Lý Do đệ Nhất Phu Nhân Rumani được Ví Như Giang Thanh Của ...
Có thể bạn quan tâm
Chân dung vợ chồng Elena Ceausescu-Nicolae Ceausescu |
Elena- bản sao thứ hai của Giang Thanh và Imelda Marcos ở Rumani
Theo Wikipedia, Elena Ceausescu vợ Nicolae Ceausescu, Tổng bí thư Đảng LĐ, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1967 và Tổng thống Romania từ năm 1974 đến 1989, với tên khai sinh Lenuta Petrescu, chào đời đầu tháng Giêng 1916, trong gia đình nông dân ở xã Petresti, huyện Dambovita. Học bạ cho thấy người phụ nữ này phải bỏ học lớp 4 sau đó chuyển đến sống với anh trai tại Bucharest. Bà gia nhập Đảng CS Rumani năm 1939 và gặp Nicolae Ceausescu khi mới 21 tuổi. Tháng 12 năm 1947 kết hôn, và sau khi chồng bà Nicolae Ceausescu thâu tóm hết quyền lực, Elena đã ra lệnh cho bộ máy tuyên truyền gọi bà là “Mẹ dân tộc” (Mother of the Nation). Trong quá trình trị vì, gia đình Ceausescu đã tạo ra một tổ chức sùng bái nhân cách một cách quá mức, kiểu nhưu Mao Trạch Đông hay Hitler.
Theo tạp chí trực tuyến Thevintagenews.com (TVN) của Mỹ số cuối tháng 8/2018, trong thời gian nắm quyền khoảng 24 năm, Ceausescu không chỉ nuôi dưỡng sự sùng bái cá nhân, mà còn dành phần lớn sản phẩm quốc nội của Rumani vào cung điện gia đình (một trong những tòa nhà lớn nhất hành tinh), và tạo ra một bộ máy an ninh khổng lồ, khoảng hơn 10% dân số cả nước làm nhiệm vụ cung cấp thông tin giúp bảo vệ quyền lợi cho gia đình Ceausescu. Tháng 11 năm 1974, Elena có chân trong BCT Đảng CS Rumani và là người quan trọng thứ hai sau Ceausescu. Năm 1977 bà trở thành ủy viên thường vụ Chính trị. Tháng 3 năm 1975, được bầu vào Quốc hội, phụ trách vùng Arges, khu vực công nghiệp quan trọng nhất của đất nước, cho đến khi bị xử bắn cuối năm 1989.
Nicolae Ceausescu cùng cha mẹ và vợ (trái sang) |
Bắt đầu vào tháng 7 năm 1972, Elena được bổ nhiệm nhiều chức vụ cấp cao trong Đảng. Vợ chồng Ceausescu là một trong số ít các cặp vợ chồng có chức vụ cao nhất trong đảng và nhà nước. Trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc tháng 6/1971, khi thấy vợ của Mao Trạch Đông, Giang Thanh là phụ nữ nắm giữ quyền lực thực sự. Còn khi đến thăm Philippines, bà đã ghen tị ra mặt với lối sống sang trọng và ngoại hình của Imelda Marcos, vợ tổng thống Marcos người sau này cũng bị lật đổ phải sống và qua đời ở hải ngoại. Có nhiều khả năng Elena đã lấy cảm hứng từ những người phụ này, tìm cách gia tăng vị thế chính trị của bản thân và vơ vét tiền của về cho gia đình mình...
Vợ chồng Ceausescu được Tổng thống Mỹ Nixon đón tiếp khi tới thăm Mỹ |
“Mẹ dân tộc” - nhà khoa học rởm
“Mẹ dân tộc” Elena không chỉ nổi tiếng trên chính trường, quyền bính mà còn cả trong lĩnh vực khoa học. Bà là tác giả của sáng kiến phát triển kinh tế “xưa nay hiếm” bằng cách đẻ thật nhiều để tạo thêm nhân lực. Theo sáng kiến này, từ năm 1966, luật của Rumani cấm tiệt các biện pháp tránh và nạo thai.
Thay vào đó, mỗi phụ nữ được yêu cầu phải đẻ ít nhất 4-5 con. Dân số bùng nổ và quản lý kinh tế yếu kém khiến Rumani lâm vào tình trạng nghèo nàn đến mức nhiều gia đình Rumani không có khả năng nuôi con, phải gửi vào trại mồ côi. Do điều kiện chăm sóc tồi tàn, thiếu ăn, nên phần lớn các trẻ em trong các trại mồ côi đó bị suy dinh dưỡng và bệnh tật, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong những năm 1980, hàng nghìn trẻ em trong các trại này bị nhiễm bệnh SIDA do truyền máu, nhưng hội đồng y tế quốc gia do Elena đứng đầu đã vờ che và tuyên bố “không thể có bệnh SIDA ở Rumani được”.
“Mẹ dân tộc” nhận bằng tiến sĩ danh dự tại Manila (Philipin) năm 1975 |
Để khẳng định vị trí “mẹ dân tộc” của mình, Elena lựa chọn con đường khoa học để tiến thân mặc dù sự học hành của bà mới chỉ có lớp 4. Elena từng ghi tên học tiến sĩ về hóa học ở Bucharest theo hệ học từ xa buổi tối, và đến năm 1965 đã trở thành Viện trưởng Viện hóa học, rồi chủ tịch hội đồng quốc gia về khoa học và công nghệ năm 1970, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Rumani năm 1974, chủ tịch hội đồng quốc gia về văn hóa và giáo dục năm 1975. Hàng loạt bài báo khoa học về lĩnh vực vật liệu polymer, được ký tên Ceausescu.
“Mẹ dân tộc” Elena còn ứng cử vào chức Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học, nhưng không ai bầu. Một vị giáo sư người Rumani hiện làm việc ở Paris kể rằng khi làm Viện trưởng Viện hóa học, bà Ceausescu đưa ra 3 cải cách “dị thường” mà giới khoa học Rumani còn nhớ mãi. Một, những người làm việc trong viện phải mặc đồng phục, mỗi tầng mặc một màu khác nhau để mọi người không lảng vảng vào nơi không thuộc phận sự của mình. Hai, khi đi vào và ra nhà vệ sinh phải ghi giờ vào và ra. Ba, cần phải đóng cửa thư viện bởi ai cần tra cứu sách thư viện, tức chưa đủ kiến thức, không xứng làm việc ở viện.
“Mẹ dân tộc” sở hữu hơn 100 bằng danh dự các loại |
Có một chuyện hài hước khác về học vấn của “Mẹ dân tộc” đến nay nhiều người vẫn còn nhớ. Chuyện rằng, tuy trình độ mới lớp 4 nhưng Elena lại đứng đầu nhiều bộ phận khoa học quan trọng của đất nước nên bà được gán cho biệt danh “Codoi” chỉ vì không biết đọc đúng ký hiệu CO2 (Dioxit Carbon), đọc nó là “Codoi”, trong tiếng Rumani CO có nghĩa Carbon-Oxygen còn “doi” là 2. Codoi trong Rumani còn có nghĩa "cái đuôi lớn". Sự vô học của Elena là một “vô tiền khoáng hậu” ai ai cũng lắc đầu. Sau năm 1989 khi vợ chồng Ceausescu bị phế truất các nhà khoa học Rumani khẳng định, các công trình của Elena đều do những người khác bị ép buộc viết cho, ai chống lại sẽ bị trừng trị thích đáng...
Một kỷ lục đáng nể khác của “Mẹ dân tộc” Elena Ceausescu là sở hữu hơn 100 bằng danh dự các loại. Để có được thành tích này, Elena đã đòi hỏi Viện hàn lâm Hoàng gia Anh (RS) và Đại học Oxford phong danh hiệu viện sĩ và tiến sĩ danh dự nhưng cả hai đều từ chối. Cuối cùng, nhằm giúp Anh ký được hợp đồng mua bán hơn 80 máy bay dân sự cho Rumani, các nhà ngoại giao Anh đã móc nối với Viện Hàn lâm Hóa học Hoàng gia Anh (RIC) và Viện công nghệ Polytechnic đồng ý phong danh hiệu giáo sư và tiến sĩ danh dự cho Elena. Không chỉ ở Anh, mà còn nhiều nước khác, trong đó có cả Mỹ, Pháp, Mexico.. cũng từng phong tước vị này cho Elena mỗi khi vợ chồng bà đặt chân tới trên danh nghĩa nguyên thủ quốc gia bởi nó vô thưởng vô phạt lại có lợi cho nước cấp. Tổng cộng, bà Elena đã ẵm về hơn 100 danh hiệu danh dự kiểu này.
Cuối thập niên 80 nhiều chính biến diễn ra tại Đông Âu, đặc biệt là sau khi Liên Xô tan rã. Cuối năm 1989, Rumani là một trong những quốc gia Đông Âu cuối cùng vấp phản làn sóng tan vỡ. Cuộc cách mạng đẫm máu nổ ra tháng 12/1989 dẫn đến việc đảo chính lật đổ chế độ độc tài Ceausescu. Hai vợ chồng Ceausescu phải bỏ trốn bằng máy bay trực thăng khỏi Bucharest, nhưng cuối cùng vẫn bị cảnh sát bắt giữ và bị kết án tử hình trong một phiên tòa cấp tốc chưa đầy 2 giờ đồng hồ vào đúng ngày Lễ Giáng sinh 1989. Trong phiên tòa, Elena Ceausescu vẫn kiêu ngạo tự nhận mình là nhà khoa học vĩ đại. Hai vợ chồng Ceausescu bị đem ra xử bắn ngay trong ngày hôm đó, chấm dứt triều đại Ceausescu, mở ra một trang sử mới cho đất nước Rumani.
Hai vợ chồng Ceausescu bị kết án tử hình trong một phiên tòa cấp tốc dài chưa đầy 2 giờ đồng hồ vào Giáng sinh 1989 |
Từ khóa » Tổng Bí Thư Romania
-
Nicolae Ceaușescu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đảng Cộng Sản România – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nicolae Ceaușescu: Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản România
-
Nhìn Lại Sự Kiện Ngày 25/12/1989 ở Romania - Báo Đại Đoàn Kết
-
Romania: Vết Thương Chưa Lành Từ Cuộc Cách Mạng Giáng Sinh 1989
-
Rumani Tưởng Niệm Nạn Nhân Cuộc Cách Mạng Lật đổ Chế độ Cộng ...
-
Cha Già Dân Tộc Rumani Nicolae Ceauşescu, (26/1/1918 - Facebook
-
Ảnh Chụp Nicolae Ceausescu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Romania ...
-
Lịch Sử Hiện đại: Chiến Tranh Và Cách Mạng | Facebook - Facebook
-
Thời Khắc Tổng Bí Thư Nicolae Ceausescu Biết Mình Sắp Bị Hạ Bệ
-
Đại Sứ Đặng Trần Phong Trình Quốc Thư - Trang Chủ - MOFA
-
Điện Mừng 70 Năm Ngày Thiết Lập Quan Hệ Ngoại Giao Việt Nam ...
-
Lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Tiếp Đại Sứ Romania Tại Việt Nam