Lý Thường Kiệt- Thân Thế Và Sự Nghiệp

Lý Thường Kiệt- thân thế và sự nghiệp

LÝ THƯỜNG KIỆT ( 1019 – 1105 )

“Ông là người giàu mưu lược, có biệt tài làm tướng súy, làm quan trải thờ ba đời vua, phá Tống, bình chiêm, công lao đức vọng ngày một lớn, được vua sung ái, là người đứng đầu các bậc công hầu vậy”

Phan Huy Chú

( Lịch triều hiến chương loại chí)

tuong dai ly thuong kiet

Lý Thường kiệt là một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc Việt Nam hồi thế kỷ XI, ông là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ và bà Hàn Diệu Chi, người làng An Xá, huyện Quảng Đức (nay là làng Cơ Xá, Gia Lâm Hà Nội).

Đúng như Phan Huy Chú nói, Lý Thường Kiệt là “ người đứng đầu các bậc công hầu” của triều Lý. Nhưng ông không phải là người họ Lý chính tông, vốn người họ Ngô, tên húy là Tuấn. Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt, sau vì có công, được vua sung ái nên được ban quốc tính ( tức lấy họ của vua). Sau này, khi có danh vọng lớn trong triều, ông cùng gia đình dời nhà về phường Thái Hòa, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long ( nay là Hà Nội). Vì vậy mà hậu thế chỉ biết đến tên gọi là Lý Thường Kiệt, ít ai biết đến ho và tên thật của ông.

Lý Thường Kiệt sinh năm Kỷ Mùi 1019, tức năm Thuận Thiên thứ 10, đời vua Lý Thái Tổ ( 1010 – 1028), sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành và làm quan. Thủa nhỏ ông rất thông minh, chăm đọc sách binh thư, chăm luyện tập võ nghệ và ông có một người em trai là Thường Hiển. Năm ông 13 tuổi (1031) cha mất, năm 18 tuổi (1036) mẹ ông cũng qua đời. Ông được chồng của cô giúp đỡ nên quyết tâm học võ và học chữ để làm rạng danh cho đất nước và gia đình. Sử cũ chép rằng, lúc còn trẻ, ông là người có vẻ mặt ‘tươi đẹp lạ thường”, nên năm 23 tuổi được tuyển làm Hoàng Môn Chi Hậu ( tức là một hoạn quan nhỏ trong triều). Nhưng cũng từ đây, Lý Thường Kiệt bắt đầu một quá trình lâu dài và liên tục.

Lý Thường Kiệt làm quan trải thờ ba đời vua là Lý Thái Tông ( 1028 – 1054), Lý Th ái Tông ( 1054 – 1072) và Lý Nhân Tông ( 1072 – 1127). Từ một chức hoạn quan nhỏ Lý Thường Kiệt được thăng dần đến chức Phụ Quốc Thái Phó, Dao Thụ Chư Trấn Tiết Độ, Đồng Trung Thư Môn Hạ, Thượng Trụ Quốc, Hà Thái Úy, Tước Khai Quốc Công và được nhận làm Thiên Tử Nghĩa Đệ ( em kết nghĩa của Thiên Tử).

Sinh thời Lý Thường Kiệt có ba cống hiến lớn. Một là, không ngừng nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết vì nghĩa cả, không ngừng nêu cao phẩm giá trung quân ái quốc của các bậc đại thần khi vận nước lâm nguy cũng như non sông được thái bình. Hai là, góp phần đắc lực cùng vua và triều đình trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đặc biệt là góp phần củng cố sức mạnh của guồng máy nhà nước đương thời. Ba là, vạch kế hoạch chiến lược và trực chỉ huy những trận đánh lừng danh nhất của thế kỷ XI, đập tan hoàn toàn mưu đồ xâm lăng nguy hiểm và xảo quyệt của quân Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà. Trong thời gian khoảng hơn chục năm sau khi Lý Thánh Tông qua đời ( 1069 ), Lý Thường Kiệt thực sự là linh hồn của đất nước, là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong sự nghiệp điều khiển vận mệnh quốc gia. Ở một chừng mực nào đó, cũng có thể nói rằng, Lý Thường Kiệt gần như vua của nước nhà trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước ở thế kỷ XI.

Về mặt văn hóa, Lý Thường Kiệt cũng đã có những đóng góp to lớn. Ông đã để lại cho đời một số áng văn thơ, trong đó nổi bật bài thơ tứ tuyệt không đề, được hậu thế chọn bốn câu thơ đầu làm đề để dễ truyền tụng, đó là bốn chữ Namquốc sơn hà. Nam quốc sơn hà là một trong những áng thiên cổ hùng văn, có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước nhà, và bài hịch Phạt Tống lộ bố văn ( bài văn công bố đánh giặc Tống).

Lý Thường Kiệt qua đời vào tháng sáu năm Ất Dậu (1105) thọ 86 tuổi. khi mất được phong tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, được lập đền thờ ở nhiều nơi. Điều đáng nói là trước khi qua đời một năm ( năm 1104, tức là năm đã 85 tuổi), Lý Thường Kiệt vẫn còn là một tướng tổng chỉ huy quân đội, đã đánh và đánh thắng một trận rất lớn ở phía Nam đất nước.

Năm 1126 ( tức là 23 năm sau khi Lý Thường Kiệt qua đời) nhà sư Thích Pháp Bảo có soạn bài Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh ( khắc trên bia, đặt ở chùa Linh Xứng), trong đó có đoạn: Việt hữu Lý công,

Cổ nhân chuẩn thức.

Mục quận lý ninh,

Chưởng sự tất khắc.

Danh dương hàm hạ,

Thanh trấn hà vực.

Dịch nghĩa là:

Nước Việt có người họ Lý,

Theo đúng phép của người xưa.

Đã cầm quân là tất thắng lợi,

Đã trị nước thì dân được yên.

Danh lẫy lừng thiên hạ,

Tiếng vang khắp xa gần.

Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống, bình Chiêm, đánh đâu thắng đấy. Ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao xuất sắc. Ông là một nhân cách lớn. Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn đã ca ngợi ông như sau: “ Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để nỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả”.

Vậy, Lý Thường Kiệt là một anh hùng bậc nhất của đời lý mà tên tuổi và sự nghiệp vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

Từ khóa » Tiểu Sử Về Lý Thường Kiệt