LƯU TRỮ MÁU CUỐNG RỐN | Bệnh Viện Nhi Trung ương

27/07/2021

Của để dành – Mẹ trao con

TỔNG QUAN VỀ LƯU TRỮ MÁU CUỐNG RỐN

Sau khi em bé chào đời và được kẹp, cắt rốn, phần còn lại của cuống rốn và bánh rau được bỏ đi như một loại rác thải y tế. Tuy nhiên gần đây người ta thấy rằng lượng máu còn lại trong cuống rốn ngoài các tế bào máu thông thường như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu còn chứa rất nhiều các tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc trung mô… Đây là lượng tế bào gốc rất có giá trị có thể được lưu trữ và sử dụng để ghép tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý hiện nay. Cho tới nay, có trên 75 loại bệnh được điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu, bao gồm các bệnh lý huyết học (tan máu bẩm sinh, suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch…), các bệnh lý miễn dịch-tự miễn (suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể kết hợp nặng, Wiskott Aldrich, giảm chức năng bạch cầu hạt, lupus ban đỏ hệ thống…) và điều trị/hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu cấp, u lympho, u nguyên bào thần kinh…

Ưu điểm của máu cuống rốn là việc thu thập dễ dàng, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé. Chất lượng các tế bào gốc tạo máu trong máu cuống rốn tốt hơn nhiều so với tế bào gốc thu hoạch từ các nguồn khác. Nếu sử dụng tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn thì liều ghép chỉ cần bằng 1/10 so với thu thập từ tủy xương hay máu ngoại vi. Đây thực sự là món quà sinh học có giá trị đầu tiên dành tặng cho em bé và gia đình. Vì vậy, hiện nay có nhiều Ngân hàng Tế bào gốc trên thế giới và Việt Nam tiến hành lưu trữ các đơn vị máu cuống rốn cộng đồng hoặc theo nhu cầu của khách hàng.

NGÂN HÀNG TẾ BÀO GỐC – BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG

Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở Y tế đầu ngành về Nhi khoa trong cả nước. Việc phát triển và ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc đã được thực hiện rất sớm. Kể từ ca ghép tủy đầu tiên năm 2006, cho đến nay đã có rất nhiều bệnh nhân thuộc nhiều nhóm bệnh khác nhau được thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu thành công tại Bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp, mở ra cơ hội được cứu sống cho những bệnh nhân không tìm được người cho phù hợp.

Bên cạnh việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, Ngân hàng tế bào gốc – máu cuống rốn, Bệnh viện Nhi Trung ương được thành lập từ năm 2010 thực hiện lưu trữ các mẫu máu cuống rốn cho các gia đình có nhu cầu. Cho đến nay, chúng tôi đã lưu trữ an toàn hàng nghìn mẫu máu cuống rốn, một số trong các mẫu đó đã được sử dụng để ghép điều trị cho các bệnh nhân là anh chị em trong gia đình không may bị bệnh. Ngân hàng Tế bào gốc tập trung đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn cố gắng nâng cao chuyên môn và chất lượng dịch vụ nhằm đem lại sự yên tâm cho khách hàng đã trao gửi niềm tin.

LƯU TRỮ TẾ BÀO GỐC MÁU CUỐNG RỐN

Tại sao nên lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn?

Việc lưu trữ máu cuống rốn mục đích để dự phòng, đề phòng những trường hợp rủi ro cần phải dùng đến. Việc thu thập và lưu trữ máu cuống rốn không ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và em bé và chỉ có một cơ hội lưu trữ duy nhất trong đời.

Ai có thể lưu đăng ký trữ được máu cuống rốn cho con mình?

Sản phụ (người mẹ) trên 18 tuổi có hành vi dân sự bình thường đều có quyền đăng ký lưu trữ mẫu máu cuống rốn cho con mình tại Ngân hàng Tế bào gốc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Lợi ích từ việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là gì?

Lưu trữ mẫu máu cuốn rốn được ví như mua bảo hiểm sinh học cho con bạn và gia đình. Trong trường hợp con bạn không may mắc một trong số các bệnh lý như trên thì có thể dùng tế bào gốc đang lưu trữ để điều trị.

Tế bào gốc máu cuống rốn của con bạn còn có thể dùng để điều trị cho anh chị em ruột (xác xuất phù hợp hoàn toàn là 25%, xác xuất nửa phù hợp là 50%) hoặc các thành viên khác trong gia đình, thậm chí dùng cho ai đó trong cộng đồng mắc bệnh khi có sự phù hợp gen.

Quá trình lưu trữ máu cuống rốn diễn ra như thế nào?

Ngân hàng Tế bào gốc, Bệnh viện Nhi đã liên kết với nhiều các Bệnh viện lớn trong và ngoài công lập trong việc thu thập máu cuống rốn. Nhân viên của chúng tôi sẽ đến trực tiếp và thu thập máu máu cuống rốn của em bé ngay sau sinh. Sau đó, mang mẫu máu về Ngân hàng Tế bào gốc để xử lý và lưu trữ trong Nitơ lỏng nhằm đảm bảo chất lượng và thời gian lưu trữ lâu dài.

Tôi liên hệ với ai để được tư vấn và làm thủ tục lưu trữ máu cuống rốn?

Các bạn có thể liên hệ với Ngân hàng Tế bào gốc, Bệnh viện Nhi Trung ương để được tư vấn. Từ tuần thai thứ 32 trở đi có thể đăng ký, làm xét nghiệm sàng lọc và ký Hợp đồng với Bệnh viện. Các thủ tục nhanh gọn, chi phí hợp lý và đảm bảo uy tín, chất lượng, xứng đáng là nơi tin cậy để lưu trữ máu cuống rốn cho con bạn.

TS.BS. Nguyễn Thanh Bình Trung tâm Tế bào gốc, Bệnh viện Nhi Trung ương

Từ khóa » Chức Năng Cuống Rốn