Lời Nói Dối Vô Hại - Báo Nghệ An

Mặc dù trung thực vẫn luôn được xem là một phẩm chất tốt nhưng đồng thời, những quy tắc ứng xử trong xã hội vẫn ngầm cho phép những lời nói dối mà người ta cho là vô hại. Thậm chí, trong một số trường hợp, giá trị của lời nói dối còn được nâng lên mức cần thiết.

Vì sao phải nói dối? Ở mức đơn giản nhất, chúng ta nói dối khi muốn che giấu, thậm chí thay đổi sự thật để bảo vệ lợi ích của bản thân mình. Một đứa trẻ nói dối về lỗi lầm của mình để tránh trận đòn của mẹ nó. Ở mức cao hơn, người ta nói dối để giành được một lợi ích chưa thuộc về họ. Đó là trường hợp của đứa trẻ nói dối rằng nó được điểm 10 để mẹ mua cho một món đồ chơi.

Lời nói dối tồi tệ là lời nói dối gây ra hệ quả tiêu cực đến người khác: Đứa trẻ làm vỡ lọ hoa và đổ lỗi cho con mèo, khiến con vật tội nghiệp bị cho nhịn đói một hôm. Lời nói dối vô hại là lời nói dối trong trường hợp sự thật có thể gây ra hệ quả tiêu cực đến người khác: Bác sỹ nói dối một bệnh nhân bị bệnh nan y rằng bệnh của anh ta có thể chữa được để bệnh nhân không từ bỏ hy vọng. Có vẻ như chuẩn mực để đánh giá một lời nói dối là tốt hay xấu phụ thuộc vào động cơ và kết quả của nó.

Khoan bàn đến việc nói dối là tốt hay xấu mà hãy để ý đến sự ra đời của nó. Nói dối là bản năng bẩm sinh hay là kỹ năng do giáo dục mà ra? Tôi nghĩ rằng sự dối trá sinh ra từ cộng hưởng của bản năng ích kỷ và hình bóng phản chiếu của một nền giáo dục. Có phải khi ta còn bé, bố mẹ thường hay doạ dẫm chúng ta rằng “Nếu không ăn sẽ bị ông ba bị bắt đi”, “Nếu con hư thì bác sỹ sẽ tiêm”, “Đừng nghịch tủ đồ của mẹ vì trong đó có con ma”, “Mẹ không thể chơi với con được vì mẹ bận”… Trong khi sự thật là người lớn chỉ đơn giản là lợi dụng nỗi sợ hoặc những điều bọn trẻ không thích để khiến chúng không làm những việc trái ý họ. Đến khi lũ trẻ đủ lớn để nhận thức ra sự thật thì tuổi thơ chúng đã chất đầy những điều dối trá mà người thầy đầu tiên dạy chúng nói dối không ai khác chính là các ông bố bà mẹ.

Tiếp sau gia đình, trường học chính là mảnh đất màu mỡ để hạt mầm dối trá trong lũ trẻ lớn lên. Khi thầy cô tìm mọi cách để nâng điểm cho học sinh của mình hoặc “vớt vát” những đứa trẻ có học lực yếu kém không thể lên lớp vì câu chuyện thành tích, cũng là lúc họ đã trở thành một tấm gương xấu cho lũ trẻ về sự dối trá và lòng trung thực. Ở nhiều trường chuyên lớp chọn, học sinh được nâng điểm, thậm chí “nặn” điểm ở các bộ môn được cho là “phụ”, là “không quan trọng” để “trả công” việc chúng đem lại thành tích cho trường ở các kỳ thi học sinh giỏi. Bạn tôi kể có lần ở trường học của em gái nó, một học sinh lên tiếng tố cáo việc giám thị để cho học sinh quay cóp nhau trong kỳ thi cuối cấp. Kết quả là cậu bé tội nghiệp bị cả trường “kỳ thị” vì đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và danh tiếng của trường. Nhưng điều khiến bạn tôi sốc nhất là cách mà em gái nó kể lại câu chuyện với thái độ công kích cậu bạn kia, như thể cậu ta đã làm điều gì đó kinh khủng. Trong khi tất cả những gì cậu bé làm là nói lên sự thật.

Tôi không sợ những lời nói dối. Tôi sợ là sợ sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa dối trá và trung thực. Sợ người ta quen với những lời nói dối đến mức một ngày nào đó, họ tưởng rằng đó là sự thực. Sợ rằng thay vì lừa dối người khác, chúng ta sẽ lừa dối chính bản thân mình và đắm chìm vào một hiện thực do trí tưởng tượng vẽ ra. Sợ rằng bị che mắt bởi dối trá, tôi sẽ không nhận ra được sự thật ngay cả khi nó khoả thân chạy vòng vòng trước mặt mình.

Nói dối tốt hay xấu, không quan trọng. Quan trọng là bạn có nhận ra được nó là lời nói dối hay không?

Từ khóa » Tác Hại Của Lời Nói Dối