Lý Thuyết Về Biểu Diễn Lực | SGK Vật Lí Lớp 8

BIỂU DIỄN LỰC

1. Tác dụng của lực

- Lực là nguyên nhân làm thay đổi vận tốc của chuyển động. Khi vận tốc của vật thay đổi, ta có thể kết luận đã có lực tác dụng lên vật.

- Lực có thể làm biến dạng, thay đổi chuyển động (nghĩa là thay đổi vận tốc) của vật.

Ví dụ:

- Lực hút của nam châm lên miếng thép làm tăng vận tốc của xe lăn nên xe lăn chuyển động nhanh lên.

- Lực tác dụng của vợt lên quả bóng làm quả bóng biến dạng và ngược lại lực của quả bóng đập vào vợt làm vợt bị biến dạng.

2. Biểu diễn lực

Lực là một đại lượng vectơ được biểu diễn bằng một mũi tên có:

- Gốc là điểm đặt của lực.

- Phương, chiều trùng với phương, chiều của lực.

- Độ dài biểu thị cường độ của lực theo tỉ lệ xích cho trước.

Chú ý:

- Các đại lượng vật lí có hướng là các đại lượng vectơ nên lực là đại lượng vectơ.

- Vectơ lực được kí hiệu là \(\overrightarrow{F}\) ; cường độ của lực được kí hiệu là F ; ba yếu tố của lực là : điểm đặt, phương và chiều, độ lớn ; kết quả tác dụng của lực phụ thuộc vào các yếu tố này.

- Ta thường dễ thấy được kết quả tác dụng lực làm thay đổi độ lớn vận tốc (nhanh lên hay chậm đi) mà ít thấy được tác dụng làm đổi hướng của vận tốc, chẳng hạn như :

+ Trong chuyển động tròn đều, lực tác dụng chỉ làm thay đổi hướng chuyển động.

+ Trong chuyển động của vật bị ném theo phương ngang, trọng lực P làm thay đổi hướng và độ lớn của vận tốc.

Sơ đồ tư duy về biểu diễn lực - Vật lí 8

Từ khóa » Tỉ Xích Của Lực