Lý Do 'Squid Game' Gây Sốt - VnExpress Giải Trí
Có thể bạn quan tâm
Squid Game (tên Việt: Trò chơi con mực) kể về hành trình của Gi Hoon (Lee Jung Jae), gã đàn ông trung niên thất nghiệp, nghiện cờ bạc và đang nợ hàng trăm triệu won. Để kiếm tiền trả nợ, Gi Hoon nhận lời mời tham gia trò chơi kỳ lạ được tổ chức trên một hòn đảo biệt lập. Anh cùng 455 người chơi phải vượt qua sáu màn để nhận số tiền thưởng 45,6 tỷ won. Theo luật, chỉ duy nhất một người chiến thắng, những kẻ thua cuộc sẽ bị ban tổ chức hoặc chính các người chơi kết liễu mạng sống.
Chín tập khởi chiếu ngày 17/9 nhanh chóng lọt vào danh sách 10 tác phẩm được xem nhiều trên Netflix các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Hàn Quốc, phim ra mắt ở vị trí thứ hai và leo lên đầu bảng chỉ sau một ngày. Ở Mỹ, series nhanh chóng vượt nhiều đối thủ để giữ vị trí số một vào ngày 21/9, trở thành loạt phim Hàn đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng của Netflix Mỹ.
Giám đốc nội dung của Netflix, Ted Sandaros, dự đoán nhiều khả năng series là chương trình thành công nhất của hãng từ trước đến nay, dù không đưa ra số liệu cụ thể. Thông thường, hãng thống kê độ phổ biến của chương trình bằng cách đếm số người xem ít nhất hai phút trong 28 ngày đầu phát hành. Theo Cnet, Squid Game chỉ mới phát hành hơn mười ngày nhưng có thể vượt Bridgerton lẫn Lupin để lập kỷ lục mới.
So với các tác phẩm thuộc dòng phim sinh tồn (survival film), kịch bản Squid Game có sức hút riêng nhờ khai thác các trò chơi dân gian gần gũi. Sáu màn đấu trong phim không phải giả tưởng mà được thiết kế dựa trên các trò có thật như bắn bi, hoa dâm bụt nở... Trò con mực gắn liền ký ức tuổi thơ người Hàn Quốc, phổ biến ở trường học suốt hai thập niên 1970, 1980.
Các trò chơi đặt khán giả vào không khí nghẹt thở, theo cấp độ khó tăng dần. Tham gia trò chơi đồng nghĩa nhân vật lao vào cuộc đua sinh - tử, hoặc chết hoặc chiến thắng. Một số trò mang tính may rủi cao như đi trên kính và tách kẹo, khiến số phận nhân vật trở nên khó đoán. Cuối mỗi màn đều có người bị kết liễu bằng cái chết bất ngờ. Ngoài ra, các nhà làm phim đặt các màn đấu ở cuối mỗi tập, tạo bàn đạp lôi kéo khán giả theo dõi tập tiếp theo.
Không chỉ xây dựng kịch bản lớp lang, Hwang Dong Hyuk liên tục cài cắm nút thắt qua mỗi tập. Bộ mặt thật của tổ chức bí ẩn đứng sau các trò chơi dần được lật mở, với nhiều điểm bất ngờ, khó đoán. Kịch bản còn chứa đựng nhiều tình tiết ẩn dụ, thôi thúc khán giả đi tìm lời giải. Ý nghĩa số thứ tự của từng người chơi được cài cắm, như Gi Hoon mang số 456 cũng là con số 45,6 tỷ won tiền thưởng.
Tác phẩm cũng lồng ghép những câu chuyện về tình người, tình cảm gia đình vốn là "đặc sản" của phim Hàn. Mỗi nhân vật đều được xây dựng với tính cách, số phận rõ ràng. Có ông già mắc bệnh u não, mẹ đơn thân, dân xã hội đen. Đứng trước số tiền thưởng trong mơ, họ đều bất chấp tất cả, sẵn sàng đánh đổi tính mạng để chiến thắng. Ngay cả Gi Hoon khi phải đối diện cái chết cũng dần biến chất, trở thành kẻ lừa lọc để sống sót. Yếu tố tâm lý giúp tác phẩm vượt khỏi phạm vi phim sinh tồn thông thường, để lại nhiều cảm xúc ngay cả khi phim khép màn.
Đạo diễn kiêm biên kịch Hwang Dong Hyuk nói với Variety: "Một trò chơi sinh tồn vừa mang tính giải trí vừa thể hiện bi kịch con người. Việc trò chơi được miêu tả cực kỳ dễ hiểu giúp người xem tập trung vào các nhân vật, thay vì phân tâm khi phải hiểu rõ luật lệ".
Phim còn là câu chuyện ngụ ngôn về xã hội tư bản hiện đại. Thông qua câu chuyện, Hwang Dong Hyuk khắc họa sự phân biệt giai cấp. Các người chơi đều thuộc tầng lớp thấp, chấp nhận tham gia vì cần tiền hoặc thiếu nợ. Đứng sau trò chơi chết người lại là những kẻ giàu có, dùng tiền để mua vui cho bản thân. Tổ chức bí ẩn mặc áo hồng cũng được phân cấp rõ ràng, với những ký hiệu vòng tròn, tam giác, ô vuông đại diện cho vai trò, nhiệm vụ. Đặt tiêu chí "công bằng" lên hàng đầu, nhưng bên trong tổ chức vẫn xảy ra những vấn nạn như gian lận, dối trá, buôn bán nội tạng...
Dàn diễn viên đóng vai trò lớn tạo nên thành công phim. Tài tử Lee Jung Jae vốn là gương mặt quen thuộc với khán giả Việt từ phim truyền hình Cảm xúc (1993). Hóa thân Gi Hoon, anh cho thấy nhiều góc cạnh của nhân vật, từ một người bị dồn đến chân tường trở thành kẻ bất chấp tất cả để đạt mục đích. Các diễn viên phụ đều làm tròn vai, dù xuất hiện ít hay nhiều cũng để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Chẳng hạn như Park Hae Soo trong vai Sang Woo - người em hàng xóm của Gi Hoon - hay Wi Ha Joon vai cảnh sát ngầm. Các diễn viên đều gây chú ý, lượng người theo dõi trên Instagram tăng vọt. Đặc biệt, nữ diễn viên Jung Ho Yeon - vai người chơi Triều Tiên - nổi tiếng ngay lần đầu đóng phim, số lượng theo dõi trên Instagram tăng từ 400.000 lên đến 6,2 triệu người.
Đội ngũ thiết kế sản xuất giúp phim gây ấn tượng mạnh về phần nhìn. Các trò chơi luôn được đặt trong bối cảnh nhiều màu sắc gợi nhớ thế giới trẻ thơ, tạo cảm giác thân thuộc. Trái ngược câu chuyện đen tối, từng khung hình sử dụng gam màu tươi sáng, hút mắt. Trang phục của các nhân vật cũng gây chú ý với hai màu xanh và hồng nổi bật, đại diện cho người chơi và nhân viên quản trò.
Những thử thách kích thích trí tò mò của người chơi, tạo xu hướng trên mạng xã hội, càng góp phần khiến phim được chú ý. Sau khi phim chiếu, hàng loạt người dùng Youtube và Tik Tok tìm cách nhại thử thách tách kẹo. Bất kỳ ai cũng có thể tự làm một chiếc kẹo dalgona tại nhà và thử thách bản thân. Nhiều video hướng dẫn làm kẹo ra đời. Trên eBay, bộ dụng cụ làm kẹo được bán với giá 30 USD (gần 700.000 đồng). Trong khi đó, chiếc áo thun đánh số 456 do nhân vật chính Gi Hoon mặc có giá 40 USD (khoảng hơn 900.000 đồng) chưa bao gồm chi phí vận chuyển, được nhiều người lùng mua.
Tại Hàn Quốc, các mô hình ăn theo phim được dựng tại khu vui chơi giải trí, thu hút khách tham quan. Phổ biến nhất là tượng búp bê biết xoay đầu ở tập một, hay hình ảnh các nhân viên tổ chức bí ẩn mặc đồ hồng. Các video quay lại những địa điểm này được tung lên Tik Tok khiến khán giả tò mò, đạt hàng triệu lượt xem.
Dù gây sốt, một số ý kiến cho rằng phim lạm dụng yếu tố bạo lực. Các cảnh máu me, bắn giết diễn ra quá nhiều, có thể gây ảnh hưởng đến người xem. Khi phát hành, nhà sản xuất dán nhãn C18 (cấm trẻ em dưới 18 tuổi) để khuyến cáo khán giả. Ngoài ra, ê-kíp mắc một số lỗi không đáng có như để lộ số điện thoại thật hay nhầm lẫn số thứ tự các nhân vật phụ.
Khi mùa một kết thúc, một số vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa được giải đáp khiến khán giả mong chờ câu trả lời ở mùa tiếp theo. Tuy nhiên, Hwang Dong Hyuk cho biết anh chưa có ý tưởng thực hiện phần hai. Anh nói: "Chỉ nghĩ thôi đã khá mệt. Nếu phải làm, chắc chắn tôi không thực hiện một mình. Tôi đang cân nhắc vị trí biên kịch và muốn có nhiều đạo diễn giàu kinh nghiệm".
Sơn Phước
- Wi Ha Joon - chàng cảnh sát phim 'Squid Game'
- 'Squid Game': Trò chơi trẻ em hóa đấu trường sinh tử
- Bị làm phiền vì số điện thoại giống trong phim
Từ khóa » đánh Giá Squid Game
-
Review Squid Game: Những điểm Thú Vị Của Bộ Phim Trò Chơi Con ...
-
Review Phim Squid Game - Trò Chơi Con Mực Cực Kỳ Hấp Dẫn
-
Review Phim Squid Game - Bộ Phim Sinh Tồn Phản ánh Mặt Trái Của ...
-
Review Squid Game: Được 100% Cà Chua Tươi Nhưng Khán Giả Việt ...
-
Squid Game: Season 1 (2021) - Rotten Tomatoes
-
Review Trò Chơi Con Mực, Phim Sinh Tồn Không Dành Cho Người Yếu ...
-
Review: 'Squid Game' Deserves All The Hype - Central Times
-
Review Squid Game: Khi Phim Sinh Tồn Không Hề “căng Não” | Tin Tức
-
TẤT TẦN TẬT VỀ SQUID GAME - YouTube
-
Review: 'Squid Game,' Is It Worth The Hype? - The Rice Thresher
-
Review: Squid Game - The Fangirl Verdict
-
Review: Squid Game Nails Portrayal Of Vast Inequality And Human ...
-
Review: Squid Game Makes Comments On Monetary Ambitions