Lũy Pháo Đài [Khám Phá Vẻ Đẹp] - TOP9

Di tích Lũy Pháo Đài ở ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, Huyện Gò Công Đông, Tỉnh Tiền Giang, nằm ngay bên cửa Tiểu, trên cù lao Phú Tân. Đây vốn là một thành lũy được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Trong những năm 1860 – 1864, Trương Định đã dựa vào đây mà tổ chức kháng chiến chống Pháp. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1987.

Năm 1834, vua Minh Mạng cho xây dựng tại đây một bảo bằng đất gọi là đồn Từ Linh để bảo vệ cửa Tiểu. Bảo có chu vi 60 trượng (378 m), cao 5 thước 5 tấc (2,57 m), mở hai cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 và thứ 7 (1834 và 1847), bảo được sửa chữa lại.

Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 04-1861, Trương Định về Tân Hoà xây dựng căn cứ kháng Pháp. Đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là chiến lũy Pháo Đài. Xung quanh đồn có thành đất đắp cao, dày, gồm 06 cạnh cân đối khá đều nhau tạo thành hình lục lăng (lục giác); chân móng thành làm bằng đá ong, đá xanh cao 8 m; bốn phía có cổng, vọng gác, rào chắn. Giữa đồn là kho vũ khí, giếng nước và vọng lầu chỉ huy.

Phía Đông Nam đồn có một gò tròn cao 21 m, đường kính 15 – 20 m, gọi là gò Thổ Sơn, là đài quan sát của nghĩa quân. Bao bọc bên ngoài thành là rừng kè, đước, dừa nước, bần. Dưới lòng sông, Trương Định xây một đập đá gọi là đập Đá Hàn, nằm giữa hai hướng cửa thành Tây và Tây Bắc, án ngữ ngay Cửa Tiểu, cách đồn chừng 60 m. Đây là nơi đặt súng thần công để trấn giữ một cửa biển quan trọng ở phía Nam Tổ quốc.

Năm 2000 Sở Văn hoá – Thông (nay là Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch) Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà bia di tích Lũy Pháo Đài. Nhà bia cao 9,4 m rộng 84 m2, mái ngói, cột bê tông, nền tôn cao 2 m so với mặt đất. Người ta cũng đã tiến hành phục hồi 02 súng thần công đặt tại nơi này để dân chúng có dịp tham quan, tìm hiểu về quá trình giữ nước của người Gò Công.

Từ khóa » Di Tích Lũy Pháo đài