Lợi ích Từ Thiên Nhiên: Dừa Xiêm Và Bưởi Trong điều Trị Bệnh

Nông dân Ba Tri thăm vườn bưởi.

Nông dân Ba Tri thăm vườn bưởi.

Từ những bài thuốc dân gian

Từ xa xưa, người dân đã truyền miệng nhau những công dụng của nước dừa trong việc hạ huyết áp, giải độc, hạ sốt... Không ít trường hợp, người dân dùng nước dừa để uống khi có dấu hiệu nóng sốt. Theo nhiều người, nước dừa sẽ cung cấp nước đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trên thực tế, nhiều người cũng ghi nhận những tác dụng của loại quả từ thiên nhiên này trong một vài bệnh lý.

Đơn cử, trường hợp bà Nguyễn Thị Chín ở ấp Cầu Vĩ, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri đã loại bỏ chứng cao huyết áp bằng loại thuốc tại gia - dừa xiêm và cua đồng. Theo lời của bà Nguyễn Thị Chính, được truyền miệng từ nhiều thế hệ, bà đã sử dụng hỗn hợp gồm nước dừa xiêm, cua đồng trong thời gian dài.

Bà Chín cho biết, trái dừa xiêm bà để nguyên vỏ, vạt miếng vừa đủ để nhét con cua vào trong trái dừa. Bà đun sôi trái dừa đến khi nước dừa sôi và thịt cua đã chín, khi đó bà sử dụng. Nhờ vậy, bà hạn chế được tình trạng tăng huyết áp trong nhiều năm.

Trước đó, huyết áp bà Chín rất cao và thường tăng làm bà nhức đầu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Các bác sĩ cho rằng bà mắc bệnh mạn tính - cao huyết áp. Mỗi ngày, bà phải dùng thuốc để điều hòa huyết áp. Tuy nhiên, sau khi nấu dừa xiêm với cua đồng thì tình trạng nhức đầu thưa dần, huyết áp tương đối giảm. Bà duy trì sử dụng và kết quả theo dõi sức khỏe tại trạm y tế, huyết áp bà ổn định.

Đối với bưởi, người ta thường hay nhắc đến hiệu quả trong giảm chứng đầy hơi, đầy bụng, rụng tóc và nhiều sản phụ sử dụng lá bưởi, tinh dầu bưởi để xông hơi sau khi sinh. Ngoài ra, lá bưởi được nhiều hộ dân nông thôn dùng để nấu xông giải cảm hiệu quả.

Ứng dụng trong y khoa

Trao đổi về dưỡng chất cũng như tác dụng của hai loại quả này, bác sĩ Phạm Văn Hạnh - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho hay, bưởi và dừa có thành phần dưỡng chất rất cao, có các nguyên tố vi lượng đóng vai trò trong cân bằng nước điện giải, có nhiều vitamin, biotin, axit folic hỗ trợ hấp thu canxi và magie làm xương rắn chắc, là chất lợi tiểu thiên nhiên làm chuyển hóa cơ thể.

Trong các bài thuốc Đông y, nước dừa có chứa nhiều vitamin nên là nước uống tạo năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, nước dừa còn được dùng để điều trị chứng mất nước, làm cân bằng điện giải, giúp trung hòa axit dạ dày. Các chất dinh dưỡng chính được tìm thấy trong nước dừa, bao gồm: axit laurie, chloride, sắt, kali... giúp cân bằng sức khỏe cơ bắp, tim mạch cũng như hấp thụ, cân bằng các chất lỏng bên trong của cơ thể và chống oxy hóa. Đặc biệt, hữu ích cho việc điều hòa huyết áp đối với bệnh nhân huyết áp cao.

Theo bác sĩ Phạm Văn Hạnh, nước dừa còn được dùng giảm vấn đề về tiết niệu, ngăn ngừa sỏi thận. Thực tế, nhiều người bị tiểu gắt và các bệnh tiết niệu uống nước dừa 2 lần/ngày để giảm triệu chứng bệnh. Uống nước dừa thường xuyên giúp tan sỏi thận và làm cho chúng thoát ra ngoài cơ thể. Trong thời kháng chiến, nước dừa được xem như là huyết tương, nó được sử dụng thay thế dịch truyền.

Đông y cho rằng, mỗi bộ phận của quả bưởi đều có tác dụng khác nhau. Cơm bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng trị ho, giải rượu. Vỏ bưởi vị cay, đắng, tính ấm, có chứa tinh dầu nên tác dụng trị ho, giảm đau. Hạt bưởi vị đắng, tính ấm, chứa chất béo, có tác dụng trị thoát vị, sa tử cung. Lá bưởi vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng - viêm.

Theo bác sĩ Hạnh, nước bưởi còn giúp hạ đường huyết. Kiểm chứng thực tế cho thấy ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân và phòng chống được tiểu đường. Trong các nghiên cứu y khoa hiện đại, nước ép múi bưởi có khoảng 9% axit citric, 14% đường, kali, phốt pho, canxi, các vitamin C, A, B1.

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu nhận thấy, bưởi làm giảm hormone insulin trong cơ thể, thúc đẩy việc giảm cân. Do đó, việc thêm bưởi vào chế độ ăn hằng ngày có thể giúp giảm cân hiệu quả. Ngoài ra, bưởi còn giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe sau cơn sốt, làm giảm cảm giác nóng bức do nhiệt độ cơ thể tăng cao và là phương thuốc có giá trị với bệnh cảm cúm.

Bưởi rất hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề đầy bụng, khó tiêu. Nó làm giảm nhiệt và kích thích hoạt động của dạ dày, cải thiện dòng chảy của dịch tiêu hóa, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Đặc biệt, với bệnh nhân tiểu đường nên ăn một quả bưởi trong ngày. Ăn bưởi có thể hạn chế lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể, vì thế giúp giảm nỗi lo lắng về bệnh tiểu đường, táo bón, rối loạn tiết niệu.

Bác sĩ Phạm Văn Hạnh cho hay, các nhà dinh dưỡng học ở Trung tâm Nghiên cứu ung thư Đại học Hawaii, Mỹ, còn cho rằng việc uống 530ml nước bưởi ép mỗi ngày sẽ khiến hoạt động của CYPIA2 là một enzyme kích thích hoạt động của hóa chất gây ung thư trong khói thuốc, giảm đáng kể. Ngoài ra, bưởi giàu chất flavonoid có tác dụng như một chất chống oxy hóa tự nhiên, bảo vệ và ngăn chặn hoạt động của các chất gây ung thư. Bưởi có màu hồng, đỏ chứa lượng lycopene cao, giúp chống oxy hóa, góp phần làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Không nên lạm dụng nước dừa (uống hơn 3 - 4 trái/ngày và uống liên tục nhiều ngày), không nên uống nước dừa vào buổi tối vì sẽ gây đầy bụng. Nên uống dừa khi còn tươi và uống từ từ không nên pha đá hay kèm các hóa chất khác. Đặc biệt, trẻ em dưới 6 tháng tuổi không được uống nước dừa.

Đối với bưởi, có thể gây tương tác khi sử dụng một số loại thuốc (tương tác thường xảy ra đến ba ngày sau khi ăn hoặc uống nước ép bưởi) trong điều trị các bệnh: loạn nhịp tim, trầm cảm, vi-rút gây suy giảm miễn dịch… Do đó, cần tham vấn ý kiến bác sĩ về việc ăn bưởi khi đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh trên.

(Bác sĩ Phạm Văn Hạnh)

Bài, ảnh: Phan Hân

Từ khóa » Bông Dừa Xiêm Có Tác Dụng Gì