Lúa Ma Bùng Phát ở Hà Nam - VnExpress

Giữa tháng 6, vụ lúa chiêm sắp kết thúc, cánh đồng huyện Thanh Liêm vẫn còn nhiều thửa ruộng chưa thu hoạch. Đây là số diện tích bị lúa ma, hay còn gọi lúa cỏ, lúa trời, lúa hoang, tấn công.

Bà Trần Thị Bình, ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, có 8 sào bị lúa ma xâm hại. Ban đầu chúng chỉ rải rác nên bà nghĩ giống lúa khác lẫn vào, nhưng qua mỗi vụ, mật độ càng dày. Trước đây một sào lúa, bà Bình thu 1,7-1,8 tạ, vụ tốt được 2 tạ. Từ khi lúa ma bùng phát, mỗi sào chỉ được 70-80 kg. Số thóc này chỉ dùng làm thức ăn cho gà, vịt chứ không ăn được do chất lượng kém.

Hiện có ba loại lúa ma xuất hiện trên cánh đồng Thanh Liêm gồm: Loại cây cao, hạt thóc râu dài; loại cây thấp, hạt thóc có râu và loại cây lùn, hạt thóc không râu. "Loại cây cao còn dễ nhận biết, loại cây lùn rất khó vì lẫn với lúa thường", bà Bình nói và cho hay loại này rất dễ rụng, chỉ cần cơn gió thoảng qua hoặc khi chín dùng tay gạt nhẹ là hạt rụng gần hết.

Lúa ma xuất hiện trên nhiều cánh đồng ở huyện Thanh Liêm. Ảnh: Phạm Chiểu

Lúa ma xuất hiện trên nhiều cánh đồng ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm. Ảnh: Phạm Chiểu

Cách xã Thanh Hương chừng 7 km, nông dân xã Thanh Hà cũng đang lo lắng vì lúa ma. Gia đình bà Trịnh Thị Loan trồng hơn một mẫu, trong đó 3 sào không cho thu hoạch. Trên thửa ruộng bỏ đi của gia đình, những cây lúa dại mọc lên tua tủa, lấn át lúa thường. "Diệt mãi cũng không hết vì chúng lên quá nhanh, hết lứa này nhổ đi thì lứa khác lại mọc", bà Loan nói.

Ngay bên cạnh, ruộng nhà ông Nguyễn Đức Năm cũng bỏ không thu hoạch. Dùng tay gạt nhẹ, phía dưới mặt ruộng, hạt lúa ma rụng chi chít. "Như này năm sau chúng lại mọc lên", ông Năm thở dài nói.

Trước đó, sau khi gieo sạ, thấy lúa ma xuất hiện nhiều, nhổ bỏ không xuể, ông Năm quyết phá toàn bộ. Khi gieo lại, chúng lại xuất hiện, lớn nhanh hơn lúa thường. "Tôi chán nản nên bỏ không chăm sóc. Mấy vụ gần đây, lúa ma khiến chúng tôi mệt mỏi, làm ruộng không đủ tiền phân bón, lúa giống", ông Năm nói.

Nông dân nhổ lúa ma trên thửa ruộng không cho thu hoạch. Ảnh: Phạm Chiểu

Bà Trịnh Thị Loan, ở xã Thanh Hà, nhổ lúa ma trên thửa ruộng không cho thu hoạch. Ảnh: Phạm Chiểu

Lúa ma xuất hiện ở huyện Thanh Liêm 3 năm nay, tới vụ chiêm này bùng phát mạnh. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết diện tích bị ảnh hưởng khoảng 100 ha, nhiều nhất ở các xã Thanh Hà, Thanh Bình, Thanh Thủy, Thanh Hương và Thanh Nghị, trong đó 12,7 ha không thể thu hoạch.

Ngoài đặc điểm dễ rụng, hạt có tua như nông dân chia sẻ, loại này có khả năng tồn tại rất tốt. Trong điều kiện chôn sâu dưới đất ngập nước, chỉ sau một tháng lúa ma đạt tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Chúng sinh trưởng mạnh, lấn át lúa trồng. Sau khi trổ bông, chúng đổ xuống và kéo theo cả lúa thường.

Theo ông Thắng, nếu mật độ 100 hạt lúa ma trên một m2 thì sẽ làm giảm năng suất lúa trồng khoảng 30%, còn 1.000 hạt/m2 thì làm giảm đến 90%. Việc diệt trừ rất khó khăn do chưa có loại thuốc diệt cỏ đặc trị mà không ảnh hưởng tới lúa trồng.

Lúa ma Hà Nam Lúa ma Hà Nam

Lúa ma mọc xen lẫn với lúa thường. Video: Phạm Chiểu

Nhiều nông dân cho rằng lúa ma xuất hiện từ giống mua ở đại lý, song ông Thắng phủ nhận. Huyện đã lập đoàn thanh tra, thường xuyên kiểm tra cửa hàng giống và hợp tác xã. "Công ty giống sàng lọc rất kỹ bằng máy đắt tiền, không có chuyện lúa ma ở trong bao giống bán cho nông dân", ông Thắng nói, cho hay không loại trừ khả năng lúa này theo máy gặt từ miền Trung và Nam ra Bắc.

Để ngăn chặn, vụ sắp tới, huyện Thanh Liêm sẽ ngừng gieo sạ, trở về với cấy máy hoặc cấy tay. "Chỉ có quay trở lại phương pháp này và điều tiết nước hợp lý mới hạn chế được lúa ma. Vụ vừa qua, chúng tôi thử nghiệm trên 100 ha lúa và cho kết quả tốt, lúa cỏ gần như triệt tiêu", ông Thắng nói.

Phạm Chiểu

  • Nông dân miền Tây bỏ trồng cây chủ lực khoai lang
  • Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Phải thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp'

Từ khóa » Cay Lúa Ma