Lương đắc Bằng - Danh Nho đạo Nghĩa Thanh Liêm

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Chủ đề >> Nghiên cứu Văn bản
Lê Văn Toan
Lương Đắc Bằng danh Nho đạo nghĩa thanh liêm (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.24 - 28)

Cập nhật lúc 12h05, ngày 31/03/2013

LƯƠNG ĐẮC BẰNG - DANH NHO ĐẠO NGHĨA THANH LIÊM

TS. LÊ VĂN TOAN

Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Lương Đắc Bằng (1475-1526) khi nhỏ có tên là Lương Ngạn Ích, tên chữ là Tử Lăng. Tên gọi Lương Đắc Bằng là do vua Lê đổi cho.

Ông sinh năm 1475 ở xã Trác Vĩnh, giáp Cổ Đằng, sau đổi là làng Hội Triều thuộc xã Trào Âm, tổng Bái Trạch, nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa.

Dòng họ Lương là dòng họ khoa bảng, thân phụ Lương Đắc Bằng là Lương Hay, vốn là người thông minh quảng học, ông từng đi thi và đỗ Giải nguyên năm 1460 đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Thái thường Tự thừa, được vua cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Thân mẫu ông là Lê Thị Sử, hiệu Từ Hạnh, người làng Vĩnh Trị. Bà vốn là con nhà khoa bảng, ham thích thơ văn, là người đôn hậu, được coi là người vợ có đủ đức tính công dung ngôn hạnh.

Lương Đắc Bằng từ nhỏ là người thông minh, học giỏi lại vốn là con nhà khoa bảng được rèn cặp, giáo dục chu đáo nên được người đời khen là “thần đồng”.

Thân phụ ông là Lương Hay thấy con mình thông minh, dĩnh tuệ nên năm Lương Ngạn Ích 12 tuổi ông đã trao đổi với Trạng nguyên Lương Thế Vinh - bác họ Lương Ngạn Ích - và nhờ Lương Thế Vinh dạy bảo, kèm cặp.

Năm 1496 niên hiệu Hồng Đức, năm thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông, Lương Ngạn Ích 21 tuổi, dự thi Hương đậu Giải nguyên.

Năm Ất Mùi (1499), niên hiệu Cảnh Thống, đời Lê Hiến Tông, Lương Ngạn Ích dự thi Hội đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ. Cảm phục về văn tài của ông, Hiến Tông Duệ Hoàng đế đã ban cho bài thơ khen ngợi như sau(1):

Tứ Ất Mùi khoa Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đỗ Lý, Lương Đắc Bằng đẳng

"Đại tỉ tam niên tiến lễ vi,

Chấp kinh đa sĩ hội kinh sư.

Cửu trùng thiên tử cầu hiền nhật,

Thập tải thư sinh hiến sách thì.

Kim bảng dĩ tiên đề củng thọ,

Khánh vân tùy kiến xướng Hàn Kỳ.

Chí thân ký đắc văn chương dụng,

Nghiêu Thuấn quân dân ngã sở kỳ".

(Ban cho Đệ nhất giáp Tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi là Đỗ Lý, Lương Đắc Bằng

Ba năm thi cử nay làm lễ tiến dâng,

Rất nhiều kẻ sĩ học kinh sách, giờ đến hội ở kinh sư.

Trên ngôi cửu trùng, thiên tử cầu hiền tài,

Thư sinh mười năm đèn sách nay đến lúc hiến dâng kế sách cho nước.

Bảng vàng đề tên trước chúc thọ mãi mãi,

Mây lành cùng được xướng danh thơm Tể tướng Hàn Kỳ(2).

Trọn thân mình dùng vào sự nghiệp văn chương,

Vua và dân thời Nghiêu Thuấn chính là thời kỳ này của ta).

Sau đó Ngạn Ích dự thi Đình đậu Bảng nhãn. Nhà vua tuyên triệu số người đỗ đạt cao vào sân rồng sai làm bài ký tiêu đề Ngã vương tướng. Bằng văn tài và bút lực siêu phàm, Ngạn Ích đã làm cho cả triều đình cảm phục văn tài. Vua xếp bài của ông đạt loại ưu, được khen thưởng rất hậu và được ban tên mới là Lương Đắc Bằng. Sau khi thi cử đỗ đạt ông được phong giữ chức Thị độc, rồi thăng lên chức Hàn lâm viện Thị độc Tham chưởng Hàn lâm viện sự sau thăng chức Lại bộ Tả Thị lang.

Lương Đắc Bằng sống trong suốt 6 triều vua: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và tham dự triều chính qua 4 triều vua Lê.

Trong 6 triều vua Lê thì chỉ có giai đoạn vua Lê Thánh Tông là đất nước hưng thịnh. Đại Việt sử ký toàn thư bình rằng: “Vua (Thánh Tông) sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được(3).

Lê Túc Tông là ông vua hiền, xứng đáng là ông vua giỏi nhưng chỉ ở ngôi 1 năm rồi mất.

Vua Lê Uy Mục, ở ngôi được 5 năm, bị Giản Tu Công Oanh đuổi đi, sau bị hại. Vua nghiện rượu, hiếu sát, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn xuất hiện từ đấy(4).

Vua Lê Tương Dực ở ngôi 8 năm, bị quyền thần Trịnh Duy Sản giết năm 24 tuổi. Vua khi mới lên ngôi ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, nhưng sau chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên dẫn đến suy vong(5).

Vua Lê Chiêu Tông ở ngôi 7 năm, bị mất ngôi năm 26 tuổi. Sử thần Ngô Sĩ Liên cho rằng: “Bấy giờ trong buổi hoan lạc, quyền bính không ở trong tay, bên trong thì nghe lời siểm nịnh, gian trá, bên ngoài thì ham mê săn bắn, chim muông, ngu tối bất minh, ương ngạnh tự phụ, bị nguy vong là đáng lắm(6).

Là vị quan thanh liêm, chính trực, trong suốt quá trình làm quan, Lương Đắc Bằng đã dốc công tận tuỵ vì nước, vì dân, sử sách cũng ghi lại nhiều công lao và đức độ của ông. Sau khi Túc Tông mất, Uy Mục lên nối ngôi, trăm họ đói khổ oán hận. Đại thần xứ Thanh Hoa sai Lương Đắc Bằng viết bài Hịch vạch trần tội quên dân, chỉ chú mục vào hưởng lạc, sống quá xa hoa đồi truỵ của triều đình. Khi Giản Tu công Oanh trước xưng là Cẩm Giang Vương(7) dựng cờ chiêu an kéo quân từ Tây Đô về Thăng Long đánh Uy Mục, ông cùng các đại thần đứng ra ủng hộ đưa Giản Tu công Oanh lên làm vua và sau này tôn lên làm Tương Dực đế. Những tưởng triều đình mới có nhiều canh tân, nhưng chẳng bao lâu vua Tương Dực cũng đi vào con đường xa hoa. Trước tình cảnh ấy, nhân khi thân mẫu qua đời, Lương Đắc Bằng cáo quan về quê cư tang mẹ. Thời gian này ông muốn nhân việc cư tang mẹ rồi hưu dưỡng ở quê nhà làm nghề dạy học. Nhưng vua lại có chiếu chỉ mời ông về triều. Mùa đông tháng 10 năm Canh Ngọ (1510), vua ra thánh chỉ khôi phục Lại bộ Tả Thị lang Lương Đắc Bằng kiêm Đông các Học sĩ, Nhập thị kinh diên nhưng Đắc Bằng từ chối. Nhân đó ông dâng lên vua “14 kế sách trị bình”(8).

Lê Tương Dực khen kế sách hay nhưng không thi hành, khi Lê Chiêu Tông lên làm vua vẫn không có gì thay đổi theo chiều hướng tốt, Lương Đắc Bằng thấy vậy nên cáo quan về quê dạy học.

Sau khi từ quan ông về quê dạy học, nghe tiếng tài năng và đức độ của ông nên khắp nơi trong nước có rất nhiều người đến xin thụ giáo. Ông đã từng đào tạo những học trò giỏi như Đinh Bạt Tụy, quê ở Nghệ An, đỗ Tiến sĩ; Nguyễn Bỉnh Khiêm, người Hải Phòng đỗ Trạng nguyên; Nguyễn Mẫu Đối đỗ Bảng nhãn; Lại Kim Bảng đỗ Hoàng giáp; Nguyễn Thừa Hưu đỗ Tiến sĩ.

Nội dung dạy học của ông không những dạy tri thức mà quan trọng hơn là dạy đạo lý làm người. Phương pháp dạy học của ông là lấy người học làm đối tượng chính, dạy chủ yếu là gợi mở, dẫn dắt, đòi hỏi người học phải tự suy ngẫm, nghiên cứu, luận giải để hiểu bài.

Đơn cử như một lần, Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi về Dịch lý của kỳ thư Thái ất thần kinh - một cuốn sách ông được một học giả nổi tiếng người Trung Quốc tặng khi ông đi sứ Trung Quốc. Lương Đắc Bằng vui vẻ căn dặn rằng:

- “Các con cứ bền chí tu luyện trong đạo học, học vì đạo nghĩa, học vì nước, vì dân. Nếu hiểu biết đến đâu thầy sẽ truyền thụ đến đấy. Các con phải tỉnh táo, phải biết phân tích đúng sai. Sách là do con người làm ra, mà nó do con người làm ra thì không phải điều gì trong sách cũng đúng. Hậu thế suy tôn các bậc tiền bối là thánh nhân, nhưng chính các bậc được suy tôn là thánh nhân thì chưa bao giờ tự nhận mình là thánh nhân cả”.

Trong rất nhiều học trò thụ giáo ở Lương Đắc Bằng, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm là người xuất chúng được thầy tin tưởng cả về tài năng và đức độ nên ông đã trao cho Nguyễn Bỉnh Khiêm cuốn kỳ thư Thái ất thần kinh và căn dặn: Đây là cuốn sách quý, đỉnh cao nhất của Dịch học gói gọn trong cuốn sách này nên khó học và khó ứng dụng. Theo luật nhân quả thì là tổng hòa của hiền nhân, chỉ khi nào quy nạp đủ nhân thì mới tính đúng được quả hậu. Đó là hai cung đoạn rất khó, không phải ai cũng làm được. Sách này là kết tinh trí tuệ của muôn người, không thể thất truyền. Trong số môn sinh thụ giáo, thầy thấy duy chỉ con là người thầy có thể uỷ thác được, con nên cẩn trọng để giúp đời. Gần thì có thể thấy được trong tầm mắt, xa có thể nhìn thấu mấy trăm năm. Nhờ được học Lương Đắc Bằng và được thầy truyền Thái ất thần kinh mà sau này Nguyễn Bình Khiêm trở thành nhà Dịch học nổi tiếng giúp ích cho đời.

Lương Đắc Bằng căn dặn Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc riêng, ông nhờ dạy dỗ cho đứa con muộn mằn của ông trở thành người có ích cho nước, cho dân.

Số là ông hiếm muộn đường con cái, mãi ngoài 50 tuổi người thiếp là bà Hoàng Thị Thục mới có mang, được ba tháng thì ông bị bệnh. Biết không thể qua khỏi, ông dặn người thiếp rằng: “Nàng sẽ sinh con trai, nó ắt sẽ lập nên nghiệp lớn. Hãy đặt tên nó là Hữu Khánh, nghĩa là có niềm vui mừng của ta trong đó. Nên gửi con theo học Trình tiên sinh ở Vĩnh Lại là học trò của ta, được vậy mới mong nối được chí nhà ta”. Ông nói xong thì mất. Đó là ngày 5 tháng 7 năm 1526, hưởng thọ 51 tuổi. Tin ông mất bay về Kinh đô làm xao động triều thần. Quan Ngự sử Đỗ Cương đập tay xuống bàn khóc than rằng: “Người trung nghĩa như Lương Đắc Bằng đó qua đời thì vận mệnh nước nhà tồn vong sắp đến rồi”.

Học trò các nơi về chịu tang ông rất đông, riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm do thương tiếc thầy vô hạn đã dựng nhà tại làng Hội Triều chịu tang thầy ba năm mới về.

Sau khi ông mất được 6 tháng, bà Hoàng Thị Thục sinh được người con trai, đặt tên là Hữu Khánh theo đúng lời dặn của ông. Sau này lớn lên học hành thi đỗ Hội nguyên triều Mạc, rồi không thi tiếp, chuyển sang phò tá nhà Lê, làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư.

Lương Đắc Bằng là người có tầm nhìn xa trông rộng, xét việc có lý, có tình, có khả năng phân tích, đánh giá thời cuộc, am hiểu dịch số, biết được lẽ hưng vong của đất nước, triều đại. Ông có nhiều công lao đóng góp cho nền chính trị của đất nước, đặc biệt là việc soạn Hịch dụ đại thần và các quanTrị bình thập tứ sách. Sách Nam sử, bản A.315, sau khi ghi lại lược sử những cống hiến của Lương Đắc Bằng cho đời và có thơ khen rằng:

"Thanh thời cập đệ thế vinh quan,

Nghị luận tòng trung bỉnh nhược đan.

Thập tứ sách vô tòng nhất sách,

Đương thời vật quái trị bình nan".

(Thời thanh bình, thi cử đỗ đạt cho đời thấy được sự vinh quang,

Nghị luận thể hiện lòng trung sáng đỏ như son.

Mười bốn kế sách trình lên không được dùng một kế sách nào.

Trị bình khó khăn, điều ấy đương thời không có gì là lạ).

Tất cả các tài liệu trong sử sách hay trong gia phả của dòng họ Lương đều cho rằng Lương Đắc Bằng là người thông minh, quảng trí, am hiểu thời cuộc, ngay thẳng, cương trực, liêm khiết, có thể coi là người tài đức vẹn toàn. Tuy làm quan to trong triều nhưng gia đình ông vẫn nghèo. Tương truyền trước khi qua đời, gia sản ông để lại cho vợ con chỉ có 5 gian nhà gỗ lợp lá kè (lá cọ), ba gian giữa dùng thờ gia tiên và tiếp khách, hai gian đầu hồi là gian buồng (phòng trong), vườn không rộng, chỉ có dăm ba sào(9). Một vị quan lớn trong triều thanh bần đến mức có một người con duy nhất là Lương Hữu Khánh mà không có tiền ăn học nên đành phải đi làm thuê độ nhật và có chút đỉnh giành cho việc học hành thi cử. Điều đó cho thấy rõ nhân cách thanh liêm cao đẹp của ông.

Là vị thầy tài cao, đức trọng, Lương Đắc Bằng truyền thụ cho học trò kiến thức sâu rộng và phương pháp suy nghĩ sáng tạo, nhãn quan tinh tường, xứng đáng là một vị thầy mẫu mực trong lịch sử giáo dục của dân tộc Việt Nam.

Lăng mộ của ông được dòng họ và dân làng xây cất tại xóm Dân Hưng, làng Hội Triều. Trên mộ có đôi câu đối:

"Võ liệt văn mô khoa hoạn hiển hách

Nam phồn bắc diễn kế thế trung luân".

(Văn võ toàn tài, khoa danh hiển hách

Bắc Nam phồn thịnh truyền đời trung luân).

Trong bức đại tự hiện nay còn treo ở nhà thờ họ Lương Hội Triều viết bốn chữ Đạo nghĩa thanh liêm (道義清廉). Điều đó đủ biết phẩm hạnh của ông.

Năm 1994, khu lăng mộ và nhà thờ Lương Đắc Bằng đã được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử văn hóacấp Quốc gia.

Nửa thế kỷ sống, làm việc, cống hiến cho dân, cho nước, cuộc đời và sự nghiệp của Lương Đắc Bằng đã làm vẻ vang cho dòng họ, cho quê hương Hội Triều và góp phần đặt nền móng cho đất học Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Để tưởng nhớ công lao và tỏ lòng thành kính đối với ông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa đã quyết định đổi tên trường Trung học phổ thông Hoằng Hóa I thành trường Trung học phổ thông Lương Đắc Bằng. Nhiều thành phố trong nước đã lấy tên ông đặt cho phố hoặc đường để mãi mãi ghi tạc công lao sự nghiệp của ông đối với nước với dân.

Chú thích:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ - Quyển XIV, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.529.

(2) Hàn Kỳ (1008-1075) là đại thần đời Bắc Tống. Ông là một văn thần và là dũng tướng, từng cùng Phạm Trọng Yêm đánh nhà Hạ, sau ông được thăng chức Tể tướng, Ngụy Quốc công.

(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Q.12, tr.429.

(4) Sách trên, Q.14, tr.523.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Q.14, tr.543

(6) Đại Việt sử ký toàn thư, Q.14, tr.573.

(7) Cẩm Giang Vương là phong hiệu của Lê Sùng, anh ruột của Giản Tu công Lê Oanh.

(8) Xem Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ - Quyển XV,Nxb. KHXH, H. 1993, tr.555.

(9) Năm 1926 căn nhà này được bán lại cho ông Tạo thôn Hội Triều.

Tài liệu tham khảo chính

- Đại Việt sử ký toàn thư. Biên dịch Nxb, KHXH, 1993.

- Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa, Nxb. Giáo dục, H. 2010./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.24 - 28)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Chữ Lương Bằng Tiếng Hán