nên người ta không nhìn thấy được. Thành ra doanh nghiệp sẽ tưởng rằng mình có giá trị hơn nhưng về bản chất nó vẫn thế. Thậm chí, nếu chúng ta nhấn mạnh vào việc những cổ phiếu chưa đủ điều kiện niêm yết so với những cổ phiếu đủ điều kiện niêm yết thì chúng ta sẽ thấy giá trị của việc niêm yết. Tôi cho rằng, những doanh nghiệp không muốn niêm yết đơn giản bởi phần lớn cổ đông không có ý định giao dịch cổ phiếu mà muốn nắm giữ nó.

- Một số doanh nghiệp cho rằng ở thời điểm khó thu hút được các nguồn vốn mới nên tạm rời sàn một thời gian phải không, thưa ông?

- Việc không muốn lên sàn là bình thường. Nhưng “ông” đã lên sàn rồi mà muốn rút thì quyết định này không giúp doanh nghiệp cải thiện được giá trị, thậm chí nhiều trường hợp còn tồi hơn bởi có thể người ta nhìn nhận là không đủ điều kiện hoặc không muốn minh bạch hóa.

- Ủy ban chứng khoán đang sàng lọc những cổ phiếu kém chất lượng ảnh hưởng tới thị trường. Theo đánh giá của ông, số cổ phiếu cần cho “lọt sàng” có nhiều không?

- Việc sàng lọc này là nên chứ! Con số sàng lọc cũng nhiều chứ! Vấn đề là muốn giữ lại bao nhiêu doanh nghiệp thôi!

- Điều này nằm ở việc đặt ra các tiêu chuẩn?

- Đúng thế! Việc đặt ra những tiêu chuẩn mà trong điều kiện bình thường doanh nghiệp có thể đạt được thì được coi là tiêu chuẩn tốt. Còn tiêu chuẩn mà với mục tiêu để loại doanh nghiệp thì là tiêu chuẩn tồi. Cá nhân tôi nghĩ rằng nên đưa ra những tiêu chuẩn tốt. Trong điều kiện hiện nay để giữ lại những doanh nghiệp tốt thì nên tập trung vào vấn đề về vốn và vấn đề lợi nhuận. Hoặc nếu thấy khó xử thì có thể đặt ra các mức độ tiêu chuẩn khác nhau cho các doanh nghiệp đang trên sàn. Lấy ví dụ chỉ cần chúng ta đưa ra các tiêu chí để tạo nhóm 50, 100, 200 cổ phiếu tốt thì cũng đã là sự sàng lọc cho thị trường rồi.

- Vừa qua, Công ty cổ phần Gò Đàng quyết tâm hủy niêm yết và thông báo mua lại cổ phiếu của các cổ đông nhỏ với giá cao hơn giá đang giao dịch. Trong trường hợp này, theo ông các cổ đông nhỏ có nên giữ lại cổ phiếu này hay không?

- Tôi không nghiên cứu trường hợp này nhưng câu trả lời rõ ràng tùy vào quan điểm nhà đầu tư về vấn đề lợi nhuận. Vì cổ phiếu không niêm yết nữa, nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ có thể kỳ vọng thiết thực vào cổ tức và họ nên so sánh với tiết kiệm ngân hàng. Nếu tỷ suất cổ tức hằng năm so với mức giá đang được đề nghị mua mà tốt hơn nhiều lãi ngân hàng thì nên giữ lại. Bạn biết là tiền gửi ngân hàng hiện nay thu được chừng 9%/năm. Như vậy, nếu hằng năm cổ phiếu này trả cổ tức đều đặn cao hơn mức tối thiểu 5.000 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư nên cân nhắc giữ lại. Còn nếu nó thấp hơn thì nên bán làm việc khác.

Theo Lao động

Từ khóa » Các Công Ty Lên Sàn Chứng Khoán để Làm Gì