Lưỡi Lươn Lẹo Lẹ Làng Lắt Léo - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Chim chuột phen này… vồ lấy cống

Còn lưỡi là còn nói, còn diễn thuyết, còn trình bày quan điểm - cụ hăng hái đến độ cụ Phan Bội Châu ghi nhận: “Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê”. Thế mới biết, trong thân thể con người ta, cái lưỡi quan trọng biết chừng nào. Và cái lưỡi cũng hiên ngang đi vào câu đố dân gian, chắc rằng nhiều người còn nhớ thời đi học thầy cô đã từng đố và giải nghĩa, chẳng hạn:

Có lưỡi còn có cả răng

Không miệng nên chẳng nói năng bao giờ.

(Cái cưa).

Có sống mà chẳng có lưng

Có lưỡi, có mũi mà không có mồm.

(Con dao).

Ba đầu, bốn lưỡi, sáu tai

Một tên đội nón, còn hai đầu trần.

(Người cày, hai con trâu và lưỡi cày).

Có con mà chẳng có cha

Có lưỡi không miệng, đố là cái chi?

(Con dao).

Vấn đề quan trọng nhất, thiết yếu nhất là dùng cái lưỡi ấy nhằm mục đích gì trong phát ngôn. Ông bà ta bảo:

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo,

Rá không cạp thì méo làm ba.

Có những người làm theo cụ Phan; ngược lại, có những kẻ lại uốn éo cái lưỡi trơn tuồn tuột như thoa dầu, bôi mỡ nhằm đạt đến “triết lý” cỏ đuôi chó - nói nôm na là gió chiều nào theo chiều nấy miễn có lợi là múa lưỡi hùa theo, nói không động não, không phân biệt chính tà, không cần phải trái. Đại để là như thế này, mà, thế này mới là cổ tích của thời hiện đại: Có ông nọ khi bước ra chốn “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”, dù bất kỳ câu hỏi hóc búa nào nhưng vẫn trả lời ngon ơ bà ờ. Sau khi báo chí đồng loạt đưa tin tường thuật về các cuộc họp này, tên tuổi ông ta nổi như cồn. Thiên hạ vô cùng ngạc nhiên về cái tài ứng biến linh hoạt, lập luận sắc bén, trả lời thông minh nên ùn ùn kéo nhau tìm gặp tài nhân.

- Đâu là bí kíp? Xin ngài bật mí cho chúng em học tập theo?

Chà, trí tuệ quá, sâu sắc quá, ai nấy cùng hùa theo tán thành với câu hỏi then chốt ấy. Bấy giờ, ông ta mới ngồi xuống ghế và bảo:

- Quý ngài thử xem cái lưỡi của ta có còn không?

Vừa nói xong, ông ta vén râu, há cái mồm và thè cái lưỡi ra. Ai nấy chưng hửng, ngạc nhiên vì có gì khác đâu, vẫn cái lưỡi kia mà! Có gì bí mật đâu? Bèn cả cười:

- Không có gì khác lạ chứ gì? Nhầm to, do đi trước đón đầu nhu cầu phát triển của thời đại nên tôi đây đã thay lưỡi.

- Thay lưỡi? Thay một lần là xong ư?

Muôn miệng ồ lên kinh ngạc hỏi lắp bắp. Ông ta đứng dậy, bước tới cái tủ lạnh, mở toang cánh cửa rồi cả cười:

- Xin nhìn đây!

Kìa, hàng loạt cái lưỡi nilon xếp chật cả ngăn đá, có ghi rõ từng chức năng của từng cái một, đại khái, lưỡi tổng kết thi đua, lưỡi chống tham nhũng, lưỡi chỉ đạo giáo dục, lưỡi bàn về xâm hại trẻ em v.v… và v.v… Không hẹn mà gặp, ai nấy đều đồng loạt lè lưỡi ra rồi du dương đọc thơ:

Phen này, ông quyết đi thay lưỡi

Xảo ngữ, lộng ngôn mới đẹp đời

Mặc kệ, thiên hạ tha hồ chưởi

Còn lưỡi thì ta vẫn cứ cười…

Câu chuyện này, nếu bạn gật gù thích thú, đích thị người kể ăn nói có duyên. Còn nếu nghe không lọt lỗ tai, đích thị là ăn nói lãng xẹt. Ngày xửa ngày xưa, có nhiều kẻ kiếm cơm được cũng là nhờ mồm mép tép nhảy bàn về chuyện đại sự tâm linh, chọn đất chọn đai an táng mồ mả, chẳng ai có thể kiểm chứng hư thực ra làm sao, vì thế, dân gian mới bảo:

Hòn đất mà biết nói năng

Thì thầy địa lý hàm răng không còn.

Cái hay của câu này, dù không hề có từ “tát” hoặc “gạt tay trúng má” nhưng ta vẫn thấy rõ mồn một động tát “Xòe bàn tay ra mà đập vào mặt” như “Việt Nam tự điển”, (1931) đã giải thích. Trong quan hệ ruột thịt, có câu: “Anh em chém nhau bằng sống, không ai chém nhau bằng lưỡi”. Sống là sống dao, tức lưng dao, nó không bén như bụng dao - phần bén của dao dùng để chặt, cắt, chém... Nhưng ở đây, ta còn ngầm hiểu, không chỉ lưỡi dao bén mà còn nhắn nhủ cũng phải cẩn trọng cái lưỡi trong lúc phát ngôn tranh cãi vì “Lời nói đọi máu”, “Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời”. Công dụng của cái lưỡi thật ghê gớm, đã từng có những câu ví von mà ngẫm lại, ta phải chịu rằng đúng, chẳng hạn, “Giấu gươm đầu lưỡi”, “Lưỡi bén hơn gươm”, rồi thêm:

Thế gian lưỡi bén hơn dao

Bụng sâu hơn biển, trán cao hơn trời.

So sánh lưỡi bén như gươm thật ấn tượng, lại càng thấy sự lợi hại của cái lưỡi. Tuy nhiên, có những trường hợp dụ dỗ, tán tỉnh chưa chắc đã hiệu quả, nếu người đó bền lòng, thủy chung như nhất cỡ như Kiều Nguyệt Nga, chị Dậu:

Lưỡi Trương Nghi dẫu bén

Miệng Tô Tử dẫu lanh

Bây giờ em đã quyết với anh

Dẫu hai ông mà tái thế, dỗ dành cũng chẳng xiêu.

Trương Nghi và Tô Tần là hai nhà thuyết khách nổi tiếng thời Chiến Quốc ở xa tít bên Tàu. Còn ở nước Nam ta, cái lưỡi của ông Trạng Quỳnh nào kém chi. Cùng một vấn đề, nhưng người nghe có thể cảm nhận khác nhau cũng từ cái lưỡi mà ra. Vì thế, sống ở đời, “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”, “Một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng”; vì thế phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Có như thế, “Một lời nói một gói vàng”, chứ không khéo “Một lời nói một gói tội”. Âu cũng từ cái lưỡi mà ra.

Ảnh: L.G

Có những kẻ huếch hoác hứa hẹn, thề thốt ầm ầm nhưng chỉ “Đầu môi chót lưỡi”, “Thơn thớt đầu lưỡi”, “Khua môi uốn lưỡi”, “Khua môi múa mép”, dân gian gọi cách thề thốt ấy là “Thề cá trê chui ống”. Có cách so sánh này, nghe qua một lần ắt nhớ mãi: “Lưỡi mềm độc quá đuôi ong”. Tục ngữ lược giải (Quốc Học thư xã - in năm 1952) của Lê Văn Hòe giải thích: “Lưỡi mềm là lưỡi không cứng rắn như đá, không sắc nhọn như dao, không làm đau đớn thương tổn người ta, ấy vậy mà lưỡi độc quá đuôi ong, độc hơn nọc ong. Nọc ong ở đàng đuôi - đuôi ong tức nọc ong châm vào thịt đau buốt, sưng vù lên. Lưỡi nói xấu ai thì người đó mất bạn, mất bè, mất danh, mất giá; lưỡi vu khống ai thì người đó bị tù tội, mất cơ nghiệp, có thể mất cả tính mạng. Câu tục ngữ nêu ảnh hưởng tai hại của miệng lưỡi con người và khuyên người ta không nên nói vu, nói xấu” (tr. 67).

Ối dào, miệng với lưỡi. Nếu không dùng từ miệng, trong ngữ cảnh nào đó, người ta có thể dùng từ khác chăng? Ta thử nêu vài câu thành ngữ, cao dao như “Ăn xong quẹt mỏ”, “Ba đồng một quả hồng quân/ Bên ấy không hát thì câm mất mồm”… hoặc thay vì nói “miệng lưỡi”, cũng có thể sử dụng mồm mép/ bẻm mép/ lắm miệng lắm mồm… Đôi khi, do ghét ai đó miệng lưỡi quá, người ta dùng từ dài mồm. Cái mồm đó dài chuyện, dài lời - là lắm lời quá quắt, nỏ miệng xoen xoét, nói toạc mép không khép miệng - nhằm chê trách ai đó nói năng “dài dòng văn tự”, nói dài nói dai chẳng qua… nói dở.

Mõ này cả tiếng lại dài hơi

Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi

Thì dài hơi lại là… hơi dài. Hơi thở trong ngực nó dài, nó khỏe nên mới “cả tiếng” để đi rao ra rả thông báo của làng nước đến bà con chòm xóm. Thành ngữ có câu “Dài hơi cả tiếng/ Cả tiếng dài hơi” thì “cả tiếng” là tiếng nói to, dài, mạnh - còn được hiểu “Lên tiếng bàn luận luận hay chỉ trích, phê phán mạnh mẽ, kéo dài mãi không thôi” (“Đại từ điển tiếng Việt”)…

Về dài có nhiều từ dùng để nói đến cái sự dài ấy, chẳng hạn dài nhẳng, dài nhằng, dài ngoẵng/ dài ngoằng dài thòng, dài thượt, dài thậm thượt, dài thường thượt, dài sọc/ dài dọc, dài đễnh, dài mân, dài dặc, dài dằng dặc/ dài dặc dặc, dài đăng đẳng, dài lê thê… Với từ dông dài, nay ta hiểu là làm/ nói/ chơi/ suy nghĩ/ đi đứng mải mê kéo dài thời gian một cách vô ích, cứ vòng vo tam quốc, viển vông, không có định hướng gì rõ rệt. Câu ca dao:

Muốn nên phụ đức nữ tài

Chớ nghe những chuyện dông dài quàng xiên.

Là hiểu dông dài như vậy. “Từ điển Việt - Bồ - La” (1561) cho biết còn có từ “ăn dông dài” và giải thích: “Ăn một cách liều lĩnh bất cứ thứ gì bắt gặp mà chẳng để ý có sinh hại hay không”, nay hầu như từ này ít ai sử dụng. Tương tự, ngày nay không ai cùng dùng từ dài/ ông dài để gọi… con cá sấu lớn - như “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) đã giải thích.

Mà này, lưỡi ngắn hay lưỡi dài thì nó nằm ở trong miệng. Thế nhưng miệng cặp kè với lưỡi trở thành “miệng lưỡi” lại hiểu theo nghĩa bóng, tỷ như: “Ối dào, hắn ta miệng lưỡi lắm, tin thì có ngày bán thóc giống”, ngụ ý người đó nói năng như múa lưỡi trong miệng, ăn nói lém lỉnh, hoạt ngôn nhưng gian dối, dối trá. Nhằm cảnh giác trước những lời nói cứ như thể rót mật vào tai, nếu cả tin ắt có ngày ngất không kịp ngáp, dân gian có câu như “Miệng mật lòng dao”; “Miệng nam mô Bồ Tát, giấu giáo mác sau lưng”… Sợ nhất là những kẻ:

Miệng lằn lưỡi mối nào yên

Xa nhau cũng bởi láng giềng gièm pha.

Miệng lằn lưỡi mối là hàm ý những kẻ “có ít xít ra nhiều”, thêu dệt, thêm thắt, thêm mắm thêm muối, ăn thêm nói bớt nhằm bôi nhọ người khác.

Mà, trên đời này, dù có “miệng lưỡi” thế nào đi nữa thì người ta ví von là như cái lưỡi bò chăng? Không, tội nghiệp cho hình thù cái lưỡi của con bò, chỉ vì tham vọng bành trướng nên con cháu Liễu Thăng, Tôn Sĩ Nghị, Thoát Hoan… cứ nhất quyết bịa ra cái gọi “đường lưỡi bò” nhằm thôn tính chủ quyền của nước Việt trên biển Đông. Trước phát ngôn ngang ngược, nói lấy được ấy, trong tiếng Việt có câu “Gái đĩ già mồm”. Đã sai lè lè mà còn cãi xoen xoét ấy, đích thị là thứ nhọn mồm. Vỏ quýt dày thì móng tay nhọn:

Nhọn mồm lấy kéo cắt đi

Lấy kim khâu lại còn chi nhọn mồm.

Từ khóa » Hình ảnh Lưỡi Không Xương Nhiều đường Lắt Léo