LỜI THÚ NHẬN MUỘN MÀNG CỦA TÁC GIẢ BÀI “THƠ CON GÁI BA ...

LỜI THÚ NHẬN MUỘN MÀNG CỦA TÁC GIẢ BÀI “THƠ CON GÁI BA MIỀN”

Winston Phan Đào Nguyên (PK 1974-81)

Trong đời sống, chắc phải có đôi khi bạn tình cờ gặp lại một vài kỷ niệm xa xưa, làm cho bạn bồi hồi giây lâu để trở về ký ức?  Như khi gặp lại những dòng chữ ngày xưa, những tấm ảnh thuở nào?

Nhưng cũng có đôi khi những kỷ niệm lại trở về một cách thật bất ngờ, làm cho ta không thể nào tả hết nỗi ngạc nhiên khi gặp lại.  Nhất là khi đó là những kỷ niệm đẹp.

Đó là trường hợp của tôi vài năm trước đây, khi tôi tình cờ gặp lại những bài “thơ” của mình của một thời xa xưa.  Những bài “thơ” này, nay được những người bạn gửi cho, và cho biết rằng đây là những bài “thơ” không biết ai là tác giả nhưng lại đang rất … nổi tiếng trên mạng.

Những bài “thơ” đó, nay vẫn còn đầy trên mạng, bạn chỉ cần gõ những chữ “bài thơ con gái ba miền” thì sẽ thấy.  Đại khái như bài dưới đây:

https://news.zing.vn/tranh-cai-ve-bai-tho-con-gai-3-mien-post327741.html

Tranh cãi về bài thơ con gái 3 miền – Sống trẻ – Zing.vn

Tranh cãi về bài thơ con gái 3 miền Chàng trai cho rằng con gái miền Bắc “điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền”, miền Trung “hững hờ nhưng đấu tranh nội tâm” còn miền Nam “lanh chan nhưng thiệt thà”.

news.zing.vn

“Một anh chàng vừa bị bạn gái miền Bắc đá đã đem bài thơ nói về tính cách con gái ba miền ra than thở: “Lúc trước đọc bài này mà không chịu nghe, giờ mới thấy. Gái miền Bắc lúc mới quen thì ngoan hiền lắm, đến lúc quen thân rồi thì điêu ngoa, đanh đá thấy sợ. Rồi cuối cùng đá mình vì kêu mình khó chịu, tương lai không có”.

Chia sẻ của anh chàng này ngay lập tức nhận được hàng ngàn comment tranh cãi nhau về tính đúng sai của nó. Một số người cho rằng anh chàng này vô dụng nên mới bị bạn gái bỏ rồi lại mang bài thơ có tính phân biệt vùng miền ra để thanh minh cho bản thân “yếu kém”.

Nhưng số khác cho rằng bài thơ này dù chỉ mang tính giải trí nhưng vẫn miêu tả đúng tính cách con gái từng vùng.

Bài thơ về tính cách con gái ba miền được anh chàng lấy cớ để thanh minh có nội dung như sau:

Con gái Bắc

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang

Nhớ duyên dáng, ngây thơ… mà xảo quyệt

Con gái Trung

Em nhớ giữ tính tình người Trung nhé

Nhớ hững hờ nhưng tranh đấu nội tâm

Nhớ vui tươi nhưng đau khổ âm thầm

Nhớ kín đáo đoan trang mà lãng mạn.

Con gái Nam

Em nhớ giữ tánh tình người Nam nhé

Nhớ lanh chanh nhưng rất thiệt thà

Nhớ nhiều lời nhưng không biết điêu ngoa

Nhớ đanh đá, kiêu căng mà tốt bụng.”

Điều cần nói về bài viết này, là đã gồm chung ba đoạn “thơ” nói trên thành ra một bài thơ, và cho luôn cái tên là “thơ con gái ba miền” vì có đủ cả Bắc Trung Nam.

Thế nhưng, trong bài “thơ” nói trên, đoạn đầu tiên về “con gái Bắc”, lại chính là một đoạn thơ của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, về “cô Bắc Kỳ nho nhỏ” tên Duyên của ông ở Biên Hòa.

Còn hai đoạn “thơ” hay hai “bài” sau về con gái Trung và Nam thì không phải của Nguyễn Tất Nhiên mà là của … kẻ viết bài này!  Hai đoạn “thơ” trên được làm ra vào đầu năm 1985, của thế kỷ trước!

Nhưng trong những năm hai ngàn mười mấy này, ở trên mạng ngày nay, thì làm gì còn phân biệt được ai là ai!  Hoặc cũng có người biết, nhưng vì ba miền Bắc Trung Nam nghe … hợp lý quá, nên ba đoạn thơ trên đã được gộp chung luôn thành bài “Thơ Con Gái Ba Miền” như trên.

Và có thể nói rằng bài “thơ” này trở thành một loại ca dao tân thời.  Nhờ internet, nó lan ra như vi trùng (viral) vậy.  Như đã nói trên, vào một ngày đẹp trời của vài năm trước, tác giả hai đoạn “thơ” sau về con gái Trung và Nam là kẻ này đã được một người bạn gửi tặng và kêu đọc chơi cho vui!

Có thể nói rằng tác giả thật tình không thể ngờ rằng mấy mươi năm sau khi anh ta “sáng tác” ra những bài “thơ” trên, chúng lại có một sức sống dai dẳng kỳ lạ như vậy, và bằng cách nào đó chúng lại tìm cách quay về chủ cũ!

Và cha đẻ của chúng, tức kẻ này, đã dỡ khóc dỡ cười khi đọc lại những “đứa con tinh thần” xa xưa này của mình.  Phần thì xấu hổ với những ngôn từ cường điệu ngày xưa, phần lại ngạc nhiên là có nhiều bạn trẻ cho rằng chúng … hợp lý!

Nghĩ rằng cần phải giải thích cho rõ ràng, coi như một lời xin lỗi muộn màng đến cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, cũng như một lời xin lỗi đến các bạn trẻ thời nay về hai đoạn “thơ” trên, kẻ này xin viết vài dòng sau đây để giải thích về hoàn cảnh ra đời của chúng.

o0o

Ba mươi ba (33) năm trước, tôi là một sinh viên năm thứ hai tại trường đại học UCLA (University of California, Los Angeles).  Đó là năm 1985.

Thời gian đó, trường UCLA có khá nhiều sinh viên Việt Nam.  Từ năm 1975, người Việt đã bắt đầu định cư tại khu vực miền Nam California.  Sau đó, với các đợt vượt biên từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 80, con số  người Việt tại đây càng tăng lên nhanh chóng. Đại học UCLA, vì vừa là trường công, vừa là trường giỏi nhất miền Nam California, nên con số sinh viên Việt Nam theo học khá cao.

Với con số khoảng vài trăm sinh viên Việt, có khoảng chừng vài mươi mạng tập hợp lại và sinh hoạt trong Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA – Vietnamese Student Association). Không biết Hội này đã được thành lập từ thời gian nào. Có thể là tận thập niên 60s, với những anh chị du học. Nhưng vào năm 1985 thì số sinh viên Việt ở trường đông và vui lắm.  Năm nào cũng có tổ chức các buổi “Cà Phê Ấm” tức các buổi văn nghệ bỏ túi, hay cũng có một ngày “Culture Night” để trình diễn văn nghệ cho các sinh viên khác thưởng thức.

Và chắc chắn là có luôn báo chí.  Bởi có hội đoàn người Việt nào mà không có ban báo chí? Nhất là vào thời gian này người Việt qua Mỹ chưa lâu, tiếng Việt còn khá giỏi, nên báo chí thì năm nào cũng có.  Nghĩa là mặc dù ở trên xứ Mỹ nhưng phe ta sinh hoạt vui vẻ cứ như là ở Việt Nam vậy!

Trưởng Ban Báo Chí của hội VSA năm đó là anh bạn học cùng năm và ở cùng nhà với tôi, tên Thuận.  Hai thằng tôi lúc đó vẫn còn mê văn thơ Việt Nam, và vẫn đang say mê đọc truyện kiếm hiệp. Chúng tôi may mắn có sẵn một anh bạn ở cùng nhà tên Nghĩa vẽ tranh rất tài.  Rủ rê được anh ta và vài cô bạn nữa là thành ra ban biên tập cho tờ báo Xuân năm 1985.

Xin nhớ rằng thời gian đó (1980s) không làm gì có internet như hiện nay.  Cũng không có cả computer hay word processor. Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn một cái bàn đánh máy.  Bài viết tay, sau khi đánh máy xong, phải bỏ dấu bằng tay, rồi cắt ra và và dán lại thành cột, rồi mới đưa đi nhà in. Và vì toàn làm bằng tay, nên nhiều chỗ bị méo mó.  Cũng như vì bỏ dấu theo trí nhớ, nên sai sót tùm lum.

Nhưng rồi cuối cùng cũng xong tờ báo, với cái tên mỹ miều là “Hương Xuân” với trang bìa như sau:

loi thu nhan muon mang 01

Và đương nhiên là ban biên tập phải lo hết bài vở cho đầy tờ báo.  Cũng may là nhờ có thêm các cô bạn nên bài vở tạm đủ. Trong những bài viết đó, có một bài làm cho tôi rất ư xao xuyến, đó là bài “Giao Thừa Năm Ấy” của cô bạn N. V.

Trong bài này, cô N. V. viết về cô bạn thân nhất của mình, và đã tả bạn mình như sau:

“ … cô nhỏ học Gia Long, người Bắc, lai một tí Huế và lớn lên trong Nam … đủ cả ba miền của nước tôi, cái tình tứ của người Bắc, lãng mạn của người Huế và chân tình của người Nam … Tôi chợt nhớ vài câu thơ của một thi sĩ tả về con gái Bắc:

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Nhớ chua ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

Nhớ khiêm nhường nhưng thầm ý khoe khoang

Nhớ duyên dáng ngây thơ … mà xảo quyệt”

Dưới đây là những trang đầu của bài viết ấy:

loi thu nhan muon mang 02

loi thu nhan muon mang 03

Đó cũng là lần đầu tiên tôi được đọc những dòng thơ này của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên.  Tuổi mới lớn, đọc được bài này, tôi vừa mê thơ Nguyễn Tất Nhiên, vừa mê luôn “cô nhỏ” của N. V.

Sẵn tánh phá phách cố hữu.  Nên khi Thuận cho rằng tờ báo Xuân của mình hơi thiếu chuyện vui, thì tôi bèn xung phong viết thêm bài dưới đây, với tựa đề “Một Sự Thiếu Sót“:

loi thu nhan muon mang 04

loi thu nhan muon mang 05

Những ai từng làm báo, từ báo chuyên nghiệp đến báo học sinh, báo tường, chắc đều biết đến nỗi niềm phải viết bài cho đầy chỗ!  Và bài “Một Sự Thiếu Sót” này của tôi chính là loại bài đó, được viết ra để cho có … chuyện cười, và để cho tờ báo có vẻ đa dạng.

Có thể thấy rằng lúc viết những đoạn “thơ” trên đây, tôi đã mượn ý của tác giả N. V. trong bài N. V. viết về “cô nhỏ” của cô ta, như sự lãng mạn của người Trung, sự chân tình của người Nam.

Nhưng đồng thời, tôi cũng chêm vào những thứ thuộc loại cực kỳ … stereotyping, do đọc lóm được đâu đó.  Bởi mới hai mươi tuổi đầu, tôi có biết gì đâu mà xạo sự!  Ông Nguyễn Tất Nhiên chắc đã có kinh nghiệm về “con gái Bắc”, còn tôi thì xin thật tình thưa rằng lúc đó vẫn còn “chả hiểu gì” sất cả!

Chẳng những vậy, tôi lại còn cả gan viết thêm một đoạn về con gái Mỹ!

Và cũng bởi viết một bài thuộc loại phá phách như vậy, tôi bèn lấy bút hiệu “Lý Sở”!  Đó là nhờ cảm hứng từ bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, mà thời gian đó tôi và “ông thần” Thuận đang say mê đọc lại, nhờ mới mượn được từ thư viện Mỹ!

Các bạn nào là dân ghiền kiếm hiệp chắc sẽ nhớ đến Bất Giới Đại Sư là cha của ni cô Nghi Lâm.  Ông sư này sau khi bắt được Vạn Lý Độc Hành Điền Bá Quang là một đại đạo hái hoa thì bắt anh ta xuất gia, bằng cách xuyên một mũi tên vào “chỗ đó” của anh ta, và đặt cho danh hiệu là “Bất Khả Bất Giới” (không theo giới cấm không được).

Khi nghe được danh hiệu khó hiểu này, những quái nhân Đào Cốc Lục Tiên bèn hỏi rằng nếu sư ông Bất Khả Bất Giới sau này có đệ tử, đồ tôn, thì sẽ đặt danh hiệu gì.  Thế rồi các chàng ta bèn tự chế ra luôn là “Đương Nhiên Bất Khả Bất Giới”, và “Lý Sở Đương Nhiên Bất Khả Bất Giới”.

Như đã nói, bởi đang say mê kiếm hiệp, nên tôi bèn lấy luôn bút hiệu là … “Lý Sở” (cũng có nghĩa là … đương nhiên”), để ăn theo nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên!

Viết mấy bài “thơ” trên, chẳng mất bao nhiêu thì giờ!  Và thật tình mà nói thì lúc đó tôi nghĩ rằng những đoạn “thơ” trên cũng chỉ làm ra cho các bạn sinh viên UCLA đọc chơi để “mua vui cũng được một vài phút giây” rồi thôi.

Có ngờ đâu, vài mươi năm sau, những bài “thơ” này bằng cách nào đó lại chui lên mạng, rồi lan truyền khắp chốn.  Nhiều người còn khen là đúng!

Theo tôi nghĩ thì đó là do ông bạn Thuận của tôi lên mạng tán gái, đem mấy bài “thơ” trên tung lên mạng, không biết chắc chắn vào thời gian nào.  Nhưng bây giờ thì chúng đã thuộc loại “ca dao tân thời”. Những bài “ca dao tân thời” kiểu này có khả năng sẽ được đem ra dùng lại bất cứ lúc nào!  Đó là lý do tại sao tôi viết chúng ba mươi mấy năm trước ở xứ Mỹ mà sau đó chúng lại được lưu truyền rộng rãi ở Việt Nam hiện nay.

Như đã nói, đoạn thơ của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên nay bị nhập chung với hai đoạn “thơ” của tôi cho đủ bộ Bắc Trung Nam trong “bài thơ” “Con Gái Ba Miền” và làm cho hàng ngàn người comment!

Thế nhưng, như đã trần tình trong bài viết này, mục đích của tôi hồi ba mươi mấy năm trước chỉ là viết để trám chỗ cho mục chuyện cười trong một tờ báo Xuân sinh viên tại UCLA.  Do đó, những “đứa con tinh thần” này của tôi mục đích là để mua vui, xin các bạn trẻ đừng tin những lời đường mật cường điệu của chúng!

Sau cùng, một lần nữa, tác giả của hai đoạn “thơ” trên, tức kẻ viết bài này, xin thành thật xin lỗi gia đình cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, cũng như các bạn trẻ đã đọc và … thích những đoạn “thơ” này.

Winston Phan Đào Nguyên

2018

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Từ khóa » Thơ Về Con Gái 3 Miền