Lực Lượng Sản Xuất Và Quan Hệ Sản Xuất ở Việt Nam Hiện Nay

Mục lục bài viết

Toggle
  • Lực lượng sản xuất là gì?
  • Quan hệ sản xuất là gì?
  • Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
  • Thực trạng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Việt Nam qua các giai đoạn

Một trong những vấn đề mà Triết học Mác – Lê nin đề cập tới đó chính là quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất. Đây là hai mặt cơ bản tồn tại không tách rời nhau và tác động qua lại với nhau một cách biện chứng. bài viết dưới đây mời Quý bạn đọc cùng tìm hiểu về chủ đề lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay.

Lực lượng sản xuất là gì?

Lực lượng sản xuất là thuật ngữ dùng để chỉ tổng thể các yếu tố cấu thành nội dung vật chất, kỹ thuật, công nghệ,… của quá trình sản xuất, tạo thành năng lực thực tiễn cải biến giới tự nhiên của con người. Với nghĩa như vậy, lực lượng sản xuất cũng đóng vai trò phản ánh căn bản trình độ chinh phục giới tự nhiên của con người.

Các yếu tố tạo thành lực lượng sản xuất gồm có: tư liệu sản xuất (trong đó công cụ sản xuất là yếu tố phản ánh rõ ràng nhất trình độ chinh phục tự nhiên của con người) và người lao động (trong đó năng lực sáng tạo của người lao động là yếu tố đặc biệt quan trọng).

Quan hệ sản xuất là gì?

Quan hệ sản xuất dùng để chỉ tổng thể mối quan hệ kinh tế (quan hệ giữa người với người về mặt thực hiện lợi ích vật chất trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội). Quan hệ sản xuất bao gồm: quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức, quản lý quá trình sản xuất và quan hệ trong phân phối kết quả của quá trình sản xuất đó. Những quan hệ sản xuất này tồn tại trong mổì quan hệ thống nhất và chi phối, tác động lẫn nhau trên cơ sở quyết định của quan hệ sở hữu vể tư liệu sản xuất.

Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

Đối với chủ đề lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay thì mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là kiến thức cần thiết mà Quý bạn đọc nên biết.

– Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là mối quan hệ thống nhất biện chứng, ràng buộc và tác động lẫn nhau tạo thành quá trình sản xuất hiện thực.

+ Lực lượng sản xuất cà quan hệ sản xuất là hai mặt tất yếu của quá trình sản xuất, trong đó lực lượng sản xuất là nội dung vật chất của quá trình sản xuất, còn quan hệ sản xuất là hình thức kinh tế của quá trình đó.

+ Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tồn tại trong tính quy định lẫn nhau, thống nhất với nhau. Đây là yêu cầu tất yếu, phổ biến diễn ra trong mọi quá trình sản xuất hiện thực của xã hội. Tương ứng với thực trạng phát triển nhất định của lực lượng sản xuất cũng tất yếu đòi hỏi phải có quan hệ sản xuất phù hợp với thực trạng đó trên cả ba phương diện: sở hữu tư liệu sản xuất, tổ chức – quản lý và phân phối. Chỉ có như vậy, lực lượng sản xuất mới có thể được duy trì, khai thác – sử dụng và không ngừng phát triển. Ngược lại, lực lượng sản xuất của một xã hội chỉ có thể được duy trì, khai thác – sử dụng và phát triển trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

– Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là mối quan hệ biện chứng trong đó vai trò quyết định thuộc về lực lượng sản xuất, còn quan hệ sản xuất sẽ giữ vai trò tác động trở lại lực lượng sản xuất.

– Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là mối quan hệ có bao hàm khả năng chuyển hóa thành các mặt đối lập làm phát sinh mâu thuẫn cần được giải quyết để thúc đẩy sự tiếp tục phát triển của lực lượng sản xuất.

Thực trạng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Việt Nam qua các giai đoạn

Để tìm hiểu về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay cần phân tích được thực trạng của vấn đề này qua các giai đoạn lịch sử bao gồm giai đoạn trước đổi mới và giai đoạn sau đổi mới.

– Thời kỳ trước đổi mới: Giai đoạn này kinh tế nước ta vốn đã lạc hậu nay càng gặp nhiều khó khăn sau cuộc chiến tranh nhiều gian khổ. Lực lượng sản xuất nước ta thời kỳ này còn thấp và chưa có nhiều điều kiện để phát triển. Cụ thể:

+ Trình độ của người lao động thấp, hầu hết không có chuyên môn, tay nghề, phần lớn lao động chưa qua đào tạo. Lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dựa trên kinh nghiệm ông cha để lại. Tư liệu sản xuất nhất là công cụ lao động ở nước ta thời kỳ này còn thô sơ, lạc hậu.

+ Trong hoàn cảnh này, Đảng và Nhà nước đã chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, bao gồm hai thành phần kinh tế: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động.

+ Trong thời kỳ đầu, sau giải phóng miền Bắc, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã nhấn mạnh thái quá vai trò “tích cực” của quan hệ sản xuất, dẫn đến chủ trương quan hệ sản xuất phải đi trước, mở đường để tạo động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất.

– Thời kỳ sau đổi mới: Rút kinh nghiệm từ những sai lầm ở giai đoạn trước, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã thừa nhận thẳng thắn những khuyết điểm, chủ trương đổi mới phương thức quản lý kinh tế. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về con đường và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thể hiện sự nhận thức và vận dụng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; đồng thời, đã đặt cơ sở, nền tảng quan trọng để các nhân tố mới ra đời, tạo tiền đề để từng bước phát triển nền kinh tế của đất nước. Chính vì vậy đến nay, nước ta đã đạt được nhiều thành tự to lớn.

– Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, biện pháp để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phát triển lực lượng sản xuất, tạo “cốt vật chất” cho quan hệ sản xuất mới.

– Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chính sách và pháp luật để hoàn thiện các mặt của quan hệ sản xuất mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa về sở hữu, tổ chức – quản lý và phân phối.

– Trong những năm đổi mới, nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các quan hệ song phương và tổ chức đa phương, như ASEAN, APEC, ASEM, WTO…, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA…), xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học  và công nghệ.

Trên đây chúng tôi đã gửi tới Quý bạn đọc bài viết về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay. Trường hợp còn bất cứ thắc mắc nào, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.

Từ khóa » Sơ đồ Về Lực Lượng Sản Xuất