Ma Trường Nguyên: Người đốt Lửa Bằng Tim - Công An Nhân Dân

  • Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Kẻ rời bỏ thành phố
  • Nhà văn già Nguyễn Văn Thọ sắp biến thành nhà thơ trẻ
  • Câu thơ thương nhớ đời mình
  • Có một nhà thơ trong một nhà thư pháp

Hồi anh lên làm Phó Giám đốc Sở Văn hoá, gặp anh tôi bảo: “Chào quan anh”. “Quan gì mình”. “Thế ông anh đã thạo lên xe xuống xe, nhận ra vị trí của mình ở trong xe con, trong văn phòng chưa?”. Anh ra vẻ không hiểu, nheo mắt nhìn tôi cười hì hì, rồi bỗng bẹo vào sườn tôi một cái rõ đau, nói: “Tao đã kịp được ngồi xe con lần nào đâu, thằng đểu?”.

Tôi vẫn chưa buông tha, trêu tiếp: “Xét cho cùng, ông anh không có cái “mẽ” làm quan lắm đâu. Nhưng đã làm thì phải làm cho ra làm, lên xe xuống xe phải cho ra cái vẻ chứ đừng có mà xuề xoà qua loa quá, nhân viên nó coi thường thì hỏng chuyện!”.

“Úi giời, có chuyện chó gì đâu mà mày bảo nên chuyện. Mình thế nào cứ thế, quan cách gì được!”. Nói đoạn, anh kéo tôi vào “nhà”, thực ra đó là một căn phòng nom rất tạm bợ, nửa như của tập thể, nhìn người như người ở ké, ở tạm. Tôi nhăn nhó:

- Hỏng! Ông anh hỏng to. Phải thế nào chứ thế này thì hỏng to! - Tôi nói.

Ma Trường Nguyên đưa li nước lọc cho tôi, nheo nheo mắt cười hiền lành, bên trong cái cử chỉ hiền lành ấy ánh mắt anh rất tinh ranh, hóm hỉnh, ra vẻ không hiểu tôi nói hỏng là hỏng cái nỗi gì, nên mới bảo:

- Mày tinh tướng nhỉ, có giỏi thì về tỉnh lẻ mà công tác với bọn tao!

Chuyện mới đấy mới đây mà đã hơn chục năm rồi chứ ít gì đâu. Đang từ tóc xanh nay thành tóc bạc, không thông qua giai đoạn hoa râm, làm cán bộ sở, cán bộ hội, làm báo, làm thơ, viết văn, chưa nói cái sự làm cha làm chồng ở nhà, chơi với anh từ thuở học Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du khoá I, lúc đói cũng như khi no, lúc bận cũng như khi thanh nhàn, chưa bao giờ tôi thấy Ma Trường Nguyên vội vã. Đủng đỉnh làm cán bộ, đủng đỉnh làm thơ, viết văn, năm sáu tiểu thuyết rồi trường ca với lại dăm bảy tập thơ chứ ít ỏi gì đâu.

Nhà thơ Ma Trường Nguyên.

Cuốn tiểu thuyết “Rễ người dài” đoạt giải Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, vậy mà tôi vẫn thấy anh đủng đỉnh sống, đủng đỉnh nhìn sự đời, không kiêu căng, lập dị, cũng không sắc sảo, ồn ào. Không hiểu hồi chiến tranh anh sống và làm thơ thế nào, nhưng đọc thơ anh thời ấy thì khác hẳn lối sống của anh bây giờ.

Anh tự bạch:

Tôi tự nhủ: đời làm phóng viên Ngang dọc phải đi đến mọi miền. Súng nổ bom rơi là tiếng gọi Đi bằng tim và viết cũng bằng tim.

“Đi bằng tim và viết cũng bằng tim!”, quả có to tát và ghê gớm thật, nhưng ta hãy nhớ lại cái thời những năm cuối của thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đất nước đầy biến động, lớp thanh niên trí thức như Ma Trường Nguyên gia nhập quân đội hăng hái, làm gì cũng hăng hái, cũng nhiệt huyết, trái tim họ thuở ấy cuồng nhiệt và sôi nổi nên câu thơ trên không hề bị coi là sáo ngữ, to tát.

“Hà Nội trong nhịp đạp chân con” là một bài thơ có cái tứ rất lạ, rất điển hình cho sức sống quật cường đến kỳ lạ của con người Việt Nam vượt qua khốc liệt của chiến tranh, của sự tàn bạo mà kẻ thù gieo rắc. Ma Trường Nguyên viết tiếng Việt, kể chuyện bằng tiếng Việt nhưng lại theo lối tư duy độc đáo rất giàu hình tượng, giàu liên tưởng ví von của người Tày khiến bài thơ đã lạ, đã chênh vênh hồi hộp lại càng trở nên hấp dẫn gấp bội.

Mới đầu người mẹ kể (với đứa con trong bụng), cũng là kể với chúng ta về cuộc hành trình của mình:

Phía trước đạn nổ Phía sau bom vùi Trong lòng mẹ mang giọt máu con người Mẹ lội suối leo đồi từ nhịp đạp thầm của con khe khẽ.

Rồi chị kể về tội ác của kẻ thù, về sự khốc liệt của chiến tranh, và chị tâm sự với mình, với con, với cả chúng ta nữa:

Trên đường mẹ về Hà Nội Chặng dài thu ngắn lại Nhịp đạp chân con càng tăng

Và mẹ âu yếm nhắc nhở:

Đạp khẽ chứ con Để mẹ còn giữ sức Băng qua đạn bom Băng qua chết choc Đón sự sống ra đời

Câu chuyện gian nan khốc liệt được kể giản dị không lên gân, không né tránh sự thật với giọng thơ đầy kiêu hãnh nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh, tự tin, lạc quan:

Còn một tháng nữa thôi Niềm hạnh phúc tròn căng bụng mẹ Con được lớn trong tầm dũng sĩ Nên con đạp khoẻ thế con ơi

Rồi:

Bên trái chân con đạp Chắc con là trai? Bên phải chân con đạp Chắc con là gái?

Nhà thơ Ma Trường Nguyên và nhà thơ Hữu Thỉnh.

Nhà thơ - người mẹ, người mẹ - nhà thơ, và câu chuyện về cuộc hành trình “đi sinh nở” thời chiến của người phụ nữ. Cuối cùng rồi cũng đến đích đầy sung sướng:

Ôi nhịp đạp con tôi! Nhịp đạp con tôi Con cứ đạp đi đạp đi tự do rộng rãi Đếm bước chân mẹ đi, đếm bước niềm vui Thủ đô Hà Nội đây rồi! Chín tháng trời chân con đã đi trong bụng mẹ.

Cái độc đáo của thơ Ma Trường Nguyên là ở tứ. Cái hấp dẫn của thơ anh là ở lối tư duy rất Tày, nhưng thể hiện bằng ngôn ngữ Việt điêu luyện, không bị sa vào lạm dụng phía bên này hay phía bên kia (của cách sử dụng ngôn từ), tạo nên một phong cách riêng, có vẻ như thật thà đấy, nhưng không hẳn thế đâu, tác giả không vô tình đâu, đầy ý thức rèn luyện để tạo cho mình cái phong cách riêng, cái giọng riêng đấy.

Và đó mới thật là công phu lắm thay!

Tôi xin trích toàn bộ bài thơ viết về tình yêu, hay nói đúng hơn viết về tâm trạng chàng Ma thất tình, chờ nàng đến nhưng sao chẳng thấy bóng hình nàng đâu, hay là nàng đã phụ chàng? Cũng không hẳn thế, nhưng mà chàng thể hiện tình yêu thật mãnh liệt. Tôi đọc lên cứ thấy nó da diết sao sao rất Ma Trường Nguyên và tôi cũng muốn để bạn đọc hiểu cái lối tư duy rất Tày, rất dân tộc và cách thể hiện rất hiện đại của Ma Trường Nguyên:

Vắng lặng con chim nhốt tiếng Bầu trời trốn chạy còn đâu Cứ tự đốt tim mình ngọn nến Trào lên cháy lịm tim đau.

Em trốn chạy khỏi khung trời anh Mặt đất thành vô nghĩa Con chim hót không còn không khí Tắt lịm âm thanh.

Đất không còn trời xanh Anh không còn em nữa Vắng lặng trời không đất tựa Anh thắp tim lên tìm em ngọn lửa nến tàn.

(Vắng lặng - 1989)

Ma Trường Nguyên là người Tày chính gốc, nhưng anh giỏi tiếng Việt, sáng tác cả bằng hai thứ tiếng. Anh bảo tôi, tao như con gà mái đẻ trứng có hai lòng đỏ, mày bảo trứng tao "to" hơn bình thường tí, tao nhất trí. Tao làm thơ viết văn tư duy có hơi lẫn lộn khi Tày khi Việt, tính tình tao có lúc Việt Việt, Tày Tày, có lúc nghiêm trang, có khi hâm đơ, nhưng quyết không nhạt, mày thông cảm. Tao quan niệm viết văn mần thơ mà nhạt thì coi như mắc bệnh nan y, không chữa được. Đã nhạt là bó tay chấm com luôn, không bàn, biến!

Từ khóa » Bài Thơ Hoa Sớm Của Ma Trường Nguyên