Lớp Học đặc Biệt Trên đường Tống Văn Hên - PLO

Nằm trên đường Tống Văn Hên, lớp phổ cập tiểu học tại Trung tâm Học tập cộng đồng thuộc phường 15, quận Tân Bình (TP.HCM) lặng lẽ, không tiếng trống báo hiệu giờ vào học. Thế nhưng đây luôn là nơi ấp ủ giấc mơ con chữ của những em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt.

Những đứa trẻ hoàn cảnh không giống ai

Trong khi lớp 1 làm bài tập thì lớp 2 hướng lên bảng nghe thầy cô giảng bài, chị em học chung một lớp, đó là hình ảnh thường thấy của các lớp học ghép do cô Võ Thị Bích Vân và thầy Nguyễn Tất Hữu giảng dạy.

Mỗi học trò là một hoàn cảnh, không ai giống ai. Có em cha mẹ vướng vòng lao lý, có em bị bỏ rơi, mồ côi, phải sống với ông bà già yếu. Bước ra khỏi cánh cửa lớp học, mỗi em lại tất bật với công việc bán vé số, phụ bưng quán cơm, bán cá ngoài chợ… để phụ giúp gia đình.

13 tuổi nhưng mới học lớp 4, vào giờ ra chơi, Thu Hà luôn trầm mặc. “Ba con vừa mới bị bắt đi tù vì ăn trộm, mẹ con bị bệnh suyễn và tim mà còn rủ mấy chú tới nhà chơi xì ke, con khóc năn nỉ mẹ hoài” - Thu Hà chia sẻ. Ngoài giờ học, em lãnh vé số đi bán dạo từ 6 giờ đến 11 giờ đêm. “Con tưởng không được đi học luôn rồi chứ. Con ráng bán vé số kiếm tiền để tiếp tục đi học lên cao, sau này thành bác sĩ, chữa khỏi bệnh cho mẹ” - Thu Hà ao ước.

Mẹ là công nhân KCN Tân Bình, ba làm thợ hồ, mỗi ngày phụ bưng quán cơm từ 6 giờ đến 10 giờ, Thanh Tuấn được trả 30.000 đồng. Tuấn khoe Tết vừa qua được thầy cô vận động, có một mạnh thường quân tặng cho em một chiếc xe đạp để chuẩn bị đạp xe đi học lên lớp 6 ở trường khác.

25 năm qua, vợ chồng thầy Hữu, cô Vân luôn tận tâm mang con chữ đến cho các em học sinh nghèo. Ảnh: H.LAN

Giúp các em rời xa bóng tối tệ nạn

Hơn 20 năm trước, khu vực chân cầu Tham Lương bây giờ là đồng khô cỏ cháy, vùng trũng văn hóa khi đa phần con em nhập cư, thất học, rơi vào tệ nạn. Năm 1994, ông Võ Minh Nhựt, nguyên cán bộ Ủy ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em của phường, nảy ra ý tưởng mở lớp xóa mù chữ quy tụ 100 em học ở chốt dân phòng. Lớp học sẽ không duy trì được nếu không có sự xung phong của cô Vân, khi đó là cộng tác viên dân số, phụ nữ của phường cùng một cô giáo khác. Sở dĩ được tin tưởng vì cô Vân cùng chồng từng là sinh viên Trường CĐ Sư phạm Quảng Nam-Đà Nẵng nhưng học đến năm cuối thì dang dở.

Cũng là dân nhập cư khi lặn lội từ Quảng Nam vào Sài Gòn mưu sinh, có con từng rơi vào cảnh thất học nên cô Vân cùng chồng rất thấu hiểu hoàn cảnh thiệt thòi của các em. Thế là hành trình vợ đi dạy, chồng ở nhà chạy đủ thứ việc như bán rau muống, dạy kèm Anh văn, làm công nhân chế biến rau củ quả bắt đầu.

Các thầy cô khác đến với lớp học rồi rời đi vì phải lo cho cuộc sống, đến năm 1999, chỉ còn mỗi cô Vân trụ lại nên ông xã cô phải vào phụ dạy. Từ chỗ hàng trăm em, lớp phải di chuyển chỗ học nhiều nơi, phải chong đèn dạy cả buổi tối đến nay lớp cuốn chiếu lần lần còn 25 em, khối lớp 1 đến lớp 3 do thầy Hữu đứng lớp còn khối lớp 4, 5 do cô Vân phụ trách với sự hỗ trợ chuyên môn của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kiệt.

Lần giở những trang vở ngả màu vàng ố dán ảnh các em học sinh mỗi niên học, cô Vân rưng rưng xúc động khi nhiều em đã thành cô giáo, doanh nhân. Mới đây, một học trò mở được quán ăn ở đường Cống Lở mời thầy cô đến chung vui ngày khai trương. Thế nhưng có không ít em chưa kịp chào tạm biệt đã theo cha mẹ trốn nợ, sa ngã, có trường hợp mưu sinh ở công trường bị điện giật chết thương tâm và người được báo tin đầu tiên lại là cô.

Cô Vân tâm sự: “Gia đình mới chính là cái nôi hình thành và ảnh hưởng đến nhân cách của các em, chúng tôi chỉ là người bắc nhịp cầu. Nhìn các em thất học đồng nghĩa với đói nghèo, sa vào tệ nạn, chúng tôi cũng bỏ lớp nữa thì cầm lòng không đậu”.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, cô Vân, thầy Hữu còn quan tâm theo dõi các em gặp khó khăn trong cuộc sống để tìm cách hỗ trợ, kể cả lúc đã học lên cao. Năm ngoái, em Mộng Tuyền đậu ĐH Công nghệ thực phẩm nhưng không có tiền nhập học vì ba đi làm thợ hồ bị tai nạn, mẹ bệnh không làm việc nặng được. Cô thầy biết được nên chạy đôn đáo vận động mạnh thường quân hỗ trợ học phí cho em. Một trường hợp khác, không thấy Toàn đến lớp, cô Vân tìm đến nhà thì được biết ba em ở tù. Em ở với mẹ kế nhưng không nghe lời mẹ kế, không chịu trông em. Nhiều lần cô Vân thủ thỉ em ráng học theo nguyện vọng của ba, chờ ngày ba ra tù cả nhà đoàn viên, Toàn như hiểu ra và chịu phụ mẹ. Mấy năm sau, ngày ba Toàn ra tù, em liền chạy đến báo tin cho cô thầy dù đã học lên cấp THCS. Cứ thế, lớp học đã duy trì bao nhiêu năm qua với đầy ắp tình thương.

_______________________________

Các em ở lớp học phổ cập đều có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ đã hoặc đang vướng vào tệ nạn, lao lý, số còn lại là con em lao động nhập cư. Lớp học do vợ chồng cô Vân và thầy Hữu giảng dạy hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không có tiền lương cùng sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục quận Tân Bình, UBND, Hội Khuyến học phường 15 và sự hảo tâm của các mạnh thường quân.

Hàng trăm em trưởng thành từ lớp học này, trong đó có nhiều em đã phấn đấu tới chương trình ĐH, CĐ, trung cấp nghề, có việc làm ổn định.

NGUYỄN VĂN SƠN, Chủ tịch Hội Khuyến học phường 15, quận Tân Bình

HOÀNG LAN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » đường Tống Văn Hên