Lưu ý Khi Sử Dụng Vòng Tránh Thai Chị Em Cần Nhớ

Truy cập nội dung luôn Cổng thông tin Bộ Y tế

Lưu ý khi sử dụng vòng tránh thai chị em cần nhớ

25/10/2020 | 14:26 PM

|

Vòng tránh thai (dụng cụ tử cung) là biện pháp tránh thai được nhiều phụ nữ lựa chọn vì tính an toàn, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần phải đặt tại các cơ sở y tế chuyên khoa, đồng thời phải theo hướng dẫn thăm khám định kỳ để kiểm tra chiếc vòng tránh thai, đảm bảo đặt đúng vị trí, không bị lệch để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

news-relate

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã đăng tải hình ảnh một em bé vừa chào đời, trên tay cầm chiếc vòng tránh thai của mẹ. Hình ảnh nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Theo đó, bé là con thứ 3 của sản phụ T.T.P.L (34 tuổi, trú quận Dương Kinh, Hải Phòng). Trước đó, sản phụ này đã 2 lần đẻ thường vào các năm 2011 và năm 2015. Năm 2018, sản phụ đã đến bệnh viện tuyến huyện để đặt vòng tránh thai.

Sau khi bị chậm kinh, sản phụ đi siêu âm thì phát hiện vòng tránh thai được đặt đúng vị trí nhưng thai vẫn làm tổ và phát triển bình thường.

Bé trai này được sinh thường với cân nặng 3,3 kg và được chào đời cùng 1 chiếc vòng tránh thai của mẹ trong bánh rau. Theo ê-kíp đỡ đẻ, sau khi bé trai chào đời, các bác sĩ đã cho bé cầm vòng tránh thai để chụp ảnh làm kỷ niệm.

Trên thực tế, trường hợp chị em đặt vòng nhưng vẫn có thai và sinh con cũng đã từng diễn ra trước đây. Nhận định về điều này, BS Trương Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đối với đặt vòng tránh thai, hiệu quả tránh thai mang lại rất cao, chiếm từ 97-99%. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc xác suất có thai ngoài ý muốn vẫn có thể xảy ra, chiếm khoảng 2-3%.

Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, có thể do vòng bị tuột, rơi ra ngoài sau khi đặt. Trường hợp này thường xảy ra trong 3 tháng đầu đặt vòng và nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt. Một số chị em làm việc nặng, mang vác nhiều đồ cũng dễ khiến vòng tránh thai bị áp lực đẩy xuống thấp và tăng nguy cơ rơi ra ngoài.

Một nguyên nhân khác là do trong sinh hoạt hàng ngày, vòng tránh thai bị tác động lệch khỏi vị trí ban đầu hoặc bị biến dạng nên không đạt được hiệu quả tránh thai như mong muốn.

Bên cạnh đó, thời điểm đặt vòng cũng rất quan trọng, quyết định khá nhiều đến hiệu quả mà vòng tránh thai mang lại. Cụ thể, không đặt vòng quá sớm sau khi sinh, nhất là sinh mổ, khi tử cung chưa hồi phục, dễ gây tuột vòng hoặc lệch vòng.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M (Bệnh viện Từ Dũ TPHCM), với những trường hợp có thai khi đặt vòng, chị em cần được bác sĩ theo dõi quá trình phát triển của thai nhi kèm theo chiếc vòng. Nếu chiếc vòng lệch thấp, nó sẽ được can thiệp để lấy ra.

Nếu vòng ở vị trí cao, nằm ngoài túi thai thì lúc sinh, chiếc vòng sẽ cùng với nhau thai tuột ra ngoài. Thực tế, trên thế giới, có trường hợp thai nhi khi được sinh ra còn "cầm" theo chiếc vòng tránh thai trên tay.

Không chỉ diễn ra trường hợp hy hữu sinh con ngoài ý muốn khi đã đặt vòng tránh thai, thực tế cũng ghi nhận một số trường hợp chiếc vòng tránh thai bị lệch khỏi vị trí ban đầu và "đi lạc" vào các bộ phận khác trong cơ thể.

Mới đây nhất, đầu tháng 6 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành phẫu thuật lấy vòng tránh thai "lạc chỗ" xuyên thành bàng quang cho một nữ bệnh nhân 39 tuổi.

Theo lời kể của người bệnh, chị đặt vòng tránh thai khoảng 10 năm trước tại cơ sở của bà "mụ vườn" gần nhà. Cách đây 4 năm chị có đến cơ sở y tế địa phương để lấy vòng ra, nhưng được thông báo là không tìm thấy vòng tránh thai trong lòng tử cung. Đến thời gian gần đây do đau âm ỉ hạ vị kèm tiểu buốt nên mới đến bệnh viện thì được phát hiện vòng đã "chui" xuyên thành bàng quang.

Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết, vòng tránh thai là biện pháp tránh thai được nhiều phụ nữ lựa chọn vì tính an toàn, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần phải đặt tại các cơ sở y tế chuyên khoa, đồng thời phải thăm khám định kỳ để kiểm tra chiếc vòng tránh thai, đảm bảo đặt đúng vị trí, không bị lệch để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Những ai không được đặt vòng tránh thai?

Đề cập cụ thể về những đối tượng chống chỉ định tuyệt đối với đặt vòng tránh thai, trong tài liệu Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ Y tế ban hành năm 2016 đã nêu rõ, những chị em thuộc các nhóm sau không được đặt vòng tránh thai:

- Chị em đang có thai

- Bị nhiễm khuẩn hậu sản

- Ra máu âm đạo chưa được chẩn đoán nguyên nhân

- Ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung

- Đang bị ung thư vú (chỉ đối với dụng cụ tử cung giải phóng levonorgestrel)

- U xơ tử cung hoặc các dị dạng khác làm biến dạng buồng tử cung

- Đang viêm tiểu khung; đang viêm mủ cổ tử cung hoặc nhiễm Chlamydia, lậu cầu.

- Lao vùng chậu...

Nguồn: Báo Gia đình xã hội

Nhiên Thị Nguyễn

  • Tweet
Tin liên quan
  • Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025
  • Truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi gây ngộ độc khiến 4 người nhập viện ở Vũng Tàu
  • Bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn kháng trị được cứu sống ngoạn mục
  • Tỷ suất sinh tại TPHCM đang đà tăng nhưng vẫn ở mức rất thấp
  • Bộ Y tế gia hạn thêm 1.500 giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc
  • Hơn 80% trẻ ở Hà Tĩnh được uống vaccine Rota miễn phí
  • Dấu mốc ý nghĩa trong hành trình cứu người của Bệnh viện Bạch Mai

Từ khóa » Hình ảnh Chiếc Vòng Tránh Thai