Lý Thuyết Chức Năng - Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Lý thuyết chức năng là một trường phái lý thuyết do các nhà nhân học xã hội Anh phát triển, gọi là chức năng luận (functionalism) và kiến tạo phương pháp dân tộc học độc đáo dựa vào quan sát tham gia. Chức năng luận bao hàm hai trường phái lý luận có những luận điểm có phần khác nhau, đó là “chức năng luận” (functionalism) gắn với các ý tưởng của Bronislaw Malinowski (1884-1942) và “chức năng luận-cấu trúc” (structural-functionalism) gắn với các ý tưởng của Alfred Reginald Radcliffe-Brown (1881-1955).
Mục lục
- 1 Chức năng luận
- 2 Chức năng luận-cấu trúc
- 3 So sánh
- 4 Điểm mạnh và hạn chế
- 5 Tài liệu tham khảo
Chức năng luận[sửa]
Bronisław Kasper MalinowskiBronislaw Malinowski sinh năm 1884 ở Cracow, Ba Lan, tốt nghiệp đại học với bằng danh dự các ngành toán, vật lý và triết học ở Cracow vào năm 1908 và sau đó học Nhân học tại Trường Kinh tế London (London School of Economics). Năm 1914, Malinowski đi nghiên cứu điền dã ở quần đảo Trobriand thuộc New Guinea, và một cách tình cờ, ông buộc phải dừng lại ở đó vì Chiến tranh Thế giới lần thứ I bùng nổ. Từ 1914 đến 1918, được chính phủ Australia cho phép và cấp kinh phí, Malinowski đã ba lần từ Australia đi New Guinea điền dã 30 tháng ở quần đảo này. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ I, ông dạy học ở một số trường đại học, rồi trở về Trường Nghiên cứu Kinh tế London giảng dạy từ 1922 đến 1938. Những năm giảng dạy ở Trường Nghiên cứu Kinh tế London là khoảng thời gian Malinowski có ảnh hưởng mạnh nhất đến ngành Nhân học xã hội ở Anh quốc. Năm 1938, khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II chuẩn bị nổ ra, Malinowski đang ở Mỹ và ông quyết định ở lại Mỹ, sau đó mất vào năm 1942 khi ông mới nhận làm việc tại Đại học Yale. Ngoài nghiên cứu điền dã dân tộc học ở New Guinea, Malinowski còn điền dã dân tộc học ở châu Phi và Mexico.
Với thành công và đóng góp đặc biệt của ông trong nghiên cứu điền dã dân tộc học, xây dựng lý thuyết, và đào tạo, Malinowski trở thành một trong những người sáng lập Nhân học xã hội, và là người có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Nhân học thế giới. Những đóng góp quan trọng nhất của Malinowski nằm ở hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết với nhau trong nghiên cứu nhân học từ thời Malinowski, đó là phương pháp điền dã dân tộc học và lý thuyết chức năng. Malinowski phản đối mạnh mẽ các nhà tiến hóa luận nghiên cứu nhân học kiểu ghế bành của thế kỷ XIX, và ông đã kiến tạo truyền thống nghiên cứu nhân học dựa vào điền dã dân tộc học trong một thời gian dài gắn với phương pháp quan sát tham gia và sử dụng ngôn ngữ của đối tượng nghiên cứu. Dù đã xuất hiện từ trước, Malinowski được công nhận là cha đẻ của phương pháp quan sát tham gia, một phương pháp nghiên cứu dân tộc học độc đáo giúp nhà nhân học quan sát từ bên trong một cách chủ quan và phân tích từ bên ngoài một cách khách quan. Đến nay, quan sát tham gia được coi là phương pháp định danh điền dã dân tộc học và cách điền dã dân tộc học của Malinowski vẫn là chuẩn mực cho sinh viên ngành Nhân học và những ai muốn thực hành điền dã dân tộc học.
Quan điểm lý luận của Malinowski được gọi là chức năng luận. Về nguồn gốc, cả chức năng luận của Malinowski và chức năng luận-cấu trúc của Radfliffe-Brown ở Anh quốc đều có ảnh hưởng từ “phép loại suy hữu cơ” của nhà lý thuyết xã hội người Pháp thế kỷ XIX là Emile Durkheim (1858-1917). Phép loại suy cho rằng, xã hội tồn tại như một cơ thể con người, có cấu trúc xã hội, chức năng xã hội, và nghiên cứu khoa học xã hội cần gắn với tiến hóa xã hội. Tuy nhiên, các nhà nhân học xã hội Anh đương thời không quan tâm đến khía cạnh tiến hóa xã hội mà chỉ tập trung vào cấu trúc xã hội và chức năng của các thiết chế xã hội.
Theo đó, chức năng luận nhấn mạnh đến cá thể, xã hội và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Chức năng luận quan tâm đến cá thể, nhu cầu của cá thể và nhấn mạnh đến chức năng của các thiết chế xã hội trong việc thỏa mãn nhu cầu của cá thể chứ không phải vì tổng thể xã hội hay nhóm. Chức năng luận cho rằng xã hội có các thiết chế xã hội có chức năng phục vụ cho mục đích cơ bản của cá thể con người. Malinowski cho rằng cá thể con người có bảy nhóm nhu cầu, cả về sinh học lẫn tâm lý, và các nhu cầu này được thỏa mãn thông qua các đáp ứng mang tính văn hóa.
Quan điểm lý thuyết chức năng của Malinowski được thể hiện rõ trong các nghiên cứu của ông, trong đó một ví dụ hay và được nhiều người đọc là Argonauts of the Western Pacific, xuất bản năm 1922. Một điểm quan trọng trong cuốn sách này là Malinowski đã phát hiện ra vòng kula ở quần đảo Trobriand. Malinowski tìm hiểu vòng kula và các quy định trao đổi kula, đó là sự trao đổi vòng cổ theo chiều kim đồng hồ và sự trao đổi vòng cổ tay theo vòng ngược kim đồng hồ giữa các nhóm cư dân ở các đảo khác nhau. Dù sự trao đổi vòng cổ và vòng cổ tay này mang tính nghi lễ, nhưng vòng kula lại tăng cường sự cố kết và quan hệ liên minh giữa các nhóm cư dân ở các đảo khác nhau trong quần đảo này. Công trình nghiên cứu dân tộc học này của Malinowski không chỉ cho thấy sự bao dung của ông đối với các phong tục xa lạ mà còn làm cho người đọc thấu hiểu được chức năng của các phong tục rất khác biệt với các phong tục của chính xã hội nhà nghiên cứu.
Chức năng luận-cấu trúc[sửa]
Alfred Reginald Radcliffe-BrownAlfred Reginald Radcliffe-Brown sinh năm 1881 ở Birmingham, Anh quốc. Là một trong những cha đẻ của truyền thống Nhân học xã hội Anh, trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Radcliffe-Brown tham gia cuộc thám hiểm năm 1910 nghiên cứu các bộ tộc thổ dân ở các đảo nằm giữa New Guinea và Australia. Ông là nhà nhân học đầu tiên được bổ nhiệm chức danh giáo sư ở Đại học Oxford, Anh quốc. Từ 1926 đến 1931, Radcliffe-Brown dạy Nhân học ở University of Sydney, Australia. Cuốn sách đầu tiên của ông là Andaman Islanders xuất bản năm 1922 là về xã hội của các cư dân ở quần đảo này. Cuốn sách thứ hai tựa đề Social Organization of Australian Tribes (1931) viết về những người thổ dân ở Australia.
Radcliffe-Brown gắn bó với chức năng luận-cấu trúc dựa trên nền tảng tri thức của nhà tư tưởng xã hội Emile Durkheim nhằm định nghĩa các cấu trúc thân tộc trên cơ sở sự thích nghi, chia tách và hợp nhất. Theo ông, thân tộc được định nghĩa là mối quan hệ máu mủ hay hôn nhân giữa một nhóm người với nhau. Các xã hội công nhận các mối quan hệ này dựa trên cơ sở dòng máu như là một dòng tộc có chung một tổ tiên. Tuy nhiên, trong một số xã hội, khái niệm thân tộc có thể mở rộng ra bên ngoài gia đình sang các nhóm hay bộ lạc mà có thể coi là cùng thân tộc huyết thống.
Radcliffe-Brown thực hiện nghiên cứu điền dã dân tộc học ở châu Phi và ở các đảo Andaman thuộc Tây Bắc Á. Ông tập trung vào cấu trúc của xã hội và nhấn mạnh đến chức năng của các thiết chế xã hội là nhằm duy trì sự tồn tại của xã hội. Theo ông, cấu trúc xã hội là một hình thức bao quanh của xã hội, và chức năng xã hội là vai trò của các thiết chế xã hội trong việc duy trì tổng thể xã hội. Kết quả của chức năng xã hội là một cấu trúc xã hội được duy trì ổn định. Nghĩa là, Radcliffe-Brown cho rằng các thiết chế xã hội như chính trị, kinh tế, tôn giáo, v.v., có chức năng kết nối xã hội thành một chỉnh thể. Chẳng hạn, trong các xã hội có qui mô nhỏ, các thiết chế xã hội dựa trên các mối quan hệ thân tộc có chức năng tăng cường tính cố kết của nhóm. Các chuẩn mực quy định những ứng xử cụ thể, các bổn phận, nghĩa vụ của các thành viên trong các mối quan hệ thân tộc thúc đẩy trật tự và sự ổn định của xã hội. Vì thế, Radcliffe-Brown cho rằng các thiết chế xã hội này có chức năng phục vụ nhu cầu của xã hội.
So sánh[sửa]
Về sự tương đồng, điểm nổi bật nhất là cả chức năng luận và chức năng luận-cấu trúc đều tập trung vào khám phá và phân tích mối quan hệ của các thiết chế khác nhau để tìm hiểu xem các thiết chế này có chức năng gì trong việc phục vụ xã hội và cá thể. Một điểm quan trọng nữa là cả hai trường phái chức năng luận và chức năng luận-cấu trúc trong Nhân học xã hội Anh đều lập luận rằng xã hội là một thực thể hài hòa và ổn định, khác với các nhà tiến hóa luận coi xã hội thiên về biến đổi từ thấp lên cao theo một chiều tiến hóa đơn nhất, hay các nhà lý luận Mác-xít cho rằng xã hội chứa đựng mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng vì bất bình đẳng trong sở hữu tư liệu sản xuất. Các nhà nhân học xã hội Anh cũng có điểm chung là họ chỉ dừng lại ở tiếp cận đồng đại và không cho rằng Nhân học xã hội kết nối với Nhân chủng học, Khảo cổ học và Ngôn ngữ học để tạo thành một ngành khoa học nghiên cứu toàn diện về con người như các nhà nhân học theo chủ nghĩa đặc thù lịch sử ở Mỹ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Điểm khác biệt cơ bản giữa chức năng luận của Malinowski với chức năng luận-cấu trúc của Radcliffe-Brown là Malinowski nhấn mạnh đến chức năng trong khi Radcliffe-Brown nhấn mạnh đến cấu trúc. Malinowski cho rằng trong mối quan hệ giữa cá thể và xã hội, hay nhóm, thì các thiết chế xã hội có chức năng phục vụ nhu cầu của cá thể chứ không phải phục vụ nhu cầu của xã hội. Malinowski chứng minh rằng cá thể đã sử dụng các thiết chế xã hội và chuẩn mực văn hóa để thỏa mãn các nhu cầu cụ thể của mình. Nói cách khác, theo Malinowski, các thiết chế xã hội và chuẩn mực văn hóa tồn tại để thỏa mãn các nhu cầu này của cá thể con người trong xã hội. Trong khi đó, Radcliffe-Brown cho rằng các thiết chế xã hội có chức năng kết nối xã hội thành một chỉnh thể, tăng cường tính cố kết nhóm, thúc đẩy trật tự và sự ổn định của xã hội. Như vậy, theo Radcliffe-Brown, các thiết chế xã hội này có chức năng phục vụ nhu cầu của xã hội.
Để diễn đạt luận điểm này khác với chức năng luận-cấu trúc như thế nào, chúng ta có thể xem mỗi trường phái nhìn nhận như thế nào về nghi lễ tôn giáo. Đối với Radcliffe-Brown, mục đích của các nghi lễ tôn giáo là nhằm duy trì trật tự xã hội thông qua việc nhấn mạnh một số giá trị nào đó. Các nghi lễ tôn giáo tập hợp các thành viên trong xã hội lại với nhau, vì thế, chúng có chức năng phục vụ các giá trị chung và thúc đẩy cố kết nhóm. Đây là các nhu cầu của xã hội. Không thực hiện một nghi lễ tôn giáo cụ thể nào đó có thể sẽ tạo ra sự tức giận hay phản ứng trong các thành viên khác của một xã hội. Tuy nhiên, đối với Malinowski, việc thực hiện một nghi lễ tôn giáo như thế là để thỏa mãn nhu cầu của cá thể, ví dụ giảm đi sự bực dọc hay sự sợ hãi nào đó của cá thể. Một cá thể có thể cảm thấy bực dọc về một số vấn đề hay có sức ép nào đó của cuộc sống như cái chết, bệnh tật, đau khổ. Theo Malinowski, cá thể này sau đó sẽ thực hiện hay tham dự nghi lễ nhằm làm giảm đi sự bực dọc hay căng thẳng của mình. Vì thế, các nghi lễ trong trường hợp này có chức năng thỏa mãn nhu cầu của cá thể hơn là phục vụ cho nhu cầu của toàn thể xã hội nói chung.
Điểm mạnh và hạn chế[sửa]
Chức năng luận và chức năng luận-cấu trúc là các trường phái lý thuyết đã có ảnh hưởng quan trọng trong Nhân học. Bằng việc tập trung vào các chức năng cụ thể của các thiết chế trong các xã hội do các nhà nhân học nghiên cứu, chức năng luận và chức năng luận-cấu trúc đã thúc đẩy nghiên cứu điền dã dân tộc học và thu thập tài liệu dân tộc học nguyên gốc, chi tiết và có giá trị. Vì thế, giống với Franz Boas trong Nhân học ở Mỹ, Malinowski và Radcliffe-Brown trong Nhân học xã hội ở Anh đã có công lớn trong việc xây dựng truyền thống Nhân học xã hội và chuyển kiểu nghiên cứu ghế bành trong Nhân học xã hội Anh sang nghiên cứu điền dã dân tộc học trong một thời gian dài với quan điểm tương đối luận văn hóa và đào tạo được nhiều nhà nhân học nghiên cứu điền dã dân tộc học ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, chức năng luận và chức năng luận-cấu trúc như là các trường phái lý thuyết chức năng có điểm yếu. Thứ nhất, các lý thuyết chức năng không thể giải thích được vì sao các xã hội giống nhau và khác nhau. Tại sao một số xã hội có các thiết chế khác nhau trong khi các thiết chế giống nhau lại không thể đảm đương các chức năng giống nhau? Điểm yếu này xuất phát từ chỗ các nhà chức năng luận và chức năng luận-cấu trúc có xu hướng lãng quên các quá trình lịch sử. Họ không quan tâm đến nguồn gốc và sự tiến hóa của các thiết chế xã hội mà chỉ tập trung nghiên cứu xem các thiết chế này đã phục vụ nhu cầu của xã hội và cá thể như thế nào. Vì thế, họ không thể giải thích được ví dụ như tại sao xã hội Anh lại trải qua quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh như thế trong khi các xã hội khác lại không dù cả hai đều có những nhu cầu như nhau. Thứ hai, các nhà lý thuyết chức năng đã bỏ qua xung đột và không thể lý giải thỏa đáng biến đổi xã hội khi họ nhìn nhận xã hội là một thực thể tĩnh, hài hòa, không biến đổi, không mâu thuẫn. Họ không thể giải thích được vì sao nếu tất cả các thiết chế đều thực hiện một chức năng cụ thể, thì các thiết chế này lại không biến đổi.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Adam Kuper, Anthropology and Anthropologists. London, Toutledge & Kegan Paul, 1985.
- Marvin Harris,The Rise of Anthropological Theory. New York: Altamira Press, Updated Edition, 2001.
- Thomas Hylland Eriksen and Finn Sivert Nietsen, A History of Anthropology. London: Pluto Press, 2001.
- Bronislaw Malinowski, Argonauts of the Western Pacific. London: Routledge. First published in 1922.
- Alan Barnard, History and Theory in Anthropology. Cambridge: Cambridge University Press, 2005.
- Kathleen M. DeWalt and Billie R. DeWalt, Participant Observation: A Guide for Fieldworkers. New York: Altamira Press. Second Edition, 2011.
- McGee, R. John, Richard L. Warms, Anthropological Theory: An Introductory History. New York: Mayfield Publishing Company. The 5th Edition, 2012.
Từ khóa » Thuyết Chức Năng Của Xã Hội Học
-
Mọi Thứ Bạn Cần Biết Về Lý Thuyết Chủ Nghĩa Chức Năng
-
Hiểu Lý Thuyết Chức Năng - EFERRIT.COM
-
Thuyết Chức Năng [Xã Hội Học]
-
Phân Tích Các Lý Thuyết Xã Hội Học
-
(DOC) LÝ THUYẾT TRONG XÃ HỘI HỌC | Mai Pham
-
Bài Tiểu Luận Lý Thuyết Xã Hội Hoc: Lý Thuyết Cấu Trúc - Chức Năng
-
Bài 2: Các Chức Năng Cơ Bản Của Xã Hội Học - HOC247
-
Nghien Cuu Ly Thuyet Cau Truc Chuc Nang - Tài Liệu Text - 123doc
-
Lý Thuyết Cấu Trúc Chức Năng Trong Xã Hội Học
-
Xã Hội Học – Wikipedia Tiếng Việt
-
CÁC LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC HIỆN ĐẠI - Tài Liệu Text - 123doc
-
Tổng Quan Về Lý Thuyết Cấu Trúc - Chức Năng: GS.TS Lê Ngọc Hùng
-
Lý Thuyết Cấu Trúc Chức Năng Trong Xã Hội Học - Con Người Chúng Ta