Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh Từng Có Dự Báo đáng Sợ Về Cái Chết?

Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ chưa hề đi khỏi cuộc đời

Sáng nay (14/8), tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu về đêm thơ nhạc kịch “Tình yêu ở lại” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của vợ chồng cố nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ. Đêm thơ nhạc kịch này do gia đình của hai cố nhà thơ phối hợp với báo Nông thôn ngày nay, Nhà hát Tuổi trẻ và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

Trong buổi họp báo, nhà báo Lưu Quang Định – em trai của cố nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chia sẻ rằng, vào ngày 29/8/1988, giới văn nghệ sĩ, giới sân khấu và người yêu thơ bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của cặp vợ chồng nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ trong vụ tai nạn thảm khốc dưới chân cầu Phú Lương (Hải Dương). Sự ra đi đột ngột của 3 người đã trở thành một sự kiện lớn lúc đó.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Và cứ vào mỗi dịp kỷ niệm ngày mất của họ, các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát, các sân khấu… lại dàn dựng các vở kịch, các tác phẩm thơ để tưởng nhớ về họ. Đó là niềm tự hào của tất cả các thành viên trong gia đình và cũng là một sự tri ân đối với người đã khuất.

“Anh Lưu Quang Vũ mất khi mới 40 tuổi, chị Xuân Quỳnh 46 tuổi và cháu Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi. 30 năm đã thấm thoắt đi qua nhưng hình ảnh của anh Vũ, chị Quỳnh và cháu Thơ vẫn sống mãi trong trái tim người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Tôi nghĩ, linh hồn họ ở bên kia thế giới cũng sẽ mỉm cười khi biết họ chưa hề rời xa cuộc đời này”, nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ.

NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, một người bạn rất thân của cố nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ xúc động nhắc nhớ: “Mặc dù đã 30 năm đi qua nhưng những gì liên quan đến 3 con người mà tất cả chúng ta yêu quý và trân trọng này vẫn đầy ắp trong trái tim tôi. Và tôi tin là nó cũng đầy ắp trong trái tim của những người thân lẫn những bạn bè ruột thịt của vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ.

Lúc còn sống, Quỳnh còn định kết tình thông gia với chúng tôi. Tôi không biết Quỳnh định chọn ai trong số 3 con trai của mình nhưng chúng tôi đã có lời hẹn ước. Chúng tôi đã từng chia cho nhau cái nghèo. Chúng tôi đã từng nuôi nhau trong những ngày khó khăn. Vì thế, máu thịt của họ cũng là máu thịt của chúng tôi.

30 năm về trước, tôi cùng với một số anh em như: Ngô Thảo, Ngọc Thụ, Đỗ Hồng Quân, Văn Toản… đã tiếp nhận 3 quan tài của Vũ – Quỳnh – Thơ từ Hải Dương chuyển về đưa vào Nhà tang lễ của Bệnh viện Việt Đức nhưng sau đó thầy Đình Quang thương lượng được với bên Bệnh viện Việt Xô nên chúng tôi lại đưa họ qua đó.

Tôi cho rằng, mọi chuyện của họ dường như có một định mệnh. Họ đã thực hiện xong thiên chức của 3 thiên sứ và trở về nơi mà ngày nay chúng ta vẫn luôn nhớ đến họ.

Tôi đã từng nhấn mạnh rất nhiều lần về tính dự báo trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ khi trả lời phóng vấn các báo đài. Vũ đã cho chúng ta thấy được giá trị về tính dự báo trong những suy tư của Vũ. Vì thế, ngày hôm nay Vũ vẫn có trong chúng ta. Cả 3 người họ vẫn chưa hề đi khỏi cuộc đời, nỗi nhớ và những gì họ để lại cho nhân thế”.

Nhà văn Ngô Thảo cũng chia sẻ: “Cuối buổi chiều ngày 29/8, anh Toản ở Nhà hát Kịch Việt Nam chạy lên trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam gào lên lạc giọng “Cả nhà Quỳnh – Vũ gặp nạn qua đời rồi”. Chúng tôi nghe tin mà bàng hoàng tột độ. Lúc đó, tôi cùng anh Xuân Trình, Tất Thắng… cùng nhảy lên một chiếc ô tô lọc tọc đi xuống Hải Dương ngay trong chiều.

Khi đưa cả 3 người vào trong Nhà tang lễ Hải Dương, chúng tôi thắp hương thì bát hương bỗng nhiên cháy đùng lên. Anh Đoàn Dũng đã đập đầu vào tường mà trách móc tại sao cả 3 người lại bỏ chúng tôi mà đi. Đó là kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên được.

Khi chúng tôi đưa họ về Hà Nội thì đã có hàng nghìn văn nghệ sĩ cùng người hâm mộ đứng chật kín phố Phủ Doãn để đón. Nói chung, thời điểm đó, đây là một sự kiện hết sức chấn động.

Vừa rồi, nhiều bài báo có đề cập đến tính dự báo của kịch Lưu Quang Vũ nhưng tôi lại nghĩ tình dự báo đó nằm trong khâu tiếp nhận của mỗi người. Khi anh tạo ra được một tác phẩm trọn vẹn thì ánh sáng – nguyên chất của nó sẽ được đọc mới. Cho nên tính thời sự của hầu hết các tác phẩm của Lưu Quang Vũ là rất rõ.

Nhưng vượt qua tính thời sự chính là chất “ngọc” còn lại để mỗi khi chúng ta nhấc lên sẽ thấy tỏa ra những điều mới mẻ. Xem lại “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Nguồn sáng trong đời”, “Hoa cúc xanh trong đầm lầy”, “Ông vua hóa hổ”… chúng ta đều thấy ở trong này có rất nhiều điều mà ngày hôm nay chúng ta nhận ra cuộc sống có những điều không phải như chúng ta đã từng gay gắt phê phán những vở kịch của Lưu Quang Vũ.

Ngày hôm nay, dù đã 30 năm rồi nhưng chúng ta vẫn nhớ đến Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh vì họ đã để lại cho chúng ta những viên ngọc thật. Viên ngọc thật thì bao giờ chúng ta cầm lên cũng nhìn thấy những ánh sáng óng ánh mới, nó mách bảo cho chúng ta những điều tốt đẹp của cuộc đời”.

Đã từng có những dự báo đáng sợ về cái chết

Chia sẻ bên lề cuộc họp, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã có những dự báo rất đỗi đáng sợ về cái chết của mình mà sau này mọi người mới thấy. Trong nhật ký viết ngày 8/11/1964 của Lưu Quang Vũ có đoạn: "Rất có thể sẽ có một điều vô lý nào đó tới cắt đứt cuộc đời ta.

Cái chết - ta không sợ nó nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá. Chưa làm được gì cả, ăn hại 17 năm (khi viết những dòng này, tính theo tuổi mụ thì Lưu Quang Vũ vừa 17 tuổi), thế rồi chết ư? Thần chết ơi, ta chẳng cần nhiều đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi có thể coi là đã làm được chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt. Đấy là chỉ tiêu của ta, có ngắn ngủi không? Chỉ 20 năm thôi mà...”.

Người thân, bạn bè và đồng nghiệp của cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong buổi họp báo sáng 14/8. Ảnh: Khánh Thơ.
Người thân, bạn bè và đồng nghiệp của cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong buổi họp báo sáng 14/8. Ảnh: Khánh Thơ.

Không chỉ thể hiện trong những dòng nhật ký, ở bài thơ “Bài hát ấy vẫn còn dang dở”, một trong những bài thơ cuối cùng Lưu Quang Vũ viết tặng người vợ thương yêu của mình cũng có những câu khiến người đọc “rùng mình”: “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/ Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ “đều đã linh cảm về cái chết”. Và trên “chuyến xe định mệnh” ấy, sau 15 năm gắn bó, họ lại tiếp tục bên nhau, vĩnh viễn bên nhau cùng tình yêu bất tử của mình.

Theo NSƯT Lê Chức, sáng 20/8, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về Lưu Quang Vũ. Hiện BTC đã nhận được khoảng 30 bài tham luận. Tối cùng ngày sẽ diễn lại vở “Nguồn sáng trong đời” do Nhà hát Kịch Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp dàn dựng.

Vào 20h ngày 26/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra đêm thơ nhạc kịch “Tình yêu ở lại”. Chương trình gồm 3 phần: Những bài thơ, ca khúc được phổ nhạc của 2 tác giả; những lời kể, hồi ức, kỷ niệm lần đầu được kể về hình ảnh của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh; trích đoạn vở kịch nổi tiếng “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”.

Chương trình có sự tham gia của NSND Phạm Thị Thành, NSND Doãn Châu, NSND Vương Hà, Lê Khanh, NSƯT Lê Chức, nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Lê Minh Khuê, nhạc sĩ Nguyễn Cường, Lê Tâm, ca sĩ Tùng Dương, Ánh Tuyết, các nghệ sĩ đoàn kịch và đoàn ca nhạc Nhà hát Tuổi trẻ… Đêm nghệ thuật sẽ được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam ngày 29/8/2018, đúng vào ngày hai tác giả và con trai tử nạn.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, anh đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây-Bếp lửa” và các tập thơ tiếp sau này như “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm”.

Từ năm 1978 đến 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác vở kịch nói đầu tay “Sống mãi tuổi 17”. Tiếp sau đó, hàng loạt vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: Nàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta; Người tốt nhà số 5; Ngọc Hân công chúa; Linh hồn của đá; Ông vua hóa hổ; Chiếc ô công lý; Ông không phải là bố tôi; Điều không thể mất; Lời nói dối cuối cùng…

Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942, tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Nhà thơ Xuân Quỳnh bước chân vào nghệ thuật với tư cách là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962-1964, Xuân Quỳnh học Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Học xong, bà làm việc tại Báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.

Nhà thơ Xuân Quỳnh đã in các tập thơ “Tơ tằm - chồi biếc”, “Hoa dọc chiến hào”, “Gió lào, cát trắng”, “Lời ru trên mặt đất”, “Sân ga chiều em đi”, thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ”… Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của chị.

Những bài thơ khi hạnh phúc, đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của người phụ nữ vừa làm thơ, vừa làm vợ, làm mẹ. Xuân Quỳnh có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Thuyền và biển; Sóng; Hoa cỏ may; Tự hát; Nói cùng anh… được đưa vào sách giao khoa phổ thông của Việt Nam. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ “Thuyền và Biển”, “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh.

40 năm sống trên đời, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã sống một cuộc sống đáng sống bên cạnh người bạn đời, nhà thơ Xuân Quỳnh. Cuộc tình và sự nghiệp của họ đã trở thành một sự kiện, hiện tượng trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam.

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng được truy tặng Giải thưởng này năm 2017.

Hà Tùng Long

Từ khóa » Tiểu Sử Xuân Quỳnh Và Lưu Quang Vũ