Lục Tổ Huệ Năng - Thiền Phật Giáo
Có thể bạn quan tâm
LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Tâm Thái
- Kinh Pháp Bảo Đàn – Lục Tổ Huệ Năng
- Lục tổ Huệ Năng – Pháp môn Vô Niệm
- Kinh Kim Cương Bát Nhã – Lục Tổ Huệ Năng Giảng nghĩa
*******************
Nói đến Thiền tông thì hai vị Tổ có ảnh hưởng tối quan trọng là Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã đem hạt giống Thiền tông từ Ấn Độ qua gieo trồng tại Trung Hoa vào khoảng năm 520. Tổ là vị tổ thứ 28 tại Ấn Độ nhưng từ khi Tổ qua Trung Hoa và thực sự đặt nền móng cho Thiền tông tại Trung Hoa thì được coi là Sơ Tổ Thiền tông tại Trung Hoa. Sau chín năm ở Trung Hoa Tổ truyền y bát cho tổ Huệ Khả (487-593) tức vị tổ Thiền tông thứ hai. Kế đến là các Tổ: Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng. Như vậy tổ Huệ Năng (638-713) (Nhật: Eno, Tr. Hoa: Hui Neng) là vị tổ thứ sáu ở Trung Hoa. Tổ Huệ Năng giữ một địa vị rất quan trọng của Thiền tông vì tuy nền móng của Thiền tông do tổ Bồ Đề Đạt Ma đặt ra nhưng sau gần 200 năm, đến thời tổ Huệ Năng mới thực sự phát triển mạnh với một đường lối rõ rệt và vững chắc. Cuộc đời và việc truyền pháp của Tổ được ghi rõ trong kinh “Pháp Bảo Đàn” (The Altar Sutra of the Dharma Treasure, hoặc Platform Sermons of the Sixth Patriarch). Cho tới nay sau hơn một ngàn ba trăm năm tuy Thiền tông có chia thành nhiều hệ phái nhưng căn bản do Lục Tổ đặt ra vẫn là nòng cốt chỉ đạo. Theo D.T. Suzuki thì “Kinh Pháp Bảo Đàn xứng đáng là một công trình vĩ đại vì đã định hướng cho tư tưởng Phật giáo trong nhiều thế kỷ tại Trung Hoa.”Nếu muốn tu hành Thiền tông cho có căn bản thì cần thấu triệt những lời chỉ dạy trong cuốn kinh đó.
Kinh Pháp Bảo Đàn
Kinh này được chia làm 10 phẩm. Kinh được dịch ra tiếng Việt do quý hòa thượng Minh Trực, Thích duy Lực, Thích thanh Từ cùng nhiều vị khác . Kinh được dịch ra tiếng Anh trong các cuốn: “The Diamond Sutra and the Sutra of Hui Neng của A. F. Price và Wong Mou Lam”, “A Buddhist Bible của D. Goddard” và trích từng đoạn trong các sách của D. T. Suzuki, Christmas Humphreys.
Phẩm thứ nhất: Hành do
Phẩm này kể về tiểu sử Lục Tổ. Tổ họ Lư, tên Huệ Năng, sanh trưởng trong gia đình nghèo túng, mồ côi cha từ khi ba tuổi. Hàng ngày Huệ Năng phải vào rừng đốn củi đem bán để nuôi mẹ. Đến năm 22 tuổi, một hôm chỉ mới được nghe người khác tụng kinh Kim Cang mà đã tỉnh ngộ và nhờ có duyên tốt, được người giúp đỡ, nên có dịp đến theo học Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (TrH: Hung Jen) tại huyện Huỳnh Mai. Khi Huệ Năng đến yết kiến Ngũ Tổ thì Ngũ Tổ hỏi: “Đến đây cầu việc gì?” Huệ Năng đáp: “Đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.” Tổ tiếp: “Ngươi là người xứ Lãnh Nam, lại là dân man rợ, thế nào thành Phật được! ” Huệ Năng đáp: “Con người tuy có phân chia Nam Bắc, chớ Phật tánh vốn không có Nam Bắc. Cái thân man rợ này đối với hòa thượng tuy chẳng giống nhau, nhưng cái tánh Phật đâu có khác!” Dù chỉ mới bắt đầu xin theo học mà Huệ Năng đã tỏ ra hơn người, vì đã thấy rõ mục đích Thiền là thành Phật, thấy rõ Phật tánh mọi người như nhau. Cũng nên nhớ ‘thành Phật’ tức là được ‘giác ngộ’, thấy rõ được Phật tánh, tự Tánh. Ngũ Tổ thầm nhận Huệ Năng là người khác thường rồi.
Sau đó Huệ Năng, vì vẫn là một cư sĩ, chỉ được giao cho công việc giã gạo ở nhà sau chứ chưa được lên nhà trên theo học như các tăng khác. Tuy vậy Huệ Năng vẫn nhẫn nại giã gạo được hơn tám tháng. Tới lúc Ngũ Tổ thấy thời cơ truyền pháp đã đến, ra lệnh cho toàn chúng trình kệ để chọn người kế thừa. Ngũ Tổ nói: “Sanh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sanh tử. Nếu mê tự tánh thì phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí Bát nhã của tự tánh và làm một bài kệ trình cho ta xem, nếu ai ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu.” Tất cả chúng bảy trăm người đều tin rằng chỉ có giáo thọ sư của họ là Thượng tọa Thần Tú (TrH: Shen Hsiu) mới đủ khả năng làm việc này nên không ai dám nghĩ đến việc trình kệ. Thần Tú trình bài kệ:
“Thân thị Bồ Đề thọ, Tâm như minh cảnh đài, Thời thời cần phất thức, Vật sử nhạ trần ai.”
(Dịch: “Thân là cây bồ đề, Tâm như đài gương sáng, Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để dính bụi trần.”) Ngũ Tổ kêu Thần Tú vào nói: ” Ngươi làm bài kệ ấy, tỏ ra chưa thấy Bản tánh, ngươi mới tới ngoài thềm cửa, chưa vào trong nhà. Cứ như chỗ thấy hiểu ấy mà tìm đạo Vô thượng Bồ Đề thì rõ ràng không thể được.”
Sau đó Huệ Năng vì không biết chữ nhưng có nhờ người viết để trình bài kệ đối lại với bài kệ trên:
“Bồ đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai.”
(Dịch: “Bồ đề vốn chẳng cây, Gương sáng cũng chẳng đài, Xưa nay không một vật, Nơi nào dính bụi trần.”)
Ngũ Tổ đọc hai bài kệ và thấy Huệ Năng là người đã ngộ Thiền nên trao y và bát cho Huệ Năng và truyền ngôi Tổ thứ sáu. Khi truyền pháp cho Huệ Năng thì Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang, đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Nên không trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình), Huệ Năng ngay đó đại ngộ là tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh, mới trình với Ngũ Tổ rằng:
“Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt, Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ. Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động. Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp.”
Ngũ Tổ biết Huệ Năng đã ngộ bản tánh, nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm, học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm, thấy được bản tánh, tức gọi là Trượng phu, là Thầy cõi trời, cõi người, là Phật.”
Hai bài kệ trên của Thần Tú và Huệ Năng chứng tỏ hai đường lối tu hành khác nhau. Thần Tú với sở trường uyên bác, thành thạo kinh điển, có khuynh hướng trừu tượng và quan niệm hóa, nên cho rằng tu hành là “lau chùi” cho tấm gương tâm được sáng lại. Nhưng Huệ Năng đã khéo léo “đập bể” tấm gương và chỉ thẳng “bản lai vô nhất vật”, chứng tỏ đã tới chỗ tuyệt đối thì không có một cái gì ở đó, nói chi tới gương, tới bụi. Đường lối tu hành đó thiệt đã dẫn thẳng đến chỗ cứu cánh, mà không còn dùng tới phương tiện như “lau chùi” nữa. Pháp môn của Thần Tú vẫn có giá trị và hữu ích cho những người chưa đạt tới thượng căn, còn pháp môn của Tổ là dành cho những người đã đủ trình độ để đạt tới mức cứu cánh. Vì vậy chúng ta không nên nói pháp nào hay, pháp nào dở.
Tuy Lục Tổ thấy cái “Không” nhưng không chấp Không, vì cũng còn thấy Tự tánh diệu dụng với năm câu “đâu ngờ … “. Thấy được Tự tánh mới là mục đích của Thiền tông, chứ không phải chỉ thâm hiểu chữ “Không” là đủ. Trong một bài giảng, Tổ cũng nhắc nhở: “Chớ nghe ta nói ‘Không’ mà liền chấp ‘Không’. Nếu để tâm trống không mà tĩnh tọa là chấp cái Vô ký không.”
Đoạn trên chứng tỏ sự sáng suốt của Ngũ Tổ trong việc lựa chọn người truyền pháp, cho nên tuy Huệ Năng chỉ là một cư sĩ mà đã được chọn làm vị Tổ thứ sáu của Thiền tông. Ngay đêm đó Ngũ Tổ đưa Lục Tổ ra đi một cách kín đáo. Sau đó nghe tin Huệ Năng được truyền thọ, có mấy trăm người đuổi theo để lấy lại y bát vì cho rằng Huệ Năng không xứng đáng. Điều đó cũng dễ hiểu vì một ông cư sĩ chỉ biết giã gạo, không được học hỏi gì về Phật pháp mà lại được trao cho danh vị Tổ thì đối với nhiều tăng thật khó mà chấp nhận. Có một vị tăng tên là Huệ Minh, vốn là một tướng quân, tánh tình nóng nảy, đuổi kịp Huệ Năng, nhưng sau đó lại bị khuất phục nên xin Huệ Năng nói pháp. Huệ Năng nói: “Ông đã vì Pháp mà đến đây, thì nên dứt hết các trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng, ta sẽ vì ông mà nói Pháp.” Một hồi sau Huệ Năng nói: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bản lai diện mục (original face) của thượng tọa Minh”. Huệ Minh ngay đó đại ngộ. Đó là bài pháp thứ nhất của Lục Tổ, tuy ngắn ngủi mà sau này thường được nhắc nhở tới.
Sau đó Lục Tổ vẫn chưa có dịp hoằng pháp, mà phải ẩn náu trong 15 năm. Khi đến chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu và gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn. Lúc ấy có luồng gió thổi động lá phướn. Một vị tăng nói gió động, một vị tăng khác nói phướn động, cả hai tranh cãi không ngừng. Huệ Năng bước ra nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà là tâm các ông động.” Cả chúng đều ngạc nhiên. Pháp sư mời Huệ Năng lên ghế ngồi và sau cuộc đàm đạo, Pháp sư nhận ra được Lục Tổ, xuống tóc cho Tổ và thờ Tổ làm thầy. Tới lúc đó Tổ mới chính thức thọ giới. Pháp sư hỏi Tổ là Ngũ Tổ Huỳnh Mai truyền thọ như thế nào. Tổ trả lời: “Ngài không có truyền thọ gì, chỉ cần Kiến tánh, chẳng cần Thiền định để Giải thoát.”
Quan Thứ sử cùng các viên quan, chức sắc vào núi thỉnh Tổ về nơi giảng đường chùa Đại Phạm để thuyết pháp. Năm sau Tổ rời về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê để hoằng pháp. Trung bình chư tăng thường có mặt tại chùa không dưới một ngàn.
Phẩm thứ hai: Trí huệ Bát nhã
Phần này có thể được coi là quan trọng nhất trong kinh. Tổ giảng về pháp Ma ha Bát nhã Ba la mật đa (Skt: Maha Prajna Paramita), có nghĩa là đại trí huệ đến bờ bên kia. Pháp tu này đạt thẳng mục đích của Thiền là Kiến Tánh Thành Phật. Tất cả chúng sinh, từ người ngu đến kẻ trí đều có Phật tánh như nhau. Có khác nhau chăng chỉ là kẻ mê, người ngộ. Vì vậy nên Tổ chỉ rõ thêm: “Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ đề; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức Bồ đề.” Thế nào là mê, mê đây là không thấy được tự tánh của mình. “Bản tánh là Phật, lìa tánh chẳng có Phật … Trí Bát nhã đều từ bản tánh mà sanh, chẳng phải từ bên ngoài vào, không nên lầm với ý thức”. Tất cả muôn pháp đều ở trong tự tánh của con người, hoặc nói cách khác là tự tánh bao hàm muôn pháp. Ngay cả chư Phật ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai), mười hai bộ Kinh cũng đầy đủ ở trong tự tánh.
Cần biết rõ những danh từ tự tánh, bản tánh là để chỉ cái bản thể (self-nature) của mỗi người, đó là cái không sanh, không diệt, không biến đổi, thường hằng. Không nên lầm với danh từ tánh tình, tánh nết là những hiện tượng do duyên hợp tạo nên, luôn thay đổi, không có một thực thể. Thí dụ ta không thể nói người đó bản tánh nóng, vì lúc gặp một việc vui mừng người đó cũng vui vẻ như những người khác, vậy lúc đó tánh nóng ở chỗ nào; hoặc nếu người đó được dạy bảo thì cũng bỏ hẳn hoặc bớt tánh nóng. Như vậy tánh nóng của người đó thay đổi tùy theo hoàn cảnh chứ không thường hằng. Danh từ tự tánh, bản tánh hay bị hiểu lầm là vậy. Cũng như danh từ bản tâm nói trong kinh có thể bị hiểu lầm đó là cái tâm suy nghĩ, tính toán, hiểu biết của mình, sự thực đó chỉ là vọng tâm, nó thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh xã hội, văn hóa chứ không phải là bản tâm, tự tâm, chân tâm.
Khi thấy rõ bản tâm tức là giải thoát, là đạt được Bát nhã Tam muội, tức Vô niệm. “Vô niệm là thấy tất cả các pháp mà tâm không nhiễm vương, dính níu.” Cũng có người hiểu rằng Vô niệm là dứt bặt tư tưởng, không nghĩ ngợi gì hết. Lục Tổ cảnh giác liền là “chẳng phải như người lầm tưởng, cho là ‘trăm điều chẳng nghĩ, khiến cho niệm tưởng tuyệt dứt’ đó là bị pháp trói buộc, tức là biên kiến.” Trong phẩm này Tổ cũng hai lần cảnh giác những người chấp Không và để tâm Không mà ngồi Thiền là sai lầm: “lại có kẻ mê để tâm ‘không’ mà tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ, với bọn người này không thể nói gì được, vì họ bị rơi vào tà kiến.”
Trong phẩm này có những lời dạy rất là thực tế “người đời suốt ngày miệng niệm Bát nhã mà chẳng nhận được Tự tánh Bát nhã, cũng như người nói ăn mà không ăn nên chẳng no được, miệng chỉ thuyết Không, muôn kiếp chẳng được Kiến tánh … Cần phải tâm hành, chẳng ở miệng niệm, miệng niệm tâm chẳng hành thì cũng như huyễn hóa … Đối với tất cả các pháp, dùng trí huệ của chân như tự tánh chiếu soi, chẳng chấp, chẳng bỏ, tức là Kiến tánh thành Phật.” Tổ chỉ rõ là cần tu hạnh Bát nhã, thực hành theo kinh Kim Cang thì sẽ được kiến tánh. Tổ cũng lấy kinh nghiệm bản thân và dạy: “kẻ tự ngộ thì chẳng phải nhờ đến người khác chỉ bảo, nếu cố chấp rằng phải luôn ỷ lại vào thiện tri thức mới mong được giải thoát thì không có lý như vậy”, còn nếu không tự ngộ thì cần phải nhờ thiện tri thức chỉ ra mới thấy.
Tổ có dạy bài tụng Vô tướng tại cuối phẩm để những người xuất gia cũng như tại gia y theo mà tu hành. Sau đây là một vài đoạn trong bài tụng:
“Chỉ truyền pháp kiến tánh, Hoằng pháp phá tà tông. Ngoài tâm đi tìm đạo. Suốt đời chẳng thấy đạo. Thương, ghét chẳng quan tâm, Duỗi thẳng hai chân nằm. Phật pháp tại thế gian, Chẳng rời thế gian để tìm giác. Lìa thế gian tìm bồ đề, Cũng như tìm sừng thỏ. Tụng này là đốn giáo, Cũng gọi đại pháp thuyền, Lúc mê tu nhiều kiếp, Ngộ chỉ một sát na.”
Phẩm thứ ba: Nghi vấn
Vị Sử quân xin Lục Tổ chỉ dạy về chuyện khi vua Lương Võ Đế gặp tổ Bồ Đề Đạt Ma có hỏi: “Trẫm suốt đời xây chùa độ tăng, trai tăng bố thí, được công đức gì?” Tổ Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Thiệt không có công đức gì”. Tổ giảng: “Xây chùa độ tăng, trai tăng bố thí, ấy là cầu phước, chẳng thể đem cái phước ấy cho là công đức. Công đức ở trong Pháp thân, chẳng ở tại tu phước đức … Công đức phải tìm nơi tự tánh, chẳng phải bố thí cúng dường mà cầu được.” Vị Sử quân lại hỏi về vấn đề niệm Phật A Di Đà để được vãng sanh về Tây phương. Tổ nói: “Kẻ mê niệm Phật cầu vãng sanh nơi khác, người ngộ tự tin nơi tâm … Phật dạy: Khi nơi tâm mình tịnh tức là cõi Phật tịnh … Nếu ngộ được pháp vô sanh thì cõi Tây phương cách đây chẳng xa, chẳng ngộ tự tâm mà niệm Phật thì con đường vãng sanh còn xa xôi … Muốn thấy Phật phải tìm ở nơi tánh, chớ nên cầu ở bên ngoài … Chỉ cần tâm được thanh tịnh, thì tự tánh tức là Tây phương vậy.” Tổ nói:” Muốn tu hành thì ở nhà tu cũng được, chẳng cần ở chùa.” Sau đó Tổ dạy bài tụng Vô tướng để chỉ pháp tu hành tại gia.
Phẩm thứ tư: Định Huệ
Pháp môn của Tổ lấy định huệ làm gốc. “Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định … Chớ nói rằng trước phát định, sau phát huệ, hay trước huệ sau định, mà phân biệt định huệ là khác nhau. Nếu hiểu như thế thì pháp có hai tướng … Người hành trực tâm, đối với tất cả pháp chẳng nên chấp trước. Kẻ mê chấp pháp tướng, cứ nói thường ngồi chẳng động, vọng chẳng khởi nơi tâm tức là một hạnh Chánh định. Hiểu như vậy tức là đồng với loài vô tình, đó là nhân duyên chướng đạo.”
“Pháp môn này từ trên truyền xuống, trước hết lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc … Vô niệm là đối với mọi cảnh tâm chẳng nhiễm, trong niệm thường lìa cảnh, chẳng vì đối cảnh mà sanh tâm. Nếu là trăm điều chẳng nghĩ, bỏ hết các niệm tưởng, một niệm tuyệt liền chết, thọ sanh nơi khác, ấy là cái lỗi lầm lớn, người học đạo khá suy nghĩ điều đó! … Vô tướng là đối với sắc tướng mà tâm lìa sắc tướng. Đối với tất cả các pháp niệm niệm chẳng trụ tức là không bị trói buộc, đây là lấy Vô trụ làm gốc … Thiện tri thức, Chân như tự tánh khởi niệm thì sáu căn tuy có thấy nghe hiểu biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh. Nên Kinh nói: ‘Phân biệt được các pháp mà cái tánh thanh tịnh Niết bàn chẳng động’.”
Phẩm thứ năm: Tọa Thiền
“Pháp môn này nói Tọa Thiền vốn chẳng chấp tâm, cũng chẳng chấp tịnh, cũng chẳng chấp chẳng tịnh … Kẻ mê thì dù thân chẳng động mà mở miệng thì nói phải quấy, tốt xấu, hay dở của người … Tự tánh vốn tự định, chỉ vì thấy cảnh mà chấp cảnh nên mới tán loạn. Nếu thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là Chân định vậy … Thiện tri thức, niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo.”
Phẩm thứ sáu: Sám Hối
Tổ truyền năm phần Hương Pháp thân: 1. Giới hương: không tưởng điều quấy, không toan điều ác, không ghen ghét, không tham sân, không cướp của hại người. 2. Định hương: thấy cảnh tướng lành dữ mà tâm không loạn. 3. Huệ hương: tự tâm không bị ngăn che, thường lấy trí huệ mà quán chiếu tự tánh. 4. Giải thoát hương: tâm không dính níu vào cảnh vật nào, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại. 5. Giải thoát tri kiến hương: tuy giữ được giải thoát hương mà không ‘trầm không thủ tịch’ (đắm vào cảnh không, giữ lòng vắng lặng). Phải tu học pháp tối thượng thừa để nhận được bản tâm, thẳng đến Bồ đề, chân tánh chẳng đổi. Bài Vô tướng sám hối chỉ rõ cần sám hối ba điều: chẳng nhiễm ngu mê, chẳng nhiễm kiêu căng, dối trá, chẳng nhiễm ghen ghét. Sau đó là bốn điều thệ nguyện: – Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, – Tự tâm phiền não vô tận thệ nguyện dứt, -Tự tánh pháp môn vô lượng thệ nguyện học, – Tự tánh Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Tổ dạy ba phép quy y là: – Quy y Diệu giác của tự tánh. (Phật tức là Giác, tánh giác ngộ) – Quy y Chánh pháp của tự tánh. (Pháp tức là Chánh, tánh Chân chánh) – Quy y thể Thanh tịnh của tự tánh. (Tăng tức là Tịnh, tánh Thanh tịnh) “Trong Kinh rõ ràng nói là quy y tự tánh Phật , chẳng nói quy y Phật nơi nào khác. Phật ở tánh mình mà chẳng quy y thì không có chỗ nào để quy y nữa. Nay đã tự ngộ, mỗi người phải quy y Tự tánh Tam bảo. Tự tâm quy y Tự tánh tức là quy y Chân Phật.”
Phẩm thứ bảy: Cơ duyên
Phẩm này ghi lại những lời giảng của Tổ cho các đệ tử như: – Pháp Hải hỏi về “Tức Tâm tức Phật”. – Pháp Đạt hỏi về kinh Pháp Hoa. – Trí Thông hỏi về ba thân (Pháp thân, Báo thân và Hóa thân) và bốn trí. – Trí Thường hỏi về “Thấy tánh thành Phật.” – Chí Đạo hỏi về kinh Niết bàn. – Thiền sư Hành Tư hỏi về pháp tu hành. – Thiền sư Hoài Nhượng sau khi đại ngộ ở lại làm thị giả cho Tổ 15 năm. – Thiền sư Vĩnh gia Huyền Giác, sau khi đã sáng tỏ tâm địa nhân xem kinh Duy Ma Cật, đến nơi được Tổ ấn chứng. Có viết tập “Chứng Đạo Ca” rất là nổi danh. – Trí Hoàng được giảng về Nhập định.
Phẩm thứ tám: Đốn, Tiệm
– Chí Thành là đệ tử của Thần Tú, được giao cho trách nhiệm là đến nghe pháp của Tổ để về trình lại. Tổ giảng cho Chí Thành nghe: – Trụ tâm quán tịnh là bịnh chứ chẳng phải là Thiền. – Pháp Giới định huệ của Tổ là giảng cho những người tối thượng thừa, chứ không phải cho người đại thừa như hòa thượng Thần Tú dạy. “Chỗ ta nói pháp không lìa tự tánh. Lìa tánh mà nói pháp là chấp tướng mà nói, thì tự tánh thường mê. Nên biết tất cả các pháp đều do tự tánh mà khởi dụng … Nếu ngộ được tự tâm, cũng chẳng lập Bồ đề Niết bàn, chẳng lập giải thoát tri kiến.” – Hạnh Xương được giảng về nghĩa Thường, Vô thường trong kinh Niết bàn. – Thần Hội đến hỏi Tổ: “Hòa thượng ngồi Thiền thấy hay chẳng thấy?” Tổ nói: “Nếu ngươi vì tâm mê, chẳng thấy tự tánh thì phải hỏi Thiện tri thức để chỉ đường, nếu tâm ngộ, tự thấy tánh thì y theo pháp mà tu hành. Nay ngươi mê chẳng thấy tự tâm, lại đến hỏi ta thấy hay không thấy. Ta thấy tự ta biết, chẳng dính dáng gì đến cái mê của ngươi. Ngươi nếu tự thấy thì cũng chẳng dính dáng gì đến cái mê của ta.” Sau này Thần Hội mở rộng môn đốn giáo của Tổ, hiệu là thiền sư Hà Trạch, soạn tập Hiển tông ký nổi tiếng. Sư giảng cho các môn đồ: “Người học đạo thì phải bỏ hết cả thảy các niệm thiện, niệm ác. Cái tánh không hai ấy gọi là Thật tánh. Do nơi Thật tánh mà lập ra tất cả giáo môn. Vậy nghe nói pháp rồi thì phải thấy tự tánh.”
Phẩm thứ chín : Hộ pháp
Vua sai nội thị là Tiết Giản thỉnh Tổ về cung để hỏi đạo, nhưng Tổ cáo bệnh và sẵn dịp giảng dạy cho Tiết Giản. Tiết Giản hỏi về ngồi Thiền, tập Định, Tổ trả lời: “Đạo do Tâm mà ngộ, chẳng phải do ngồi. Tự tánh chẳng có chỗ đến, cũng chẳng có chỗ đi, chẳng sanh, chẳng diệt, gọi là Như Lai Thanh tịnh Thiền. Các pháp đều không và tịch, ấy là Như Lai Thanh tịnh Tọa, cứu cánh không có một pháp để chứng đắc, huống chi là ngồi.”
Tiết Giản hỏi: “Sáng tỉ như trí huệ, tối tỉ như phiền não, người tu đạo nếu không lấy trí huệ để chiếu phá phiền não thì nhờ đâu mà ra khỏi cái sanh tử từ vô thỉ?” Tổ giảng: “Phiền não tức Bồ đề, chẳng hai, chẳng khác. Nếu nói lấy trí huệ để chiếu phá phiền não, ấy là hiểu biết của người Nhị thừa, người đại căn thượng trí chẳng như vậy … Sáng với không sáng, phàm phu thấy có hai, người trí rõ thấy tánh ấy không hai (bất nhị). Cái tánh không hai đó là thật tánh vậy … Ngươi muốn biết chỗ yếu chỉ của tâm thì đừng nghĩ tính đến hết thảy các điều thiện, ác, tự nhiên tâm được thanh tịnh.”
Phẩm thứ mười: Phó chúc
Tổ họp các đại đệ tử và dạy những lời dặn dò cuối cùng. Tổ dạy cách thuyết pháp mà không sai lạc bản tông: trước hết phải giảng về ba khoa Pháp môn và sau đó là ba mươi sáu pháp đối nhau về sự động dụng của tự tánh, khi ra vào mà thường lìa hai bên, thuyết tất cả pháp mà chẳng lìa tự tánh.
Ba khoa Pháp môn là: Ấm, Nhập và Giới. Ấm (skt: skandhas) là năm ấm (vật che lấp tự tánh) gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nhập (skt: ayatanas) có mười hai: bên ngoài lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp), bên trong lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Giới (skt: dhatus) có mười tám, gồm lục căn, lục trần và lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Nếu tự tánh khởi suy lường tức là Tánh chuyển thành Thức, khiến sanh lục thức, ra cửa lục căn, tiếp xúc lục trần. Như vậy mười tám giới đều do tự tánh khởi dụng.
Ba mươi sáu pháp đối là: (a) năm pháp đối về vật vô tình ở ngoại cảnh: trời-đất, mặt trời- mặt trăng, sáng-tối, âm-dương, nước-lửa. (b) mười hai pháp đối về lời nói thuộc pháp tướng: thí dụ có-không, động-tịnh, phàm-thánh, già-trẻ … (c) mười chín pháp đối của tự tánh khởi dụng: tà-chánh, loạn-định, phiền não-bồ đề, thường- vô thường … Nếu biết dùng ba mươi sáu pháp đối này thì thấu đạo và tất cả kinh pháp. Nếu chấp tướng thì sanh trưởng tà kiến, nếu chấp Không thì sanh trưởng vô minh. “Các ngươi phải dạy người theo pháp mà tu hành, chớ nên trăm điều chẳng nghĩ, làm cho đạo tánh bị bít ngăn.”
“Pháp vốn không hai, tự tâm cũng vậy. Đạo vốn thanh tịnh, không có các tướng. Các ngươi cẩn thận, chớ nên quán tịnh và chấp Không nơi tâm, tự tánh vốn thanh tịnh, chẳng thể chấp hay bỏ.”
Ngày mùng ba tháng tám (âm lịch) năm 713, Tổ tập họp các chúng để từ biệt. Pháp Hải hỏi xin Tổ chỉ giáo pháp nào để người mê đời sau thấy được Phật tánh. Tổ giảng: “Người mê đời sau nếu nhận ra được tâm chúng sanh tức là thấy Phật tánh. Nếu ngộ tự tánh, chúng sanh là Phật, nếu mê tự tánh, Phật là chúng sanh. Cái tự tâm của các ngươi là Phật, chớ hồ nghi nữa. Chân như tự tánh là Chân Phật.”
Tổ thuyết xong ngồi ngay cho tới canh ba, thoạt gọi môn đồ “Ta đi đây”, liền ngồi yên viên tịch, thọ 76 tuổi. Nhục thân của Tổ và y bát được dời về Tào Khê để thờ. Trên bia thờ có ghi là số người đắc tông chỉ và hoằng pháp được 43 người.
Đặc điểm về pháp môn
Pháp môn của Lục Tổ có một tầm quan trọng quyết định cho Thiền tông. Thời đó những bài thuyết pháp của Tổ đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới Phật tử ở Trung Hoa vì không có vị tăng nào đã giảng Phật pháp đi thẳng đến tầng lớp dân chúng đông đảo. Lúc đó việc học đạo gần như chỉ dành cho giới có học vì những bài giảng tựa vào kinh điển Đại thừa có tính cách uyên bác, trừu tượng, quan niệm hóa, nên có tính cách cao vời đối với số đông. Còn Tổ thì giảng thẳng đến những điều cụ thể đối với đời sống và thực nghiệm cá nhân. Những lời giảng của Tổ phát xuất từ kinh nghiệm bản thân nên rất sống động và sáng tạo, mà không làm giảm giá trị Phật pháp. Những lời giảng tuy giản dị mà làm sáng đạo chứ không phải để chiều theo xu hướng của quần chúng. Điểm chánh yếu của pháp môn do Tổ chỉ dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn là Kiến tánh, theo đúng đường lối của tổ Bồ Đề Đạt Ma đã đặt cho Thiền tông. D. T. Suzuki đã luận về Tánh một cách đầy đủ trong hai cuốn: Zen Buddhism và The Zen, doctrine of no-mind. Cũng cần nhắc lại là Suzuki là một tiến sĩ, coi như đã đắc đạo năm 27 tuổi nhưng sau đó ông dạy học tại các đại học tại Nhật và Mỹ. Những cuốn sách của ông rất nổi tiếng và đã trình bày Zen (Thiền tông) cho các nước Tây phương một cách đầy đủ và khéo léo nên cũng nhờ đó mà Tây phương hiểu biết về Zen rõ ràng hơn. Khi luận về cuốn kinh Pháp Bảo Đàn, Suzuki đã có công tham khảo cả những bản ngữ lục của Thần Tú và Thần Hội rồi đem ra so sánh nên việc trình bày về pháp môn của Tổ rất rõ ràng và đầy đủ. “Tánh” đây là bản thể chân thực của mình, bản thể đó chính là Phật tánh, mà mỗi chúng sinh đều có. Không nên lầm Tánh là một thực thể riêng biệt của mỗi chúng sinh, như một linh hồn. Tánh là một cái gì mà không có nó thì không thể có đời sống, nói một cách tượng trưng thì như là sức sống vậy. Kinh này nói “Cơ thể của các ngươi là thành, ngoài có năm cửa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, trong có cửa ý. Tâm là cõi, Tánh là vua. Vua ở cõi tâm. Tánh còn tức vua còn, Tánh đi vua chẳng còn. Tánh ở thì thân tâm còn, Tánh đi thì thân tâm hoại.” Như vậy Tánh không những là chủ thể của thân mà của cả phần tâm linh con người. “Nên biết tự tánh vốn có trí Bát nhã, trí huệ tự tánh thường chiếu soi nên chẳng cần dùng văn tự.” Trong Kinh có khi dùng những danh từ khác nhau để chỉ về Tánh như: bản tánh, chân tánh, Phật tánh, tự tánh …
Nhưng làm sao để được Kiến tánh (thấy tánh) thì kinh ghi rõ hai pháp môn khác nhau giữa tổ Huệ Năng và Thần Tú. Pháp môn của Thần Tú thường so sánh Tánh đó như tấm gương sáng, nên chủ trương phải thường lau chùi để gương không dính bụi bậm. Còn tổ Huệ Năng thì nói rõ “Bản lai vô nhất vật”, gạt bỏ pháp ‘lau chùi gương’, cho đó chỉ là nói phương tiện mà không thấy rõ được cái tuyệt đối, cứu cánh. “Khởi tâm chấp tịnh thì sanh ra cái vọng về chỗ tịnh. Tịnh vốn không hình tướng, lại lập tướng tịnh và cho đó là công phu. Thấy hiểu như vậy là làm ngăn trở tự tánh mình, và cái tịnh trở lại trói buộc mình. … Nếu hiểu rõ pháp đốn giáo, chẳng chấp hình tướng bên ngoài, chỉ ở trong tâm thường khởi chánh kiến, thường chẳng bị nhiễm phiền não trần lao, tức là kiến tánh.”
Pháp môn của Tổ nhấn mạnh về pháp “Vô niệm” cho nên Vô niệm được coi là tông của pháp môn. Tự tánh vốn tịnh, chỉ do vọng niệm che khuất. Cho nên nếu khởi tâm chấp tịnh thì lại sanh ra cái vọng vì chấp tịnh. Muốn hết vọng niệm thì khi thấy cảnh, không nên chấp cảnh. “Khi thấy mọi cảnh mà tâm không loạn đó là Chân định.” Thí dụ về tâm không vọng động là khi thấy mọi người mà chẳng thấy các điều phải/quấy, lành/dữ, hay/dở của người. Không phải như có ý kiến cho rằng thấy người mà không phân biệt đó là nam hay nữ, đó là ông A hay ông B… thì mới là tâm không vọng.
“Nếu nói chấp tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm là huyễn cho nên chẳng chấp”. Điểm tế nhị chính là chỗ biết tâm ‘vốn’ là vọng, là huyễn nên không chấp, chứ không phải là chạy theo nó để chống hoặc để diệt. Vì vậy nên cần hiểu Vô niệm là đối cảnh mà tâm không nhiễm, không loạn, chứ không phải là lo diệt bằng cách không khởi nghĩ gì hết. Đối cảnh mà tâm không động là khi tám gió thổi mà tâm vẫn không động. Tám gió đây là: tài lợi, suy hao, hủy nhục, đề cao, khen ngợi, chê bai, khổ đau và vui vẻ (tài, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc). Tổ có xác định: “Vô niệm là trong khi niệm mà lòng không động niệm.”
Sau này thiền sư Huệ Hải, đệ tử của Mã Tổ, có giải thích thêm về Vô niệm như sau: “Vô niệm là không tà niệm, chứ không phải là không chánh niệm … Niệm có, niệm không là tà niệm. Chẳng niệm có, không là chánh niệm. Niệm thiện, niệm ác là tà niệm. Chẳng niệm thiện, ác là chánh niệm. Cho đến khổ/vui, sanh/diệt, thủ/xả, oán/thân, yêu/ghét đều là tà niệm. Chẳng niệm khổ/vui … là chánh niệm.” Mới đọc thì thấy có vẻ như mâu thuẫn vì đã nói vô niệm mà còn phân biệt tà/chánh, nhưng đó chỉ là phương tiện để nói rõ về tà niệm, còn chánh niệm thực ra chỉ là không có tà niệm thôi. Vô niệm chính là không có những tà niệm đó. Huệ Hải cũng nói rõ : “Tất cả chỗ mà vô tâm, tức là Vô niệm.”
Tổ Hoàng Bá (?-850) có nói: “Cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Tại sao? Người vô tâm là vô tất cả tâm, chẳng phải tuyệt không. Cái bản thể như như, bên trong như gỗ đá chẳng lay chẳng động, bên ngoài như hư không, chẳng nghẽn chẳng ngại, không năng sở, không phương sở, không tướng mạo, không được, không mất … Dụ như Tâm này, tức cái tâm của vô tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh và chư Phật chẳng có khác biệt, hễ được vô tâm thì đến cứu cánh .. Chứng ngộ được Tâm này có nhanh chậm, có kẻ nghe pháp trong một niệm liền được vô tâm, có kẻ đến thập địa mới được vô tâm. Lâu mau cũng phải đến vô tâm mới xong. Lúc ấy mới biết vô tu, vô chứng, thật vô sở đắc … Tâm tự vô tâm, cũng chẳng có kẻ vô tâm, nếu đem tâm làm cho vô tâm thì tâm lại trở thành có.” Những lời giảng của các tổ Thiền tông kế thừa Lục Tổ chứng tỏ Vô niệm là pháp hành cơ bản của Thiền tông. Những danh từ như Vô niệm, Vô tâm đều chỉ trạng thái khi mà không còn bị cái tâm vọng chi phối thì lúc đó mới có thể được Giải thoát.
Nói tóm lại kinh Pháp bảo đàn của Lục tổ Huệ Năng là một pháp bảo rất quý giá của Thiền tông mà những người tu học Thiền tông cần phải thấu triệt thì mới tránh khỏi những sai lầm căn bản. Pháp môn ‘tiệm tu’ của Thần Tú là dạy cho những người tu theo Đại thừa, còn pháp môn ‘đốn ngộ’ của Tổ dành cho những người tu hành theo Tối thượng thừa. Nói đến Thiền tông tức là nói đến pháp môn của tổ Huệ Năng.
Hình kèm: Bức họa tổ Huệ Năng chặt củi đi bán, do họa sĩ Nhật Ryankai vẽ, thế kỷ 13.
Tài liệu trích dẫn : – Kinh Pháp Bảo Đàn, H.T. Thích Minh Trực dịch. – Kinh Pháp Bảo Đàn, T.S. Thích Duy Lực dịch – Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, T.S. Thích Thanh Từ. – Đốn ngộ nhập đạo yếu môn, của T.S. Huệ Hải do T.S. Thích Thanh Từ dịch. – Truyền tâm pháp yếu của tổ Hoàng Bá, do T.S. Thích duy Lực dịch. – Zen Buddhism, D.T. Suzuki. – The Zen, Doctrine of No-Mind, D.T. Suzuki. – Zen Buddhism, Christmas Humphreys. – The Diamond Sutra and the Sutra of Hui Neng, A. F. Price và Wong Mou Lam dịch. – A Buddhist Bible của D. Goddard.
—o0o—
- Kinh Pháp Bảo Đàn – Lục Tổ Huệ Năng
- Lục tổ Huệ Năng – Pháp môn Vô Niệm
- Kinh Kim Cương Bát Nhã – Lục Tổ Huệ Năng Giảng nghĩa
Từ khóa » Hình ảnh Lục To Huệ Năng
-
Lục Tổ Huệ Năng, Hình Ảnh Và Thi Ca - Thiền
-
Lục Tổ Huệ Năng Là Người Việt Nam - .vn
-
Lục Tổ Huệ Năng Và Hình ảnh Thi Ca - Phật Giáo Việt Nam
-
Huệ Năng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lục Tổ Huệ Năng - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận | Giác Ngộ Online
-
Lục Tổ Huệ Năng Là Người Việt Nam?
-
Lục Tổ Huệ Năng Và Câu Chuyện Truyền Y Bát
-
Tiểu Sử Lục Tổ Huệ Năng | KINH ĐIỂN PHẬT PHÁP
-
Lục Tổ Huệ Năng Là Ai? Câu Chuyện Truyền Y Bát Của ... - Sống Đẹp
-
Truyện Lục Tổ Huệ Năng (phần 1) - Vườn Hoa Phật Giáo
-
Thân Thê Ngàn Năm Còn Nguyên Vẹn Của Lục Tổ Huệ Năng - YouTube
-
Từ Châu-lợi-bàn-đặc, đến Lục Tổ Huệ Năng: Nghĩ Về Vấn đề Pháp ...
-
Bí ẩn Về "đại Sư Hóa Phật" ở Trung Quốc - 24H