Lựa Chọn Các Thuốc điều Trị đau Thần Kinh Sau Zona

Zona là một bệnh ngoài da với mụn nước mọc thành chùm trên nền da đỏ, thường khu trú ở một bên cơ thể, kèm cảm giác đau rát nhiều. Đây là tình trạng nhiễm virut Herpes zoster (HZ) cấp tính của hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, thường chỉ xảy ra ở một bên rễ thần kinh tủy sống.

Di chứng sau zona

Hàng năm, tỉ lệ mắc bệnh zona lên tới 1,5 - 3%, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở người già và trung niên, thường sau 45 tuổi. Khi mắc bệnh, đa số bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị đúng phác đồ thường muộn hơn 72 giờ, ở giai đoạn này, virut đã xâm nhập và gây tổn thương tại các rễ và dây thần kinh liên. Chính vì vậy mà tỉ lệ bệnh nhân điều trị khỏi bệnh zona nhưng vẫn còn di chứng đau thần kinh sau zona khá cao. Đây là di chứng đáng lo ngại nhất của bệnh zona đối với người bệnh là gây đau nhức, rát bỏng vùng da bị zona hàng tuần, hàng tháng, có khi kéo dài cả năm mặc dù vùng da đó đã khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy sẽ làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ kéo dài và làm xuất hiện nhiều bệnh khác cho người bệnh. Tỉ lệ biến chứng đau nhức vùng da sau khi bị zona ở người lớn tuổi chiếm khoảng 1/3 số người bị bệnh.

Zona ở người già (thường trên 60 tuổi) hoặc zona ở những cá thể có suy giảm miễn dịch như người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid, những người nhận ghép cơ quan có dùng thuốc chống thải ghép và những người HIV ( ) là những cá thể dễ bị tổn thương thần kinh ngay trong thời kỳ đầu của bệnh zona và tỉ lệ di chứng đau thần kinh sau zona cao hơn.

Lựa chọn các thuốc điều trị đau thần kinh sau zona 1Tổn thương do bệnh zona.

Lựa chọn các thuốc điều trị đau thần kinh sau zona

Đau thần kinh sau zona hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cơn đau thường không đáp ứng với các thuốc kháng viêm giảm đau thông thường như: aspirin, paracetamol hay giảm đau nhóm non-steroid như: meloxicam, tenoxicam, piloxicam...

Thuốc uống

Nhóm thuốc opioids là các dẫn xuất của thuốc phiện như oxycodon 5mg. Tổng liều có thể đến 80mg mỗi ngày (hoặc cao hơn) cho những người bệnh có cơn đau dữ dội. Khi sử dụng nhóm thuốc này, người bệnh có thể gặp cảm giác buồn ngủ, buồn nôn, choáng váng và táo bón.

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng: nortryptylin hoặc desipramin 10 – 25mg uống lúc đi ngủ. Amitriptylin cũng có hiệu quả nhưng có thể kém dung nạp ở người già. Tác dụng ngoại ý của nhóm thuốc này thường là: gây ngủ, lú lẫn, các tác dụng kháng cholinergic (khô miệng, mờ mắt, táo bón, bí tiểu).

Gabapentin: Khi sử dụng thuốc này cần tăng liều dần khi cần trong khoảng thời gian 4 tuần lễ. Tác dụng ngoại ý: buồn ngủ, choáng váng, thất điều, rung giật (nhãn cầu).

Capsaicin (dạng kem): Thoa tại chỗ 3 – 4 lần mỗi ngày. Chỉ bôi lên vùng da nguyên vẹn, đã lành; bắt đầu với chế phẩm nồng độ thấp, nếu dung nạp được, tăng dần đến chế phẩm có nồng độ cao.

Lidocain (băng dán 5%): Dán lên vùng bị đau; có thể dùng cùng lúc 3 băng dán trong một thời gian tối đa là 12 giờ. Chỉ nên dán lên vùng da đã lành nguyên vẹn; có thể cắt băng dán cho hợp với kích cỡ vùng da.

Thuốc tiêm

Các trường hợp đau dây thần kinh sau zona kéo dài và dữ dội có thể tiêm vào khoang dưới màng nhện của tủy sống myehyl prednisolon acetat 1 tuần/lần trong 4 tuần cũng có tác dụng giảm đau đáng kể. Cần phải có bác sĩ chuyên khoa gây mê kết hợp với bác sĩ da liễu mới tiêm được.

Thủy châm điều trị đau thần kinh sau zona: Là phương pháp tiêm vào huyệt các thuốc có chỉ định tiêm bắp nhằm mục đích chữa bệnh. Với hai tác dụng của thủy châm là vừa phát huy tác dụng lên hệ kinh lạc của dung dịch thuốc, vừa phát huy tác dụng dược lý của thuốc.

Thuốc tiêm vào huyệt ngoài tác dụng tại chỗ hoặc toàn thân còn tác dụng tăng cường và duy trì kích thích của châm kim vào huyệt để nâng cao kết quả chữa bệnh. Không được dùng các thuốc tiêm dầu, thuốc tiêm mạch máu, các thuốc tiêm bắp thịt mà người bệnh dùng bị phản ứng.

Thuốc để làm thủy châm là các thuốc có tác dụng tăng cường dinh dưỡng và chống đau thần kinh như: terneurin, neurobion, dibencozid pha trộn với lidocain.

Nên tránh thủy châm ở những huyệt đầu ngón chân, ngón tay, hạn chế thủy châm ở những huyệt đầu mặt. Không nên thủy châm ở những huyệt khe khớp như Kiên ngung, Tất nhãn, Độc tỵ, không nên làm thủy châm ở những huyệt nằm trên đường đi của dây thần kinh chính như: Nội quan, Ngoại quan, những huyệt nằm trên những mạch máu lớn và số huyệt không nên nhiều quá trong mỗi lần thủy châm.

Khối lượng thuốc tiêm vào huyệt cũng căn cứ vào tổ chức phần mềm vùng tiêm nhiều hay ít, dày hay mỏng. Nếu huyệt nơi tiêm chỉ có lớp da cơ mỏng như các huyệt vùng đầu, mặt, vành tai chỉ cần tiêm 1 đến vài giọt. Các huyệt nằm trên vùng có khối cơ bắp dày như huyệt ở lưng có thể tiêm vào mỗi huyệt từ 0,5 - 1ml.Thời gian điều trị nên chữa từng đợt, mỗi đợt điều trị từ 2 - 4 tuần và mỗi tuần thủy châm 3 lần (cách nhật).

BS. Tân Hoa

Từ khóa » điều Trị Zona Thần Kinh Bộ Y Tế