Lực Lượng đặc Nhiệm Và Cuộc Chiến Trong Bóng Tối - Kỳ 1

Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 1: Vụ đào thoát kỷ lục của đặc nhiệm Anh - Ảnh 1.

Chris Ryan lúc còn hoạt động trong SAS - Ảnh: INSTAGRAM

Có chiến dịch thành công và cũng không ít lần chiến dịch thất bại.

Tối 13-4-2022, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney đã đến thủ đô Kiev (Ukraine) để hội đàm với Chính phủ Ukraine về cách thức Ireland có thể tiếp tục hỗ trợ đất nước Ukraine bị tàn phá trong chiến tranh và bày tỏ thái độ ủng hộ nỗ lực của Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu.

Theo báo Independent (Ireland), ông Coveney đến Ba Lan trước và được quân đội Ba Lan hộ tống đến biên giới Ukraine.

Từ đây, lực lượng đặc nhiệm Ukraine hộ tống ông đến địa điểm an toàn ở Kiev đồng thời cùng với đội cận vệ cảnh sát Ireland cùng đi bảo đảm an ninh cho ông suốt chuyến thăm.

Phi vụ thám sát thiếu chuẩn bị

Nói chung, lực lượng đặc nhiệm là một trong những đơn vị then chốt trong quân đội các nước trên thế giới.

Đơn vị tác chiến đặc biệt nổi tiếng nhất và được mô phỏng nhiều nhất thế giới chính là lực lượng đặc biệt không quân (SAS) của Anh như tác giả Leigh Neville đánh giá trong tác phẩm "Lực lượng ưu tú: từ A-Z về các lực lượng tác chiến đặc biệt hiện đại" xuất bản năm 2019. SAS đã sản sinh ra hình mẫu người lính đặc nhiệm can trường mà Chris Ryan là một nhân chứng sống.

Chris Ryan (tên thật Colin Armstrong) sinh năm 1961 gần Newcastle, gia nhập SAS năm 23 tuổi.

Trong 10 năm làm người lính đặc nhiệm, ông đã tham gia nhiều chiến dịch công khai có, bí mật có, đã từng chỉ huy đội bắn tỉa và nhiều lần hoạt động ngầm ở nước ngoài. Chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ năm 1991.

Theo kế hoạch, các toán SAS của Anh phối hợp với biệt kích Mỹ sẽ xâm nhập sau phòng tuyến quân Iraq ở Iraq và Kuwait làm nhiệm vụ quấy rối và xác định vị trí các bệ phóng tên lửa đạn đạo Scud di động.

Đêm 22 rạng ngày 23-1-1991, một máy bay trực thăng Chinook của Anh cất cánh từ căn cứ tiền phương ở Saudi Arabia chở toán đặc nhiệm Bravo Two Zero thả vào sâu trong lãnh thổ Iraq.

Toán đặc nhiệm gồm tám binh sĩ trung đoàn 22 SAS, trong đó Chris làm nhiệm vụ cứu thương. Toán đặc nhiệm đi bộ đến vị trí lập trạm quan sát dọc con đường tiếp tế chính của quân Iraq giữa thủ đô Baghdad và tây bắc Iraq.

Đến điểm lập trạm, toán đặc nhiệm mới nhận ra đất quá cứng nên rất khó đào hầm. Sau đó, máy truyền tin bị lỗi. Tuy bộ phận chỉ huy vẫn nhận được liên lạc nhưng toán không biết báo cáo đã được truyền tin hay chưa và không thể nhận chỉ thị phản hồi.

Hơn 30 năm sau phi vụ thám sát ở Iraq, Chris giải thích với trang web Forces.net (Anh): "Chúng tôi có rất ít thông tin về địa hình, thời tiết, biên giới, bất cứ thứ gì. Trên thực tế bản đồ tôi dùng là bản đồ năm 1944. Áo khoác tôi mặc là áo từ Chiến tranh thế giới thứ hai, vì vậy phải nói trang bị ở mức tối thiểu".

Một ngày sau đó, một người chăn cừu thuộc bộ lạc du mục Bedouin tình cờ bắt gặp toán đặc nhiệm Anh nên báo tin cho lực lượng dân quân Iraq. Chạm súng xảy ra. Toán đặc nhiệm quyết định bỏ lại các vật dụng không cần thiết và rút lui vì yếu tố bí mật không còn nữa trong khi quân Iraq với quân số vượt trội có thể bao vây.

Song máy bay trên đường đến điểm hẹn phải quay trở lại vì gặp tình huống khẩn cấp. Toán đặc nhiệm quyết định dùng đèn chiếu báo hiệu cho các máy bay liên quân gần đó đến cứu rồi vô tình tách ra thành nhiều nhóm.

Đi bộ hơn 300km trên sa mạc

Chris Ryan cùng hai đặc nhiệm xác định hướng bắc và đi bộ về hướng biên giới. Trời lạnh đến mức đã có tuyết rơi. Ông kể: "Chúng tôi chỉ có hai khẩu súng... Tôi biết chúng tôi đang ở một nơi nguy hiểm.

Tôi không quan tâm đến quân đội Iraq. Tôi biết vấn đề chúng tôi sắp đương đầu là giá lạnh và thời tiết". Cuối cùng hai binh sĩ đi cùng không qua khỏi do hạ thân nhiệt. Vậy là Chris đơn thương độc mã trên lãnh thổ kẻ thù.

Sau bảy ngày tám đêm, ông đến được thị trấn biên giới Abu Kamal (Syria) sau khi đi bộ hơn 300km trong sa mạc.

Ông nhớ lại: "Bảy ngày không thức ăn và ba ngày cuối cùng không nước uống. Tôi đã uống nước chảy ra từ một nhà máy hóa chất chứa đầy chất thải công nghiệp khiến tôi bị bỏng miệng.

Vì vậy trong ba đêm cuối tôi không uống gì và cố đi bộ chừng 40km mỗi đêm. Tôi bắt đầu bị ảo giác, nhìn thấy hình ảnh con gái mình sống động đến mức tôi thấy mình chìa tay ra nắm lấy con gái và con gái tôi đã trò chuyện với tôi".

Phía Syria đã bàn giao Chris cho đại sứ quán Anh. Ông được đưa về nước với thân thể đầy thương tích.

Ông bị thương tổn do lạnh, sụt cân hơn 17kg, không còn móng, mủ chảy ra từ các chỗ phồng rộp, da lở loét nhiều chỗ và gan bị tổn thương. Trong toán đặc nhiệm tám người có ba người chết, bốn người bị bắt và ông là người duy nhất thoát khỏi Iraq.

Đây là cuộc đào thoát dài ngày nhất trong lịch sử SAS. Các đặc nhiệm bị bắt được trả tự do sau khi chiến tranh kết thúc. Chris được thưởng huân chương quân công. Phi vụ thám sát xấu số đã trở thành chủ đề của nhiều cuốn sách và phim ảnh.

Chris đúc kết: "Bản năng và kỹ năng sinh tồn là một phần trong khóa huấn luyện cơ bản của SAS trong quá trình tuyển mộ". Ông không còn đủ thể lực làm lính đặc nhiệm nên được phân công làm huấn luyện viên phụ trách tuyển mộ và đào tạo tân binh.

Ông giải ngũ năm 1994, sau đó viết nhiều sách rất ăn khách và làm cố vấn cho các chương trình truyền hình với vai trò chuyên gia về sinh tồn và hoạt động đặc biệt. Ông còn thành lập công ty huấn luyện an toàn ở Mỹ.

Ông đưa ra những lời khuyên thiết thực về cách để tránh trở thành nạn nhân bị tấn công, bị bắt cóc, bị trộm xe, những gì cần làm nếu bị đe dọa hoặc bị bắt trong vụ tấn công.

Ông hướng dẫn các mẹo như khi nào cần bỏ chạy, làm sao thoát khỏi kẻ tấn công, tự vệ thế nào hoặc nên làm gì nếu bị bắt làm con tin...

Bốn đơn vị chính của lực lượng đặc biệt Anh

ky 1 anh 2 dl 3(Read-Only)

SBS chống khủng bố tại Afghanistan năm 2001 - Ảnh: REDDIT.COM

Lực lượng đặc biệt Anh không phải là một đơn vị riêng, thường được bố trí thành nhiều toán nhỏ bí mật thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp như đột kích, giải cứu con tin, chống khủng bố, tiêu diệt hoặc bắt sống trùm khủng bố, hoặc thực hiện một số nhiệm vụ sau chiến tuyến như thám sát, phá hủy mục tiêu, ngoài ra còn phụ trách huấn luyện binh lính nước ngoài.

Đơn vị nổi tiếng nhất là lực lượng đặc biệt không quân (SAS), hay còn gọi nôm na là "Trung đoàn". SAS ra đời trong những năm 1941-1942, hiện nay gồm trung đoàn chính quy 22 cùng hai trung đoàn trù bị 21 và 23.

Kế đến là lực lượng đặc biệt hải quân (SBS) phụ trách giải cứu con tin trên tàu, giàn khoan dầu hoặc trong cảng, trinh sát dưới nước, phá dỡ mìn bẫy dưới nước.

Hai đơn vị ra đời sau này là trung đoàn trinh sát đặc biệt (SRR) và nhóm hỗ trợ lực lượng đặc biệt (SFSG). SRR hoạt động từ năm 2005 chuyên sử dụng tình báo tín hiệu và tình báo con người cùng máy bay không người lái để trinh sát trước khi đặc nhiệm đột kích.

SFSG ra đời năm 2006 phụ trách hỗ trợ huấn luyện, cung cấp quân, bảo vệ lực lượng, hỗ trợ hỏa lực hoặc tấn công nghi binh. Ngoài ra còn nhiều đơn vị hỗ trợ đặc nhiệm khác.

***************

Đại tá Charlie Beckwith muốn lập một đơn vị biệt kích ở Mỹ tương tự SAS ở Anh. Kế hoạch bị bỏ xó đến khi xảy ra vụ bắt cóc con tin ở Iran năm 1979. Từ một đội giải cứu con tin nhỏ, lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ đã phát triển đến 75.000 quân.

>> Kỳ tới: Mỹ lập lực lượng tác chiến đặc biệt như thế nào?

Đặc nhiệm SWAT của FBI trang bị hạng nặng, thiết lập trật tự Đặc nhiệm SWAT của FBI trang bị hạng nặng, thiết lập trật tự

TTO - Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ SWAT của Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã được điều động vào giữ trật tự trong khu vực tòa nhà Quốc hội. Người biểu tình đã giải tán nhanh.

Từ khóa » Các Lực Lượng đặc Biệt Của Mỹ