Lớp Học Montessori | Sunrise Kidz

Lớp học Montessori 10 / Tháng Sáu Uncategorized Hồ Lệ Thu 0 Comments

Mọi thứ diễn ra trong một lớp học Montessori luôn chứa đựng những điều kì diệu mà chắc chắn chúng ta khó lòng tìm thấy ở những lớp bình thường. Hãy bước chân vào một lớp học Montessori và quan sát, nơi bạn sẽ thấy những cô bé, cậu bé vui vẻ và bận rộn đang làm việc miệt mài.

Không gian đẹp đẽ

Ngôi nhà thứ hai của trẻ – lớp học Montessori, nơi có ánh sáng tự nhiên, màu sắc hài hoà, không gian thoáng đãng và sắp xếp ngăn nắp, cây xanh hiện hữu đủ các góc, mang tới cảm giác vừa tươi mát vừa ấm áp cho trẻ. Đó là một nơi yên bình, vui vẻ, được thiết kế phù hợp để khơi gợi sự hứng thú, trí tò mò, tính sáng tạo của trẻ. Tất cả tạo nên một “sân khấu” hoàn hoả cho các hoạt động cần sự tập trung và yên tĩnh. Ngay khi bước chân vào một lớp học Montessori, trẻ sẽ cảm nhận ngay được “Đây là nơi dành cho mình”.

Môi trường được chuẩn bị sẵn

Trách nhiệm của giáo viên trong lớp học Montessori là chuẩn bị sẵn môi trường hoàn hảo cho trẻ. Mọi đồ dùng, giáo cụ đều được thiết kế để phục vụ trẻ. Giá kệ vừa tầm với. Mỗi đồ dùng, giáo cụ được sắp xếp ở một vị trí cố định trong lớp, theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Trẻ tự do khám phá cho đến khi tự thoả mãn nhu cầu nội tại của trẻ.

Nhu cầu của trẻ thay đổi qua mỗi giai đoạn phát triển. Môi trường được chuẩn bị sẵn, với đủ các lựa chọn cho sự phát triển: thể chất, nhận thức, tâm lý và tình cảm, sẽ giúp giải phóng năng lượng cho sự phát triển và việc học của trẻ. Các phần học được phân khu rõ ràng trên từng giá kệ, có quá ư là nhiều lựa chọn theo từng phân khu để trẻ tự do lựa chọn (có định hướng) mà các “trợ tá”, là các cô, đã chuẩn bị sẵn. Đó là lý do vì sao mà 2 tiếng buổi sáng Montessori hoạt động liên tục chưa bao giờ là đủ và thoả mãn với các khám phá viên nhí. Trẻ học bằng chơi, chơi mà học theo nhiều cách khác nhau. Trẻ, thông qua các lựa chọn cá nhân, sẽ tận dụng tối đa những lợi ích của môi trường được chuẩn bị sẵn đó, nhằm phát triển bản thân và tương tác với cô khi cần có sự hỗ trợ cũng như hướng dẫn.

Học từ thực tiễn

Phần Practical life (Đời sống hàng ngày) được coi là nền tảng quan trọng của phương pháp giáo dục Montessori. Các cô bé cậu bé Montessori được làm việc, được trải nghiệm với đồ thật, vật thật. Các đồ dùng trong lớp có thể được làm bằng thủy tinh thật để sát với thực tế cuộc sống. Trẻ có thể làm vỡ, song chỉ một lần duy nhất, vì trẻ sẽ tự nhìn vào lỗi sai của mình và biết cách cầm chúng cẩn thận hơn vào lần sau để không làm vỡ nữa.

Có khi trẻ là những quản gia nhí, thay phiên nhau chăm sóc lớp học (lau cửa sổ, lau giá kệ, đồ dùng, đồ chơi), chăm sóc môi trường xung quanh (tưới cây, lau lá cây…). Có khi chính trẻ lại là đầu bếp nhí, giúp cô chuẩn bị rau củ quả, sơ chế một số đồ ăn đơn giản phục vụ cho chính bữa trưa của mình và giúp cô chuẩn bị bàn ăn.

Những công việc tưởng chừng đơn giản đó sẽ giúp trẻ học được cách sống trong một cộng đồng, học tính tự chủ, độc lập, suy nghĩ sáng tạo, tích cực và có tính xây dựng.

Lớp học trộn lứa tuổi

Lớp học trộn lứa tuổi cũng là một đặc trưng của phương pháp giáo dục Montessori. Bé 5 tuổi có thể học tập, làm việc và sinh hoạt cùng bé 3 tuổi, 4 tuổi. Trẻ có sự tự do tương tác, vì vậy trẻ được khuyến khích phát triển sự đồng cảm. Trẻ sẽ có cơ hội được tiếp xúc với bạn bè có những khả năng và tính cách khác nhau. Giống như một xã hội thu nhỏ, ở đó, trẻ nhỏ quan sát trẻ lớn làm việc. Trẻ lớn, như anh cả, chị cả trong nhà, nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn các em nhỏ. Qua đó, trẻ lớn sẽ rèn cho mình tính hòa đồng, biết giúp đỡ người khác, bé nhỏ tuổi hơn thì trở nên linh hoạt, chủ động trong khi chơi, khi học và có niềm tin rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ làm được những điều như anh chị lớn hơn có thể.

Điều này phản ánh đúng thế giới thực ngoài kia, nơi mà mọi người làm việc và tương tác với nhau, ở mọi lứa tuổi.

Tự do và độc lập

Bà Maria Montessori tin rằng, trao quyền tự do chọn lựa cho trẻ, với những khuôn khổ hợp lý, rõ ràng, trẻ sẽ phát triển theo một cách tích cực. Trong một môi trường đẹp đẽ và được chuẩn bị sẵn, trẻ tự do lựa chọn hoạt động, có thể làm việc trên bàn hoặc trên trên thảm, theo nhóm hoặc làm việc độc lập, dưới sự quan sát và hướng dẫn của cô. Kế hoạch được giáo viên chuẩn bị từ trước và trẻ là người chủ động và quyết định xem kế hoạch đó được thực hiện như thế nào. Khi được tự lựa chọn hoạt động, trẻ sẽ chọn những cách mà trẻ thích làm nhất. Giáo viên, qua đó, có thể nhận thấy được ưu điểm mà trẻ có là gì, từ đó phát huy hay điều chỉnh hành động của trẻ. Sự chủ động trong lựa chọn hoạt động cũng giúp khuyến khích sự hoạt bát và sáng tạo của trẻ.

Khác với người lớn chúng ta, trẻ quan tâm tới việc được trải nghiệm hơn là việc đạt được kết quả ngay lập tức. Trẻ vui vẻ làm đi làm lại cho đến khi thoả mãn. Trẻ bị hấp dẫn bởi các hoạt động của người lớn xung quanh mình. Vậy tại sao chúng ta không trao quyền cho trẻ? Cho trẻ được độc lập và tự kiểm soát cuộc sống của mình.

Sự tôn trọng

Bà Maria Montessori luôn đề cao việc tôn trọng trẻ, tôn trọng nhu cầu phát triển nội tại của trẻ. Trong lớp học Montessori, giáo viên tôn trọng trẻ như một cá nhân độc lập và duy nhất. Giáo viên cũng hướng cho trẻ việc tôn trọng con người và môi trường xung quanh. Trẻ nắm rõ và tôn trọng các quy tắc của lớp học. Là “quiet mouth”, là “walking feet”, “listening ears”, “watching eyes”, là “respecting teachers and friends”, là “raising hand before talking”, “hand on the shoulder”, là “inside voice”, “outside voice”…. Một xã hội thu nhỏ với những công dân lịch sự, đi lại nhẹ nhàng, đẩy ghế khi đứng dậy, kiễn nhẫn chờ đến lượt của mình. Trẻ tôn trọng và thực hiện các quy tắc, luật lệ vui vẻ, hợp tác.

Vai trò của người lớn khi đó là hướng dẫn, định hướng, chỉ đường cho các công dân nhí khi họ có lỡ quên, có lỡ “break the rules”.

Ngôn ngữ tích cực

Thật khó để nghe thấy những từ ngữ cộc cằn và thô lỗ trong lớp học Montessori. “No” là một từ nhạy cảm và được liệt vào danh sách đỏ trong mọi người trò chuyện, mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Ngôn ngữ tích cực được cô và trẻ ưu ái tối đa. “May I join you?”, “Let me help you!” “Thank you”, “I am sorry”, “I am not ready”….được trẻ sử dụng “thành thạo”, “thuần thục” và hết sức dễ dàng.

Vai trò phân định rõ ràng

Mỗi buổi sáng, sau những cái ôm ấm áp và lời chào tạm biệt bố mẹ, trẻ bước vào một xã hội thu nhỏ của riêng mình. Ở đó, giáo viên là người chuẩn bị môi trường hấp dẫn, thu hút cho trẻ. Là Người hướng dẫn (đáp ứng nhiệt thành các nhu cầu của trẻ, song cũng thiết lập các giới hạn cần thiết nhất định), là Người quan sát (quan sát và đưa ra các biện pháp, sự hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển của từng trẻ), là Người tư vấn (Khi trẻ cần), là Hình mẫu (gương mẫu trong cách cư xử, thái độ….). Trẻ là nhân vật chính, thậm chí hướng dẫn cô theo phương thức trẻ muốn, một cách hợp lý. Trẻ được trao quyền và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn cũng như quyết định của mình.

Tựu chung lại, tôi, luôn cố gắng làm sao để với trẻ, lớp học Montessori là một trong những điều hạnh phúc của trẻ. Đích đến cuối cùng của tất cả là giúp cho trẻ, những cô bé cậu bé Montessori, trở lên tự tin, độc lập và dũng cảm, hiên ngang bước vào một thế giới rộng lớn hơn sau này.

 

Tôi và các cô cậu Montessori của tôi, luôn chào đón các bạn đến thăm quan và tham gia vào thế giới thu nhỏ của chúng tôi …. tất nhiên, với vai trò như một “trợ tá” nhé!

Từ khóa » Các Góc Trong Lớp Học Montessori