Ly Kỳ Nghe Chuyện Về Giang Hồ Sài Gòn Trước 1975 - Sống Đẹp

Nghèo nhưng giàu chữ tín

Giống hệt nhân vật thầy giáo Hai Thành trong vở cải lương Đời cô Lựu, giang hồ Sài Gòn thời Pháp thuộc hầu hết là những tá điền dốt đặc cán mai, không chịu nổi ách áp bức bóc lột của bọn cường hào ác bá mà bỏ đi làm cướp. Những người này trôi dạt lên Sài Gòn – Chợ Lớn sống lang thang, ban ngày làm cu li, tối đến hành nghề đạo tặc.

Thời kỳ này, khắp Nam kỳ lục tỉnh không có tay giang hồ nào quậy phá làng xóm hay trộm chó bắt gà cả. Họ sống rất anh hùng, trọng nghĩa, khinh tài, khiến chính quyền thực dân Pháp cùng bọn tay sai ăn ngủ không yên, luôn tìm cách bắt bớ và tiêu hủy các băng nhóm giang hồ để diệt trừ hậu họa. 

ly-ky-nghe-chuyen-ve-giang-ho-sai-gon-truoc-1975-2

Vào những năm 1920-1930, lãnh địa giới giang hồ gồm Chợ Lớn, Lăng Ông - Bà Chiểu, Xóm Thuốc (Gò Vấp), bến phà Thủ Thiêm, cầu Sắt (Đa Kao) và bến xe Lục tỉnh. Giới giang hồ đầu thế kỷ 20 đều có bản lĩnh, võ nghệ đầy mình, không bao giờ ỷ đông hiếp yếu. Đáng nói phải kể đến những cuộc đụng độ của Bảy Viễn với Mười Trí, quyền sư Mai Thái Hòa với Tư Ngang tại “hãng phân” Khánh Hội (quận 4), “thầy ngải” Nguyễn Nhiều cùng trùm du đãng khu lò heo Gia Định – Phillip – ở cầu Sơn (Thị Nghè)… 

Giang hồ Sài Gòn trước 1975 tuy nghèo nhưng giàu chữ tín, cư xử nghĩa khí. Họ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nhân vật trong các pho truyện “Tàu” được bán khắp các bến xe do nhà in Tín Đức Thư Xã ấn hành. Để khẳng định tên tuổi, không ít tay du đãng sừng sỏ lấy biệt danh là Võ Tòng, La Thành, Đơn Hùng Tín, Tiểu Lý Quảng, Triệu Tử Long, Đông Phương Sóc…  

Long tranh hổ đấu

Thời đó có tồn tại 2 câu chuyện vô cùng nổi tiếng về giới giang hồ Sài Gòn. Chuyện đầu tiên xảy ra năm 1936, trùm du đãng Bảy Viễn vì tội cướp tiệm vàng nên bị đày ra đảo Côn Lôn, bị biệt giam tại phòng 5 và đụng độ với Khăm Chay - một tướng cướp trên núi Tà Lơn, võ nghệ cao cường và được chúa đảo Bouvier đỡ đầu với chính sách dùng tù Miên trị tù Việt. 

ly-ky-nghe-chuyen-ve-giang-ho-sai-gon-truoc-1975-3

Trong cuộc so tài, Bảy Viễn dùng cú đá xỉa bằng năm đầu ngón chân trúng nhân trung (yếu huyệt) Khăm Chay khiến hắt dập sống mũi, môi, gãy răng, máu tuôn xối xả. Từ đó, cọp rằn Khăm Chay lặn mất tăm. 

Chuyện thứ 2 là khi thủ lĩnh Bình Xuyên – Ba Dương đề nghị Sáu Cường ủy lạo gạo, tiền nuôi binh đánh Tây. Sáu Cường có chân to như chân voi đã dõng dạc tuyên bố: “Nếu Ba Dương chịu nổi một cước thì muốn bao nhiêu gạo cũng được”. Sau khi chấp nhận, trận thư hùng đã diễn ra tại bến xe An Đông. Sở hữu ngoại hình nhỏ con, nhưng khi Sáu Cường xuất chiêu Ba Dương luồn lách uyển chuyển như con rắn, dùng “xà tấn” tránh né đồng thời dùng “hạc quyền” chạm vào hạ bộ đối phương. 

Sáu Cường liên tục tung 3 cú đá mạnh nhanh như điện đều bị né tài tình, còn Ba Dương đánh trúng nhẹ với ngụ ý cảnh cáo. Biết đụng trúng cao thủ, trùm giang hồ bến xe An Đông dừng quyền, nghiêng người cúi đầu cung kính trước Ba Dương và giao kèo trước đó được hai tay anh chị thực thi chóng vánh. 

Lớp giang hồ mới xuất hiện

Giang hồ theo kiểu anh hùng trong phim kiếm hiệp Trung Quốc dần bị xóa sổ sau khi chế độ Diệm – Nhu bị đảo chính và triệt hạ. Đến những năm đầu 60, trào lưu “Làn Sóng Mới” (Le Nouvel Vague) từ phương Tây đổ bộ, một số tay anh chị bắt đầu xuất hiện trở lại, chia nhau hùng cứ những khu vực manh mún ở Sài Gòn.

ly-ky-nghe-chuyen-ve-giang-ho-sai-gon-truoc-1975-4

Báo chí Sài Gòn thường xuyên đề cập cụm từ “hippy choai choai”, ý chỉ những người trẻ ăn mặc theo kiểu cao bồi miền Tây Texas (Hoa Kỳ) với quần jeans, áo sơ mi ca rô sọc to xanh đỏ, giày ống cao gót, tóc dài phủ cả gáy, phóng xe máy Sachs như điên trên đường phố, miệng phì phèo thuốc lá Salem

Cứ tối đến, nhóm giang hồ tới phòng trà, vũ trường giá “hạt dẻ” như Anh Vũ, Bồng Lai, Melody, Lai Yun (Lệ Uyển), Arc En Ciel (khu Tổng Đốc Phương), ngã tư Bảy Hiền, hồ bơi Chi Lăng, Victoria (Phú Nhuận)… Họ sẵn sàng gây sự, đập phá, đâm chém để khẳng định mình là dân máu mặt. 

Đầu thập niên 60, sau cuộc chính biến lật đổ Ngô triều, trật tự đô thị Sài Gòn càng khó kiểm soát. Nhiều thành phần “cao bồi” xuất hiện khẳng định tên tuổi, có thể kể đến Cà Na ở khu Tân Định, Bích “Pasteur”, Búp “Moderne”, Bình “thẹo”, Lộc “đen”, Hân “Faucauld”, Sáu “già”, Nhã “xóm chùa”…

Vùng đất màu mỡ quận 1 do “tứ đại thiên vương” Lê Đại, Huỳnh Tỳ, Ngô Văи Cái, Nguyễn Kế Thế chia nhau cai quản. Quận 3 thì có Minh “nhảy dù”, Cẩm “Mambo”, Lâm “thợ điện”, Hùng “mặt mụn”. Quận 5 thì có Tín Mã Nàm (Nàm Chẩy), Sú Hùng, Hổi Phoòng Kiên, Trần Cửu Can, Ngô Tài… 

Đáng chú ý, giới giang hồ Sài Gòn thập niên 60 – 70 còn xuất hiện một “bóng hồng sát thủ”. Đó chính là Lệ Hải - người tình một năm của ông trùm Đại “Cathay”. Lê Hải có xuất thân trâm anh thế phiệt, con nhà giàu có gia giáo lại là cựu nữ sinh trường Marie Curie, thi đỗ tú tài I. Năm 17 tuổi, Lệ Hải đã có bằng lái ô tô, hằng đêm lướt đến các vũ trường trên chiếc Toyota Corolla màu đỏ cánh sen bóng lộn.

Lê Hải làm người tình của bác sĩ Nghiệp – một thầy thuốc có ngoại hình, trí thức, người luôn có mặt cạnh Đại “Cathay” ở các phòng trà, động hút. Sau này, Lệ Hải được bác sĩ Nghiệp sang tay cho Đại “Cathay” trong một đêm sinh nhật thác loạn tổ chức ở phòng trà Lido trên đại lộ Trần Hưng Đạo, Q.5. Chỉ sau một đêm mặn nồng, Lệ Hải bỏ nhà đi theo cùng Đại “Cathay”, sống như vợ chồng. 

Tuy nhiên, chỉ một năm sau Lệ Hải cũng bỏ người tình, cặp kè với nhiều nhân vật giàu có thế lực, vừa thỏa mãn tình lại dễ moi tiền. Chẳng bao lâu sau, Lệ Hải lột xác thành nữ chúa trong giới giang hồ, được Đạt “ba thau” xăm trổ cho hình bông hồng đỏ dưới rốn và con rắn phùng mang nơi ngực trái.

Tháng 4/1975, sân bay Biên Hòa bị quân giải phóng đánh chiếm, Lệ Hải vội vã cùng chồng hờ – một ông chủ salon ô tô người Hoa giàu nứt đố đổ vách – mua tàu vượt biển di tản qua Úc, sau đó sang Anh định cư. Sau khi chồng hờ đột tử, Lệ Hải sống lặng lẽ, cô độc trong tòa biệt thự xa hoa, lộng lẫy, không con cái cũng chẳng có người thân đến cuối đời.

Xem thêm: Kinh đô Thăng Long - Hà Nội và ký ức về những lần thành trống, nhà không trong lịch sử

Từ khóa » Bóng Hồng Sát Thủ Lệ Hải