Lực Lượng Vũ Trang địa Phương Thừa Thiên Huế Trong Cuộc Tổng ...

Đánh vào thành phố Huế, một trung tâm lớn về chính trị, quân sự của Mỹ, ngụy là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đây là thời điểm thử thách lớn, cũng là thời cơ lực lượng vũ trang nhân dân Thừa Thiên Huế thể hiện sức mạnh, ý chí và tinh thần yêu quê hương, đất nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng căm thù giặc. Trong thời cơ lịch sử, với nỗ lực, quyết tâm cao độ với những yếu tố thế và lực chung, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên chiến công vang dội - làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm, được cả nước và bạn bè khắp nơi cổ vũ; Đảng, Nhà nước biểu dương khen ngợi và tặng quân dân Thừa Thiên Huế tám chữ vàng: "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường". Góp phần làm nên chiến công lịch sử Tết Mậu Thân, biểu lộ tinh thần, ý chí, truyền thống kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, nổi bật là:

Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân 1968.Ảnh: T.L

 

Tổ chức xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị đón thời cơ chiến lược lớn.

Năm 1967, cách mạng miền Nam tiếp tục phát triển, đẩy chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ vào tình trạng không có lối thoát. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định song song với Mặt trận Đường 9, mở mặt trận đô thị tiến công vào các trung tâm đầu não ngụy quân, ngụy quyền ở khắp các tỉnh, thành phố miền Nam; nhằm tạo một bước chuyển biến nhảy vọt của cuộc chiến tranh, giáng một đòn thật mạnh và bất ngờ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Để chuẩn bị về tổ chức theo hướng tập trung giải quyết nhiệm vụ quân sự, chính trị trong tình hình mới, tháng 8 năm 1967; cấp trên quyết định giải thể Tỉnh ủy Quảng Trị và Thừa Thiên, thành lập các đoàn trực thuộc Khu ủy và Quân Khu ủy Trị - Thiên. Đoàn 4: huyện Phú Lộc; Đoàn 5: gồm 3 quận (Hữu Ngạn, Tả Ngạn, Thành nội) của thành phố Huế và các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang; Đoàn 6: hai huyện Phong Điền, Quảng Điền và Đoàn 7: Quảng Trị.

Tháng 10 năm 1967, tại căn cứ Động Chuối, vùng giáp ranh Phong Điền, hội nghị Khu ủy Trị - Thiên diễn ra trong 2 tuần; nhằm quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị (7-1967), xác định nhiệm vụ, yêu cầu và kế hoạch tiến công nổi dậy cụ thể cho các đoàn 4, 5, 6, 7. Kế hoạch dự kiến gồm 2 bước:

Bước một: Đông Xuân 1967-1968, đẩy mạnh tiến công đánh địch, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng nội thành và vùng ven; tăng cường lực lượng mọi mặt, chuẩn bị cán bộ, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men; đề nghị Bộ điều động thêm lực lượng, tăng thêm trang bị, chuẩn bị cho bước sau.

Bước hai: Trên cơ sở bước một, mùa Hè 1968, thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở Huế, phối hợp cùng toàn miền đánh bại quân địch.

Về hướng tiến công, Khu ủy Trị - Thiên quyết định chọn Huế làm trọng điểm, các mặt trận Quảng Trị, Phú Lộc là hướng phối hợp quan trọng.

Tuy nhiên, quân dân Thừa Thiên - Huế chuẩn bị tiến công và nổi dậy trong điều kiện quân số, vũ khí, trang bị phương tiện chiến tranh địch rất lớn, chúng bố trí dày đặc cả nội và ngoại thành. Toàn bộ Mặt trận Huế có khoảng 25.000 đến 30.000 tên địch, gồm 13 tiểu đoàn bộ binh (8 tiểu đoàn ngụy, 5 tiểu đoàn Mỹ), 2 trung đoàn thiết giáp, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn biệt kích, 2 tiểu đoàn công binh, 2 tiểu đoàn vận tải, 1 tiểu đoàn cao xạ, 2 tiểu đoàn hải thuyền, 12 đại đội bảo an, 3 tiểu đoàn cảnh sát, 96 trung đội dân vệ, 18 đoàn bình định, được bố trí thành 2 khu vực ở bắc và nam thành phố Huế. Vòng ngoài cánh Bắc, chúng đóng 21 đồn bốt, trong đó có các căn cứ lớn như Boòng Boòng, An Lỗ, Tứ Hạ, Sịa.

Nội thành có Sư đoàn 1 bộ binh ngụy đóng ở Mang Cá; Mang Cá nhỏ có 1 đại đội lính gác. Sân bay Tây Lộc có 1 đại đội vận tải, nhiều máy bay và các loại xe. Đại Nội có 1 đại đội thám báo ngụy khoảng 120 tên. Ớ các vị trí như kho quân cụ, khu tàng thơ... đều có lực lượng địch bố trí nghiêm ngặt.

Vòng ngoài cánh Nam có 14 đồn bốt, trong đó có các căn cứ lớn như Phú Bài, Tam Thai, An Cựu. Phía nam thành phố Huế là nơi có trụ sở của hơn 40 cơ quan quân sự, dân sự của ngụy quyền tỉnh Thừa Thiên và đại diện chính quyền Sài Gòn tại miền Trung. Khu Phan Sào Nam có sở chỉ huy Tiểu khu Thừa Thiên. Khách sạn Thuận Hóa là nơi ở của cố vấn Mỹ. Khách sạn Hương Giang là nơi ở của lực lượng tình báo và cố vấn Mỹ. Sân vận động có đài ra-đa và cố vấn Mỹ. Khu vực Tòa Khâm, Tòa Tỉnh trưởng, Lao Thừa Phủ, cơ quan đại diện Trung phần... đều có lực lượng bảo an canh giữ. Bốt Cò là nơi đóng quân của hai tiểu đoàn bộ cảnh sát dã chiến. Căn cứ Phú Bài có 2 tiểu đoàn bộ binh Mỹ, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp và 1 chi đoàn xe tăng. Căn cứ Đống Đa là trại huấn luyện lính mới, thường xuyên có trên 2 tiểu đoàn. Tam Thai là hậu cứ trung đoàn bộ Trung đoàn 7 thiết giáp ngụy, thường xuyên có 2 chi đoàn xe tăng, sẵn sàng cơ động tham gia chiến đấu.

Quân Mỹ đóng dọc theo Quốc lộ 1 từ Huế đi Phú Bài để giữ đường giao thông huyết mạch, đóng ở Thuận An để bảo vệ kho xăng dầu và cửa ngõ vào Huế từ hướng biển. Nhìn chung, lực lượng địch ở Huế và vùng ven đều rất mạnh và được bố trí khá chặt chẽ.

Về phía ta, tham gia Mặt trận Huế có 8 tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, là lực lượng của Trung đoàn 6, Trung đoàn 9, Đoàn 5 và Trung đoàn 8, Sư đoàn 325, được bố trí cả hai cánh Bắc và Nam sông Hương.

Công tác chuẩn bị trong lực lượng vũ trang được tiến hành hết sức khẩn trương nhằm nâng cao trình độ tác chiến cho bộ đội và cơ quan chỉ huy. Các đơn vị trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, các đơn vị hỏa lực, công binh, các đội công tác vũ trang, đặc biệt, biệt động... đều được tổ chức lại chặt chẽ. Một số bộ đội chủ lực chuyển về tăng cường cho các huyện đội, thành đội. Công tác chính trị, tư tưỏng được phát động mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị.

Một đợt hoạt động quân sự được mở từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 27 tháng 1 nhằm giữ chân, nghi binh đánh lạc hướng địch, đánh cắt giao thông địch, góp phần vào việc chuấn bị hành lang, địa bàn cho cuộc hành quân của các đơn vị chủ lực và tiếp cận các mục tiêu theo kế hoạch tiến công. Cuộc hành quân tập trung hướng chính vào Mặt trận Huế bắt đầu từ chiều 30 tháng 1 năm 1968.

Tiến công tiêu diệt quân địch hoàn thành tốt nhiệm vụ xung kích, nòng cốt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử.

2 giờ 33 phút ngày 31 tháng 1 năm 1968, pháo binh của ta đồng loạt nã vào những căn cứ lớn của địch làm hiệu lệnh mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử. Trung đoàn 6, Trung đoàn 9, Đoàn 5, các đội đặc công, biệt động, trinh sát vũ trang, các đại đội bộ đội địa phương, các đội công tác, du kích, tự vệ nội, ngoại thành đồng loạt tiến đánh các mục tiêu.

Ở cánh Bắc: Đại đội đặc công 1 và đại đội bộ binh 2 thuộc Trung đoàn 6 tiến công sở chỉ huy Sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá. Đại đội 2 (Tiểu đoàn đặc công 2) và đại đội 2 (Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 6) 3 lần đánh chiếm sân bay Tây Lộc, đại đội đặc công 14 và đại đội 3 (Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 6) tiến công vào khu Đại Nội diệt đơn vị hắc báo. Đại đội 3 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 6) đánh chiếm cột cờ Thành Nội. 9 giờ ngày 31 tháng 1 năm 1968, chiến sĩ Trung đoàn 6 Nguyễn Văn Tuyên đã cắm cờ lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu. Đồng thời một số đơn vị Trung đoàn 6 đã đánh chiếm các mục tiêu vòng ngoài như cầu Bạch Hổ, Kim Long, Kẻ Vạn, Văn Thánh, tiêu diệt và tiêu hao 2 tiểu đoàn địch, đánh chiếm cầu An Hòa, làng An Hòa, 5 lần đánh bại Tiểu đoàn 7 ngụy phản kích, diệt 5 xe M.113 và nhiều tên địch buộc chúng tháo chạy về hướng Bao Vinh để vào Mang Cá.

Ở cánh Nam: Tiểu đoàn đặc công 1 (Đoàn 5) tiến công Trung đoàn 7 thiết giáp ngụy ở Tam Thai, diệt 350 tên địch phá hủy 35 xe thiết giáp và xe tăng. Tiểu đoàn bộ binh 4 (Đoàn 5) đánh chiếm cầu Kho Rèn diệt sở chỉ huy cảnh sát dã chiến, chiếm khu vực Ngã Sáu, đánh chiếm Đài phát thanh Huế. Các đại đội của Tiểu đoàn bộ binh 815 tiến công tiêu diệt gọn đại đội Nam Triều Tiên tại khu Tàu Lăng, đánh chiếm Phước Quả, Ty sắc tộc, Tòa Tỉnh trưỏng, phá nhà lao Thừa Phủ (giải phóng 2.000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt), nhà lao Thẩm Vấn (giải phóng 107 người). Đại đội 1 Tiểu đoàn đặc công 1 (Đoàn 5) đánh chiếm tiểu khu Thừa Thiên, khách sạn Thuận Hóa, khách sạn Hương Giang và đánh vào An Cựu diệt 2 đoàn bình định. Tiểu đoàn 10 (Đoàn 5) đánh Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 3 ngụy) ỏ Đổng Di và Tiểu đoàn 4 (Tiểu đoàn 3 ngụy) ỏ Tam Đông.

Ngày 31 tháng 1 và đêm 1 tháng 2 năm 1968, lực lượng ta đã cơ bản chiếm được thành phố, ngăn chặn không cho địch chi viện cho Huế. Tuy vậy, do ta chưa chiếm được lực lượng địch ở Mang Cá (Bộ tư lệnh Sư đoàn 1 ngụy) nên sau này địch phản kích gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất.

Từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 2 năm 1968, bộ đội ta liên tiếp đánh địch phản kích, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, giành quyền làm chủ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ở các huyện ngoại thành Huế, bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, phát triển lực lượng. Tại Mặt trận 4 (Phú Lộc), các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh cắt giao thông, mở vùng giải phóng. Ở Mặt trận 6 (Phong Quảng), bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh chiếm nhiều căn cứ địch, bao vây quận lỵ Phong Điền, tiến công địch ở vùng Thanh Lương, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy.

Từ ngày 8 tháng 2 năm 1968, địch bắt đầu phản kích dữ dội. Chúng huy động lực lượng tổng dự bị từ Sài Gòn và Vùng 1 chiến thuật ra, rút một số quân ở Đường 9 vào tiến hành phản kích, giải vây cho Huế, nâng tổng số địch tại Mặt trận Huế lên 23 tiểu đoàn (trong đó có 15 tiểu đoàn Mỹ). Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, ta và địch giành nhau từng căn nhà, từng góc phố. Bất chấp địch đông hơn ta nhiều lần và có hỏa lực rất mạnh, quân và dân thành phố Huế vẫn kiên cường đánh địch phản kích. Có ngày ta diệt hơn 1.000 tên địch, bắn rơi, bắn cháy và phá hủy hàng chục máy bay và xe tăng. Do so sánh lực lượng quá chênh lệch giữa ta và địch, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định cho lực lượng rút khỏi thành phố từ ngày 25 tháng 2 năm 1968.

Sau 25 ngày đêm chiến đấu và làm chủ thành phố Huế quân và dân ta đã diệt, bắt sống, bức hàng hơn 25.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 255 máy bay, bắn cháy 41 tàu chiến phá hủy 533 xe tăng và xe quân sự cùng nhiều kho đạn lớn của địch, đánh trúng vào cơ quan đầu não Mỹ - ngụy, đập nát hệ thống chính quyền ngụy từ thôn đến tỉnh. giải phóng gần 210.000 dân, 20 xã, 271 thôn thành lập chính quyền ở 200 thôn; chính quyền quận, huyện xã, phường; chính quyền cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế Lực lượng vũ trang ba thứ quân trưởng thành nhanh chóng về cả tổ chức, chỉ huy, cả về kỹ thuật, chiến thuật, đặc biệt là khả năng tác chiến trong thành phố. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đó, lực lượng vũ trang Thừa Thiên - Huế tự hào đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng dũng cảm tiến công địch, góp phần xuất sắc vào chiến công chung của toàn mặt trận; được Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ tư (tháng 10-1968) bình chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về phong trào chiến tranh du kích, được Đảng, Nhà nước khen ngợi tuyên dương tám chữ vàng: "Tiến công, Nổi dậy, Anh dũng, Kiên cường".

Sau khi rút quân ra khỏi thành phố, do địch đánh phá ác liệt, lương thực, đạn dược cạn kiệt, thương vong nhiều, lực lượng ta đã không thực hiện được ý định chiếm giữ vùng giáp ranh, tiếp tục chiến đấu để hỗ trợ cho phong trào quần chúng. Địch đã nhanh chóng bình định, lấn chiếm lại đồng bằng, truy kích ta lên vùng giáp ranh, rừng núi, gây thương vong lớn cho các đơn vị; bộ đội thiếu ăn, đau yếu, sức khỏe giảm sút, nhưng các lực lượng vũ trang trên chiến trường Thừa Thiên - Huế đã chấp hành nghiêm túc kế hoạch tiến công đợt 2. Trong tháng 5 và tháng 6, lực lượng vũ trang Thừa Thiên - Huế cùng các đơn vị khác đã đánh lại hàng trăm trận càn quét địch, cắt giao thông Thuận An - Huế, Huế - Đà Nằng. Ở miền núi, bộ đội ta đánh bại cuộc hành quân lớn của địch lên vùng căn cứ miền Tây của ta, buộc chúng rút khỏi A Lưới.

Trong 3 tháng 4, 5 và 6 năm 1968 quân dân Thừa Thiên - Huế tiêu diệt và làm bị thương gần 2.500 tên địch (trong đó diệt 25 đại đội Mỹ - ngụy), bắn rơi và phá hủy 72 máy bay, 30 xe quân sự, 33 khẩu pháo địch.

Mùa mưa 1968, trước tình hình khó khăn ở chiến trường và do yêu cầu củng cố lực lượng, phần lớn các đơn vị chủ lực Quân khu ra hậu phương củng cố một số đơn vị như Tiểu đoàn 10, Tiểu đoàn bộ binh 4, Tiểu đoàn đặc công 1, tiểu đoàn đặc công 2, Tiểu đoàn pháo binh 323, Tiểu đoàn trinh sát, các đội biệt động vẫn bền bỉ, chịu đựng gian khổ, kiên trì bám trụ địa bàn, từng bước khôi phục phong trào.

Tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân thừa Thiên Huế nói chung, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc đánh bại một bước ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, xứng đáng vào thắng lợi chung của miền Nam và cả nước, mở ra một thời kỳ mới, một cục diện mới, tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Đây là bước ngoặt lịch sử, là cuộc tổng diễn tập, rút ra những bài học quý giá cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của nhân dân ta đi tới thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, cuộc tổng tiến công cũng đã để lại cho chúng ta những bài kinh nghiệm sau:

Một là, công tác trinh sát, nắm, dự báo về tình hình địch phải hết sức chu đáo, tỉ mỉ cụ thể, trong thực tế, do ta chưa nghiên cứu, nắm chắc được một số mục tiêu, nhất là mục tiêu then chốt, chủ yếu, dẫn đến xây dựng kế hoạch chiến đấu thiếu chu đáo bố trí, sử dụng lực lượng, trang bị không phù hợp nên đã không hoàn thành nhiệm vụ, ta bị tổn thất về lực lượng. Không đánh chiếm được Đồn Mang cá ( Sở chỉ huy sư đoàn 1 đồng thời là Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 1 ngụy, mục tiêu chủ yếu, quan trọng nhất của địch) nên địch đã co cụm, củng cố lực lượng phản kích dữ dội.

  Hai là, quyết tâm tác chiến phải hết sức chặt chẽ, toàn diện, dự kiến đầy đủ các tình huống có thể xẩy ra và phương án xử trí. Trong công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu, do không tổ chức lực lượng dự bị ngay từ đầu nên trong quá trình tác chiến, việc điều động lực lượng cho thực hiện nhiệm vụ theo tình hình chiến trường còn lúng túng mất thời cơ tiêu diệt địch.

Ba là, khi có chủ trương lui quân để bảo toàn, củng cố lại lực lượng, phải xây dựng kế hoạch đầy đủ, nhất là công tác bảo đảm. Trong tổng tiến công, công tác tổ chức lui quân thiếu chu đáo, chặt chẽ, khi bộ đội rút ra vùng giáp ranh, chiến trường chưa được chuẩn bị sẵn, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật thiếu nên không bám trụ được, phải lùi ra xa dân, làm mất thế trận có lợi cho ta.

Bốn là, sau khi rút khỏi thành phố Huế và vùng đồng bằng đến tháng 5 - 1968 lúc này lực lượng, vũ khí trang bị của địch ở Trị Thiên Huế được tăng cường, bổ sung rất mạnh ( 150.000 tên), lực lượng ta đã bị thiệt hại, giảm sút, thiếu thốn hậu cần, kỹ thuật, song ta đã thụ động, tiếp tục tổng công kích nhưng tác động không lớn đối với tình hình, ngược lại, địch càng thấy rõ nhược điểm của ta, tiếp tục phản kích, đẩy ta lên giáp biên giới Viêt - Lào, đóng chốt, ngăn chăn và chia cắt miền núi với đồng bằng và thành phố, tình hình càng thêm khó khăn.

Năm là, bài học kinh nghiệm về phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng vũ trang địa phương và quân chúng nhân dân trong chiến đấu. Trong tổng tiến công, hầu hết các mũi, hướng, mục tiêu đều có lực lượng vũ trang địa phương và đã giành thắng lợi. Trận đánh Đồn Mang cá chỉ có các tiểu đoàn của Trung đoàn 6 - đơn vị cơ động chủ lực của Quân khu mà không có lực lượng vũ trang địa phương phối hợp tham gia và các mũi tiến công đều về một hướng, không có các mũi, hướng khác để thu hút, phân tán lực lượng địch, không xây dựng được lực lượng bên trong để “nội công, ngoại kích” nên không đánh chiếm được mục tiêu.

Đại tá LÊ NGỌC THANH

Phó Bí thư Đảng ủy quân sự, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ khóa » Chiến Dịch Mậu Thân 1968 Tại Huế