Lợi Nhuận Thuần (Net Profit) Là Gì? Cách Tính Lợi Nhuận Thuần

Lợi nhuận thuần (Net profit) là gì? Cách tính lợi nhuận thuần Lợi nhuận thuần (Net profit) là gì? Cách tính lợi nhuận thuần (5/5) - 66 bình chọn. 24/09/2021 21231

Lợi nhuận thuần hay còn gọi là Lãi thuần là một khoản mục rất quan trọng trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Việc kiểm soát tốt Lợi nhuận thuần sẽ cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh. Qua bài viết này, Thành Nam sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về : Lợi nhuận thuần là gì? Cách tính Lợi nhuận thuần và Một số thông tin hữu ích cần phải biết về Lợi nhuận thuần,....

  • Xem thêm: Lợi nhuận ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Lợi nhuận ròng
  • Xem thêm: Lợi nhuận gộp là gì? Các điều cần lưu ý về Lợi nhuận gộp
  • Xem thêm: Doanh thu thuần là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Doanh thu thuần

Nội dung bài viết [Ẩn]

  • 1. Lợi nhuận thuần là gì?
  • 2. Cách tính Lợi nhuận thuần:
  • 3. Ý nghĩa của Lợi nhuận thuần:
  • 4. So sánh Lợi nhuận thuần và Lợi nhuận gộp
  • 5. Tỷ suất lợi nhuận thuần là gì?
  • 6. Cách tính Tỷ suất lợi nhuận thuần:
  • 7. Ý nghĩa Tỷ suất lợi nhuận thuần:

1. Lợi nhuận thuần là gì?

Lợi nhuận thuần tiếng Anh là: Net profit

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC:

Lợi nhuận thuần (hay còn được gọi là Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh) chỉ tiêu phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính toán trên cơ sở lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ cộng (+) Doanh thu hoạt động tài chính trừ (-) Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo.

Trên Báo cáo kết quả kinh doanh, Lợi nhuận thuần được trình bày ở Mã số 30 - Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh - tiếng Anh là Net profits from operating activities

2. Cách tính Lợi nhuận thuần:

Từ khái niệm của Lợi nhuận thuần, ta có thể xác định công thức để tính lợi nhuận thuần như sau:

Lợi nhuận thuần = Lợi nhuận gộp + Doanh thu hoạt động tài chính - (Chi phí tài chính + Chi phí bán hàng + Chi phí quản lý doanh nghiệp)

Trong đó:

Lợi nhuận gộp: là một chỉ tiêu phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàng hoá, thành phẩm, và cung cấp dịch vụ với giá vốn hàng bán phát sinh trong kỳ báo cáo.

Xem thêm: Lợi nhuận gộp là gì? Cách tính Lợi nhuận gộp

Doanh thu hoạt động tài chính: Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu hoạt động tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 515 “Doanh thu hoạt động tài chính” đối ứng với bên Có TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.

Chi phí tài chính: Chi phí tài chính là những khoản chi phí hoạt động tài chính bao gồm các khoản chi phí hoặc các khoản lỗ liên quan đến các hoạt động đầu tư tài chính, chi phí cho vay và đi vay vốn, chi phí góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ chuyển nhượng chứng khoán ngắn hạn, chi phí giao dịch bán chứng khoán; Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác, khoản lỗ phát sinh khi bán ngoại tệ, lỗ tỷ giá hối đoái...

Xem thêm: Chi phí tài chính là gì? Những điều cần biết về Chi phí tài chính

Chi phí bán hàng: Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí bán hàng hóa, thành phẩm đã bán, dịch vụ đã cung cấp phát sinh trong kỳ báo cáo

Chi phí quản lý Doanh nghiệp: là các chi phí quản lý chung của doanh nghiệp liên quan đến các bộ phận quản lý, các chi phí gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp.

3. Ý nghĩa của Lợi nhuận thuần:

Lợi nhuận thuần là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Ví dụ: Một doanh nghiệp may mặc có kết quả kinh doanh trong năm lợi nhuận sau thuế biến động tăng mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên khi đọc Báo cáo tài chính thì lợi nhuận chủ yếu của Công ty này đến từ khoản lãi thu nhập khác do nhận được tiền thanh lý tài sản cố định trong kỳ, trong khi Lợi nhuận thuần thì đang bị âm. Điều này chứng tỏ, tình hình sản xuất kinh doanh hoạt động chính của Công ty đang có vấn đề rất lớn.

Trong ví dụ nêu trên, nếu chúng ta không sử dụng đến Chỉ tiêu "Lợi nhuận thuần" thì sẽ không thể biết được doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả hay không, hay lãi chỉ do các hoạt động bất thường khác tạo nên, mà không phải năm nào cũng có.

4. So sánh Lợi nhuận thuần và Lợi nhuận gộp

Qua các mục trên, Quý độc giả có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau giữa lợi nhuận gộp và lợi nhuận thuần:

Lợi nhuận gộp được xác định bằng Doanh thu thuần trừ đi giá trị vốn của hàng bán và chưa tính đến ảnh hưởng của các chi phí hoạt động như: Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính.

Lợi nhuận thuần thì được xác định bằng Doanh thu thuần trừ đi giá trị vốn của hàng bán và trừ thêm các chi phí hoạt động như: Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính.

Lợi nhuận gộp sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về tình hình sản xuất kinh doanh CHÍNH của doanh nghiệp từ việc tiêu thụ sản phẩm đến giá trị vốn của hàng bán chưa tính đến các yếu tố gián tiếp.

Còn Lợi nhuận thuần sẽ được tính trên cả các yếu tố gián tiếp, từ đó cho ta thấy bức tranh toàn cảnh hơn về tình hình tài chính của Doanh nghiệp.

Khi 2 doanh nghiệp có lợi nhuận gộp tương đồng, ai kiểm soát tốt các chi phí gián tiếp thì sẽ là người có lợi nhuận thuần cao hơn, và đương nhiên, sẽ có tình hình tài chính tốt hơn.

5. Tỷ suất lợi nhuận thuần là gì?

Tỷ suất lợi nhuận thuần tiếng Anh là Net profit margin ratio

Tỷ suất lợi nhuận thuần là chỉ tiêu thể hiện khả năng sinh lợi theo doanh thu theo từng thời kỳ của doanh nghiệp.

Tỷ suất lợi nhuận thuần còn được gọi là Tỷ suất doanh lợi hay tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

6. Cách tính Tỷ suất lợi nhuận thuần:

Qua định nghĩa, ta có thể thấy được công thức tính tỷ suất lợi nhuận thuần sẽ là:

Tỷ suất lợi nhuận thuần = Lợi nhuận thuần / Doanh thu

Công thức này cho ta thấy được với mức doanh thu có được từ tiêu thụ hàng hóa sản phẩm, có thể mang về cho chúng ta bao nhiêu % lợi nhuận thuần.

7. Ý nghĩa Tỷ suất lợi nhuận thuần:

Đây là một chỉ tiêu được rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm, nó phản ánh khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Tỷ suất này càng cao, chứng tỏ doanh nghiệp đang có khả năng cạnh tranh tốt, các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, và kiểm soát tốt được chi phí đầu vào.

Tỷ suất này càng thấp, chứng tỏ hiệu quả hoạt động kinh doanh đang kém, các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp, và vấn đề chi phí của Công ty cần được xem xét.

Tỷ suất này bằng 0 hoặc < 0 thì đương nhiên là không tốt, vì Công ty kinh doanh đang bị thua lỗ, có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp tục sản xuất và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ doanh nghiệp.

Đối với mỗi ngành nghề, lĩnh vực lại có các hệ số của ngành khác nhau, để ứng dụng được hệ số này tốt nhất, thì các nhà quản lý nên so sánh với các công ty trong cùng ngành hoặc so sánh với hệ số ngành, từ đó sẽ cho thấy Doanh nghiệp của mình có đang có thế mạnh về Tỷ suất Lợi nhuận thuần hay không?

Các doanh nghiệp có lợi thế về Tỷ suất lợi nhuận thuần thường là các doanh nghiệp đầu ngành, khi thương hiệu họ rất mạnh rồi, ví dụ như Thế giới di động, Vinamilk,... khi đó các sản phẩm tiêu thụ được bán ra với mức giá cao hơn thị trường, và khách hàng tìm đến vì thương hiệu nhiều nên chi phí marketing sẽ thấp hơn từ đó giảm được chi phí bán hàng và các khoản chi phí khác,...

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về : Lợi nhuận thuần là gì? Cách tính Lợi nhuận thuần và Một số thông tin hữu ích cần phải biết về Lợi nhuận thuần,....

Nếu các bạn đọc có câu hỏi gì, hãy để ở dưới phần bình luận, đội ngũ chuyên gia của Thành Nam luôn sẵn sàng để hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc từ phía độc giả.

  • Xem thêm: Lợi nhuận ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Lợi nhuận ròng
  • Xem thêm: Lợi nhuận gộp (Gross Profit) là gì? Các điều cần lưu ý về Lợi nhuận gộp
  • Xem thêm: Doanh thu thuần là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Doanh thu thuần
Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán

Từ khóa » Chênh Lệch Giữa Lợi Nhuận Gộp Và Doanh Thu Thuần