Lưu Linh Liệt Truyện - Hiệu Minh Blog

Nhân việc luật giao thông VN có chuẩn độ cồn 0, nhớ ra bài này viết năm 2011.

Tương truyền, Lưu Linh, người đời Tấn (210-270), quê đất Bái, nay thuộc Từ Châu, Giang Tô, là một trong “Trúc Lâm thất hiền” (bảy nguời hiền trong rừng trúc). Các ông này rượu chè suốt ngày. Khi Lưu Linh chết có cả thơ đề trên mộ

“Họ Lưu lãng tử chẳng nên tài//Vác cuốc “chết đâu chôn đó ngay”//Say khướt đã coi ngang vạn vật//Chết khô chi bận chút hình hài”

Lưu Linh đã lưu danh muôn thưở chỉ vì rượu tối ngày. Thời nay ai say sưa bét nhè được gọi là đệ tử Lưu Linh.

Chân lý ở đáy chén rượu

Mình có tay bạn cũ từ hồi cấp 3 Lương Văn Tụy (Ninh Bình) là Đinh Văn Phong. Hiện hắn là đại tá trên Học viện QS. Hồi Tổng Cua du học Ba lan, khi về phép 1973 có qua Moscow, chơi ký túc xá của Phong hàng tháng, toàn ăn vermisel (mì ống) với cá hộp và uống rượu trắng.

Hắn đưa đi khắp nơi, nhưng thỉnh thoảng lại cáo bận. Hóa ra là trốn đi với các em. Xem ảnh thấy ôm eo mấy nàng xinh như mộng. Không hiểu có ai thành phu nhân sau này. Hắn bảo, đi tán gái có vodka mới lên được dây cót tinh thần và ôm không thấy sợ.

Đến nhà Gs Lê Hữu Lập chơi, gặp hắn nốc rượu như nước lã. Rượu vào thì lời ra nhưng rất thông minh. Hắn kể, trên Vĩnh Yên, chiều tối hay đi uống rượu, uống nhiều thành quen, tu mà không nói thành…phí rượu. Bợm rượu luôn có lý của mình.

Nhớ lão Nguyễn Vinh Quang, từng làm báo ảnh Việt Nam, đi Nga về, khi uống rượu chỉ thích nhìn thấy đáy chén. Chai Smirnov Vodka trắng 0,45l, hắn uống hết, cầm máy ảnh ống kính mấy cân mà không run tay. Nghe nói ông già là đạo diễn phim Hồng Nghi cũng thuộc hàng bợm trong giới nghệ thuật thứ 7.

Lão Quang dạy mình cách xem rượu vang là sờ chôn chai. Đít nông, rượu chán, đít càng sâu, rượu càng ngon. Hỏi tại sao, bọn bợm rượu rỉ tai nhau, đó là qui ước quốc tế rồi. Cứ sờ mông người đẹp mà xem, càng sâu thì càng…ngon. Rồi hắn đưa ra lý thuyết, chân lý ở dưới đáy chén rượu. Mọi cái hay ho trên đời đều do rượu mà ra.

Lão Quang lý luận, cha nào không uống rượu thường nói chuyện nhạt hoét. Hỏi nhau vài câu, khỏe không, con cái thế nào, vợ làm chức gì, lương cao không… thế là hết. Và ngồi nhìn nhau. Mà đàn ông nhìn nhau thành…gay. Hỏng.

Xem bọn bợm rượu nói chuyện đủ biết phong phú thế nào. Từ dầu hỏa sang chiến tranh Iraq, đến biển Đông rồi bỗng quay về hôm qua nhìn thấy hai vợ chồng hàng xóm “làm việc” không đóng cửa, cả làng thấy.

Làm vài chén bỗng thơ đọc vanh vách. Giọng lão sang sảng như chưa từng có nửa lít trong dạ dày.

“Đêm thanh dưới ánh trăng buông//Ta cùng thơ…rượu vui buồn có nhau//Giọt tình nghe đắng, nghe đau//Cùng thơ với rượu ai sầu hơn ai”

Có lần nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tới nhà ở Virginia. Tổng Cua mang mấy chai rượu vang Pháp ra khoe. Người của Sông Quê thở dài “Quanh đây có bán rượu khác không”. Tiger đưa anh đi khắp DC mới tìm được cửa hàng bán rượu mạnh ABC và mua được một chai Cognac Gautier.

Nhà thơ làm hết cả chai và khi ấy thơ văng trên bàn phím “Em đâu rồi//Dạ em đây//Thế là chat//Nối lại nghìn cây số để rồi nói lời chia tay//Hôn anh nhé//Ừ, anh hôn em nhé//Chat mà hôn không thể chạm vào môi”. Hình như đêm đó nhà thơ hôn bàn phím thật.

Đoạn khác nói về dân IT say bia, cánh say mới cởi trần đi vào hàng internet

“Anh cởi trần lang thang//Bỗng anh lạc vào hàng internet//Internet không nối vào máy chủ”

Chứng kiến bác Tạo uống, chủ nhà choáng thật sự, giống như nhà thơ Duy Khán, nhìn chai không cũng say. Mình rất lạ, tại sao có người uống giỏi thế.

Bác Tạo còn đọc cho nghe bài thơ tự tả mình say “Vẽ tôi mực rượu giấy trời//Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau//Vẽ tôi thơ viết nửa câu//Nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về”

Chỉ có say mới có thơ xuất thần như thế.

Kể cho lão Quang nghe, y cũng thán phục. Ừ, uống đến ra cả thơ thì mới là uống. Uống không ra cái gì, mà chỉ nôn ra cho chó, gọi là cẩu tửu. Phí rượu.

Rồi lão chia lớp lang trong giới Lưu Linh rất thú vị. Trong giới quí tộc rượu cũng chia ngôi thứ hẳn hỏi: hiền tửu, tiên tửu, cuồng tửu, cẩu tửu.

Hỏi nhà thơ Tạo thuộc loại gì? Thi tửu, rượu vào thơ ra.

Còn hắn? Photograph tửu – rượu vào ra ảnh hoa hậu đang mặc quần áo thành…cởi truồng. Hắn giải thích, rượu vào thì ống kính của hắn thành ống kính vạn hoa, người đẹp có mấy đôi vú liền nhau, thích hơn lúc tỉnh.

Tổng Cua thế nào? Cua ư, lão thở dài. Cua chỉ biết phun bọt, loại blog tửu – ngửi rượu viết blog nên các entry nhạt hoét. Thử uống rượu, chắc viết hay hơn. Cứ hỏi Nguyễn Trọng Tạo hay Nguyễn Quang Lập sẽ biết ngay sự khác biệt giữa Quechoa hữu tửu và Cua Times vô tửu.

Quang chém, với nhiều người, nước Nga là kẻ nát rượu. Nhưng ít người để ý, người Nga đóng góp cho nhân loại biết bao tài năng, công trình khoa học, bao giải Nobel cũng xuất phát từ đáy chén.

Năm 1373 lính Nga say bí tỉ, bị quân Tatar đánh úp và lính say bét nhè bị ném sông có tên Reka Pianaya – dòng sông Say. Rượu với người Nga đi vào lịch sử, cả thắng lợi huy hoàng đến thất bại. Ai đi Nga về đều nhận xét vodka là linh hồn Nga, là lòng hiếu khách, tình bạn và lòng tin sâu nặng sau những cú vô 100%.

Có lẽ người ta nhớ vị Tổng thống gây tranh cãi này vì hay say rượu hơn là làm những cuộc chính biến. Ông ta từng ngủ quên trên máy bay vì quá chén, rồi lảo đảo vì rượu khi lên bục phát biểu. Nhưng cũng không ít người nhớ đến một người dám ném thẻ đảng CS vào sọt rác, tuyên bố ra khỏi bộ Chính trị tại đại hội đảng, giải tán Liên Xô, đưa ĐCS ra ngoài vòng pháp luật.

Trong cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev, Yelsin đứng trước mũi xe tăng để kêu gọi lính Nga không tấn công người biểu tình. Đưa quân vào Chesnia, rồi định tuyên bố chiến tranh thế giới 3 khi nghe tin NATO tấn công Nam Tư. Trong một năm cách chức 5 thủ tướng. Trước khi về vườn, Yelsin đã bí mật nuôi nấng Putin trong mấy năm liền. Khi ông tuyên bố từ chức thì Putin đã vững vàng trong vai Thủ tướng và sau đó là Tổng thống nước Nga. Người ta tự hỏi, Putin do ai sinh ra. Đó chính là kẻ “nát rượu” Yelsin.

Có thể gọi ông là thánh tửu vì các quyết định tầm nhân loại của ông vào lúc ngàn cân treo sợi tóc của nước Nga được ra như bậc thánh thần.

Yelsin nhìn ra chân lý ở đáy chén rượu. Nhân loại cũng được nhờ kẻ say như ông. Nếu không có rượu, Boris Yellsin chỉ là những kẻ nhạt nhòa. Rượu trắng Smirnov không hề phí với nước Nga.

Ở tầm quốc gia, đôi lúc cũng cần một nhà lãnh đạo say rượu mà không cần đến bậc thánh tửu như Yelsin hay Lưu Linh. Say say chút rồi sẽ nhìn ra chân lý không phải ở trên chín tầng mây mà nó ở ngay dưới đáy vò cuốc lủi. Người ta bảo, kẻ dại tìm may mắn ở xa, người khôn tìm ngay dưới chân mình. Cứ tìm đường phát triển ngay trong chén rượu thì biết đâu dân sung sướng hơn cũng nên.

Tuy nhiên dạo này luật giao thông chặt lắm, đã uống rượu thì đừng lái xe. Lãnh đạo thì OK J

Chúc bà con vui cuối tuần.

HM. 2011 biên tập lại 1-2020

Rate this:

Share this:

  • Facebook
  • Email
  • Print
Like Loading...

Related

Từ khóa » Thần Rượu Lưu Linh