Lý Thuyết Lực Ma Sát KHTN 6 Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

LỰC MA SÁT

I. Khái niệm lực ma sát

- Lực ma sát là lực tiếp xúc xuất hiện ở bề mặt tiếp xúc giữa hai vật.

- Độ lớn của lực ma sát phụ thuộc vào tính chất của bề mặt tiếp xúc giữa các vật. Mặt tiếp xúc càng gồ ghề thì lực ma sát càng lớn.

- Sự tương tác giữa bề mặt của hai vật tạo ra lực ma sát giữa chúng

II. Lực ma sát nghỉ và lực ma sát trượt

- Lực ma sát nghỉ là lực giữ cho vật đứng yên ngay cả khi nó bị kéo hoặc đẩy.

Ví dụ: Con người và một số động vật có thể đi lại được hoặc cầm, nắm được các vật nặng là nhờ có sự xuất hiện của lực ma sát nghỉ.

- Lực ma sát trượt là lực xuất hiện khi vật trượt trên bề mặt của vật khác.

Ví dụ:

+ Lực ma sát trượt xuất hiện khi em bé chơi cầu trượt

+ Lực ma sát trượt xuất hiện khi kéo một khúc gỗ trượt trên mặt bàn.

- Ngoài ra, còn có lực ma sát lăn. Ví dụ: ổ bi lắp ở trục quay (hình vẽ) có tác dụng chuyển đổi ma sát trượt thành ma sát lăn, làm giảm lực cản (lực ma sát) lên các vật chuyển động, đảm bảo cho các thiết bị, linh kiện, máy móc,... được vận hành một cách dễ dàng.

III. Tác dụng của lực ma sát đối với chuyển động

Lực ma sát có tác dụng cản trở hoặc thúc đẩy chuyển động.

Ví dụ:

- Khi phanh xe đạp, lực ma sát giữa hai má phanh với vành xe làm xe dừng lại => Cản trở chuyển động.

- Một người đẩy thùng hàng dễ dàng hơn khi xe đẩy có bánh lăn, khi đó giữa bánh xe và mặt sàn có lực ma sát lăn => Thúc đẩy chuyển động.

IV. Ma sát trong an toàn giao thông

Lực ma sát có vai trò quan trọng trong giao thông:

+ Lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường giữ cho bánh xe lăn trên đường không bị trượt.

+ Khi xe dừng, đỗ trên dốc, lực ma sát góp phần giữ cho xe không bị trượt dốc,…

+ Rãnh, gai trên vỏ lốp xe giúp tăng ma sát giữa bánh xe và mặt đường để xe dễ dàng chuyển động và chống lại hiện tượng trơn trượt khi di chuyển trên bề mặt ướt.

Sơ đồ tư duy về lực ma sát - KHTN 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống

Từ khóa » Sơ đồ Tư Duy Lực Ma Sát Lớp 6