Lỗi Thay đổi Kết Cấu Xe, Màu Sơn Của Xe Phạt Bao Nhiêu Tiền?

Khi mua phương tiện đi lại nói chung cá nhân có quyền lựa chọn loại xe, màu xe mà mình thích. Nhưng sau một thời gian sử dụng vì một số lí do khách quan, chủ quan mà chủ sở hữu xe có xu hướng thay đổi kết cấu, màu sơn của xe. Theo quy định của pháp luật đây là hành vi trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính. Luật giao thông đường bộ hiện hành quy định chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu, màu sơn, hệ thống xe không đúng với kết cấu ban đầu hoặc thiết kế ban đầu của nhà sản xuất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Mục lục bài viết

  • 1 1. Khái niệm thay đổi kết cấu, màu sơn xe:
  • 2 2. Mức xử phạt vi phạm đối với lỗi thay đổi kết cấu, màu sơn xe:
  • 3 3. Thủ tục đăng ký xe khi thay đổi màu sơn xe:

1. Khái niệm thay đổi kết cấu, màu sơn xe:

Hiện nay nhiều người có nhu cầu thay đổi kết cấu của xe đẹp theo sở thích cá nhân khiến cho chiếc xe không còn kết cấu như ban đầu. Cụ thể là việc chủ phương tiện tự ý lắp thêm kính chắn gió, thay đổi chắn bùn, thay đĩa thắng, tự ý lắp thêm đèn, còi, thay vị trí lắp biển số,… và nhiều trường hợp khác như thay đổi khung sườn, động cơ xe,…Các hành vi trên được gọi là thay đổi kết cấu xe. Vậy có thể hiểu một cách chung nhất thay đổi kết cấu xe là việc lắp ráp thêm, thay đổi các bộ phận ban đầu của xe khiến cho chiếc xe không còn hiện trạng như ban đầu, không giống với thiết kế của nhà sản xuất.

Nhằm tạo ra phong cách riêng, thể hiện cá tính riêng ngoài việc thay đổi kết cấu xe nhiều người còn tự ý sơn lại chiếc xe của mình với nhiều màu sắc đa dạng. Vậy thay đổi màu xe là việc sơn lại màu xe không giống với màu xe trong giấy đăng ký xe.

2. Mức xử phạt vi phạm đối với lỗi thay đổi kết cấu, màu sơn xe:

Việc thay đổi kết cấu, màu xe vô tình khiến cho chủ sở hữu xe vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 2 Điều 55 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó chủ phương tiện không được tự ý lắp ráp thêm, thay thế bằng bộ phận khác, hay sơn lại màu sơn khác với thiết kế của nhà chế tạo đã được có quan có thẩm quyền phê duyệt. Tùy vào mức độ thay đổi nhiều hay ít, chủ thể là cá nhân hay tổ chức mà mức phạt đối với từng hành vi là khác nhau. Mức phạt được quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cụ thể như sau:

Hình phạt chính: 

Với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không đúng với Giấy đăng ký xe thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe.

Với hành vi tự ý lắp kính chắn gió, kính cửa của xe (không phải loại kính an toàn); tự ý thay đổi màu sơn của xe không giống với màu sơn đã ghi trong Giấy đăng ký xe thì chủ xe (xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô) sẽ bị phạt với mức tối thiểu là 300.000 đồng, mức tối đa là 800.000 đồng. Tùy vào chủ thể bị phạt là cá nhân hay tổ chức mà mức phạt sẽ khác nhau cụ thể là: đối với cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, còn đối với tổ chức mức phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Với hành vi tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe; đối với cá nhân mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến một triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt từ một triệu sáu trăm ngàn đồng đến hai triệu đồng.

Với hành vi chủ xe tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy của xe; chủ xe không thực hiện thủ tục đổi lại Giấy đăng ký xe khi đã sửa chữa, cải tạo thì mức phạt đối với cá nhân từ hai triệu đồng đến bốn triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt từ bốn triệu đồng đến tám triệu đồng.

Với trường hợp chủ xe sửa chữa biến đổi các loại xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách, hay chủ xe tự ý thay đổi khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống phanh, hệ thống chuyển động hoặc tự ý sửa chữa kết cấu, kích thước, hình dáng của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe chở khách) không giống với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tiến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hoặc tự ý biến đổi tính năng sử dụng của xe; thì chủ xe bị phạt tiền từ sáu triệu đồng đến tám triệu đồng đối với cá nhân, từ mười hai triệu đồng đến mười sáu triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.

Hình phạt bổ sung:

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.

Ngoài ra khoản 4 Điều 17 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông sẽ bị phạt phạt tiền từ tám trăm đồng đến một triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng.

3. Thủ tục đăng ký xe khi thay đổi màu sơn xe:

Với hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe chủ sở hữu xe nên làm thủ tục thay đổi màu sơn xe trước khi thay đổi màu sơn thực tế và dán lại tem xe để tránh trường hợp bị xử phạt. Nếu chủ sở hữu xe đã thay đổi màu sơn xe mà không tiến hành các thủ tục thay đổi màu sơn và xin cấp lại đăng ký, xe trước thì chủ xe sẽ bị xử phạt theo các mức mà luật quy định. Việc có bị buộc thay đổi lại màu sơn giống như trong đăng ký cũ hay không phụ thuộc vào lý do bạn đưa ra khi trình hồ sơ xin cấp lại đăng ký xe cho cơ quan có thẩm quyền. Việc thay đổi màu sơn không bắt buộc phải cấp lại biển số xe. Điều 14 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe quy định về hồ sơ đổi đăng kí xe khi thay đổi màu sơn xe bao gồm:

  • Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
  • Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước (trường hợp chưa được cấp Chứng minh nhân dân hoặc nơi đăng ký thường trú ghi trong Chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình Sổ hộ khẩu).
  • Giấy chứng nhận đăng ký xe (trường hợp đổi giấy chứng nhận đăng ký xe) hoặc biển số xe (trường hợp đổi biển số xe).

Tóm lại, thay đổi kết cấu, màu sơn xe là hành vi trái với quy định của pháp luật, là hành vi mà pháp luật cấm. Tùy vào mức độ thay đổi, chủ thể thực hiện,… mà các mức phạt trong từng trường hợp sẽ khác nhau.

Từ khóa » đổi Màu Sơn Xe Máy Phạt Bao Nhiêu Tiền