Lục Súc Tranh Công Hiệu-đính Các Truyện Cổ - Vanhocvietnam

Friday, November 6, 2015

Lục súc tranh công Hiệu-đính các truyện cổ Các truyện nôm của ta kể ra cũng khá nhiều, nhưng nhiều chuyện nhất là những chuyện cũ, cũng có người không biết, không để ý đến, cũng có người xem truyện Kiều rồi cho hết thảy các truyện cũ là quê mùa, không dáng xem, coi thường không buồn đọc nữa, bởi vậy những truyện ấy hầu như là bỏ rơi vậy. Chúng tôi xem ra có nhiều truyện cổ, không phải là không có giá trị, văn không phải toàn một vẻ chất-phác như người ta tưởng lầm; nhiều câu nhiều đoạn văn rất hay, ý sâu-xa, nếu bỏ mất đi, thì bao nhiêu những áng văn-chương cổ một ngày một tiêu-diệt mất, thì thật đáng tiếc. Bởi vậy chúng tôi muốn bảo-tồn lấy những di-sản quí-hóa của tổ-tiên để lại, và sưu-tầm những bản truyên hoặc in, họăc chép bằng chữ nôm, lấy bản cũ nhất làm chuẩn-đích, đem đối-chiếu với các bản khác, so-sánh từng chữ từng câu, đính-chính lại rồi chú-thích rành-mạch, để khỏi sai-lầm. Khi đã hiệu-đính, chú-thích xong, đem ra cùng nhau thảo-luận đính-chính rồi mới ấn-định xuất-bản. Hiện thời chúng tôi đã đính chính xong bốn truyện ngụ-ngôn là : - truyện Trê cóc, - truyện Trinh thử, - truyện Lục súc tranh công, và - truyện Hoa điểu tranh năng. Những truyện này do ông Phó-bảng Bùi-Kỷ hiệu-đính và chú-giải, và đem in thành từng tập riêng; như thế các nhà học quốc-văn sau này sẽ có đủ tài-liệu để tra-khảo. Lệ-Thần Trần-Trọng-Kim Tôi dùng quyển "Lục súc tranh công" của nhà xuất-bản Tân-Việt (sáng lập năm 1937), tại 235 Phan-thanh-Giản Sai-gòn. Quyển sách này do cụ Ưu-Thiện Bùi-Kỷ hiệu-đính. Đây là bản in lần thứ tư, xong ngày 10, tháng 7, năm 1956; theo giấy phép 784/T.X.B. của bộ thông-tin Nam-Việt. Tiểu-dẫn Lục súc là sáu giống gia-súc : trâu, chó, ngựa dê, gà, lợn. Sáu con tranh nhau kể công, cho nên gọi là tranh công. Đầu tiên, trâu tị với chó, chó cãi lại, đến lượt chó tị với ngựa, rồi ngựa với dê, dê với gà, gà với lợn; không con nào chịu con nào. Nhờ có lời giảng-giải của chủ nhà, sáu con lại hiểu nhau và con nào cứ yên phận làm tròn công-việc con ấy. Cuốn văn này đặt thành lối tuồng, là biến thể của lối song-thất, cộng được 570 câu, đoạn đầu 12 câu là đoạn lung, đoạn thứ nhì đến đoạn11, là những lời tranh-luận của lục súc, đoạn cuối có bốn câu là lời tổng-kết. Tác-giả chưa rõ là ai, nhưng xét những tiếng dùng trong cuốn văn : ghe(nhiều), lóng(nghe), ben(bì, ví), mè (vừng), bươi (bới) v.v...phần nhiều là tiếng miền trong, thì tác-giả có lẽ là một nhân-vật trong phái cựu học ở vùng Nghệ-Tĩnh trở vào. Còn về giọng và lối văn, thì thuộc về Lê mạt, Nguyễn sơ chi đó, vì từ-lý chải-chuốt, âm-vận du-dương, khác với những thể văn chất-phác ở thời cổ nhiều. Tác-giả là một nhà học-vấn uyên-bác, dùng nhiều điển cổ để tả rõ cái tình-trạng, cảnh-huống của loài gia-súc, mỗi một con có một khẩu-khí, một địa-vị, thỉnh-thoảng lại thêm vài câu trào-phúng, rất tao-nhã và có nhiều ý-vị. Nay thử trích ra trong mỗi đoạn mấy câu như sau này : Trâu kể công : Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ. Ơn Tề-vương vô tội bảo tha, Tưởng chừng khi sức mỏi tuổi già, Cám Điền-tử dạy con chớ bán. Lời cổ-nhân còn dặn, Sao ông chủ vội quên Chẳng nhớ câu :"Dĩ đức hành nhân". Lại lấy chữ:"Báo ân dĩ oán" Trâu chê chó: Chưa rét đã phô rằng rét, Xo-ro đuôi quít vào trôn, Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn, Ba ông táo lộn đầu, lộn óc. Chó kể công: Đêm năm canh, con mắt như chong, Đứa đạo-tặc nép oai khủng-động. Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống, Đứa gian-tham thấy bóng cũng kinh. Chó chê ngựa : Dại không ra dại Khôn chẳng ra khôn Ngất-ngơ như ốc mượn hồn, Nuôi giống ấy làm chi cho rối. Ngựa kể công : Mỏi gối nưng phò xã tắc, Mòn lưng cúi đội quân-vương. Ngày ngày chầu-chực sân rồng Bữa bữa dựa kề long-giá, Ngựa chê dê : Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ, Hình con-con, bụng lớn chang-bang. Cáng-náng như đứa có hạ nang, Sớn-sác tựa con chàng kẻ cướp. Dê kể công : Dê vốn thật thuộc về vật lễ, Để hòng khi về hạng tư-văn, Để dành khi tế thánh, tế thần, Lại có thủa kỳ an, kỳ phước, Hễ có việc lấy dê làm trước, Dê dâng vào, người mới lạy sau. Dê chê gà : Ba cái rác nằm không yên chỗ, Mấy bụi rau nào đã bén dây Cả ngày thôi những khuấy cùng rầy, Nuôi giống ấy làm chi vô lối, Gà kể công : Đã cứu nạn Mạnh-thường đặng thoát, Lại khuyên người Tống-sĩ năm canh, Hễ ai toan cãi dữ, làm lành, Gà cũng biết tỉnh mê giấc điệp. Nhân đến chuyện Chu-gia bá nghiệp, Coi giò gà xét biết thịnh suy. Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y, Cất tiếng gáy toại lòng người đãi-đán. Gà chê lợn : Heo ăn rồi ngủ ngáy sì-sì, Giả ngây-dại biết gì việc chủ, Ngắm diện mạo dị hình, dị thú, Xem dung-nhan khác thế lạ đời. Như nuôi chơi chẳng phải giống chơi. Chạy rau cám như tiền nội-án. Lợn kể công : Kìa những việc hôn-nhân giá-thú, Không heo ra tính đặng việc chi ? Dầu cho mời năm bảy chuyến đi, Cũng không thấy một người thấp-thoáng, Việc hoà-giải heo đầu công-trạng, Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù. Xem đại khái như mấy câu trích ra trên đây, lời-lẽ rất đúng, giọng hài-hước cực hay, thì nội-dung cuốn văn có giá trị là chừng nào. Tác giả có ý nói về việc đời, bất cứ lớn hay nhỏ, mỗi người có một chức-vụ, làm trọn được, tức là giúp cho đời, và không nên ganh-tị lẫn nhau. Tuy đó là lý tự-nhiên ai ai cũng hiểu, song sự xao-nhãng chức-vụ của mình lại thường là cái thông-bệnh của loài người, tác-giả muốn lấy cuốn văn này làm một bài châm-biếm thiết-thực và đích-đáng, thật là một văn-gia rất quan-tâm đến thế-đạo nhân-tình vậy, BÙI-ƯU-THIÊN Lục súc tranh công 1-Tựa Trời hóa sinh muôn vật Đất dong-dưỡng mọi loài, Giống nào là giống chẳng có tài; Người đâu dễ không nhờ vật. Long chức quản bổ thiên, dục nhật. Lân quyền tư giúp thánh, phò thần. Quy thông hay thành-bại, kiết-hung . Phụng lảu biết thạnh suy, bĩ thái. Trong trời đất ba ngàn thế-giái Đều xưng rằng tứ vật chí linh. Nhẫn đến loài lục súc hi-sinh, Trời cho xuống hộ người dương thế. 2-Ngưu (trâu) Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn-nỉ : "Một mình trâu ghe nỗi gian-nan, Lóng canh gà vừa mới gáy tan, Chủ đã gọi thằng chăn vội vã. Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo-dã, Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng. Chưa bao lâu thoắt đã rạng-đông; Vừa đến buổi cày-bừa bua việc. Trước cổ đã mang hai cái niệt Sau đuôi thêm kéo một cái cày; Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây, Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn. Trâu mệt đà thở dài, thở vắn, Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi. Liệu vừa đứng bóng mới thôi, Đói hòa mệt, bước khôn dời bước. Ai thong-thả, trâu nào ben đặng ? Trâu nhọc-nhằn, ai dễ thế cho? Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no, Lại vườn đậu, vườn khiến chở Làm không kịp thở, Ăn không kịp nhai. Tắm mưa, trải gió chi nài ! Đạp tuyết, giày sương bao sá ! Có trâu, sẵn tằm-tơ, lúa-má, Không trâu, không hoa-quả, đậu mè, Lúa gặt cất lên đà có trâu xe, Lúa chất trữ, lại để dành trâu đạp. Từ tháng giêng cho đến tháng chạp, Kể xuân, hè, nhẫn đến thu, đông, Việc cày-bừa, nông-vụ vừa xong, Lại xe gỗ, dầm côngliên khói , Bất luận xe rào, xe củi. Nhẫn đến loài phân bổi , tranh che Hễ bao nhiêu nhất-thiết của chi, Thì đã phú mặc trâu chuyên-chở. Bao quản núi non hiểm-trở ? Chi nài khe suối dầm-dề ? Cong lưng chịu việc nặng-nề, Cay-đắng những lời dức-lác ! Ăn thì những rơm khô, cỏ rác, Ở quản chi ràn lấm, tráp nè. Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia; Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới. Nghĩ-suy lại công trâu cho phải, Lẽ cho trâu thao-lụa mặc dày. Không chi thì quần vải, dải gai, Không chi thì khố lưỡi-cày cũng khá> Ăn cho phải những cơm với cá, Không nữa thì rau cháo cũng nên Đến mai sau già-cả sức hèn, Cũng bảo-dưỡng bổ công lao-lý. Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế; Lẽ "sinh cử, tử táng", mới ưng. Thủa sống đà không dạ yêu-đương, Khi thác lại đoạn tình siêu-độ. Bảo nhau sắm con dao, cái rổ, Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè. Rằng : Trâu này cốt Phật xưa kia, Phát đình-liệu cho hồn thăng thiên-giái. Còn hình-tích giống chi để lại, Người người đều bàn-bạc với nhau: Kẻ thì rằng : Tôi lãnh cái đầu, Người lại nói : Phần tôi cái nọng. Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê, Còn sừng đem về ép thoi làm lược. Kẻ thì chuốc hoa tai, làm bầu liều. Làm tù-và mà thổi cũng kêu, Tiện con cờ mà đánh cũng tốt. Kẻ thì làm cái mõ, cáo hộp, Người lại tỉa cán quạt, cán dao. Còn giò chia nhau, Làm nham, làm thấu. Trâu gẫm lại là loài cầm-thú, Phận sau chịu vậy, dám nài ! Trâu thác đã công-nghiệp phủi rồi, Trâu sống lại kiện nài với chủ : Không nhớ thủa bôi chuôngđường hạƠn Tề-vương vô tội kiến tha Tưởng chưng khi sức mọn tuổi già, Cám Điền-tửdạy con chớ bán. Lời cổ nhân còn dặn, Sao ông chủ vội quên ? Chẳng nhớ câu "Dĩ đức hành nhân". Lại lấy chữ "Báo ân dĩ oán !" Nói chi nữa cho dài chuyện-vãn ? Thưa chủ xin nói thép một lời : Nhưng loài muông, vô tướng, vô tài, Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc ? Ăn cho lớn, dưỡng vai, dưỡng vóc, Giỡn với nhau vạch cửa, vạch sân, Một ngày ba bữa chực ăn, Thấy đến việc lén mình lét-lét. Chưa rét đã phô rằng rét, Xo-ro đuôi quít vào trôn, Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn, Ba ông táo lộn đầu, lộn óc, Chưa sốt đà nằm dài thở dốc. Le lưỡi ra phỏng ước dư gang. Lại thấy người lơ đĩnh lơ hoang Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng. Nhưng muông biết cày nương, bừa ruộng, Thì muông kể biết mấy công ơn ? Muông, người cho ăn cháo, ăn cơm, Trâu, người bắt nhai rơm, nhai cỏ. Khi muông thác tống chung, an thổ, Có gạo tiền cấp-táng toàn thân, Trách một lòng chủ ở bất công, Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu". 3- Khuyển Muông nghe nói, giận đau phế-phổ, Liền chạy ra sủa mắng vang tai : "Trời đã sinh các hữu kỳ tài, Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ. Bởi vì đó lớn vai, lớn vế, Thì chuyên lo nông bổn cày-bừa, Vốn như đây ốm-yếu chân tay, Cũng hết sức gia-trung xem-xét. Trách sao khéo thổi lông tìm vết ? Giận thày-lay vạch lá tìm sâu. Ai ai đều phận thủ như nhau ; Khắn-khắn cũng một lòng phò chủ. Kẻ đầu kia, người việc nọ, Đứa coi ngoài có đứa giữ trong. Đêm năm canh con mắt như chong : Đứa đạo tặc nép oai khủng-động. Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống, Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh. Lại đến ngày kỵ-lạp tiên-sinh, Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc. Bao-quản chui gai, lước góc, Chi này múa mỏ, lòn hang. Anh trâu sao chẳng biết thương, Nỡ lại tra lời sanh-nạnh. Ăn thì cơm thừa, canh cặn, Ăn thì môn sượng, khoai sùng Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều, Có cũng rằng, không cũng chớ. Trâu rằng : trâu ăn rơm với cỏ Mà còn có một thằng chăn, Tốn áo-quần cùng tốn cơm ăn, Nỗi lại tới gạo tiền đằng khác; Tính chắt-lót một năm hai đạc, Về thằng chăn đã hết một trâu. Cũng mạnh cày, mạnh kéo nên giàu, Hãy cho nhẹm mình trâu là quí. Vốn như đây gia-tài ủy-ký, Mà chủ không tốn kém đồng nào. Nếu không muông coi trước giữ sau, Thì của ấy về tay kẻ trộm. Trâu biết nói, trâu không biết xét, Suy mình muông công-nghiệp đã dày, Khi sống thì giữ-gìn của đời, Khi thác xuống giữ cầu âm-giái, Người có phước, muông đưa ra khỏi, Ai vô nhân, qua chẳng đặng đâu ! Chủ có lòng suy trước,xét sau, Khi lâm-tử gạo tiền tống táng. Chủ đã có công dày ngãi rộng, Muông dễ không tiếp rước đãi-đưa, Thấy anh trâu chưa biết căn-do, Nó (Nói ?) vài chuyện, kẻo chê muông dại". o o o Trâu với muông hai đàng đối-nại, Chủ nghe qua khó nỗi xủ-phân : "Thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn. Phú lưỡng bạn dĩ hoà vi quí". Chú thích: dong-dưỡng: Nuôi-nấng bổ thiên, dục nhật: Giúp trời; Dục nhật : Tắm cho mặt trời. Rồng làm mưa trong khi hạn-hán, cho nên gọi là giúp trời, sau cơn mưa mặt trời lại sáng, cho nên gọi là tắm cho mặt trời tỏ. giúp thánh, phò thần: Đời có thái-bình, Kỳ-lân mới hiện ra, cho nên gọi nó là một loài thú giúp các bậc thánh thần trong đời thịnh trị. Quy: Rùa dùng để bói cho biết sự nên, sự hỏng, sự xấu, sự tốt. lảu: Biết rõ thạnh suy: Chim phụng hoàng gặp đời thịnh ra, gặp thời suy thì ẩn đi. ba ngàn thế-giái: Kinh phật chia vũ-trụ làm tiểu thế-giái, đại thế-giái, cộng cả lại gọi là tam thiên thế-giái (giái : giới) Nhẫn: Nhìn, xem. hi-sinh: Loài súc dùng làm thịt để cúng-tế. ghe: Nhiều Lóng: Nghe thảo-dã: Cánh đồng cỏ. bua việc: Công việc niệt: Cái dây. hòa: Và ben: Bi, vi thế: Thay, làm hộ. no: Đủ. : Vừng. dầm công: Làm việc không nghỉ. liên khói: Luôn luôn. Nhẫn đến: Cho đến, đến cả. bổi: Cỏ rác. phú: Phó. ràn lấm: Chuồng bẩn lấm. tráp, nè: Tráp :Tàu bỏ rơm cho trâu bò ăn . Nè : Cỏ rác vụn. căn: Chỗ ngăn ra để chứa thóc lúa. thao-lụa: Tơ lụa. khố lưỡi-cày: Thứ khố vải, một đầu vuông, một đầu chéo. bảo-dưỡng: Nuôi nấng. lao-lý: Khó nhọc. đơm: Cúng. sinh cử, tử táng: Sống cho ở, chết đem chôn. mới ưng: Mới phải đạo. siêu-độ: Độ cho kiếp sau được sung-sướng hơn, cốt Phật xưa kia: Nước Thiên-trúc có loài trâu sừng nhỏ, sắc đen, mình rất cao, thịt cắt rồi lại mọc, ai uống máu nó thì sống lâu, người ta gọi là phật-ngưu. (Đường Thư). đình-liệu: Cây đuốc to. lòng bóng ép gối mà kê: Lấy lòng và bong bóng trâu phơi khô ép làm gối. ngạt quạt: Nan vái quạt. bầu liều: Cái bầu dùng để ao, đong. làm nham, làm thấu: Nham, thấu : Hai món đồ ăn. phủi: Phẩy đi, xóa đi. bôi chuông: Theo lễ cổ, khi nào đúc xong một quả chuông thì giết trâu, lấy máu bôi vào chuông, lễ này gọi là Hấn-chung (bôi chuông). đường hạ: Dưới thềm, dưới nhà. Ơn Tề-vương vô tội kiến tha: Tề Tuyên-vương trông thấy người ta dắt trâu đi làm thịt để lấy máu bôi chuông, thương trâu vô tội, bèn truyền lệnh tha cho (Mạnh-tử). Điền-tử: Điền tử Phương người đời Chiến-quốc, rất thương những trâu ngựa già, dạy con chớ bán: Điền tử Phương thường dặn con cháu và người nhà đừng đem bán trâu và ngựa già. Dĩ đức hành nhân: Lấy điều phúc-đức để thi-hành lòng nhân. Báo ân dĩ oán: Lấy sự oán báo lại cái ân. nói thép: Nói lý-sự. lét-lét: Sợ mà tránh không cho ai trông thấy, sốt: Nóng, bức lơ đĩnh lơ hoang: Hờ-hững, không thiết, tống chung, an thổ: Tống chung : Đưa lúc chết . An thổ : Chôn xuống đất. Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu: Đáng bạc lại xử hậu, đáng hậu lại xử bạc. các hữu kỳ tài: Mỗi một giống vật có một tài riêng. nông bổn: Nghề làm ruộng là gốc. Trong nhà. gia-trung: Trong nhà thày-lay: Lôi thôi, càn dỡ phận thủ: Giữ một chức-phận. Khắn-khắn: Khăng-khăng chăm-chỉ. khủng-động: Sợ hãi sanh-nạnh: Nói ngang, nói bướng. môn sượng, khoai sùng: Khoai sùng : Khoai hà, chắt-lót: Tính ít nhất. hai đạc: Hai thủa ruộng. nhẹm: No đủ. ủy-ký: Phó thác. âm-giái: Âm-phủ. lâm-tử: Lúc chết. đãi-đưa: Lúc chủ mất muông cũng đón rước tử-tế ở cầu địa-phủ, nhĩ ngã thiệt hơn: Phân-bì mình với ta. Lục súc tranh công 4- Hai vật đã tương đồng hoan-hỉ, Lại cùng nhau từ-tạ một lời : "Như luận trong công-nghiệp hai tôi: Ăn có bữa, lo không có bữa. Dám thưa người, báu gì giống ngựa, Mà trau-tria lều-trại nhọc-nhằn ? Ăn cho ăn những cháo đậu xanh, Ở thì ở những tàu lợp ngói. Bữa bữa dạo chơi, tắm gội, Ngày ngày chắn vó, hớt mao. Sắm-sửa cho, chẳng biết chừng nào, Suy-tính lại, dư trăm, dư chục. Sắm lá vả, sắm yên, sắm lạc, Sắm chân-đưng hàm thiếc, dây cương. Dời tiền, dời hậu bao vàng, Thắng đái, dây cương thếp bạc. Gẫm giống ấy : Nết-na giớn-giác, Tính-khí chàng-ràng, Tuy đang khi mọi vẻ nghiêm-trang, Trong gia-sự nhiều điều ngơ-ngáo. Nghề cày-bừa, nghe coi lếu-láo, Việc bắn săn coi cũng ươn tài, Chủ nuôi không biết chủ là ai, Nhà ở, chẳng biết nhà mà lại. Dại không ra dại, Khôn chẳng nên khôn ; Ngất-ngơ như ốc mượn hồn. Nuôi giống ấy làm chi cho rối". 5- Mã Ngựa nghe nói, tím gan, nổi phổi, Liền chạy ra hầm-hí vang tai : "Ớ ! này, này, tao bảo chúng bay, Đố mặt ai dày bằng mặt ngựa ? Tuy rằng thú, cũng hai giống thú, Thú như tao ai dám phen-lê Tao đã từng, đi quán, về quê, Đã ghe trận đánh nam, dẹp bắc. Mỏi gối nưng phò xã-tắc, Mòn lưng cúi đội vương-công. Ngày ngày chầu chực sân rồng Bữa bữa dựa kề loan giá, Ông Cao-tổ năm năm thượng mã, Mới dựng nên cơ-nghiệp Lưu-gia, Ông Quan Công sáu ải thoát qua, Vì cậy có Thanh-long, Xích-thố Đã nhiều thủa ngăn thành, thủ phủ Lại ghe phen đột pháo, xông tên Đàng xa-xôi ngàn dặm quan-sơn Ngựa phi-đệ một giờ liền thấu. Các chú đặng ăn no, nằm ngủ, Bởi vì ta cần-cán, giữ-gìn. Khắn khắn lo nhà trị, nước yên, Chốn chốn đặng nông-bô lạc-nghiệp. Các chú những nằm trong xó bếp, Tài các ngươi ở chốn quê mùa. Đừng đừng buông lời nói khật-khù Bớt bớt thói chê-bai giớn-giác, Nếu tao chẳng lo trong việc nước, Giặc đến nhà ai để chúng bay ? Thật biết một mà chẳng biết mười, Chớ lừng-lẫy cậy tài, cậy thế". " " " Ngựa nói lâu, gẫm càng hữu lý, Vậy chủ bèn phân-giải một lời : "Đại tiểu các hữu kỳ tài, Vô đắc tương tranh nhĩ ngã". 6 - Trâu với ngựa cùng muông ba gã, Mới ra ngoài từ-tạ phân nhau. Ngựa giận dê, đứng lại giây lâu, Bèn phát-trạng cáo nài với chủ : "Dê với ngựa cũng là giống thú, Chăn đồng chăn, nuôi cũng đồng nuôi, Dê, người cho ăn nhảy chơi-bời, Ngựa, người bắt kỵ-biều,, luân-tế. Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ, Hình con con, bụng lớn ; Cáng-náng như đứa có hạ-nang, Sớn-sác tợ con chàng kẻ cướp. Nghề tế-kiệu coi đà xấu vóc, Việc cày-bừa nhắm bóng cũng ươn ; Hễ thấy người thấp-thoáng đôi bên, Liền há miệng kêu la : bé-hé". 7- Dương (dê) Dê nghe ngựa nói dê quá tệ, Liền chạy ra vác mặt, vênh râu ; Dê nói rằng : "Ta đọ với nhau, Thử anh lớn hay là tôi lớn. Anh đã từng vào dinh, ra trấn, Sá chi tôi tiểu thú quê mùa ? Mạnh thì lo việc nước, việc vua. Song chớ khá cậy tài, cậy tướng, Ai có tài, chủ ban chủ thưởng, Ai không công, tay làm hàm nhai, Chẳng dám ăn lúa má, môn khoai ; Không hề phạm đậu mè, hoa quả. Khuyên khuyên chớ nói ngang nói ngửa, Bớt bớt, đừng ỷ thế, cậy tài, Ai chẳng biết đuôi ngựa thì dài, Dài thì để xua mòng, đuổi muỗi ; Vốn như đây đuôi tuy vắn-vỏi, Đây cũng không mượn ngựa nối thêm. Ngàn dặm trường, mặt ngựa khoe êm. Ba gò sỏi, dê đà xong việc. Việc dê thì dê biết, Việc ngựa thì ngựa hay Bừa-cày, có thú bừa-cày, Kiệu-tế, có muông kiệu-tế, Dê vốn thật thuộc về việc lễ, Để hòng khi về hạng tư-văn ; Để dành khi tế thánh, tế thần, Lại có thủa kỳ-yên, kỳ-phước. Hễ có việc, lấy dê làm trước, Dê dâng vào người mới lạy sau. Ngựa tuy rằng hình-tượng lớn cao, Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa ? Dầu đến việc làm đình, làm chợ, Cũng lấy dê trảm-thảo, bồi-cơ ; Nhẫn đến ngày mạng tướng xuất sư, Cũng lấy dê khấn cầu tổ-đạo. Lễ cốc sóc thánh nhân còn bảo : Tử Cống sao dê sống bỏ đi ? Ngựa nói ngang mà chẳng biết suy, Dê nào có thiếu chi công trạng ? Nói cho xứng-đáng, Há dễ cơ-cầu, Dê tuy rằng vô vĩ, vô đầu, Quan phong Trường-tu chủ-bộ. Hèn như dê mà dám đọ, Tiện như dê, quí bất khả ngôn. Ngựa rằng : Ngựa ở chốn quyền môn, Phong cho ngựa chức chi nói thử ? Thưa chủ nghiệm việc dê với ngựa, Cân mà coi, ai trọng, ai khinh ?" 8- Ngựa nghe qua tỏ đặng sự tình, Dê rằng : bé, ai hay chức lớn ? Dê nói lại tài dê cũng rắn, Ngựa thưa qua, sức ngựa thêm rồng : Chủ phê cho lưỡng bạn tương đồng, Chắp sự giả các tư kỳ sự. " " " Lời tự-thuận hai đàng xong-xả, Dê phát ngôn, bèn trở nại gà : "Nuôi chúng tôi lợi nước lợi nhà, Nuôi giống gà thật vô ơn ngãi. Thấy chủ vãi đám ngò, vạc cải Túc nhau bươi chếch gốc, trốc cây. Thấy người trồng đám đậu, vồng khoai, Rủ nhau vầy nát bông, nát lá. Rất đến đỗi thấy nhà lợp rạ, Kéo nhau lên vậy-vã tâng bầng. Cho ăn rồi quẹt mỏ sấp lưng Trời chưa tối, đà lo việc ngủ. Ba cái rác nằm không yên chỗ, Mấy bụi rau nào để bén dây Cả ngày thôi những khuấy, những rầy, Nuôi giống ấy làm chi vô lối ?" Chú thích: trau-tria: Sửa-sang. chắn vó: Cắt gọt móng. sắm lạc: Lạc : Nhạc đeo cổ. chân-đưng: Bàn đạp, phen-lê: Phân-bì. Cao-tổ năm năm thượng mã,: Hán Cao-tổ mã thượng đắc thiên hạ : Vua Cao-tổ họ Lưu đánh dẹp năm năm được thiên-hạ ở trên mình ngựa. Quan Công sáu ải thoát qua: Quan Vũ vượt qua sáu cửa ải. Thanh-long, Xích-thố: Thanh-long : Tên thanh-đao. Xích-thố : Tên con ngựa sắc hồng, phi-đệ: Chạy nhanh như tên bay. nông-bô lạc-nghiệp: Dân cày-cấy yên-vui nghề-nghiệp. khật-khù: Gàn-dở Đại tiểu các hữu kỳ tài: Vật lớn vật nhỏ đều có một nghề tài giỏi riêng. Vô đắc tương tranh nhĩ ngã: Không được ganh-tị nhau. phát-trạng: Phát đơn khiếu-nại. kỵ-biều: Cưỡi chạy. luân-tế: Chạy luôn không nghỉ. chang-bang: To phềnh. đứa có hạ-nang: Người có bệnh sa đì. tế-kiệu: Chạy nước kiệu. nhắm bóng: Xem hình-dạng, môn: Loài khoai, giống khoai sọ thường mọc ở rừng, mòng: Một loài ruồi lớn. muông: Loài thú, tư-văn: Hội các nhà văn-thân lập lên để phụng-sự đức Khổng-tử và tình liên-lạc trong phái văn-hào. Tam sanh: Ba giống súc : Dê, lợn và trâu bò dùng làm đồ tế- lễ, trảm-thảo, bồi-cơ: Trảm-thảo : Phát cỏ - Bồi-cơ : Đắp nền. Theo tục khi làm đình làm quán, giết dê tế thổ-thần để khởi công. tổ-đạo: Mở đường. Lễ làm khi xuất quân thường giết dê để tế cờ. cốc sóc: Cốc : Trình cho biết, tiếng dùng riêng để tế thần-thánh. Sóc : Ngày mồng một mỗi tháng. Lễ cổ cứ ngày mồng một đầu tháng, các vua chư hầu giết dê làm lễ cúng ở nhà thái-miếu. Tử Cống: Học-trò Khổng phu-tử .Theo sách Luận ngữ, thầy Tử Cồng muốn bỏ lễ cốc-sóc, vì tiếc mỗi tháng mất con dê, song Đứ Khổng-tử cho là lễ cốc-sóc có nhiều ý-nghĩa quan-trọng hơn con dê nhiều. cơ-cầu: Cãi lẽ. Trường-tu chủ-bộ: Chức chủ-bộ dài râu, biệt-hiệu của con dê. rắn: Cứng-cỏi. rồng:Hay, khỏe-mạnh. Chắp sự giả các tư kỳ sự: Người nào coi việc gì cứ giữ việc ấy. chủ vãi: Vãi : Rắc hạt giống trồng. ngò: Loài rau thơm, tức là rau mùi. vạc cải: Vạc : Đám. bươi: Bới. trốc: Đổ, làm bật lên. vồng: Luống. sấp lưng: Quay lưng lại. Lục súc tranh công 9- Kê (gà) Gà nghe nói, nóng gan, nóng phổi, Liền nhảy ra, chớp cánh, giương đầu. Này này ! gà ngũ đức thẳm sâu : Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ. Trên đầu đội văn-quan một mũ ; Dưới chân đeo hai cựa thần-thương. Đã ghe phen đến chốn chiến-trường. Lập công-trận vang tai, lói óc, Thủa Tây-Lũng tam canh trống thúc ; Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya, Một tiếng rằng : thiên-nhật tác thì ; Hai tiếng rằng : quốc-tộ tác xương, Ba tiếng rằng : nhân-gian tác lạc, Đã cứu nạn Mạnh-thường đặng thoát ; Lại khuyên người Tấn-sĩ năm canh. Hễ ai toan cải dữ về lành, Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp. Coi giò gà xét biết thịnh suy. Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu-y, Cất tiếng gáy, toại lòng người đãi-đán, Cứ mấy điều mà đoán, Đã tỏ việc phải chăng ? Giận anh dê cứ nói việc ăn, Khéo kiếm chác những điều xoi tệ. Dê biết lễ gà cũng biết lễ, Dê phong Chủ-bộ, gà chức Tư-thần. Nói vài điều đã biết xứng cân, Huống gà có ngoại khoa biết mấy ? Chưa biết ai hay rầy, hay khuấy, Chưa biết ai ngủ sớm ngủ mê. Gà không người chăn giữ đi về, Nên gà mới lỗi-lầm bươi-móc. Dê lầm thế không ai xem-sóc, Việc phá dê bằng chín bằng mười. Bữa ăn gà tốn kém mấy hơi? Nói những chuyện so chày buộc chặt. Kể ít chuyện cho dê biết mặt, Kẻ rằng gà vô thú trong đời. Chẳng nhớ xưa đêm sáng, tốt trời, Xui kẻ nhớ vợ hiền thêm chạnh. Thức vua Thính làm lành giấc tỉnh. Gà thua dê một hàm râu nịnh, Nghĩ lại coi không ích-lợi chi. Gà dễ đâu có dám phân bì, Nói điều phải mà nghe cho đặng ?" " " " Dê nghe nói công-lênh nhẹ nặng, Mới biết suy hơn thiệt mọi điều : "Thôi, thôi, nói ít biết nhiều, Dê xin chịu lập tờ tự-thuận" Gà còn hãy chưa nguôi cơn giận, Bèn phát ngôn thưa chủ một lời : "Như chúng gà vốn đạo làm tôi, Giữ một tiết thức khuya dậy sớm. Thủa ấu thơ người còn tríu-trớn; Đến lớn khôn đều có riêng quan. Ai siêng bươi, siêng móc thì no, Bằng biếng lặt, biếng tìm thì đói. Gà gẫm lại thân gà thêm tủi, Làm tôi người không đặng nhờ chi. Heo ăn rồi ngủ ngáy sì-sì, Giả ngây dại, biết gì việc chủ. Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú, Xem dung-nhan khác thế lạ đời. Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi Chạy rau cám, như tiền nội-án. No đú mỡ, nhảy quanh, nhảy quất, Đói xép hông, cắn máng, cắn chuồng. Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng, Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy, Bán-bối gì mà người yêu vậy ? Mù quáng chi mà phải báo cô?" 11- Thỉ (heo, lợn) "Chú gà chớ lung-lăng múa mỏ, Giữ, có ngày cắn cổ chẳng tha ! Ghét thương thì mặc lượng chủ nhà, Chớ thóc mách kiếm lời phỉ báng. Như các chú lao-đao đã đáng, Heo thong dong ăn nhảy mặt (mặc ?) heo. Nội hàng trong lục súc với nhau, Ai sánh đặng mình heo béo tốt ? Vua ngự lễ Nam-giao đại-đột, Phải có heo mới gọi tam-sanh, Đừng đừng quen lời nói lanh-chanh, Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ, Kìa những việc hôn-nhân giá-thú. Không heo ra, tính đặng việc chi? Dầu cho mời năm bảy chuyến đi, Cũng không thấy một người thấp-thoáng. Việc hòa-giải, heo đầu công trạng, Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù. Nhẫn đến khi ngu-phụ, ngu-phu, Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu. Làng-xã tới lao-đao, láu-đáu, Nào thấy ai gỡ rối cho xong, Khiêng heo ra để lại giữa dòng, Mọi việc rối liền xong trơn-trải. Phải chăng, chăng phải, Nghĩ lại mà coi, Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi Thảy thảy cũng lấy heo làm trước. Bởi gà nhỏ nói lời lấn-lướt, Nên phải phân ít chuyện mà nghe. Dễ heo nào có dạ dám khoe ? Khắn-khắn cũng lo làm việc phải. Heo cũng biết đền ơn báo ngãi, Heo cũng hay tiêu họa, trừ tai, Toái thân phấn cốt chi nài ? Nát thịt tan xương bao quản ? Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng. Thân mình này ví bẵng như không. Tại chú gà lời nói khùng-khùng, Mới sinh sự so-đo trường đoản". " " " Vậy chủ bèn phân-đoán, Phê một câu khúc tận kỳ tình : "Gà biết chữ xả sinh thủ ngãi ; Heo đặng câu tịnh sinh, tịnh dục " 12 - Nhân rảnh thảo ra một lúc, Chép ra cho rõ sự đời Sự này cũng sự nói chơi, Ai muốn thì đọc mà cười cho vui. -HẾT- Chú thích: chớp cánh: Vỗ cánh. Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ: Hàn-thi ngoại truyện : gà có năm đức-tính : có ăn thì gọi nhau là nhân ; có chí phấn-đấu hăng hái là dũng; đêm gáy đúng gọi là tín; chân có cựa sắt là võ; đầu có mào đỏ là văn, văn-quan: Mũ quan văn thần-thương: Giái sắt, thiên-nhật tác thì: Thời giờ bắt đầu cho đúng. quốc-tộ tác xương: Ngôi vua thịnh-vượng cho lâu-bền. nhân-gian tác lạc: Cõi người bắt đầu yên-vui. Mạnh-thường đặng thoát: Sử-ký : Mạnh-thường Quân khi đi tị nạn, đến cửa quan thì cửa quan đã đóng mất rồi, nhờ có người gia-khách giả làm gà gáy sáng, người coi thành ngỡ là đã sáng, mở cửa thành, vì thế mà Mạnh-thường Quân thoát nạn. Tấn-sĩ năm canh:Tấn-thư : Tổ Địch và Lưu Côn là hai chí-sĩ ở đời Tấn, đêm nghe gà gáy trở dậy múa gươm. Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp: Mạnh-tử : Kê minh vi thiện : Những người tốt nghe gà gáy đã dậy ngay để làm điều lành. giò gà xét biết thịnh suy: Khương Tử Nha xem chân giò mà biết trước là nhà Chu hưng-thịnh và nhà Thương mất. tiêu-y: Ban đêm cũng cứ để nguyên cả khăn áo, không ngủ và ngồi để chờ sáng. đãi-đán: Đợi sáng. Người có chí thì thường đêm không ngủ chỉ mong cho trời sáng để làm công-việc. Tư-thần: Giữ một chức vụ báo cho người biết trời sáng. ngoại khoa: Những môn ngoài môn chính. Xui kẻ nhớ vợ hiền thêm chạnh: Kê minh húc đán : Người vợ hiền nghe tiếng gà gáy, đã khuyên chồng trở dậy. Thức vua Thính làm lành giấc tỉnh: Mạnh-tử : Thuấn chi đồ kê minh thiện : Những người về phái vua Thuấn, nghe tiếng gà gáy đã trở dậy ngay để làm điều lành. tríu-trớn: Đớn-hèn riêng quan: Công-việc riêng, nội-án: Tiền nội-án : Tiền lộ-phí trong việc kiện-tụng. bữa nào sai chạy: Bữa nào cũng phải cho đủ. báo cô: Nuôi cho ăn không. đại-đột: Lón lao. vô hồi: Hết thảy. Toái thân phấn cốt: Thịt nát xương tan. khúc tận kỳ tình: Rõ cả tình-lý một cách khúc-chiết.. xả sinh thủ ngãi: Bỏ đời sống để giữ lấy nghĩa. sát thân thành nhân: Giết mình để làm tròn đạo nhân. tịnh sinh, tịnh dục: Cùng sống cùng sinh-sản ra cho nhiều,

No comments:

Post a Comment

Newer Post Older Post Home Subscribe to: Post Comments (Atom)

About Me

My photo nuocnha Retired since 2008 View my complete profile

Blog Archive

  • ▼  2015 (45)
    • ▼  November (14)
      • Nữ Tú-Tài <!--[if gte vml 1]> ...
      • Nhị thập tứ hiếu <!--[if gte vml 1]> ...
      • Nhị Độ Mai ............................. Phầ...
      • Nhị Độ Mai .....................................
      • Nhị Độ Mai <!--[if gte vml 1]> ...
      • Phần 1 ....... Tôi làm thêm phần này từ hồ sơ "ki...
      • Lục-Vân-Tiên ... Tiếp theo ... 9.- Vân-Ti...
      • Lục-Vân-Tiên <!--[if gte vml 1]> ...
      • Ngư Tiều Y thuật Vấn Đáp Thân nhân của tôi đ...
      • Lục súc tranh công Hiệu-đính các truyện cổ ...
      • Hoa-tiên truyện <!--[if gte vml 1]> ...
      • Hoa Điểu tranh năng Hiệu-đính các truyện cũ ...
      • Hạnh thục ca <!--[if gte vml 1]> ...
      • Gia huấn ca <!--[if gte vml 1]> ...

Từ khóa » đọc Truyện Lục Súc Tranh Công