Lý Giải Khoa Học Về Chiếc Váy Có Màu Sắc Gây Tranh Cãi - VnExpress

Vài ngày sau lễ cưới cuối tuần trước tại đảo Colonsay ở Scotland, Caitlin McNeill đăng bức ảnh này lên Tumblr và hỏi ý kiến phản hồi của những người bạn. NY Times hôm qua cho hay, bức ảnh kèm câu hỏi "chiếc váy này có màu gì" đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Nhiều người cho rằng chiếc váy có màu trắng và vàng, trong khi một số cho đây là chiếc váy có màu xanh và đen.

150226215539-black-blue-dress-2274-3832-

Chiếc váy gây tranh cãi về màu sắc. Ảnh: CNN

David Williams, một nhà khoa học chuyên về thị lực con người của Đại học Rochester, Mỹ, cho biết ánh sáng được tạo thành từ các bước sóng khác nhau và não bộ nhận thức chúng dưới dạng màu sắc. Ánh sáng đi vào võng mạc, bộ phận nhạy cảm với ánh sáng, kích hoạt các tế bào nón nhạy cảm với bước sóng đỏ, xanh lá cây hoặc xanh dương. Tuy nhiên, bước sóng mà mắt bạn phát hiện có thể không phải bước sóng của đối tượng mà bạn đang nhìn.

Duje Tadin, một chuyên gia về não bộ của Đại học Rochester, cho rằng điều này có thể do sự thay đổi số lượng tế bào cảm quang trong võng mạc. Mắt người có khoảng 6 triệu tế bào nhạy cảm với màu sắc và tín hiệu từ các tế bào đến não bộ sẽ giải mã màu sắc đó là gì.

"Khi nhìn vào một vật thể, ánh sáng mà mắt nhìn thấy tùy thuộc vào hai yếu tố: vật thể đó được chiếu sáng như thế nào và các đặc tính bên trong của nó là gì. Do đó, bộ não luôn phải xử lý để nhận diện màu sắc thực sự của đối tượng", Live Science dẫn lời Williams nói.

Quá trình chiếu sáng lên vật thể có thể tùy thuộc vào thời điểm trong ngày, hoặc sự khác biệt giữa ánh sáng đèn sợi đốt hoặc huỳnh quang. Tuy nhiên, não gần như có thể xác định màu sắc đúng của một đối tượng một cách chính xác.

Trong trường hợp của chiếc váy này, mọi người nhìn thấy nó thành hai nhóm màu sắc khác nhau không phải vì họ mù màu. Williams cho rằng não bộ của mỗi người có thể có những giả định khác nhau về việc chiếc váy đó được chiếu sáng như thế nào.

Ví dụ, nếu não bộ giả định ánh sáng trên chiếc váy rất mờ, nó sẽ cho rằng đối tượng có độ phản chiếu cao, hay biểu hiện ở màu vàng và trắng. Nếu giả định điều ngược lại (sáng hơn chứ không phải mờ), nó sẽ quyết định đây là chiếc váy tối màu, hay màu xanh và đen.

Trong đời sống hàng ngày, nhiều vật thể khác cũng được chiếu sáng theo cách tương tự. Não bộ của chúng ta có thể phân biệt được ánh sáng từ một bộ trang phục từ màu sắc thực của nó. Đây là vấn đề liên quan đến bối cảnh xung quanh.

Trong bức ảnh của Caitlin McNeill, chiếc váy chiếm gần như toàn bộ hình ảnh, và người nhìn khó nhận biết cách thức nó được chiếu sáng. "Nhiều ý kiến giải thích khác nhau về việc nó được chiếu sáng như thế nào đồng thời tạo ra một loạt cách diễn giải về màu sắc thực của nó", Williams cho hay. Ông nhận định trường hợp này là một ví dụ điển hình về hiện tượng ảo ảnh quang học.

Một giả thuyết khác có thể là khả năng nhận thức màu sắc của con người. Khi tín hiệu về ánh sáng xung quanh biến mất, có người có thể nhận thức cùng một màu theo nhiều cách khác nhau.

Anh Hoàng

Từ khóa » Cái Váy Màu Gì