“LƯƠNG Y PHẢI NHƯ TỪ MẪU” - Đảng Bộ Tỉnh Quảng Trị

Cách đây đúng 66 năm, vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” và cũng kể đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.

Trong thư gửi cán bộ y tế toàn quốc năm 1955, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”.

Đúng vậy, nghề Y là một nghề rất đặc biệt và cao quí trong xã hội. Đây là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, nên người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Do đó, y đức được xem là phẩm chất, giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế. Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cũng đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Một người thầy thuốc giỏi không phải chỉ là giỏi về chuyên môn mà còn cần giỏi cả về tâm lý tiếp xúc, chẩn đoán không chỉ cần đúng bệnh tật mà còn cần chẩn đoán đúng tâm lý, nhu cầu của bệnh nhân tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, môi trường sống của họ. Hơn nữa, người thầy thuốc luôn phải có cái tâm trong sáng, không được phụ lương tâm mình, không được phụ lòng dân, chăm sóc yêu thương người bệnh bằng tình mẹ bao la.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu và các bậc lương ý đi trước, đội ngũ cán bộ y tế đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn gian khổ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có hàng trăm cán bộ y tế đã hy sinh cho ngày độc lập như liệt sỹ - Bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Câu chuyện của nữ bác sĩ ấy vẫn còn vang mãi trong ký ức những người con Việt Nam đã từng đi qua chiến tranh và cả những thế hệ trẻ chưa từng nếm mùi chiến tranh đau thương. Trong thời bình, phát huy tính năng động sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, ngành tiếp tục ra sức mình cứu chữa đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và chính quyền tin yêu, nhân dân quý mến. Rất nhiều thầy thuốc Việt Nam gần đây nhất đã nêu cao gương sáng cho chúng ta học tập cả về chuyên môn lẫn đức hạnh, như Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch,… và còn bao những anh hùng áo trắng đã nêu gương sáng cho đời, mà chúng ta không thể kể hết.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà các bệnh gây dịch ngày càng bùng phát mạnh, nhất là dịch covid – 19, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, đời sống của đa số người dân; ngành Y tế lại trở thành tuyến đầu chống dịch. Các thầy thuốc Việt Nam trở thành các “chiến sĩ” trên “mặt trận chống dịch”, trở thành những “thiên thần áo trắng” trong trái tim của biết bao người dân Việt. Họ vẫn đang từng ngày từng giờ dồn tâm, dồn lực, hi sinh cuộc sống cá nhân vì Đất nước, Nhân dân, xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, một lần nữa chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời dạy thiết thực, những tình cảm quý báu, những đóng góp to lớn của Bác đối với ngành Y tế Việt Nam. Mong rằng các thầy thuốc luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Bác, tận tụy hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; biết tự chọn cho mình lối sống, ứng xử phù hợp trước sự đớn đau của người bệnh./. Minh Huyền – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Từ khóa » Câu Lương Y Như Từ Mẫu