LỖI KHÔNG CÓ, KHÔNG MANG GIẤY PHÉP LÁI XE PHẠT BAO ...

Lỗi không có, không mang giấy phép lái xe phạt bao nhiêu tiền? Không mang giấy tờ xe có bị coi là không có giấy tờ xe không? Thời gian để cung cấp giấy tờ xe là bao lâu?

Mặc dù hiểu rằng giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ cần thiết phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường bộ, tuy nhiên, không phải lúc nào người lái xe cũng chấp hành việc mang theo loại giấy tờ này khi tham gia giao thông. Có thể là vì họ chưa được đào tạo lái xe, chưa đủ điều kiện cấp bằng lái xe, cũng có thể họ đã được cấp bằng lái xe nhưng do “vội”, hoặc do “quên” nên không mang theo Giấy phép lái xe. Dù là chưa có hoặc không mang theo Giấy phép lái xe thì trong trường hợp này, họ đều có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Để hiểu rõ hơn về lỗi này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Nhân Hòa sẽ đề cập về mức xử phạt hành chính đối với lỗi không có hoặc không mang theo Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông theo quy định của pháp luật hiện hành

Hiện nay, quy định về việc mang theo Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông và mức xử phạt khi không có hoặc không mang Giấy phép lái xe được quy định cụ thể tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định về Giấy phép lái xe.

Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về khái niệm Giấy phép lái xe, tuy nhiên căn cứ vào khái niệm được thể hiện tại Bách khoa toàn thư mở online (Wikipedia) có thể hiểu rằng Giấy phép lái xe (Bằng lái xe) được hiểu là một loại giấy phép/ chứng chỉ mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể khi họ đã đáp ứng các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, kiến thức và đã hoàn thành kỳ thi sát hạch lái xe theo quy định của pháp luật. Giấy phép lái xe như là một loại chứng chỉ để ghi nhận và xác định một người đã đáp ứng những điều kiện cơ bản theo quy định của pháp luật để có thể điều khiển, vận hành, tham gia giao thông và lưu thông một loại phương tiện cơ giới như xe máy, xe mô tô, xe gắn máy, xe hơi, xe tải… trên đường.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể Điều 59 Luật giao thông đường bộ năm 2008, Chương I Phần II Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, Giấy phép lái xe được phân thành nhiều hạng khác nhau như hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE… phân làm hai nhóm Giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn, phù hợp với từng kiểu loại, công suất động cơ, công dụng và tải trọng của xe cơ giới, cũng như những yêu cầu về kỹ năng phù hợp với từng loại xe cơ giới khác nhau. Mỗi loại Giấy phép lái xe được cấp cho các đối tượng phù hợp với độ tuổi, trình độ đào tạo và kết quả kỳ sát hạch Giấy phép lái xe cùng các điều kiện khác của cá nhân đó phù hợp với loại phương tiện mà người cá nhân điều khiển.

Cùng với các giấy tờ khác của phương tiện như Đăng ký xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (áp dụng cho một số loại xe cơ giới như xe ô tô, xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc…) thì theo quy định tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008, Giấy phép lái xe là một trong những loại giấy tờ mà người lái xe bắt buộc phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Nếu người lái xe không mang hoặc không có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc các giấy tờ theo quy định nêu trên khi tham gia giao thông đường bộ thì họ có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Thứ hai, mức xử phạt hành chính áp dụng với lỗi không có Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông.

Như đã phân tích, việc mang theo Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông là một quy định bắt buộc, thể hiện điều kiện tham gia giao thông của người lái xe, điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên trên thực tế, có những người chưa đáp ứng điều kiện về độ tuổi hoặc chưa qua đào tạo, sát hạch lái xe để được cấp Giấy phép lái xe phù hợp với phương tiện giao thông đang điều khiển nên không có Giấy phép lái xe phù hợp để mang theo khi tham gia giao thông. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tùy thuộc vào loại xe mà người này điều khiển là xe máy, xe mô tô, xe gắn máy hay xe ô tô, máy kéo hay loại xe nào khác thì người này sẽ bị xử phạt với lỗi không có giấy phép lái xe với mức xử phạt cụ thể như sau:

  • Đối với xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô:

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mô tô không có Giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Còn đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên mà không có Giấy phép lái xe phù hợp thì sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

  • Đối với xe ô tô, xe máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô:

Đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy và các loại xe tương tự xe ô tô không có Giấy phép lái xe ô tô phù hợp với phương tiện đang điều khiển thì căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Ngoài việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện không có Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông, không đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì người chủ phương tiện có hành vi giao xe hoặc để cho người không có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe tham gia giao thông đường bộ cũng bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 4, điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền như sau:

  • Đối với phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô thì chủ phương tiện nếu là cá nhân bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt với mức từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
  • Đối với phương tiện là xe ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thì chủ phương tiện nếu là cá nhân sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Thứ ba, mức xử phạt hành chính áp dụng với lỗi không mang theo Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông.

Không mang theo Giấy phép lái xe được hiểu là việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mặc dù có Giấy phép lái xe phù hợp với phương tiện mà họ đang điều khiển nhưng cố tình hoặc vô ý không mang theo (ví dụ do để quên, do vội…) nên đã không xuất trình được Giấy phép lái xe tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

Cũng tương tự như trường hợp không có Giấy phép lái xe, thì đối với người điều khiển không mang theo Giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, họ cũng sẽ bị xử phạt hành chính vì không đáp ứng điều kiện điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Về vấn đề này, căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với lỗi không mang theo Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông đường bộ được xác định như sau:

– Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy không mang theo Giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng.

– Đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe thì căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, họ sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

Như vậy, Giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ quan trọng mà người điều khiển phương tiện cần phải mang theo khi tham gia giao thông. Giấy tờ này là một trong căn cứ để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác định về điều kiện tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Do vậy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành việc mang theo đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27

Trân trọng!

Từ khóa » đi ô Tô Không Có Bằng Lái Phạt Bao Nhiêu