Lý Bạch Cố Cư | Mai Vàng
Có thể bạn quan tâm
Công mài sắt và chí đại bàng!
Cổng vào Lý Bạch cố cư rất to. Một bức phù điêu khổng lồ cách điệu hoa sen được đắp nổi trên lối vào. Lối đi chính là một con đường lát đá rộng đi giữa hai hàng bạch ngọc lan chen với những trụ đèn. Tiếng cổ nhạc từ cỏ, từ đá, từ cây quấn theo bước chân du khách. Lối đi ấy đưa bạn đi qua suối Mài Kim.
Suối ấy, là cái thấy được để nhắc lại chuyện xưa không thấy được đã thành điển tích. Trời đã ban cho Lý Bạch một đặc ân không phải ai cũng có được: một bà lão đầu bạc bên bờ suối cạnh cầu Đá Trắng đang mài chiếc chày sắt thành chiếc kim thêu hoa để trao cho chàng Lý Bạch tuổi thiếu niên bài học “có công mài sắt, có ngày nên kim”!
Lý Bạch từ lần gặp gỡ đó đã vứt bỏ ý định trốn học, quay vào núi Tượng Nhĩ quyết chí học hành. Hơn 10 tuổi đã đọc hết Kinh Thi, Thượng Thư, Sở từ, Hán phú, Bách gia chư tử...
Lý Bạch một đời mài chí thành đại bàng, sánh mình với Quản Trọng, Gia Cát Lượng, quyết tung đôi cánh tài năng bay cao chí lớn. Ngày còn trẻ, ông viết trong bài Thượng Lý Ung: “Đại bàng nhất nhật đồng phong khởi/ Phù dao trực thượng cửu vạn lý” (Đại bàng một ngày bay lên cùng gió/ Bay thẳng một mạch chín vạn dặm).
Đến trước khi chết, trong Lâm chung ca, ông lại viết: “Đại bàng phi hề chấp bát duệ, trung thiên thôi hề lực bất tề/ Dự phong kích hề vạn thế... (Đại bàng tung cánh rung chuyển tám phương, dù lúc bay giữa trời vỗ cánh không đủ sức/ Nhưng luồng gió còn sót lại vẫn kích động cả muôn đời...).
Cố hương...
Lý Bạch cố cư là nơi mà Lý Bạch đã sống suốt một thời tuổi trẻ cho đến năm 26 tuổi, trước khi rời Tây Thục lên đường sống đời du hiệp ngang dọc đất trời, hào tráng mà cũng đầy bi kịch, chìm nổi...
Nơi đây đã chứng kiến và giữ lại không ít những bài thơ thuở Lý Bạch nằm “mộng thấy đầu bút sinh hoa”, cùng với những câu chuyện có thật hoặc không chắc có thật mà người đời ca tụng đến hôm nay.
Long Tây viện, Long Phong đường, Thái Bạch lâu, Ma Châm khê (suối Mài Kim), Tẩy Mặc trì (hồ Rửa Mực), Thạch Ngưu câu (rãnh Trâu Đá)... dẫn dắt du khách theo lối trúc, suối tre, hòa cùng hoa cỏ núi hồ, bia đá tượng đồng để nghe kể về cuộc đời của “một vị thần tiên giáng thế” được xưng tụng là Lý Trích Tiên.
Long Tây viện là nơi gia đình Lý Bạch từng sống ở đây, phía trước có hai cây La Hán. Bước qua một bức tường làm bình phong có khắc thủ bút của Đặng Tiểu Bình “Lý Bạch cố cư”, là gian nhà lớn vốn làm nơi tiếp khách khi xưa, nay có treo 14 bức tranh khắc gỗ kể lại bằng hình cuộc đời “Thi Tiên” từ lúc mẹ ra sông giặt áo gặp sao Thái Bạch sa vào bụng để hoài thai, đến khi Lý Bạch chết ở An Huy - mộ không xác, chỉ táng vào đó quần áo và những tập thơ... Qua sân sau, giếng nước, bên phải là gian nhà nơi cha mẹ Lý Bạch ở, bên trái là thư phòng và phòng ngủ của Lý Bạch...
Trước Long Phong đường là bức tượng đứng của Lý Bạch thuở thiếu thời nho nhã. Trong Long Phong đường là tượng Lý Bạch năm 42 tuổi trước lúc vào kinh, dáng ngồi, gươm đeo sau lưng, sách cầm trên tay, chí khí và oai phong, kiêu hãnh mà phóng khoáng.
Quảng trường thơ lộng gió
Tháng 5-1992, khu Thái Bạch bi lâm (rừng bia Thái Bạch) được khánh thành. Lấy nghệ thuật lâm viên làm cơ sở, dựa vào thế núi Thiên Bảo, Thái Bạch bi lâm làm thành một quần thể kiến trúc hết sức độc đáo trong Lý Bạch cố cư để ngợi ca văn hóa Lý Bạch trong sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Đứng giữa Thái Bạch bi lâm, ta như đứng giữa một thánh địa nghệ thuật hòa quyện thơ ca Lý Bạch cùng thư họa Trung Hoa, với chiều cao hướng đến Thái Bạch lâu trên đỉnh Thiên Bảo, với chiều rộng lộng gió từ Thủ Bi quảng trường nối Cự Bi quảng trường.
Và ta nghe như từ muôn trùng đá thở ra theo gió nguồn thơ của Lý Bạch khi như sông suối tuôn chảy, khi như núi lửa phun trào. Có tỉnh và say, có trữ tình và hiện thực, có bi ai và phẫn nộ, có hi vọng và chán chường nhưng lúc nào cũng tràn trề suy tư, đầy ắp tưởng tượng, trộn lẫn trong ngôn ngữ mới mẻ là nghệ thuật khoa trương mãnh liệt...
Tôi ngây ngất nghe gió mang từ đá hồn thơ Lý Bạch mà say giữa trời. Như chén rượu Trần Lương mà cô gái Tứ Xuyên da tuyết trắng, giọng mật ngọt đã mời nhấm tại Tự Luân đường để biết thế nào là thứ chất cay đã làm say một đời họ Lý.
Rời Lý Bạch cố cư, sau khi đã ngắm hồi lâu nơi đại môn, bỗng có một giọt nước mắt rất to rớt xuống lòng... Tôi khóc cho cụ Nguyễn Du nhà mình. Chẳng phải tôi là kẻ ba trăm năm sau có khả năng hiểu được hồn Tố Như! Tôi khóc vì thẹn!
Thẹn vì con cháu của người chưa làm được gì để giữ gìn và vinh danh xứng đáng di sản cùng tên tuổi của người - bậc danh nhân văn hóa thế giới. Trông người mà ngẫm đến ta...
Dựa vào phong cách thơ ca Lý Bạch, người ta tạo ra năm khu vườn lớn: Lý Bạch Thi Tinh Phẩm viên, Thanh Phong Minh Nguyệt viên, Cố Viên Sơn Thủy viên, Ma Châm Tầm Mộng viên và Thi Tiên Túy Tửu viên. Những tấm bia nơi đây chứa trên dưới 2.000 tác phẩm thư họa ghi lại thơ văn Lý Bạch hoặc thơ văn ca ngợi Lý Bạch với bút tích của Lý Bạch, của các nhà thư pháp, của các danh nhân như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lỗ Tấn, Từ Huệ, Thẩm Y Mặc, Chúc Thi Sơn... được khắc trên đá. Đó là những tấm bia khắc chữ trên những khối đá lớn (phương trụ bi); trên những khối đá tròn ốp quanh những trụ đá cao hơn đầu người (thủ bi); trên khối đá khổng lồ làm thành một bức phù điêu chạm vào vách núi Thiên Bảo với chiều rộng mấy trăm mét (cự bi); hoặc từ những phiến đá phẳng áp trên mặt đất, đặt giữa lối đi theo những bậc thang lên cao. |
Từ khóa » đại Bàng Nhất Nhật đồng Phong Khởi
-
Hán Phục Thập Tam Dư – CHƯƠNG 12: LÝ BẠCH HỆ LIỆT
-
Thuộc Những Câu Tinh Hoa Này Của Cổ Nhân, Bạn Có Thể Thăng Hoa ...
-
Thi Tiên Lý Bạch Có... - Cá Đầu To Của Lưu Năng - 刘宇 - Facebook
-
Trang Thơ Lý Bạch - 李白 (332 Bài Thơ) - Thi Viện
-
Cánh Chim đại Bàng Trong Tám Cõi - Báo Văn Nghệ Việt Nam
-
Tân Vương Kiếm Hiệp Mọi Thời Đại | Tải Game Phong Khởi Trường ...
-
Lý Bạch Và Nỗi Sầu Vạn Cổ - Báo Lao Động
-
Phong Khởi Thương Lam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phong Khởi Lạc Dương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng: Trang Chủ
-
Đại Bàng Tung Cánh - Tượng Đồng Phong Thủy | Shopee Việt Nam
-
Danh Sách Các Tin Video - Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư